Yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo phương án học tập sau cách ly xã hội
Trong cuộc họp ngày 15.4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ về phương án học tập đối với các địa phương sau thời gian cách ly xã hội trên cả nước. Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng văn bản.
Bộ GD-ĐT sẽ phải có kịch bản dạy học ứng với diễn biến mới của dịch bệnh – Ảnh Tuệ Nguyễn
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tinh thần là nếu đảm bảo an toàn, xem xét cho học sinh các địa phương nguy cơ thấp có thể đi học.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, những tỉnh có nguy cơ và nguy cơ cao hầu hết đã quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học. Hà Nội cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới; hầu hết các tỉnh quyết định đóng cửa trường hết tháng 4; một số tỉnh như Hà Nam, Đồng Tháp thông báo học sinh toàn tỉnh nghỉ hết 2.5,…
Cà Mau là tỉnh đầu tiên trên cả nước đến thời điểm này đã quyết định cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm 36 tỉnh “nguy cơ thấp”, theo phân loại của Chính phủ.
Trao đổi với Thanh Niên trưa nay, 16.4, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu xây dựng một hướng dẫn cụ thể về việc học tập chung trên cả nước. Tinh thần là UBND cấp tỉnh sẽ quyết định chi tiết thời gian học sinh trở lại trường căn cứ vào tình hình thực tế về dịch bệnh của địa phương đó. Yêu cầu đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho học sinh.
Về phía Bộ GD-ĐT, việc xây dựng kế hoạch học tập sẽ tập trung vào hướng dẫn các địa phương kết hợp giữa 2 hình thức là dạy học trực tiếp và dạy học từ xa (với những nơi học sinh chưa thể đến trường); điều chỉnh cách kiểm tra, đánh giá định kỳ thế nào, để đảm bảo tiến độ chương trình trên cả nước.
Sẽ có quy chế về dạy học trực tuyến
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 Bộ GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu để chuẩn bị cho những diễn biến mới về phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị chuyên môn cần chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học.
Để có thống kê cụ thể về mức độ tham gia, chất lượng dạy học, những khó khăn vướng mắc, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học từ xa. Từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc dạy học từ xa.
Video đang HOT
Trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ có một cuộc họp trực tuyến với một số địa phương thuộc vùng đặc thù, vùng khó khăn và một cuộc họp trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học về việc triển khai dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình để nắm bắt tình hình thực tế, có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở giáo dục.
Ông Nhạ cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến, trong đó có các quy định về an toàn, an ninh, nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia dạy và học. Đồng thời, xây dựng video clip hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến; tiếp tục tiến hành thẩm định các bài giảng do địa phương gửi về để phát sóng trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7).
Nếu đi học trước 15.6, vẫn kết thúc năm học trước… 15.7 và thi THPT quốc gia
Trước đó, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, theo tính toán của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15.6 vẫn có thể kết thúc năm học trước 15.7 và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào ngày 8-11.8.
Nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi.
Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, vì lý do bất khả kháng, Bộ GD-ĐT tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Nếu phải dùng đến phương án này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trước khi thực hiện, đảm bảo phù hợp với luật Giáo dục.
Tuệ Nguyễn
Covid-19: Không thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất
Nếu trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 như kế hoạch, thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất.
Ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý việc kéo dài thực hiện cách ly xã hội với 12 tỉnh thành ít nhất thêm 1 tuần, đến 22/4, dỡ bỏ "lệnh cấm" với 36 tỉnh thành khác.
Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan.
Chính vì vậy, ngành giáo dục cũng đang "đau đầu" về phương án cho học sinh đi học trở lại như thế nào, kỳ thi THPT quốc gia sẽ ra sao mặc dù đã trình các phương án kế hoạch thi tới Chính phủ để xin ý kiến, vì quan trọng nhất hiện nay vẫn là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.
Còn về phía thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay cũng đang tràn ngập nỗi lo lắng nếu không thi THPT quốc gia.
Cho dù dịch bệnh diễn biến như thế nào thì chúng em cũng phải trải qua một kỳ thi, hoặc là THPT quốc gia hoặc là thi tuyển sinh đại học của từng trường
Em vẫn phải thi
Mong đợi kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn được tổ chức, em Phạm Tô Huyền Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An lí giải, thứ nhất, em thấy tình hình hiện tại vẫn đủ để học sinh 12 hoàn thành chương trình học và ôn thi THPT quốc gia. Và như vậy vẫn đảm bảo các yếu tố để thi THPT quốc gia bình thường.
Thứ hai, phương án không thi THPT quốc gia theo em là không phù hợp. Khi không thi THPT quốc gia đồng nghĩa các trường đại học sẽ phải tổ chức thi riêng, mà việc này sẽ rất lộn xộn và khó khăn cho nhiều học sinh, như là không thể đăng ký tất cả trường mình muốn (trùng lịch thi...) hay là phải di chuyển đi xa đến nơi tổ chức thi.
"Các hạn chế này của kỳ thi riêng từng trường rất rõ ràng trước đây và đã được khắc phục bằng cách thi chung cả nước thì tại sao bây giờ lại tách ra để lại có những bất cập" - Trang đặt câu hỏi.
Thứ ba, khi thi riêng từng trường thì mỗi trường sẽ có yêu cầu riêng và sẽ khác rất nhiều so với bài thi THPT quốc gia, đơn cử như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cho thêm phần thi tự luận vào bài thi Toán. Điều này rất bất lợi cho học sinh 2002 chúng em vì chúng em đã có ít thời gian hơn, gấp rút hơn, lại phải thích ứng, thay đổi theo yêu cầu của từng trường, sẽ rất khó khăn.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút gọn, tinh giản chương trình học và thi nên đã đỡ hơn được một phần. Cho dù dịch bệnh diễn biến như thế nào thì chúng em cũng phải trải qua một kỳ thi, hoặc là THPT quốc gia hoặc là thi tuyển sinh đại học của từng trường.
Với các lí giải như trên, Huyền Trang mong muốn, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn được tổ chức, đây cũng là mong muốn của bố mẹ em, bởi cách thức xét tốt nghiệp ở từng địa phương và thi đại học ở từng trường sẽ dẫn tới nhiều bất cập và bất lợi cho học sinh. Với em và gia đình, kết quả kỳ thi THPT không phải chỉ để xét tốt nghiệp mà mục tiêu quan trọng hơn là để vào đại học.
Em không xoay sở kịp
Ủng hộ cách tổ chức thi THPT như những năm gần đây, em Nguyễn Đắc Minh, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cách thi trắc nghiệm đã thành mô típ chung, học sinh đã được ôn luyện từ khi bắt đầu năm học. Nếu trong những tháng cuối cùng mà quyết định thay đổi phương án thi thì những học sinh như em sẽ không thể xoay sở kịp.
Đắc Minh cho biết, đến thời điểm này các em đã học xong kiến thức cơ bản, giờ đang tập trung ôn tập. Vì vậy, việc nghỉ học kéo dài thời gian qua rất có lợi cho việc tự ôn tập của em. Nếu trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, theo Đắc Minh, các bạn học sinh có mong muốn thi nhiều hơn một nguyện vọng sẽ rất vất vả và mệt mỏi.
"Em chỉ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tìm ra được phương án thi, tuyển sinh tốt nhất cho năm học đầy biến động này" - Đắc Minh giãi bày.
Đối với em Mai Anh Tuấn, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thái Bình, kỳ thi THPT quốc gia không chỉ giúp em tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là giúp em có cơ hội đỗ được vào trường đại học yêu thích. Với những gì đã chuẩn bị suốt thời gian qua, Mai Anh Tuấn mong muốn được tham gia kỳ thi chung của cả nước.
Em lí giải, em không thích cơ chế thi riêng theo từng trường, vì như vậy sẽ khó đảm bảo tính khách quan và khó có tương quan so sánh. Ví dụ trường A là trường ở tốp cao và có nhiều người muốn vào nhưng vì không đủ tự tin dự thi riêng nên nộp hồ sơ vào trường B, kéo theo điểm sàn trường B sẽ cao, trong khi đó có thể điểm sàn vào trường A lại thấp, sẽ rất "hên xui".
"Vậy nên em nghĩ thi chung là tối ưu, vì sẽ quy sức học của học sinh về cùng một hệ quy chiếu" - Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp mới không tổ chức kỳ thi
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết, tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn, bởi từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi.
Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.
"Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học để được vào học tiếp...
Nhóm học sinh khá giỏi ước mơ vào giảng đường đại học đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tâm tư nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này" - Ông Quyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho rằng, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo.
"Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này" - Ông Bình nói.
Khi đưa ra lí do để có thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trưởng THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo, nội dung kiến thức chủ yếu là học kỳ I lớp 12, kiến thức của học kỳ II chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu, đề tham khảo được các chuyên gia, các nhà giáo đánh giá là vừa sức, phù hợp, đảm bảo các yêu cầu phân loại học sinh.
"Nếu tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ có nhiều thuận lợi, ít xáo trộn" - ông Bình nhấn mạnh.
Thu Minh
Ra mắt chương trình "Đồng hành cùng HS-SV trong mùa Covid-19" Chương trình nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu về các vấn đề, nhu cầu cấp thiết của HS-SV, các bậc phụ huynh trong và sau thời gian học ở nhà dài ngày để phòng chống dịch Covid-19. Chương trình "Đồng hành cùng HSSV trong mùa Covid-19" ra mắt ngày 13/4 trên Fanpage "Học sinh, sinh viên Việt Nam". Các nhóm...