BA.2 trở thành biến thể chủ đạo gây COVID-19 trên toàn cầu
Dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và châu Á, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ.
Hình ảnh minh họa các dòng phụ của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19. Ảnh: News-medical.net/TTXVN
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gien virus gây bệnh. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với “các anh em ruột” của mình là BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, cho đến nay các bằng chứng cho thấy biến thể này có thể không gây bệnh nặng.
Cũng như với các dòng phụ khác thuộc họ Omicron, các vaccine ít hiệu quả đối với BA.2 hơn so với các biến thể trước đó như Alpha hoặc chủng gốc SARS-CoV-2, và khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA), mức độ bảo vệ của vaccine sẽ được khôi phục sau khi tiêm mũi tăng cường, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
BA.2 được gọi là biến thể “tàng hình” vì rất khó phát hiện. BA.2 cùng một “người anh em” khác của nó là BA.3 – loại cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều – chỉ có thể bị phát hiện bằng cách giải trình tự gene, điều mà không phải nước nào cũng đủ năng lực thực hiện. Lo ngại chính về BA.2 là liệu biến thể này có gây tái nhiễm ở những người đã nhiễm BA.1 hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ Anh và Đan Mạch cho thấy trong khi người đã nhiễm biến thể khác như Delta có thể tái nhiễm Omicron, chỉ có một số ít ca tái nhiễm BA.2 ở người đã nhiễm BA.1.
Video đang HOT
Giải thích về sự gia tăng số ca nhiễm BA.2 gần đây, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này liên quan đến việc lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản. Chuyên gia virus của Đại học y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg tại Baltimore, Tiến sĩ Andrew Pekosz nhấn mạnh: “BA.2 lây lan khi mọi người ngừng đeo khẩu trang”.
Dù lý do gia tăng số ca nhiễm BA.2 là gì, các nhà khoa học cho rằng đây là một lời nhắc nhở rằng virus đang tiếp tục gây hại, nhất là đối với những người chưa tiêm phòng và nhóm dễ bị tổn thương.
Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại châu Âu
Trong tuần qua, gần một nửa các quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt.
Sinh viên đeo khẩu trang tại Muenster (Đức) tháng 10/2021. Ảnh: AP
Đây là thông tin được kênh NBC News (Mỹ) đưa ra ngày 15/3 sau khi phân tích dữ liệu từ Trung tâm nguồn về virus Corona Johns Hopkins.
Theo đó, Phần Lan là nước khi nhận số ca mắc mới tăng mạnh nhất, lên tới 84% với 62.500 trường hợp. Trong cùng khoảng thời gian, Thụy Sĩ ghi nhận tăng 45% lên 182.190 trường hợp và Anh tăng 31% lên 414.480 ca mắc mới. Áo, Bỉ, Pháp, Đức và Italy đều ghi nhận mức tăng mạnh.
Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu trong tuần qua đã đi ngược lại với Mỹ, nơi số trường hợp nhập viện và tử vong hàng ngày tiếp tục theo đà giảm. Tính trong 2 tuần gần đây, số trường hợp tử vong mỗi ngày tại Mỹ đã giảm tới 29%.
Nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick (Anh) đánh giá thực trạng số ca mắc mới COVID-19 tăng tại châu Âu có thể bắt nguồn từ việc biến thể phụ của Omicron là BA.2, còn gọi là "biến thể tàng hình", lây lan kết hợp với chính sách nới lỏng hạn chế dịch COVID-19 tại một số nơi và khả năng miễn dịch đã suy yếu.
Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giãn cách xã hội thì "biến thể tàng hình" có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Laatzen (Đức) ngày 14/3. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, ông Young cảnh báo: "Chắc chắn Mỹ cần theo dõi và cân nhắc tác động của một biến thể khác lây lan mạnh hơn". Các chuyên gia tại Mỹ cũng cho biết họ đang theo sát xu hướng tại châu Âu. Giáo sư Gavin Yamey tại Đại học Duke (Mỹ) nhận định: "Chắc chắn có rủi ro Mỹ sẽ đối mặt với số ca mắc mới tăng mạnh như châu Âu. Chúng ta có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 và mũi bổ sung thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Âu, do vậy làn sóng tăng có thể hiểu là số ca nhập viện tăng".
Nhưng các chuyên gia chưa sẵn sàng khẳng định rằng một làn sóng COVID-19 mới lớn đang xuất hiện trên toàn cầu và có lo ngại ngay lập tức ở Mỹ. Thay vào đó, họ tin rằng đã đến lúc phải cảnh giác, và hành động trước. Ông Yamey cho rằng chính phủ Mỹ nên mở rộng tiêm mũi vaccine bổ sung và đảm bảo nguồn khẩu trang chất lượng cao cùng bộ xét nghiệm nhanh.
Gần đây nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố kết thúc các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Vào tháng 2, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo gỡ bỏ mọi hạn chế còn tồn tại và cho biết các phản ứng sẽ chủ yếu dựa vào tiêm vaccine COVID-19 và điều trị thay vì áp dụng phong tỏa.
Pháp cũng nới lỏng nhiều quy định COVID-19 từ 14/3 với việc người dân không còn phải trình chứng nhận đã tiêm vaccine để vào nhà hàng, rạp chiếu phim và nhiều nơi công cộng khác. Đức cũng dự kiến nới lỏng hầu hết hạn chế COVID-19 từ tuàn tới.
Nghiên cứu: Ba loại thuốc kháng virus hiệu quả với biến thể Omicron BA.2 Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy 3 loại thuốc kháng virus sử dụng để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 có hiệu quả đối với biến thể Omicron BA.2 (còn gọi là "Omicron tàng hình"). Thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của...