Xây dựng Trường học hạnh phúc: Thầy cô là người truyền cảm hứng
Giáo viên giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho học sinh. Do đó, muốn xây dựng Trường học hạnh phúc thì trước tiên, thầy cô giáo phải cảm nhận được hạnh phúc ở chính nơi mình công tác.
Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên hạnh phúc khi tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Ảnh tư liệu
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Trường THPT Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc) là một trong những trường đi đầu tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.
Theo chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang – Hiệu trưởng nhà trường, Trường học hạnh phúc là một chỉ số quan trọng xây dựng nhà trường tiên tiến. Và, muốn có trường học hạnh phúc, trước tiên thầy cô phải là người cảm nhận được hạnh phúc thì mới có thể truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết đến học sinh.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Trường THPT Vĩnh Yên đã đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” với chủ trương đúng đắn và nhiều phong trào dưới các hình thức tổ chức phong phú.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh tư liệu do nhà trường cung cấp
Trước tiên, nhà trường tập trung xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” trong đó đưa ra các chỉ số và các mức độ đáp ứng chỉ số hạnh phúc về phía nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Thứ hai, tập trung đầu tư chất lượng đội ngũ giáo viên và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên nhà trường. Nền tảng, gốc rễ của một nhà trường tiến bộ là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng dạy và học. Thái độ nghề nghiệp, cảm xúc và hành vi của giáo viên sẽ quyết định cảm xúc, hành vi của học trò trong các hoạt động giáo dục.
Thứ ba, nhà trường nhận thức sâu sắc mục tiêu hướng tới của ngôi trường hạnh phúc là học trò phải hạnh phúc. Học trò hạnh phúc khi các em được là chính mình, được học tập và giáo dục trong môi trường yêu thương, tôn trọng và an toàn.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và đồng hành với phụ huynh học sinh trong các hoạt động giáo dục, từ đó lan tỏa giá trị yêu thương, để phụ huynh an tâm khi thấy con em mình vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, trường học hạnh phúc tất yếu phụ huynh cũng hạnh phúc.
Điều cuối cùng là chú trọng chăm lo sức khỏe tâm thần học đường, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc của thầy và trò.
Video đang HOT
Giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên hướng dẫn học sinh học tập theo nhóm. Ảnh tư liệu
Giảm áp lực cho thầy cô
Thầy giáo Đào Chí Mạnh từng được nhắc đến với vai trò tiên phong trong xây dựng Trường học hạnh phúc tại Vĩnh Phúc. Từng là hiệu trưởng Trường TH Kim Ngọc, hiện đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường TH Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), thầy Đào Chí Mạnh đã có chia sẻ với Báo GD&TĐ về kinh nghiệm cá nhân khi xây dựng Trường học hạnh phúc ở những ngôi trường này.
Thầy Đào Chí Mạnh cùng giáo viên Trường TH Hội Hợp B. Ảnh tư liệu
Thầy Đào Chí Mạnh cho biết: “Ở hai ngôi trường tôi đã từng làm Hiệu trưởng, tôi đã có hai khẩu hiệu mà tôi rất tâm đắc đó là: “Happy teachers happy students” – thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc và ” Happy school happy world” – trường học hạnh phúc, thế giới hạnh phúc. Như vậy, trường học hạnh phúc bắt đầu từ chính thầy cô giáo.
Thầy cô giáo, trong đó có cán bộ quản lý là điểm khởi đầu của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Để thầy cô hạnh phúc thì thầy cô, cán bộ quản lý cần có rất nhiều thay đổi mà theo tôi thay đổi đầu tiên bắt đầu từ mục tiêu giáo dục”.
Việc chạy theo căn bệnh thành tích – sẽ là việc làm mà dồn áp lực nên nhà trường, giáo viên và học sinh do đó các thầy cô giáo, đặc biệt là cán bộ quản lý cần hết sức chú ý bởi chúng ta thấy rằng hiện nay áp lực trên đôi vai của thầy cô là rất lớn và từ nhiều phía. Trường học sẽ có cơ hội để được hạnh phúc nếu ta giúp thầy cô vơi đi những áp lực không đáng có. Điều này là có thể làm được nếu các nhà quản lí tại cơ sở giáo dục có mong muốn chuyển áp lực thành động lực.
Học sinh Trường TH Kim Ngọc hạnh phúc mỗi khi đến trường. Ảnh tư liệu
Với giáo viên cũng cần không nên chạy theo điểm số, chạy theo những thành tích mà không đem lại lợi ích cho học sinh trong việc rèn và phát triển năng lực, từ đó tuyên truyền tới phụ huynh và đó cũng là việc giúp các thầy cô giảm áp lực để được hạnh phúc. Bởi, áp lực từ điểm số là áp lực lâu nay luôn có một sức nặng không hề nhỏ lên đôi vai của thầy cô.
“Ở trường cũ tôi áp dụng công thức 3 chữ làm trong hầu hết các hoàn cảnh và thấy rất hữu ích đó là: Hướng dẫn thầy cô làm; tạo điều kiện cho thầy cô làm và tạo động lực cho thầy cô làm. Cùng với đó là việc áp dụng 5 giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc đối với mọi mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, với mọi thành phần đó là: “được yêu thương; được tôn trọng; được an toàn; được hiểu và được có giá trị”. Việc tuyên truyền để các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh hiểu và thực hành 5 giá trị này sẽ rất tốt trong xây dựng văn hóa nhà trường để mọi người hướng tới hạnh phúc” – Thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ thêm.
Theo nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang, khi xây dựng Trường học hạnh phúc điều cần thay đổi đầu tiên là thay đổi suy nghĩ và nhận thức của giáo viên. Điều này thật không dễ dàng và cần có lộ trình lâu dài. Để làm được điều này, nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực đổi mới tư duy của phần đông giáo viên, giúp họ tiếp cận các phương pháp giáo dục mới, các kĩ thuật dạy học hiện đại, các chương trình đào tạo kĩ năng mềm…
Nhờ vậy, giáo viên dần có ý thức rằng giáo dục bằng tình yêu thương là phương tiện giáo dục hiệu quả nhất nuôi dưỡng tình yêu và hạnh phúc của mỗi đứa trẻ. Từ thay đổi về nhận thức đó, thầy cô đang dần tiếp cận và áp dụng nhiều mô hình giáo dục sáng tạo với học trò, nhằm tạo hứng thú và truyền cảm hứng trong học tập và rèn luyện cho học sinh.
Khi thay đổi, thầy cô đều xác định mô hình “Trường học hạnh phúc” đang được toàn xã hội quan tâm, ngành giáo dục vào cuộc quyết liệt nên thầy cô luôn có sự hỗ trợ, khích lệ và đồng hành từ phía nhà trường và ngành giáo dục. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh.
Trường vùng sâu vun đắp xây dựng trường học hạnh phúc
Bằng những hoạt động thiết thực gắn kết giáo viên, học sinh với nhà trường, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) là điểm sáng trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc.
HS Trường THPT Thới Lai cùng nhau trồng giá đỗ tại trường. Ảnh tư liệu.
Trường học hạnh phúc phải xuất phát từ tâm
Trường THPT Thới Lai tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho học sinh song song với việc học tập, rèn luyện. Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường, trường xây dựng phương châm giáo dục "Dạy người, dạy chữ, dạy nghề". Từ phương châm cốt lõi đó, nhà trường đặt ra phương châm hành động là "Xây dựng trường học văn minh, thân thiện, hạnh phúc".
Để cụ thể hóa các phương châm đó, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường đã xây dựng các quy chế chặt chẽ như: Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế thi đua, Quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường. Việc xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đã giúp học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái trong học tập, vui chơi.
Không gian trường học được bố trí hợp lý, xanh, sạch đẹp, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Mỗi bảng biểu trang trí đều mang một thông điệp để mỗi ngày đến trường tất cả học sinh đọc, hiểu và làm theo.
"Xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình dài, được tích tụ, bồi đắp từ từ. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người thầy đến với đồng nghiệp, đến với học sinh, phụ huynh và xã hội", thầy Định chia sẻ.
Đặc biệt, Nhà trường đã thành lập 12 câu lạc bộ sở thích (CLB khéo tay, CLB Hoa Kiểng, CLB Cờ vua - Cờ tướng, CLB ảo thuật, CLB bóng bàn, CLB bóng đá, CLB bóng rổ, CLB, tiếng Anh, CLB Sinh học, CLB Khoa học kỹ thuật, CLB Ảo thuật, CLB Âm nhạc). Rất nhiều học sinh tham gia CLB trong các giờ ra chơi. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức trồng rau sạch, giáo viên và học sinh cùng tham gia tạo môi trường rất thân thiện.
Nhiều phong trào, nhiều cuộc thi được trường tổ chức hướng đến mục tiêu làm cho học sinh có nhiều niềm vui, hạnh phúc như: Ngày hội sắc màu, Đại hội thể dục thể thao, Hội xuân...
Thầy Định tâm đắc quan niệm xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào, mà phải xuất phát từ tâm và cái gì từ tâm mới bền vững. Hạnh phúc bắt nguồn từ tâm hồn, chúng ta cảm thấy tâm hồn, suy nghĩ của mình thoải mái thì sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn hết.
HS Trường THPT Thới Lai tham gia Hội xuân. Ảnh tư liệu.
Lan tỏa từ nhà trường đến cộng đồng
Để lan tỏa ý nghĩa của Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, Trường THPT Thới Lai trước hết đưa ra những mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với đặc điểm, văn hóa địa phương.
Người đứng đầu đơn vị quyết tâm trong hành động, tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ về xây dựng trường học hạnh phúc, đưa ra các giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh; Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh; Chú ý xây dựng thương hiệu của nhà trường ở một số mặt cụ thể. Từ đó sẽ tạo được niềm tin trong đội ngũ, học sinh và cha mẹ học sinh, lan tỏa được ý nghĩa cũng như những giá trị của Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.
Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai.
Theo thầy Nguyễn Hữu Định, thực tế ở Trường THPT Thới Lai, nhà trường xác định mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc hình thành cho các em học sinh những thói quen: biết chào hỏi, biết cảm ơn, biết xin lỗi...
Qua thời gian, những thói quen đó trở thành văn hóa ứng xử đặc trưng của nhà trường để mỗi lần thầy/cô ở các trường bạn hoặc phụ huynh đến trường khi ra về đều cảm thấy hài lòng về sự chăm ngoan, lễ phép của học sinh. Điều đó đã giúp cho nhà trường lan tỏa được những giá trị tích cực đến mọi người và cũng chính là lan tỏa ý nghĩa của trường học hạnh phúc.
Để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, Hiệu trưởng nhà trường là người đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy và lan tỏa mục tiêu đến đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh bằng chính những giải pháp cụ thể.
Thầy Định cho rằng, thầy cô giáo là người tiếp xúc với các em học sinh hàng ngày, thầy cô dạy học sinh bằng chính nhân cách của mình, bằng sự nêu gương. Vì vậy, thầy cô giáo là người đóng vai trò quyết định để xây dựng nên Trường học hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc.
Trước hết, mỗi thầy/cô giáo trong nhà trường phải thể hiện sự đoàn kết, thống nhất giúp đỡ lẫn nhau. Đối với học sinh, thầy/cô thể hiện vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo các em bằng chính tình thương yêu chân thành của mình. Như vậy, học sinh sẽ cảm thấy được tình thương của người thầy dành cho các em, điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho các em .
"Giáo viên phải là người hạnh phúc trong công việc mới lan toả và nhân lên hạnh phúc cho học trò, mới tạo nên trường học hạnh phúc. Để thầy/cô có được hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, minh bạch và thân thiện, mỗi giáo viên được tạo cơ hội để sáng tạo, được bày tỏ quan điểm và nhất là được sự tôn trọng từ Ban Giám hiệu, phụ huynh và được sự kính trọng từ học sinh và xã hội...", thầy Định chia sẻ.
Thực tế tại Trường THPT Thới Lai, 2.000 giáo viên và học sinh là 2.000 trạng thái, cảm xúc khác nhau thì việc dung hòa các mối quan hệ để tạo ra môi trường không có xung đột là không hề dễ.
Bằng chính sự quyết tâm của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên luôn hướng về một mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi luôn luôn giữ được trạng thái tâm lý làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tạo không gian làm việc của nhà trường như không gian của một gia đình. Từ đó, thầy/cô luôn có được tâm lý thoải mái trong công tác, cảm thấy hạnh phúc và điều này đã lan tỏa đến học sinh và phụ huynh. - Thầy Nguyễn Hữu Định.
Khi thầy cô là người bạn đồng hành Trong nhiều diễn đàn của học sinh, có ý kiến cho rằng, nếu thầy, cô giáo dành thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của các em thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi... Sự đồng hành, thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ của giáo viên đối với học sinh sẽ góp phần xây dựng trường...