Bác sĩ ở TP.HCM phẫu thuật tim không cần mở xương ức
Người đàn ông mắc bệnh hở van tim được phẫu thuật nội soi bằng phương pháp mới nhất và lần đầu áp dụng tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.
Ngày 24/12, PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết bệnh nhân T.V.N. (57 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được các bác sĩ theo dõi sức khỏe trong 4 năm qua. Mức độ hở van 2 lá của bệnh nhân dao động từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua phim siêu âm, các bác sĩ phát hiện người đàn ông có dấu hiệu suy tim, hở van nặng.
Phó giáo sư Đỗ Kim Quế đã triệu tập cuộc hội chẩn với nhiều y bác sĩ từ các khoa Nội tim mạch, Ngoại tim mạch, Phẫu thuật gây mê – Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại tim mạch – Lồng ngực mạch máu…, để đưa ra phương pháp xử trí tốt nhất cho bệnh nhân. Khó khăn trong tình huống này là người đàn ông lớn tuổi, sức khỏe kém trong khi phẫu thuật tim khó, nhiều nguy cơ trước, trong và cả sau mổ.
Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau khi được thay van tim bằng kỹ thuật mới. Ảnh: Văn Nguyện.
Kết luận được đưa ra cuối phiên hội chẩn này là áp dụng kỹ thuật thay van 2 lá qua nội soi lồng ngực cho bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất áp dụng phương pháp này với bệnh nhân hở van 2 lá.
Video đang HOT
Sau 4 giờ, các bác sĩ sửa tim thành công cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mới. Đây cũng là ca mổ mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện để các bác sĩ áp dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp mới trong phẫu thuật cho người bệnh.
Sau 24 giờ, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng, có thể di chuyển được. Hiện bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện.
Theo bác sĩ Quế, phương pháp mổ tim truyền thống được áp dụng từ trước đến nay là cưa xương ức để mở lồng ngực, sau đó bác sĩ can thiệp tim. Phương pháp này còn nhiều hạn chế như nguy cơ đông máu, mất máu trong phẫu thuật, thời gian hậu phẫu kéo dài, nhiễm trùng… Với kỹ thuật thay van 2 lá qua nội soi lồng ngực, bệnh nhân chỉ chịu đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, hạn chế ra máu, lành vết thương nhanh hơn.
Việt Nam hiện không nhiều cơ sở y tế làm chủ được kỹ kỹ thuật thay van 2 lá qua nội soi lồng ngực. Tại TP.HCM, có 3 đơn vị có thể ứng dụng được phương pháp này là Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Mổ tim giấu sẹo
Thay vì đường mổ kinh điển, chẻ xương ức để phẫu thuật thông liên thất tim cho trẻ, các bác sĩ mổ từ hố nách để trẻ bớt đau, ít sang chấn, mau lành.
Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Kinh Bang, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết sinh ra một em bé mang dị tật tim bẩm sinh là điều không ai mong muốn. Phụ huynh lo lắng, hoang mang nếu chưa biết hoặc không tìm được thông tin chính xác về bệnh lý cũng như phương pháp điều trị tối ưu cho trẻ.
Mô phỏng dị tật tim bẩm sinh thông liên thất. Ảnh: Leeds Congenital Heart.
Thông liên thất là một dị tật bẩm sinh ở tim thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 20% các dị tật tim bẩm sinh. Sự khiếm khuyết hay bất thường trong quá trình hình thành vách ngăn phân chia hai tâm thất, trong thời kỳ phôi thai đã tạo nên một hay nhiều lỗ thông trên vách liên thất ở nhiều vị trí khác nhau. Sự thông thương giữa hai tâm thất làm cho một lượng máu lớn từ thất trái đi qua lỗ thông và đi lên phổi.
Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trên tim, phổi và tổng trạng chung của cơ thể như suy tim, hở van tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm phổi, bệnh lý mạch máu phổi, suy dinh dưỡng...
Tùy theo mức độ ảnh hưởng của luồng thông, chỉ định đóng lỗ thông liên thất cần được thực hiện sớm hay muộn và bằng những phương pháp khác nhau. Với những lỗ thông không ảnh hưởng đến chức năng tim phổi có thể theo dõi quá trình tự đóng không cần can thiệp. Còn những lỗ thông có luồng thông lưu lượng lớn, hoặc ở những vị trí có thể ảnh hưởng đến van động mạch chủ thì cần phải được đóng càng sớm càng tốt, thậm chí ở giai đoạn sơ sinh, bác sĩ Bang cho biết.
Theo bác sĩ, hiện nay đóng thông liên thất có ba cách tiếp cận chính. Bao gồm, thông tim đóng bằng dụng cụ được chỉ định cho những trường hợp có cân nặng lớn, lỗ thông kích thước vừa và nhỏ, và ở những vị trí phù hợp.
Thứ hai là phẫu thuật đóng thông liên thất kinh điển qua đường giữa ngực mở xương ức. Đường mổ này có nhược điểm là sau mổ bé sẽ đau nhiều, thời gian thở máy và hồi sức kéo dài, không thẩm mỹ và có thể để lại những di chứng ảnh hưởng đến tâm lý. Trẻ sẽ có một vết sẹo ở giữa ngực, nếu không may cơ địa sẹo lồi hoặc vết mổ bị nhiễm trùng thì vết sẹo càng xấu hơn. Xương ức sau mổ phải cố định lại bằng chỉ thép. Sự lành xương có thể không hoàn chỉnh dẫn đến những biến dạng của lồng ngực như ngực lõm xuống hoặc lồi ra như ngực gà.
Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hay phẫu thuật ít xâm lấn để đóng thông liên thất là kỹ thuật mới nhất. Đường mổ ngắn trong hố nách không cần chẻ đôi xương ức, hạn chế tối đa sang chấn cho trẻ. Phương pháp này mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhi, như sau mổ ít đau hơn, thời gian thở máy thời gian hồi sức ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn, ít biến chứng và đặc biệt thẩm mỹ hơn rất nhiều so với phương pháp mổ bằng đường giữa mở xương ức.
Vết sẹo lồi ở trẻ mổ tim kiểu chẻ xương ức kinh điển (bên trái) và mổ ít xâm lấn qua đường nách (bên phải). Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhân thông liên thất không phải chịu một vết mổ phanh xương ức dài trước ngực nữa. Phẫu thuật tim ít xâm lấn là bước tiến ngoạn mục của khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch nói riêng và của bệnh viện nói chung, bác sĩ Bang chia sẻ.
"Với mong muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho các bé không may mắc bệnh tim bẩm sinh, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu mở rộng chỉ định phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu cho nhiều loại tim bẩm sinh phức tạp hơn. Đây cũng là xu hướng mới trong chuyên ngành phẫu thuật tim trên thế giới hiện nay", bác sĩ Bang nói.
7 giờ phẫu thuật cùng lúc 3 van tim để cứu sống bệnh nhân nguy kịch Bệnh nhân bị hẹp hở nặng van động mạch chủ, hở nặng van 2 lá, hở trung bình van 3 lá, tăng áp lực động mạch phổi nặng, suy tim độ III, hẹp nặng 3 nhánh động mạch vành đã được phẫu thuật cứu sống. Sáng ngày 09.11, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Các bác...