5 thắc mắc thường gặp về bệnh ung thư bạn cần biết
Ăn nhiều chất xơ có thể ngăn ngừa ung thư hoặc kéo dài thời gian sống hay ung thư ở trẻ em có dễ chữa hơn… là thắc mắc phổ biến của nhiều người khi nói đến bệnh ung thư.
Khi bị ung thư nếu bồi dưỡng, ăn uống quá đầy đủ sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn, điều này là đúng hay sai?
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh việc bệnh nhân ung thư nếu bồi dưỡng, ăn uống quá đầy đủ sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn. Ngược lại, ở người bệnh ung thư khi thể trạng sụt giảm: sụt cân, suy dinh dưỡng sẽ làm cho người bệnh giảm đáp ứng với điều trị, tăng biến chứng nhiễm trùng, dẫn đến suy kiệt rồi tử vong.
Vì vậy, điều cơ bản trước tiên và vô cùng quan trọng trong một phác đồ điều trị ung thư là chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nếu tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân không đủ đáp ứng, bác sĩ sẽ không thể thực hiện phác đồ điều trị hoặc điều trị sẽ không hiệu quả vì bệnh nhân không đủ sức khỏe để chịu đựng những tác dụng phụ của quá trình điều trị. Do đó, dinh dưỡng là một phần quan trọng góp phần tăng hiệu quả điều trị ung thư.
Ăn nhiều chất xơ có thể ngăn ngừa ung thư hoặc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư, điều này có đúng không?
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa ung thư ruột (đại trực tràng). Các nhà khoa học giải thích chất xơ trong bữa ăn hàng ngày giúp ống tiêu hóa hoạt động bài tiết tốt hơn, tránh ứ đọng các chất độc có khả năng sinh ung thư trong lòng ruột.
Video đang HOT
Có phải ung thư ở trẻ em có khả năng chữa khỏi cao hơn so với ở người lớn?
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Ung thư ở trẻ em có khả năng chữa khỏi cao hơn so với ở người lớn là đúng. Vì ung thư ở trẻ em hay gặp u nguồn gốc tế bào mầm nên đáp ứng với hóa chất và xạ trị cao hơn.
Có phải các loại ung thư nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu đều chắc chắn chữa được?
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Một số loại ung thư, như: ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… nếu được khám tầm soát ung thư sớm (trong giai đoạn đầu) thì có thể chữa khỏi.
Một số loại ung thư khác nếu được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn, chi phí điều trị thấp hơn, ít ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trên cơ thể và chất lượng cuộc sống.
Ung thư cổ tử cung có điều trị dứt điểm được không?
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, nếu được điều trị kịp thời sẽ có tiên lượng rất tốt. Theo thống kê của Hiệp hội sản phụ khoa quốc tế (FIGO) từ năm 1999-2001 tỷ lệ sống 5 năm của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu (IA1) lên đến 97,5%. Tuy nhiên, sang tới giai đoạn cuối (IVB) tỷ lệ này chỉ còn 9,3%.
Vì vậy, việc tầm soát ung thư sớm có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại cơ hội chữa trị thành công cao.
Tỷ lệ mắc ung thư chuẩn hóa theo tuổi ở cả hai giới là 151,4/100.000 người và tỷ lệ tử vong là 104,4/100.000 người. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân ung thư chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III hoặc IV), trong đó có cả các bệnh có thể sàng lọc, phát hiện sớm bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Người bệnh ung thư có nên tránh đậu nành?
Đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Đã có nhiều nghiên cứu phản bác lại quan điểm cho rằng nếu bị ung thư vú phải kiêng các thực phẩm này vì chúng chứa một chất có hoạt tính gần giống với hormone của nữ giới.
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, đậu nành (hay còn gọi là đậu tương) là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn đậu nành gây ung thư hoặc ăn đậu nành giúp tránh ung thư.
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy người Nhật Bản và Trung Quốc, nơi thường xuyên sử dụng đậu nành, có nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng và tuyến tiền liệt và những bệnh liên quan đến hormone thấp hơn.
Đậu nành là một nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao. Nó cũng là nguồn cung cấp protein tốt, nhưng đậu nành lại không chứa cholesterol (do có nguồn gốc thực vật) và là nguồn cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Tuy nhiên, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành gây ra nhiều tranh cãi vì trong đậu nành có chứa chất có tên là "phytoestrogen", hay còn gọi là estrogen thực vật. Ở người, estrogen là một hormone. Mối lo ngại rằng phytoestrogen gây ung thư liên quan đến hormone xuất phát từ nghiên cứu được thực hiện trên ống nghiệm và động vật.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy quan điểm đó là không khoa học. Việc sử dụng ở mức độ trung bình từ 2-3 đơn vị còn mang lại lợi ích cho một số bệnh ung thư. Bởi vậy, bệnh nhân ung thư vú không phải kiêng các thực phẩm này mà nên lựa chọn để chế độ ăn của mình đa dạng, phong phú hơn.
Một nghiên cứu được công bố vừa qua trên tạp chí Cancer gần đây , một lần nữa khẳng định, đậu nành không những không gây bất lợi cho bệnh nhân ung thư vú mà thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân này.
Đậu nành cũng là một loại thực phẩm. Người dân cần tuân thủ nguyên tắc vàng "đa dạng thực phẩm" để đạt hiệu quả tối ưu với sức khỏe.
Hạt đậu nành chứa: 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% glucose, 15-20% chất béo, 35-45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết (isoleucin, lysin, metionin, pheny lalanin, tryptophan, valin) và nhiều sinh tố, khoáng chất, Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, các enzyme, sáp, nhựa, cellulose.
Vì có nhiều chất đạm nên đậu nành đã được coi như "thịt không xương" ở nhiều quốc gia Á Châu. Nó là nguồn cung cấp đạm rất tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mỡ và cholesterol. Đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được đều có trong đậu nành.
Thành phần dinh dưỡng của sữa đậu có nhiều điểm tương tự với sữa bò. Sữa đậu nành có lượng protein cao gần bằng sữa bò, nhưng nhiều canxi hơn sữa bò. Sữa đậu nành có ưu điểm là không có lactose, có thể thay thế sữa bò cho những người bị dễ bị đau bụng do lactose. Sữa đậu nành cũng chứa ít chất béo bão hòa hơn sữa bò, có thể có lợi cho tim mạch hơn.
Bệnh nhân điều trị ung thư nên có chế độ ăn tự nguyện và chọn các món ăn, thực phẩm theo sở thích của bệnh nhân, tuy nhiên cần đảm bảo tính cân đối của bữa ăn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo tinhnhanhchungkhoang
Những ai cần cảnh giác với bệnh ung thư tụy Ung thư tụy là bệnh có tiên lượng rất xấu, khó phát hiện sớm do triệu chứng lâm sàng nghèo nàn. Yếu tố di truyền, bệnh lý mạn tính ở tụy, hút thuốc, rượu, béo phì... đều có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư nguy hiểm này. Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát...