Xử lý tình huống sư phạm: Bản lĩnh người thầy
Theo ông Trần Anh Tư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, giáo viên hiện nay chịu nhiều áp lực, từ chuyên môn, nghiệp vụ, phụ huynh – học sinh và cả chi phối từ cuộc sống bản thân.
Vấn đề ứng xử sư phạm nằm ở người giáo viên.
Những áp lực đó khiến tâm lý giáo viên tại một thời điểm, đối tượng cụ thể dễ nảy sinh bức xúc. Dù vậy, bất luận lý do nào, nhà giáo đều phải tránh bạo lực với học sinh. Kỹ năng ứng xử sư phạm không chỉ là nghiệp vụ mà còn là nghệ thuật.
Kỹ năng người thầy
Sự việc một giáo viên tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tát học sinh lớp 9 vừa qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Thầy giáo này đã bị kỷ luật cảnh cáo, đồng thời thuyên chuyển công tác sang đơn vị mới. Thầy cũng đã gửi lời xin lỗi đến toàn ngành, nhà trường, đồng nghiệp, học sinh và hứa không tái phạm. Tuy nhiên, từ sự việc này, có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến phương pháp, ứng xử sư phạm trong môi trường GD của người thầy.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Tư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, nghề giáo và người giáo viên có nhiều áp lực, khiến giáo viên tại một thời điểm không toàn tâm toàn ý vào việc dạy học. Trong 1 tiết học, với 1 học sinh cụ thể, xảy ra tình huống như “giọt nước tràn ly” trở nên bức xúc, không giữ được ứng xử chuẩn mực, đúng đắn. Dù vậy, bất luận lý do nào, giáo viên đều cần phải tránh bạo lực với học sinh.
Theo ông Trần Anh Tư, về phía tâm lý học sinh, nhất là bậc THCS được xem là lứa tuổi “dở dở ương ương”. “Ngay cả phụ huynh có con cái trong độ tuổi đó cũng có khi không làm chủ được cảm xúc của mình và đánh mắng con. Thậm chí có bố mẹ gửi gắm giáo viên “nếu cháu hư, thầy/cô cứ đánh cháu”. Tuy nhiên, những điều đó không đồng nghĩa với việc ủng hộ giáo viên sử dụng xử phạt bạo lực như một hình thức giáo dục, răn đe học sinh”, ông Trần Anh Tư nhận định.
Ông Trần Anh Tư cũng quan niệm, vấn đề ứng xử sư phạm, nằm ở người giáo viên. Cần phải xác định rằng, trong lớp học, mỗi em một cá tính, nhận thức khác nhau. Em này chậm hơn em kia là bình thường. Khi tình huống sư phạm xảy ra, học sinh đang có phản kháng, mất bình tĩnh, giáo viên có thể không giải quyết được vấn đề ngay lúc đó; có thể gác sự việc lại, để tìm cách xử lý phù hợp nhất. Phối hợp cùng với đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh để cùng tìm ra phương pháp giáo dục học sinh.
Video đang HOT
“Ngoài chuyên môn, kiến thức, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đào tạo kỹ năng sư phạm cho sinh viên. Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thi nghiệp vụ sư phạm, tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập… Qua đó sinh viên được rèn luyện tâm lý, bản lĩnh sư phạm. Bất luận thế nào đi nữa, giáo viên cũng cần phải giữ tâm lý tốt nhất khi bước vào lớp học”, ông Tư cho biết.
Ảnh minh họa/INT
Giáo dục trò bằng sự chuẩn mực của GV
Hơn 25 năm trong nghề giáo, thầy Ngô Trí Ưng (GV Trường THPT Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu, Nghệ An) được nhiều thế hệ học sinh yêu quý, tôn trọng. Dù thầy dạy môn Giáo dục thể chất, nhưng cùng lúc phụ trách nhiều lớp, tiếp xúc với nhiều học sinh. Theo nhà giáo, đánh học sinh trước mặt học sinh khác hoặc chỉ có 2 thầy – trò cũng là không nên, không thể. “Nhiều người cho rằng, không có hình thức nào để dạy dỗ học sinh cá biệt nếu không xử phạt bằng bạo lực, nhưng quan điểm của tôi không phải như vậy. Bất cứ tình huống nào cũng có cách giải quyết”, thầy Ưng chia sẻ.
Theo thầy Ưng, giáo viên cần có sự yêu thương, tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách mỗi học sinh. Quan trọng nhất là phát huy tính tự giác của từng em. Để làm được điều đó, bản thân người thầy phải chuẩn mực. “Trong lớp, tôi có thể đưa ra các quy định riêng yêu cầu học sinh tuân theo, nhưng thầy phải làm gương trước. Nếu thầy vi phạm, thì tự phạt mình. Với cách làm đó, cơ bản học sinh đều tự giác trong giờ học”, thầy Ưng nói đồng thời chia sẻ: Giáo viên có nhiều áp lực, mệt mỏi trong công tác cũng như cuộc sống riêng. Nhưng khi đến trường phải biết gạt những vấn đề riêng của mình ngoài cửa lớp, chỉ nghĩ đến học sinh, tiết học trước mắt để duy trì tâm lý, cảm xúc tốt nhất.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Lương Ngọc – Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, Nghệ An) cho hay: Là trường tư thục, chúng tôi xác định nghề của mình là cung cấp dịch vụ cho học sinh, phụ huynh. Những dịch vụ này cũng phải đứng trên tinh thần của Bộ GD&ĐT như: Xây dựng trường học hạnh phúc; nói không với bạo lực học đường; mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chính yếu tố đó là điều căn cơ mà mỗi giáo viên đứng lớp hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải tuân thủ.
“Mọi hành động của giáo viên phải xuất phát từ tình yêu thương, tuyệt đối không dùng hành vi bạo lực với học sinh. Bạo lực ở đây không chỉ là hành động đánh hay tát học sinh, mà còn liên quan đến dạng khác là bạo lực tinh thần”, thầy Ngọc bày tỏ.
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ có nhiều học sinh đặc thù, hoàn cảnh khó khăn, đòi hỏi giáo viên không chỉ chủ nhiệm mà còn các bộ môn luôn động viên, thấu hiểu. “Nếu các em mất niềm tin trong xã hội hoặc gia đình có chuyện buồn, thì ít nhất khi đến trường, có thể tìm thấy sự động viên, an ủi. Và giáo viên mà học sinh tin tưởng, sẽ là người có được thông tin của các em để giáo dục tốt nhất chứ không chỉ riêng bài vở, điểm số”, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ.
Từ vụ "thầy giáo tát học sinh": Giáo viên cần tinh tuyển và không ngừng học
Nhìn nhận về một số vụ "thầy giáo tát học sinh" thời gian gần đây, chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên phân tích một số căn nguyên và đưa ra giải pháp cơ bản.
Cần đổi mới đào tạo ngành sư phạm
Trước mỗi vấn đề, chúng ta cần đặt nó ở góc nhìn đa diện. Rõ ràng hiện tượng "đánh học sinh" không phải là phổ biến. Tuy nó có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh chung của đội ngũ nhưng nhất định không nên đánh đồng và quy chụp vấn đề đạo đức hay kỹ năng của người giáo viên.
"Không thể vì một vài hiện tượng mà đánh giá cả một hệ thống. Hàng triệu giáo viên đang hành nghề, có người này người nọ, như bao ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận, kỹ năng của đại đa số giáo viên hiện nay còn nhiều lỗ hổng cần bồi dưỡng, lấp đầy để họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của giáo dục nước nhà.", chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận định.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển mà điển hình là nước Mỹ - không có trường đào tạo Sư phạm riêng mà chỉ có các khoa Sư phạm trong trường Đại học. Để có một giáo viên tốt, một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên là tuyển lựa được những sinh viên - người học Sư phạm xuất sắc.
Ở các nước phát triển, sinh viên học Đại học xong mới chuyển ngành Sư phạm và sẽ học tiếp các khoá học nghiệp vụ để theo nghề giảng dạy. Các sinh viên xuất sắc nhất của các chuyên ngành, yêu thích ngành Sư phạm sẽ được tuyển lựa để đào tạo.
Khi đặt vấn đề về đầu vào ngành Sư phạm, cần nói thêm rằng, về chế độ đãi ngộ thì giáo viên khắp thế giới đều khó khăn. Giáo viên ở các nước chủ yếu theo nghề là do yêu thích và đam mê, trong khi ở nước ta vẫn còn hiện tượng chọn Sư phạm để cho có một việc làm chứ không hẳn là do yêu thích.
Xuất phát điểm, động cơ và mục đích cũng là yếu tố làm nên thành công của mỗi người với nghề nghiệp của mình. Bởi khi có đam mê và yêu thích, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, có nguồn năng lượng tích cực để hoàn thành công việc.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Giáo viên cần học tập suốt đời
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia đào tạo, tập huấn cho giáo viên khắp mọi miền đất nước, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: Tôi nhận thấy giáo viên ta còn nhiều kiến thức và kỹ năng cần bồi dưỡng. Kể cả những giáo viên mới ra trường thì vẫn tồn tại tình trạng thiếu cập nhật về kiến thức và phương pháp. Đặc biệt là kỹ năng vận dụng các hiệu ứng tâm lý vào việc giáo dục học sinh. Các kỹ thuật dạy học thì chỉ chủ yếu về lý thuyết và sử dụng thì chưa hiệu quả.
Chương trình đào tạo và các môn học đối với giáo viên thế kỷ 21 cần đáp ứng đủ các yêu cầu: Kiến thức về nội dung; Kiến thức về công nghệ và Kiến thức về phương pháp. Đó là 3 vòng tròn lồng nhau, thuật ngữ này được gọi là mô hình TpaCK. Đây là yêu cầu cần và đủ của một giáo viên thời 4.0. Tất cả các kiến thức này không thể tách rời mà hỗ trợ nhau.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ thuật dạy học tích cực trong phần Kiến thức về phương pháp của giáo viên. Sức mạnh của phương pháp sẽ tối ưu hóa năng lực tư duy cho người học và làm người học tích cực chủ động hơn. Giáo viên cần có khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức học tập suốt đời để cập nhật các kiến thức, phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Chỉ khi giáo viên có động lực và năng lượng tốt mới truyền cảm hứng tích cực tới các học sinh và khiến quá trình học tập trở nên hứng thú, nhẹ nhàng, không bị áp lực.
Quay trở lại câu chuyện về kỷ luật học sinh, Chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên cho rằng: Nếu giáo viên được trang bị tốt kiến thức về chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống bằng cách vận dụng các hiệu hứng tâm lý từ khi còn trên ghế trường Sư phạm thì sẽ hạn chế được tối đa các câu chuyện đáng tiếc trong ứng xử tình huống sư phạm và kỷ luật học sinh. Để thế hệ người Việt trẻ có khả năng tư duy tốt, biết kiểm soát hành vi tiêu cực thì các em phải được học điều đó từ người thầy của mình. Vì vậy nhà giáo không được phép biến mình thành người thiếu kiểm soát hành vi và nóng giận đến mất bình tĩnh trước học sinh của mình.
"Chúng ta đang nỗ lực để xây dựng trường học Hạnh phúc. Điều này chỉ thực thi được khi cả thầy và trò được đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học. Đồng thời cả thầy và trò cần phải tương tác với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng từ cả hai phía." - chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên.
Người thầy trên đảo Cách đất liền khoảng 32km, Hòn Chuối được xem là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng của vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Trên hòn đảo xa xôi ấy có người thầy đặc biệt đang giảng dạy một lớp học cũng vô cùng đặc biệt: lớp học tình thương! Đại úy Trần Bình Phục với sứ mệnh người thầy trên đảo...