Bác sĩ ơi: Phân biệt trào ngược dạ dày thực quản và bệnh tai mũi họng
Gần đây tôi thường viêm họng, khàn tiếng, ho…, có uống thuốc điều trị tai mũi họng nhưng vẫn tái đi tái lại. Tôi nghe nói cũng có thể do bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Vậy làm sao phân biệt trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng? Bệnh này có nguy hiểm không?
(C.M.T, 37 tuổi, TP.HCM)
Minh họa bệnh trào ngược dạ dày thực quản – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM):
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa nhưng có một số biểu hiện giống bệnh hô hấp, tai mũi họng nên khó phát hiện, khiến nhiều người nhầm lẫn.
Khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ đi từ thực quản xuống dạ dày nhưng trào ngược dạ dày thực quản lại đi theo con đường ngược lại và gây ra một số triệu chứng khó chịu, dẫn đến một vài hệ lụy.
Bình thường cơ thể chúng ta vẫn có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Trong 1 giờ, số lần bị trào ngược dạ dày thực quản sinh lý có thể xảy ra khoảng 2 – 3 lần; nhưng trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý có thể lên tới 7 – 8 lần trong 1 giờ.
Đa phần bệnh nhân (BN) đến khám có nhiều triệu chứng như nóng rát vùng trước ngực, đau thượng vị, ợ hơi… Tuy nhiên, chỉ có 2/10 ca trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng điển hình, 8/10 ca còn lại có triệu chứng không điển hình, hay còn gọi là những triệu chứng ngoài thực quản.
Rất nhiều BN đã đến khám ở nhiều chuyên khoa vì không có biểu hiện ở đường tiêu hóa mà lại có triệu chứng khác. Đến khi BN khám chuyên khoa tiêu hóa, được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và điều trị thì triệu chứng mới giảm.
Các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa kéo dài của trào ngược dạ dày thực quản mà BN cần lưu ý:
Video đang HOT
Thường xuyên bị viêm họng, ngứa họng, khàn tiếng, ho…, điều trị chuyên khoa tai mũi họng nhiều lần cũng không khỏi triệt để.
Một số em bé có tình trạng viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa cũng có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản.
Những biểu hiện như hôi miệng, hư răng; và đặc biệt có một triệu chứng làm cho BN trào ngược dạ dày thực quản vô cùng lo lắng, đó là đau ngực, khiến BN hiểu lầm mình bị bệnh tim mạch, thiếu máu cơ tim, hô hấp…
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là đo pH trong lòng thực quản. Tuy nhiên, đây là khảo sát tương đối khó thực hiện và hiện tại không phổ biến ở Việt Nam.
Trào ngược dạ dày thực quản có 20% biểu hiện trong thực quản, nhưng lại đến 80% biểu hiện ngoài thực quản như ho kéo dài, khàn tiếng, đau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hay cơn đau ngực…
Vì vậy, để chẩn đoán, bác sĩ thường dựa vào triệu chứng điển hình của BN như ợ nóng, trớ, ợ hơi, đau vùng thượng vị hoặc các biểu hiện ngoài thực quản. Sau đó, bác sĩ sẽ có một số test để chẩn đoán BN có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không.
Trong một số trường hợp BN loại trừ được những yếu tố nguy hiểm thì sẽ được điều trị thử để vừa chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản có các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống:
Viêm thực quản trào ngược sẽ dẫn đến hẹp thực quản, xuất huyết thực quản, hoặc nặng hơn là thủng thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản, mặc dù tỷ lệ này không cao.
Do đó, bệnh này cần được theo dõi và điều trị để loại trừ những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ ơi: Uống vitamin C nhiều có gây hại?
Có nhiều lời khuyên trong mùa dịch nên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng phòng bệnh Covid-19. Vậy mong bác sĩ tư vấn giúp cần bổ sung vitamin C như thế nào? Uống nhiều quá có gây hại gì cho cơ thể không? Những ai không nên uống vitamin C?
(Ngô Ngọc Châu, Q.4, TP.HCM)
Các loại rau quả giàu vitamin C - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM):
Tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng đúng là rất cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Trong đó, vitamin C là một loại vitamin thiết yếu cho cơ thể, có tác dụng chống ô xy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sức đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt, tăng hấp thu can xi, tạo collagen...
Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, đặc biệt là các loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi, dâu, cà chua...
Cần lưu ý rằng, bổ sung vitamin C là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên bổ sung vừa đủ. Tốt nhất là nên bổ sung vitamin C từ tự nhiên qua thực phẩm hằng ngày.
Đặc biệt, không nên tùy tiện bổ sung vitamin C theo đường uống, nhất là vitamin C liều cao nếu không có chỉ định của bác sĩ. Dùng quá nhiều vitamin C theo đường uống có thể gây ra các tác dụng phụ.
Sử dụng quá nhiều vitamin C có thể ảnh hưởng đến một số chức năng và bệnh lý, như: tạo sỏi thận, mất cân bằng hấp thu các vitamin và khoáng chất khác... Một số trường hợp dùng quá nhiều vitamin C gây tác dụng phụ ở đường tiêu hóa như xót ruột, đau bụng, buồn nôn, co thắt dạ dày, đầy hơi, khó tiêu...
12 loại thực phẩm giàu vitamin C
Theo Boldsky, các loại thực phẩm giàu vitamin C, gồm:
1. Ổi: Chỉ cần ăn một quả ổi là có thể bổ sung hơn 200 mg vitamin C.
2. Ớt chuông: Là một nguồn vitamin C tối ưu, tiêu thụ 1 trái ớt chuông trong khẩu phần ăn có thể đủ cho nhu cầu vitamin C hằng ngày của bạn.
3. Rau mùi tây: Trong hai muỗng canh rau mùi tây có chứa khoảng 10 mg vitamin C. Loại rau này còn giúp bổ sung chất sắt, tăng cường miễn dịch.
4. Kiwi: Là loại trái cây thường được các chuyên gia giới thiệu cho những người đang bị thiếu vitamin C. Trong 1 miếng kiwi chứa 273 mg vitamin C.
5. Bông cải xanh: Loại rau này chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin thiết yếu, đặc biệt là vitamin C. Chỉ cần 100 gr bông cải xanh có chứa 89,2 mg vitamin C.
6. Trái vải: Trong 100 gr vải thiều chứa 71,5 mg vitamin C. Trái cây này cũng rất giàu kali và chất béo lành mạnh.
7. Đu đủ: Ăn một chén đu đủ cung cấp 87 mg vitamin C. Đu đủ cũng là một nguồn vitamin A, folate, chất xơ, can xi, kali và axit béo omega-3.
8. Dâu tây: Trong 152 gr dâu tây cung cấp 89 mg vitamin C. Dâu tây cũng là một nguồn protein và chất xơ tốt cho chế độ ăn uống.
9. Cam: Tiêu thụ một quả cam cỡ trung bình mỗi ngày có thể cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi người. Một quả cam cỡ trung bình cung cấp 70 mg vitamin C.
10. Ớt: Có tối thiểu 65 mg vitamin C trong một quả ớt. Ớt cũng có thể giúp giảm viêm và đau.
11. Chanh: 100 gr chanh chứa 53 mg vitamin C.
12. Súp lơ: 1 chén súp lơ thô chứa 20 mg vitamin C.
Ngoài ra, còn có một số thực phẩm khác giàu vitamin C là rau bina (cải bó xôi), cà rốt, cà chua, bạc hà...
Khải Linh
Nguyên Mi
Chế độ ăn nào tốt cho sức khỏe nam giới? Ăn uống lành mạnh, cân đối không những tốt cho sức khỏe sinh lý nói riêng mà còn góp phần tạo nên một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cho nam giới. Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn chế độ ăn tốt cho phái mạnh. Chế độ ăn Địa Trung Hải được khuyến cáo cho nam giới có rối loạn chức năng cương...