Xương cá mắc kẹt trong phổi bé trai 13 tháng tuổi
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa gắp thành công mảnh xương cá nằm trong gốc nhánh phế quản phổi phải của bé trai 13 tháng tuổi.
TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé trai P.Đ.K., 13 tháng tuổi, ngụ ở Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng thở khò khè, mệt mỏi, ho sặc.
Theo thông tin từ gia đình, trước khi nhập viện khoảng 6 ngày, bé trai bị sặc miếng ổi, sau đó ho sặc sụa trong lúc ăn, bé bị thở gấp, không tím môi. Vài ngày sau, tình trạng không thuyên giảm, trẻ thở khò khè, không sốt, không sổ mũi, ho ít.
Mảnh xương cá được nội soi lấy ra từ phổi bệnh nhi 13 tháng tuổi. Ảnh: BVCC.
Gia đình có đưa bé đi khám và điều trị tại phòng khám tư nhưng bệnh tình không đỡ. Nhận thấy tình trạng không tiến triển, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tuy nhiên, với tiền sử hóc sặc và hội chứng xâm nhập, các bác sĩ vẫn không rõ dị vật dù kiểm tra kỹ phim X-quang. Các bác sĩ khoa Hô hấp nghi ngờ tình trạng dị vật bỏ quên trong đường thở, nên quyết định tư vấn người nhà nội soi kiểm tra.
Qua nội soi phế quản, bác sĩ quan sát thấy mảnh xương mềm, bờ sắc gai góc ở ngay lỗ phế quản trung gian phổi phải. Ngay sau đó, bác sĩ gắp nhẹ nhàng, dị vật lấy ra là một mảnh xương cá.
Sau khi gắp dị vật, bệnh nhi đã thở dễ, sinh hoạt, ăn bú không còn trở ngại. Bác sĩ cho biết bé sẽ sớm được xuất viện.
BSCKI Võ Thành Nhân, khoa Hô hấp, chia sẻ sau Tết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp dị vật đường thở mới cũng như bỏ quên như các loại hạt bí, hạt điều… Tuy nhiên, trường hợp xương cá nằm trong phổi như bé K. nhưng người nhà chỉ nhớ hóc sặc ổi là rất hy hữu.
Các bác sĩ khuyến cáo với các bé nhỏ, phụ huynh cần tránh cho bé chơi đồ vật có kích thước quá nhỏ, dễ ngậm và sặc vào đường thở. Đồng thời, tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị hóc như đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương…
Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập, đột ngột ho sặc, hóc thức ăn, đồ chơi, khò khè kéo dài, phụ huynh cần đưa bé đến khám tại các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa sâu và nội soi về hô hấp nhi để phát hiện, xử trí kịp thời.
Theo Zing
Trẻ ngạt thở vì hóc thức ăn, cứu cách nào mới đúng?
Tôi nghe nói xốc ngay trẻ em bị ngạt thở vì hóc thức ăn lên sẽ cứu được bé, nhưng không biết xốc thế nào cho đúng...
Bạn đọc Trần Quang hỏi : Tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp trẻ con và cả người lớn bị hóc thức ăn như mấy loại trái cây cỡ nhỏ, rau câu, hạt, các thức ăn dạng viên... mà ngạt thở chết. Nhà tôi có tới 3 cháu nhỏ từ 3-15 tuổi nên rất muốn biết cách xử lý trong tình huống này. Trẻ lớn và trẻ nhỏ thì cách cứu có khác gì nhau không?
Ảnh minh họa
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Tình huống bạn nói đến chính là các trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở khi ăn uống, thường gặp nhất khi trẻ vừa ăn vừa cười giỡn, nói chuyện hoặc khóc. Các loại dị vật đường thở chúng tôi hay gặp rất đa dạng: kẹo, mứt, hạt dẻ, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí...
Khi sơ cứu, nếu nạn nhân còn thở được; hoặc ở trẻ nhỏ thì còn khóc, còn la, còn nói được, không khó thở, da dẻ hồng hào... thì nên đến bệnh viện để lấy dị vật ra, không cố tự loại bỏ dị vật đường thở vì có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Nếu nạn nhân tím tái, khó thở, không thể khóc hoặc khóc yếu, nên nhanh chóng sơ cứu tại chỗ để khai thông đường thở, song song với việc gọi cấp cứu.
Với trẻ 1-2 tuổi, chúng ta dùng phương pháp vỗ lưng - ấn ngực: đặt trẻ sấp trên cánh tay trái của bạn, đầu thấp xuống, dùng bàn tay giữ chặt vùng đầu - cổ. Lấy phần gót bàn tay vỗ mạnh 4 cái vào lưng trẻ, khoảng giữa 2 bả vai; tiếp tục lật ngửa trẻ sang tay bên kia, dùng 2 ngón tay ấn mạnh ở vùng nửa dưới xương ức 5 cái. Lặp lại cho đến khi dị vật rơi ra, trẻ khóc lên được.
Clip hướng dẫn vỗ lưng - ấn ngực của Hội chữ thập đỏ Anh:
Với người còn tỉnh, đứng sau lưng, vòng 2 tay ôm lấy nạn nhân. Nắm chặt bàn tay thành quả đấm, đặt tay còn lại chồng lên trên. Quả đấm cần đặt ngay vùng thường vị, dưới chóp xương ức, ấn quả đấm 5 cái dứt khoát vào vùng này bằng lực kéo của 2 cánh tay, lặp lại khoảng 10 lần hoặc cho đến khi dị vật rơi ra.Với người và trẻ lớn, chúng ta dùng thủ thuật Heimlich. Có 2 cách, tùy vào nạn nhân còn tỉnh hay đã hôn mê.
Clip hướng dẫn Heimlich của Hội Chữ thập đỏ Anh"
Với người đã ngưng thở, đặt nạn nhân nằm ngửa, cũng dùng lực 2 bàn tay ấn mạnh ở vị trí tương tự cho đến khi dị vật văng ra. Trước khi làm Heimlich phải thổi ngạt 2 cái chậm, sau đó vừa làm vừa thổi ngạt xen kẽ.
Và điều quan trọng nhất là hãy tránh cho trẻ tình huống xấu kể trên bằng cách tập thói quen khi ăn không cười, giỡn, nói chuyện, la khóc hay chạy nhảy. Nên giúp trẻ lấy hạt trái cây ra trước khi ăn, trẻ nhỏ không nên cắn hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí...
Anh Thư ghi
Theo nguoilaodong
Cảnh báo các loại hạt mùa lễ Tết: Bé hóc đậu phộng, tưởng nhầm viêm phổi điều trị hơn 2 tháng không khỏi Sau một thời gian dài điều trị bằng kháng sinh không khỏi mà tình trạng con ngày càng khó thở, mẹ bé đã đưa con đến bệnh viện thăm khám. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), mới đây bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho một bệnh nhi 3 tuổi bị hóc...