Xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Khang
Từ một xã vùng chiêm trũng nhiều khó khăn với điểm xuất phát thấp, nhưng quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã giúp xã Tân Khang ( Nông Cống) có những bước phát triển vượt bậc.
Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương được nâng cao… là những điều dễ nhận thấy nhất ở xã cách trung tâm huyện Nông Cống gần 20 km này.
Cơ sở sản xuất bao bì xuất khẩu tại xã Tân Khang (Nông Cống).
Tròn 10 năm trước, khi bắt đầu triển khai XDNTM, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo XDNTM xã Tân Khang đã phân công, giao nhiệm vụ cho từng đoàn thể để triển khai, phối hợp thực hiện, Nhân dân cũng đồng tình hưởng ứng sau khi được tuyên truyền qua các hình thức khác nhau. Theo đó, hội phụ nữ xã triển khai cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; phối hợp với UBND xã để thực hiện thu gom, phân loại và tập kết rác thải để xe chuyên dụng thu gom đưa đi xử lý tập trung. Đồng thời, vận động hội viên mua bảo hiểm xã hội cho các thành viên trong gia đình; hình thành phong trào trao con giống gia súc, gia cầm để các hội viên nghèo phát triển kinh tế… MTTQ xã giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị và khu dân cư; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Chương trình XDNTM. Hội nông dân xã được giao triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Nông Cống về chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển trang trại, gia trại và các mô hình sản xuất quy mô tập trung…
Với thực tiễn của địa phương, đảng bộ và chính quyền xã ưu tiên lựa chọn tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất để làm nền tảng xây dựng các tiêu chí còn lại. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình cá – lúa, nuôi vịt thương phẩm, nuôi vịt siêu trứng, mô hình vườn ao chuồng đang phát triển mạnh tại địa phương. Từ năm 2017, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Khang đã chuyển đổi mô hình hoạt động, làm tốt các dịch vụ phát triển nông nghiệp cho nông dân địa phương, như: cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Những vụ gần đây, HTX đứng ra kêu gọi nông dân dồn đổi ruộng đất, tổ chức liên kết với Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong để sản xuất lúa, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, mô hình 40 ha lúa thương phẩm giống Thái Xuyên 111 được tổ chức sản xuất thành vùng lớn, được phía công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra hằng vụ với giá cao hơn giá thị trường tại địa phương.
Video đang HOT
Vốn là xã thuần nông, nhưng những năm gần đây, Tân Khang đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ để phát triển đa ngành nghề, trong đó tăng tỷ trọng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp – thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nghề nông – lâm – ngư nghiệp. Hiện xã Tân Khang có 43 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, phát triển nghề mộc, vận tải, xay xát, xây dựng, nhôm kính… Đáng nói, trên địa bàn xã có 1 cơ sở sản xuất bao bì xuất khẩu và 1 doanh nghiệp may, hiện giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Nhờ phát triển sản xuất, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Khang đã đạt gần 46,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, hiện chỉ còn 1,03% trong tổng số gần 1.500 hộ dân. Đó cũng chính là cơ sở để xã huy động nguồn lực tổng hợp, trong đó chủ yếu là đóng góp của Nhân dân để thực hiện các tiêu chí XDNTM. 10 năm qua, địa phương đã huy động tổng nguồn lực hơn 193,6 tỷ đồng cho XDNTM; trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện Nông Cống hỗ trợ 11,58 tỷ đồng, ngân sách xã 7,8 tỷ đồng, còn lại là Nhân dân địa phương đóng góp và bỏ tiền xây dựng nhà cửa khang trang, công trình phụ theo tiêu chí NTM.
Từ các nguồn lực huy động, xã Tân Khang đã bê tông hóa 100% tuyến đường trục xã, gần 80% đường trục thôn và giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM. Cơ sở vật chất 3 trường học, trạm y tế, công sở xã đều được xây dựng khang trang. Không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương được bảo đảm nhờ xã đã xây dựng được điểm vui chơi giải trí – thể thao xã, sân vận động, hội trường đa năng 250 chỗ ngồi. Tại 3 thôn trong xã đều có nhà văn hóa khang trang, khu vui chơi thể dục thể thao hàng ngày. Ông Lê Hữu Việt, bí thư chi bộ, trưởng thôn Hoàng Long, xã Tân Khang, chia sẻ: Trong quá trình XDNTM, Nhân dân trong thôn đã đồng tình, hưởng ứng tham gia các phong trào. Thôn đã có nhà văn hóa khang trang, khuôn viên rộng rãi cạnh một hồ nước và nhiều cây xanh thơ mộng. Đến nay, đời sống Nhân dân ngày càng nâng cao, câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh hoạt động liên tục. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được tăng lên với phong trào dọn vệ sinh định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tạo nên làng quê xanh – sạch – đẹp.
Từ sự nỗ lực liên tục nhiều năm, những ngày đầu năm 2021 này, Tân Khang đã được thẩm định đạt chuẩn NTM, mở ra bước ngoặt mới cho phát triển toàn diện của xã. Nhiều bài học kinh nghiệm về huy động sức dân, công tác vận động trong XDNTM đã được xã đúc kết để triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn mới.
Huyện Yên Thủy huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhờ đó thu nhập và đời sống của người dân ngày càng cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Diện mạo nông thôn ở huyện Yên Thủy thay đổi từng ngày (Báo: Hòa Bình)
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, đến nay, toàn huyện có 6/10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Số tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM của huyện Yên Thủy bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, cao hơn 1,1 tiêu chí so với mức bình quân chung của tỉnh và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Toàn huyện có 9 khu dân cư kiểu mẫu, 42 vườn mẫu được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,38%. 8/10 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 96,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 53,58%. 80% hộ gia đình, 91/115 làng đạt đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Để đạt được kết quả đó, việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế tập thể giữ vị trí then chốt trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện có tổng số 123 công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn NSNN, bao gồm các nguồn vốn tỉnh, Trung ương, ngân sách huyện, vốn bổ sung có mục tiêu, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Trong đó, đáng chú ý có 25 công trình giao thông với tổng chiều dài được xây dựng, nâng cấp khoảng 11,8km; 6 công trình giáo dục; 5 công trình thuỷ lợi; 1 công trình sân vận động và 1 công trình xử lý chất thải rắn.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện chiến dịch toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn năm 2020 với tổng chiều dài 260,4 km, huy động 8.265 công lao động tương ứng với số tiền 683,58 triệu đồng. Cũng trong năm 2020, thực hiện phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" đã cứng hóa được 0,7km đường giao thông nông thôn, tổng mức đầu tư 586 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 380 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 206 triệu đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng đã phối hợp với điện lực huyện tiến hành rà soát, xác định vị trí, hướng tuyến đầu tư xây dựng các công trình điện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2020, trên địa bàn huyện có 10 công trình lưới điện được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư là 19,33 tỷ đồng. Trong đó, có 2 công trình lưới điện thuộc chương trình cấp điện nông thôn miền núi, với tổng mức đầu tư 4,89 tỷ đồng. Đến nay, 100% số hộ trong huyện đã được sử dụng điện lưới quốc gia và 10/10 xã được đánh giá đạt tiêu chí NTM về điện.
Đến nay 100% đường liên thôn xóm tại huyện Yên Thủy đã được bê tông hóa (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Đi đôi với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2020, toàn huyện có 7 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác được thành lập mới. Theo đó, trên địa bàn huyện hiện có 39 tổ hợp tác, 33 hợp tác xã đang hoạt động, đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về những kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Văn Hải cho biết: Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM được nâng lên. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy. Thu nhập và đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đó là cơ sở vững chắc để huyện tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã NTM nâng cao, các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu.
Xây dựng nông thôn mới ở bản Pù Toong Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh...