Bài 1: Tiết học vật lý và những cuộc thi tài thú vị
Không chấp nhận tụt hậu, nhiều giáo viên mạnh dạn “cởi bỏ” lối dạy truyền thống, xây dựng phương pháp dạy học tích cực để lôi cuốn học sinh vào bài học, thúc đẩy tinh thần chủ động tiếp cận kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh.
Để học sinh chịu học, phải làm cho các em thích trước đã. Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên môn vật lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11, TP.HCM), nói về phương pháp dạy học của mình.
Nào ta cùng… ngước
Khi các đội thi đã vào vị trí sẵn sàng cho cuộc thi Tên lửa nước 2020, thầy giáo Phạm Đông Phương với mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” lại lóc cóc leo lên sân thượng Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
“Bảy năm tổ chức cuộc thi này, tôi chữa được căn bệnh sợ độ cao của mình”, thầy nói vui khi đứng trên sân thượng của ngôi trường bốn tầng lầu nhìn xuống những học trò dưới sân. Tiếng reo hò của học sinh dội lên khiến thầy cảm thấy cái nắng chói chang những ngày cuối tháng 11 như dịu đi, và nghề dạy học cũng “dịu dàng” hơn bao giờ hết.
Sau hiệu lệnh “bắt đầu!” được đếm ngược từ 10 về 0 của cô giáo làm trọng tài mặt đất, những chiếc tên lửa phóng lên giữa không trung; đồng thời, những cột nước phun lên như những cột khói máy bay phản lực vỡ ra, bắn tung tóe khắp sân trường.
Thầy Phạm Đông Phương hướng dẫn học sinh chế tạo tên lửa nước
Cứ mỗi lần chiếc tên lửa bay lên, cả ngôi trường rung chuyển giữa ngàn tiếng hò reo. Hàng trăm khuôn mặt từ sân trường cũng như ở lan can các tầng lầu đồng loạt ngửa lên nhìn trời.
Khoảnh khắc tên lửa bay lên diễn ra trong phút chốc, nhưng sự phấn khích của học sinh thì dường như vẫn để lại dư âm suốt nhiều ngày sau đó. Dù đội thi phóng tên lửa nước là phe nào thì mọi sự quan tâm, cổ vũ đều hào hứng như nhau. Đó thật sự là ngày hội của học sinh. Những khuôn mặt giãn ra sau những nụ cười, áp lực học tập tạm thời lắng xuống.
Video đang HOT
Cuối cùng, đội thi đến từ lớp 12A2 đã vượt qua 71 đội thi khác để trở thành nhà vô địch cuộc thi với độ cao tên lửa và độ bung dù tuyệt đẹp, thuyết phục ban trọng tài cũng như toàn thể học sinh. Bên cạnh đó, dù là đàn em “chân ướt chân ráo” vào trường, nhưng đội tên lửa lớp 10A11 được đánh giá là một đội trẻ có tiềm năng phát triển.
Các trận đấu hấp dẫn như thế đã diễn ra đều đặn bảy năm qua, thu hút đông đảo học sinh tham gia và cổ vũ. “Về mặt kỹ thuật, các đội thi năm nay đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều đội đầu tư cho đầu tên lửa, dàn phóng, thời gian thử nghiệm nên chất lượng cuộc thi rất cao. Điều đáng quý là các đội đã chuẩn bị tốt và thi đấu hết mình”, thầy Phương nhận xét sau trận chung kết.
Thích thì mới học
Tên lửa nước là cuộc thi vận dụng kiến thức chuyển động phản lực – một bài học môn vật lý lớp Mười. Khi phóng một tên lửa, khối khí bên trong được đốt nóng sẽ tạo nên lực đẩy cực mạnh giúp tên lửa đi lên. Ở đây, học sinh sẽ tận dụng những gì mình có, là một chai nhựa, ống nước và bơm nén khí bên trong…
Tên lửa nước là một sân chơi thường niên, với cuộc thi đầu tiên được tổ chức từ năm 2013, cũng là năm đầu tiên thầy Phương về trường. Do gắn với chương trình lớp Mười, nên khi phát động cuộc thi, cả ba khối cùng tham gia. Toàn trường có 46 lớp, nhưng có đến 72 đội dự thi. Nhiều lớp đăng ký hai đội, năn nỉ thầy cho thi.
Học sinh phấn khích trong hoạt động mang tính thực tế hóa những kiến thức từ bài học
Nói đùa rằng, mục đích cuộc thi “là một liệu pháp giúp học sinh chống… trầm cảm sau thi”, tuy nhiên, hoạt động này như một cách khiến học sinh chịu học hơn. “Để học sinh chịu học, phải làm cho các em thích trước đã. Thích thì mới học”, thầy Phương nói. Sân chơi đó còn bắt nguồn từ trăn trở của người thầy 15 năm trong nghề, là làm sao để nâng chất lượng đầu vào, để học sinh thấy rằng, đến trường được học, được chơi, được làm này làm nọ, và để không phụ lòng phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm con vào trường.
Trần Như Huỳnh, học sinh lớp 12A4, cho biết các bạn đã tham gia cuộc thi với rất nhiều niềm vui và phấn khích. Thông qua cuộc thi, các bạn không chỉ nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, sự đoàn kết giữa các thành viên trong đội để chế tạo thành công tên lửa nước, mà còn có cơ hội thực hành rất nhiều kiến thức môn học, như tính thể tích để cân bằng giữa áp lực khí và thể tích nước để bắn cao và mạnh, áp dụng vật lý về mũi nhọn xẻ gió để tên lửa bắn cao…
Với đội thi toàn nữ và tên lửa nước đã bay rất cao, nhưng đội của Huỳnh vẫn không có giải vì… các tên lửa khác bay cao hơn. Dù vậy, Huỳnh không buồn, vì những hoạt động này khiến em cảm thấy đời học sinh trở nên ý nghĩa.
“Đó không chỉ là sân chơi mà còn là nơi trau dồi kiến thức thực tế, gắn kết bạn bè, giúp thầy trò gần nhau hơn. Qua những vòng thi, quan sát, học hỏi để cải tiến, chỉnh sửa tên lửa của đội mình bay cao hơn, chúng tôi còn học được ở thầy sự kiên nhẫn và cố gắng”, Hứa Tuyết Nhi, thành viên đội 12A4, chia sẻ.
Có lẽ, đó là lý do khiến học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa yêu quý thầy dạy vật lý. Đó cũng là lý do mà học sinh trường này có được những thành tích đáng nể, và cũng là những thành tích đầu tiên ở bộ môn vật lý kể từ khi thầy Phương về trường. Trong 15 năm theo nghề, thầy đã miệt mài với những thay đổi, sáng tạo trong dạy học để một môn học vốn khô khan trở nên hiệu quả, để học sinh đón nhận việc học đầy cảm hứng.
Ngoài tổ chức cuộc thi tên lửa nước ở quy mô toàn trường, và các đội thi của trường đạt giải cao trong các kỳ thi do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, thầy Phương còn tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi đua xe năng lượng mặt trời do Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức với mong muốn đưa kiến thức từ sách vở đến gần với thực tế cuộc sống; để học sinh, ngoài tri thức còn có kỹ năng tốt vào đời…
(Còn nữa)
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020: Dùng tình thương để cảm hóa học trò
Bậc THCS và THPT là 2 bậc học có số lượng giáo viên được trao giải thưởng Võ Trường Toản nhiều nhất năm nay.
Dù giảng dạy ở nhiều bộ môn, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong trường học nhưng các thầy, cô đều là những tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo, truyền dạy không chỉ kiến thức mà cả nhân cách sống cho học sinh.
Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giữ vững tay chèo
Chúng tôi gặp cô Phùng Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) trong một giờ học ở thư viện. Ấn tượng đầu tiên về cô là sự cởi mở, gần gũi, tính cách trẻ trung, lúc nào cũng hòa đồng với học sinh.
Cô Mai chia sẻ, khi nhận lớp có học sinh cá biệt, cô không căng thẳng tìm biện pháp xử lý ngay mà chủ động tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh, qua đó giúp các em cảm nhận được sự yêu thương và tin tưởng cô dành cho mình. Cô Mai luôn tâm niệm, giáo viên giỏi phải là người hiểu và cảm hóa được học sinh. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng đã giúp cô hiểu ra rằng, lựa chọn nào cũng có chông gai nhưng không thiếu hoa hồng. Trong công tác giảng dạy, cô Ngọc Mai không chọn hướng đi dễ là triển khai bài học theo mô típ thông thường (thầy cô giảng bài - học trò ghi chép) mà đa dạng nhiều hoạt động, như tổ chức cho học sinh làm lồng đèn, tái hiện trò chơi dân gian ngay trong lớp học, tổ chức hội chợ du lịch cho học sinh đóng vai nhân viên tư vấn để giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử của địa phương... Sự chủ động đó đã thổi làn gió mới vào dạy học môn Ngữ văn, giúp học sinh hiểu rõ hơn bài học, biết kết nối lý thuyết với thực tế đời sống xã hội.
Đối với cô Phạm Thị Kim Phương, giáo viên Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận), điều tự hào nhất về nghề nghiệp của bản thân là mỗi năm đến ngày 20-11, rất đông học sinh cũ quay về thăm cô. Trong đó, nhiều em cô còn nhớ mặt, gọi tên, song cũng có những bạn ngoại hình thay đổi quá nhiều khiến cô, trò nhìn nhau cứ ngờ ngợ. Nhưng khi cùng ôn lại kỷ niệm là biết bao cảm xúc ngày xưa lại quay về.
Cô Kim Phương bày tỏ, ở độ tuổi nào học sinh cũng thích được nghe lời ngon ngọt từ giáo viên. Hiểu được tâm lý đó, cô đã dùng tình thương để cảm hóa học trò. Đặc biệt, với những học sinh cá biệt, giáo viên phải là người đồng hành, tháo bỏ những gút mắc tâm lý trong lòng các em. Vì vậy, cô Phương luôn quan niệm, dạy học trò tốt nhất là... không dạy gì cả. Bởi một khi cô, trò đã xem nhau như người chị, người mẹ trong gia đình với đầy đủ tình thương và tin tưởng thì dạy kiến thức hay kỹ năng đều nhẹ nhàng. Sau 27 năm giảng dạy, có lẽ món quà lớn nhất cô Phương dành tặng học trò hiện nay là trang web có tên gọi "Yêu thích môn Vật lý". Vừa qua, trong giai đoạn trường lớp tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, website đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh.
Nhớ lại năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô Thái Thị Thu Nga, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (huyện Bình Chánh) cho biết, giai đoạn đó làn sóng nghỉ việc đang lan rộng trong đội ngũ các thầy cô giáo. Đồng nghiệp lần lượt bỏ nghề sư phạm, bản thân cô khi ấy vừa ra trường không tránh khỏi tâm lý chới với, hụt hẫng. Nhưng nhờ lòng kiên trì, cô đã vượt qua nhiều khó khăn, trụ vững với nghề. Nhìn lại hành trình 34 năm đã đi qua, cô Thu Nga bày tỏ, đã làm giáo viên thì đừng "đứng núi này trông núi nọ". Một lần gặp khó khăn phải vượt cho được để sau này "tâm sáng, trí bền", sống được với nghề. Cô giáo có tuổi đời lớn nhất trong 7 giáo viên bậc THCS đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay mong muốn các thế hệ đồng nghiệp đi sau tiếp tục vững tay chèo, nối tiếp truyền thống đáng tự hào của nghề giáo.
Dạy học bằng lòng say mê
Đến Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào tiết học cuối trong ngày, cảm nhận của chúng tôi không phải là tâm lý mệt mỏi, uể oải thường thấy của học sinh sau một ngày học dài, mà là không khí học tập hăng say, phấn khởi. Cô Đỗ Thị Đan Thùy, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân, chia sẻ: "Muốn học sinh yêu thích môn học, thầy cô phải làm cho các em yêu thích giáo viên. Để làm được điều đó, người thầy không được tạo áp lực, nhồi nhét kiến thức mà phải giúp học sinh tìm ra cái hay, giá trị thực tế của kiến thức có trong sách vở". Cô Đan Thùy lý giải, nếu chỉ học theo sách vở, học sinh sẽ bị giới hạn kiến thức, trong khi thực tế xã hội lại bao la, rộng lớn, người thầy không thể đi cùng các em cả đời để dạy kiến thức. Do đó chỉ cần truyền được tình yêu với môn học, các em sẽ chủ động tìm tòi, khám phá. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, học sinh cần thầy cô "hội nhập" với các em, đồng nghĩa với việc phải thường xuyên học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, tự làm mới mình để đồng hành cùng các em.
Một trường hợp khác, cũng là một trong những giáo viên đặc biệt nhất trong danh sách các thầy cô được trao giải thưởng năm nay là thầy Phạm Đông Phương, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sở dĩ dùng 2 chữ "đặc biệt" vì với tuổi đời ngoài 50, nhưng thầy Phương chỉ mới có 15 năm kinh nghiệm dạy học. Thêm vào đó, dù trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, phong thái lạc quan, vui vẻ nhưng ít ai ngờ thầy đang mang trong mình căn bệnh ung thư, có dấu hiệu di căn, tái phát.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Đông Phương khá thoải mái khi chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ khốn khó, từ những ngày còn là cậu học sinh lớp 10 một mình khăn gói xa nhà đi vác lúa mướn, gia đình chuyển chỗ ở nhiều lần vì kế sinh nhai. Sau khi học xong lớp 12, dù có thành tích học tập nổi trội nhưng cậu học trò phải gác lại ước mơ đến trường, bươn chải đủ nghề, chạy xe ôm, phục vụ quán... để nuôi 4 đứa em ăn học. Sau khi các em lần lượt tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên giàu nghị lực khi ấy đã ngoài 30 tuổi mới thực hiện tiếp ước mơ đại học. Vừa làm vừa học trong 4 năm, tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công về Trường THPT Long Trường (quận 9) cách nhà hơn 20 cây số. 8 năm gắn bó với nhiều thành tích trong công tác đào tạo học sinh giỏi, thầy Phương được chuyển công tác về Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11). Ở môi trường công tác nào, thầy đều giữ ngọn lửa nhiệt tình và say mê dạy học.
Chúng tôi chia tay thầy Phương với nhiều cảm xúc. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay không chỉ là phần thưởng tôn vinh các thầy cô giáo mà còn gửi gắm theo đó lời chúc sức khỏe và bình an trong công việc. Mong các thầy cô luôn giữ vững tay chèo, luôn là điểm tựa cho các thế hệ học trò trưởng thành.
Danh sách giáo viên 2 bậc THCS và THPT được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy cô giáo: Cô Trần Vũ Liên Ban, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (quận 9); cô Lê Thị Thúy Vân, Trường THCS Lữ Gia (quận 11); thầy Đỗ Quang Vinh, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3); cô Huỳnh Thị Tâm, Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn); cô Hồ Thị Thanh Thảo, Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi); cô Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6); thầy Dư Quốc Đạt, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn); cô Lê Thị Phương Thoa, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức); cô Lê Thị Thiện Mỹ, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn); cô Phan Thị Thu Hiền, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); cô Nguyễn Thị Chi Kiều, Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi); cô Đoàn Thị Hải Lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1); thầy Nguyễn Kim Quan, Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh).
Day dứt sau những câu chuyện của học trò 'cá biệt' Nhiều câu chuyện về những học trò 'cá biệt' đã để lại sự day dứt với cả thầy cô, gia đình và xã hội. Những học trò khiến thầy không "cứu" được Thầy giáo Nguyễn Minh Nhân, từng làm tư vấn viên phòng tham vấn học đường tại một trường THCS ở Quận 3, TPHCM, nhớ lại cách đây 3 năm, một học...