Xôi nếp Tú Lệ
Đã hết mùa lúa chín, cũng chưa đến mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang huyền ảo, nhưng chẳng phải vì thế mà Tú Lệ (Yên Bái) không còn gì hấp dẫn để khám phá.
Bởi vào lúc trời lành lạnh thế này, được nắm trên tay một nắm xôi nếp Tú Lệ dẻo thơm nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà thì không còn gì tuyệt bằng.
Dẻo thơm xôi nếp Tú Lệ – Ảnh: Seiya
Lúa ở Tú Lệ chín theo mùa, một năm có một vụ vào tháng 9, tháng 10, mùa nước đổ vào tháng 2, tháng 3 năm sau. Gạo nếp Tú Lệ từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian là một trong những loại nếp dẻo thơm bậc nhất. Với điều kiện giao thông, buôn bán thuận lợi như ngày nay, gạo nếp Tú Lệ đã đi khắp các miền đất nước.
Nhưng đến Tú Lệ sau khi mùa màng đã kết thúc, thưởng thức món xôi nếp mới Tú Lệ do chính bàn tay người dân Tú Lệ đồ thì hoàn toàn khác hẳn. Ở chính nơi này mới cảm nhận được thật sâu hương vị hiếm có của nó.
Video đang HOT
Dọc thị trấn Tú Lệ, rất dễ dàng tìm được quán xôi để ăn. Tạt vào quán quen bên đường, mấy anh em gọi ngay món xôi Tú Lệ thịt nướng. Vừa ăn vừa nhẩn nha hỏi chuyện cô chủ hàng.
Truyền thuyết kể rằng xa xưa tổ tiên người Thái được các vị tiên giáng trần ban cho một loại thóc giống với lời dặn phải tìm nơi khí hậu, đất đai phù hợp gieo trồng để có loại lúa nếp thơm ngon đặc biệt. Vâng lời, người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất gieo hạt mà không nơi nào như ý.
Chỉ đến khi gặp thung lũng phì nhiêu dưới chân đèo Khau Phạ, nhờ dòng nước mát trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, giống lúa nếp “trời ban” ấy mới khoe hết những phẩm chất của mình. Người ta còn kháo nhau gạo nếp Tú Lệ phải ngâm và đồ bằng nước suối trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới là thứ xôi nếp ngon nhất…
Thực hư thế nào trong những câu chuyện thần tiên truyền miệng không thể kiểm chứng được, mấy anh em cứ ngồi gật gù đáp lễ cô chủ hàng, nhưng thấy xôi nếp mình đang thưởng thức trên tay đã đủ kỳ diệu lắm rồi…
Hạt gạo nếp Tú Lệ trứ danh đều, dài, căng mẩy, hạt nào hạt nấy nhìn trong veo rất ngon mắt. Cầm một nắm gạo nếp Tú Lệ trên tay, thấy nặng mà mát mượt như nhung. Thứ gạo ấy đồ lên, chẳng cần thêm nước dừa nước yến gì mà xôi vẫn cứ thơm, dẻo, ngọt từng hạt một. Dẻo mềm mà không bị ướt, bị dính. Ngọt mà càng nhai kỹ thì lại thấy bùi. Bùi mà không béo, không ngấy, ăn vào không thấy ngán, không thấy đầy đầy, ứ ứ như các loại xôi nếp thông thường khác.
Làm nên “danh tiếng” của xôi Tú Lệ còn phải kể đến các hương thơm của nó. Cái hương thơm cứ ngạt ngào như thể hương hoa ban, hoa trẩu, hoa sở… của núi rừng Tây Bắc đọng lại mà thành; dạt dào, khoáng đạt như thể hương của đồng nội, của núi rừng Tây Bắc kết tinh lại mà ra. Hương thơm ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian… ít loại xôi nếp nào có thể sánh kịp.
Nhấn nhá trong miệng một miếng xôi, rồi lại đổi vị bằng miếng thịt lợn nướng thơm phức thì cứ gọi là, thấy cuộc đời mình thật quá đỗi sung sướng. Nhưng ấy là mùa này không có măng ngọt – một loại măng rừng đặc sản của Yên Bái, chứ lên Tú Lệ tầm tháng 8 tháng 9, ăn xôi với măng ngọt xào thì không còn gì bằng. Cái tươi ngon, giòn ngọt của măng đưa đẩy, cái mùi hăng hăng, tươi mới của măng rừng nâng đỡ làm du khách ăn tới no căng mà vẫn không thấy chán, miệng vẫn còn thòm thèm…
Theo tuổi trẻ
Bánh dày kẹp chả thơm ngon ở Sài Gòn
Chiếc bánh dày có vị dẻo thơm của xôi nếp, vị thơm ngon của miếng chả quế ăn kèm.
Bánh dày là món bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn liền với câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu. Bánh được làm từ nếp trắng đậu xanh, thường có hai loại: là chay và mặn, bánh chay nhân đậu đường trắng, bánh mặn nhân đậu mỡ lợn thái hạt lựu...
Những chiếc bánh dày kẹp chả quế là món ăn sáng ngon miệng của nhiều người ở Sài Gòn.
Ở Sài Gòn phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay. Cứ hai cái bánh thành một cặp và thường kẹp ăn chung với giò lụa, chả quế... Khác với ngoài Hà Nội, miếng chả thường khá dày.
Chiếc bánh bình dị, dân dã là thế nhưng để làm ra nó thì không đơn giản tí nào. Bánh ngon hay không, phần quyết định là khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm làm thành chiếc bánh dày chay.
Khi ăn, bánh được kẹp thêm miếng giò lụa hoặc chả quế và rắc vào một ít muối tiêu. Cắn một miếng bánh dày để cảm nhận hương nếp trong từng miếng bánh, cái dẻo của nếp quyện với vị giò thơm hương lá chuối cùng vị hơi mặn của muối tiêu làm cho chiếc bánh dày thêm đậm đà và ngon miệng.
Là món ăn nổi tiếng của Hà Nội nhưng từ khi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, chiếc bánh dày có màu trắng tinh được kẹp chả nhanh chóng được người dân ở đây ưa thích. Hình ảnh những chiếc xe đạp chở đằng sau một thúng bánh dày ở cổng trường học, công viên hay một góc phố nào đó không còn xa lạ với người Sài Gòn. Mỗi cặp bánh dày hiện nay có giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.
Tiêu Phong
Theo NS
Gà bọc đất ấp xôi nương cho ngày mưa lạnh Tiết trời trở lạnh mà được thưởng thức món gà bọc đất nóng hổi, bên trong có nhồi xôi nếp nương dậy mùi thơm phức thì quả là tuyệt vời. Đây vốn là món xuất xứ từ vùng Tây Bắc, phổ biến ở các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu... Tại Hà Nội, đặc sản này thường chỉ có trong các nhà hàng...