Ăn sáng ngon miễn chê với món xôi viên thơm lừng siêu hấp dẫn
Với những nguyên liệu khá quen thuộc với các gia đình Việt, món xôi viên dưới đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng trong những ngày “không thể ra ngoài ăn sáng” này!
Nguyên liệu:
- 700g nếp
- 400g bột nếp
- 300g lá ngải cứu
- 250ml – 300ml nước
Nhân bánh:
- 300g đỗ xanh
- 300g thịt ba chỉ
- 8-9 củ hành tím
- 1 củ hành tây
- Gia vị, hạt nêm, bột canh, hạt tiêu
Cách làm:
1. Gạo nếp vo sạch và ngâm qua đêm.*
2. Hành tím cắt lát sau đó phi vàng.**
3. Đậu xanh ngâm ít nhất 3 tiếng. Sau đó đem hấp hoặc cho vào nồi cơm nấu chín mềm. Sau đó dùng chày hoặc thìa gỗ nghiền mịn.
Video đang HOT
4. Thịt ba chỉ cắt hạt lựu ướp cùng nửa củ hành tây và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.***
5. Luộc ngải cứu cùng chút muối tầm 10 phút. Vớt rau ra, xả qua nước lạnh sau đó vắt kiệt nước.
6. Xay rau cùng nước. Sau đó đun hoặc quay nóng hỗn hợp nước bằng lò vi sóng tầm 1 phút sao cho nước ấm ấm.
7. Cho một chút dầu ăn và muối vào cùng hỗn hợp rau xay. Sau đó cho bột nếp vào nhào. Khi hỗn hợp bột nếp đã thành một khối không quá nhão hay khô thì chúng ta bọc kín bột và đem ủ khoảng một tiếng.
8. Nửa củ hành tây còn lại cắt hạt lựu, phi thơm cùng dầu phi hành và cho ba chỉ vào xào chín.
9. Đổ toàn bộ hỗn hợp thịt ba chỉ xào và nước ra từ thịt vào với đậu xanh nghiền. Cho thêm hành phi vàng vào trộn đều. Nếu nhân khô thì bạn cho thêm chút dầu phi hành vào. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
10. Chia nhân thành từng viên tròn vừa ăn. Chia bột thành từng viên tương ứng với số lượng nhân.
11. Bọc bột vào nhân thành từng viên bánh tròn.
12. Lăn viên bột qua gạo nếp sao cho nếp áo đều vào bột. Rải nếp vào xửng hấp, đặt từng viên xôi lên, sau đó rải nốt chỗ nếp còn lại vào.
13. Hấp xôi tầm 40 phút là chín. Lấy ra ăn kèm với hành phi.
Lưu ý:
(*) Thường khi làm xôi khúc hay những loại xôi giống như thế này mình thường dùng nếp Thái vì xôi sẽ dẻo và dễ chín hơn. Nếp giữ được độ mềm rất lâu. Nếu dùng nếp cái hoa vàng thì tốt nhất bạn nên ngâm trước 1 ngày và khoảng 12 tiếng thay nước một lần.
(**) Hành tím cắt lát mỏng rồi phơi khô trên giấy ăn khoảng vài giờ cho héo bớt, như vậy hành sẽ dễ phi hơn.
Đổ dầu ăn vào nồi hay chảo cao thành vì khi cho hành vào dầu sẽ bùng cao lên.
Phi hành ở lửa trung bình đến khi chuyển màu vàng non thì đổ ra rổ có chậu hứng dầu ở dưới. Lúc này hơi nóng từ dầu bốc lên sẽ làm cho hành vàng tiếp.
Dầu phi hành giữ lại để dùng khi xào nấu hay trộn nhân đỗ khi bị khô sẽ rất ngon.
(***) Cho nhiều hành tây vào nhân hay thịt sẽ làm cho nhân ngọt hơn mà không cần lạm dụng mì chính hay bột nêm.
(****) Tỷ lệ nước và bột còn tùy vào độ ra nước của rau cũng như độ hút nước của bột. Bạn đổ từ từ nước vào bột. Thấy bột khô thì cứ cho thêm nước đến khi bột đạt.
Món xôi viên này mình còn hay gọi là xôi ngải, vì mình dùng lá ngải cứu để làm ra nó. Nghe có vẻ hơi huyền bí nhưng thực chất đây chính là họ hàng của món xôi khúc quen thuộc.
Vì rau khúc rất khó kiếm nên mình thường thay bằng rau cải chân vịt, cải cúc hay lá dứa. Tuy nhiên những rau kia chỉ cho ra màu xanh của xôi khúc mà vẫn hơi thiếu vị thơm.
Mùa xuân chính là mùa mà rau ngải cứu bên mình mọc nhiều nhất, vậy nên mình đã thay rau khúc bằng thứ rau quen thuộc dễ kiếm này, và xôi ngải cứu có mùi thơm riêng rất đặc trưng mà không hề bị đắng chút nào đâu nhé!
Chúc bạn thành công và ngon miệng với món xôi viên này!
Bếp Hạt Mít
Bánh dày làng Gàu
Nếu như Hải Dương được biết đến với đặc sản bánh đậu xanh thì khi nhắc đến vùng đất Hưng Yên người ta thường nhớ ngay đến món bánh dày làng Gàu.
Làng Gàu thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên vốn nổi tiếng với thứ bánh dày dẻo, dai, trắng nõn. Bánh dày làng Gàu cùng với tương Bần và rượu Trương Xá đã làm nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Hưng Yên.
Đặc sản bánh dày làng Gàu, Hưng Yên.
Khi nhắc đến bánh dày, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến sự tích "Bánh chưng bánh dày" đã quá nổi tiếng trong dân gian Việt Nam. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì những chiếc bánh chưng, bánh dày lại được làm như một cách tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng. Tại vùng đất văn hiến Hưng Yên, món bánh dày ở làng Gàu đã trở thành một món ăn đặc sản gắn liền với địa danh này .
Bánh dày là một món ăn truyền thống ở nước ta, có mặt trên rất nhiều vùng miền Tổ quốc. Ngoài làng Gàu, miền Bắc còn nổi danh với bánh dày Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây, nay sáp nhập thành Hà Nội). Nhưng ở mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi vùng miền lại tạo ra một hương vị bánh khác nhau cũng giống như tấm lòng của người dân mỗi nơi dâng lên Vua Tổ. Có lẽ điều đơn giản ấy đã tạo thành nét đặc trưng, hấp dẫn riêng cho miếng bánh làng Gàu.
Không biết nghề truyền thống làm bánh dày của bà con làng Gàu có từ khi nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu cứ đến dịp giỗ Tổ người làng lại tưng bừng, rộn rã trong việc giã xôi, nặn bánh dày.
Đến với quê hương Văn Giang du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của vườn hoa, cây cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức, được trải nghiệm các công đoạn làm bánh dày cùng với người dân. Nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng. Cả một năm hai vụ, thóc lúa có bội thu thì năm đó bánh được sản xuất nhiều. Người làng Gàu kĩ lưỡng tỉ mẩn trong việc chọn gạo làm bánh. Sau khi thóc được xay xát, người già và trẻ nhỏ được phân cho công việc "chọn gạo". Gạo hạt phải mẩy, chắc. Những hạt sâu lép được bỏ loại ra ngoài. Phải như vậy, khi thành phẩm cả miếng bánh mới đạt độ trắng trong như gái son trẻ. Gạo được ngâm với nước sạch sau đó giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa. Bánh giã phải đúng số nhịp số chày buông xuống. Lực giã phải vừa, không được quá mạnh, chẳng được quá yếu mềm. Vì thế nam nữ phải giã cùng nhau, mới vừa mềm vừa rắn, bánh mới chuẩn dẻo.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, Đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều. Sau khi "tuyển chọn" kĩ càng, đỗ phải được ngâm nước ấm khoảng chừng bốn mươi độ qua đêm. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, không được để vương vấn chút vỏ nào trong rổ, hấp chín nhừ tơi, giã đỗ bắt buộc phải nhuyễn sánh, không được lợn cợn hạt đỗ và vo tròn cùng dừa sợi bào sẵn thành từng nắm nhỏ. Mỗi một mẻ xôi, mẻ đỗ đưa ra bốc bừng hơi nóng. Không được giã ngay, không được quá nguội. Giã ngay dễ bết, giã nguội khó dính.
Nếu muốn có bánh nhân mặn thì người làm cho thêm thịt nạc băm hoặc xay nhỏ rồi xào với đỗ xanh để làm nhân. Nếu người dùng thích bánh ngọt thì thêm đường vào nhân đỗ xanh là được. Mỗi nắm đỗ được trộn đều với đường cát. Một cân đỗ được trộn khoảng nửa cân đường. Không được quá tay, cái ngọt gắt át mất phần ngọt của vỏ bánh.
Khi bột và nhân đã làm xong người làm sẽ tra nhân vào giữa rồi nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon. Sau khi đồ xong, bánh sẽ có màu trắng tinh, tròn trịa, dẻo dai và mùi thơm ngon đến khó cưỡng. Để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn, người làm bánh sẽ đặt bánh vào những chiếc lá chuối màu xanh đã được cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh.
Sau khi vỏ bánh, nhân bánh đạt chuẩn, các cô nàng lại thoăn thoắt tay cán đều, lấy miếng cật tre sắc như dao lam cắt đều một phần vỏ để gói lấy nhân bánh. Cái tay các cô khéo đến mức, cắt bánh bằng chặn như nhau, cả trăm cái xếp chồng không hơn kém nhau một li một lai nào cả.
Nồi nào đồ ra là luôn chân luôn cối giã cho nhuyễn mịn. Xôi đồ lên đánh mịn màng dẻo quánh. Lớp vỏ bánh ngoài không được quá dày, cũng không quá mỏng. Chỉ tầm một lượt nửa phân vỏ bánh là bao bọc hết ý tình của người làm.
Bánh dày làng Gàu không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân Hưng Yên, như một minh chứng cho chỗ đứng vững chãi của làng nghề. Cưới xin mà thiếu tấm bánh trên mâm là mâm cỗ "không được sang, không chuẩn vị". Vậy mới thấy, nâng niu tấm bánh đã khó, nâng niu cái công cái nghề, cái ý vị trong miếng bánh còn khó hơn đến bội phần. Ăn miếng bánh dày làng Gàu mà chưa hiểu để làm ra được tấm bánh là cả nửa năm chuẩn bị thì thật có lỗi với tấm lòng người dân quê.
Bánh dày làng Gàu được khách xa gần đến đặt mua với số lượng hàng tạ phục vụ cho các cửa hàng ăn uống ở Thủ đô, hội nghị, tiệc cưới, đã tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động. Màu xanh mát của tàu lá, điểm trên màu trắng ngọc ngà của bánh quê, ắt hẳn không ai không có chút động lòng. Cái vị bánh dẻo quẹo, đỗ xanh mềm mịn thơm nồng, cùng với những ân tình gửi gắm trong từng miếng bánh mới thấy rưng rưng trọn vẹn cái tình làm sao. Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên ban thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của quê ta...
THÚY ANH
10 thực phẩm nhiều dinh dưỡng hơn khi nấu chín Một vài loại thực phẩm thường được dùng để ăn tươi sống nhưng nếu chế biến, mức độ dinh dưỡng sẽ tăng lên rất nhiều. Nhiều người thích ăn cà chua sống nhưng nghiên cứu cho thấy, cà chua khi nấu chín sẽ có lycopene tăng khoảng 35%. Lycopene là một trong các chất chống oxy hóa chịu trách nhiệm tạo màu của...