Vụ Vạn Thịnh Phát, chồng bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, chồng bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, với vai trò giúp sức cho vợ.
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, trong khi bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh thì ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Trung Quốc), chồng bà Lan bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, với vai trò giúp sức cho vợ.
Cơ quan điều tra cho rằng, chồng bà Trương Mỹ Lan đã liên đới gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Chu Lập Cơ là cổ đông chính (chiếm 99,26% cổ phần), Chủ tịch HĐQT, giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty CP Đầu tư Times Square. Ông Cơ được bà Lan trao đổi, đề nghị lấy tài sản Dự án Time Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định tại Ngân hàng SCB.
Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chồng là ông Chu Nap Kee Eric. Ảnh: nhadautu.vn
Chồng bà Trương Mỹ Lan đã đồng ý, thống nhất với vợ để ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết Công ty Times Square chấp thuận thế chấp và gia hạn thế chấp cho các khoản vay do bà Lan đề nghị tại Ngân hàng SCB.
Ông Cơ thừa nhận việc đã ký các thủ tục bảo đảm khoản vay theo đề nghị của vợ và bản thân không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn; cũng không có nhu cầu vay nhưng vẫn ký các thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ vay vốn cho bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại đối với Ngân hàng SCB số tiền gốc, lãi là hơn 39.217 tỷ đồng.
CQĐT đã làm việc với các cá nhân đứng tên hộ các khoản vay. Lời khai của những người này thể hiện, họ là lao động tự do hoặc nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có người nhà, người quen làm việc tại Ngân hàng SCB đã nhờ họ đứng tên các khoản vay.
Sau đó những người này được gọi đến SCB để ký khống hồ sơ, thủ tục vay vốn. Họ không hề có nhu cầu vay vốn, không biết phương án vay vốn, không được nhận tiền giải ngân, không có mối liên hệ với Công ty Times Square. Việc đứng tên khống các khoản vay này, các cá nhân được trả tiền công 15- 40 triệu đồng/năm.
Video đang HOT
Bị can nhận thức rõ việc ký các biên bản, Nghị quyết của Công ty Times Square là thủ tục bắt buộc mới đủ điều kiện pháp lý để thế chấp, vay vốn tại SCB.
Tài liệu điều tra thể hiện, căn cứ vào các Biên bản họp và Quyết định của Đại hôi đồng cổ đông Công ty Times Square nêu trên, từ tháng 12/2012- 12/2014, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square thực hiện các thủ tục lập các hồ sơ vay vốn “khống” để giải ngân cho 73 khoản vay khống của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.441 tỷ đồng, thời hạn vay 5 năm.
Năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được nợ, do phương án vay vốn là lập “khống”, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn thu hồi gốc, lãi nên ông Chu Lập cơ chủ tọa, ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Times Square Việt Nam ngày 15/8/2017, nội dung tiếp tục dùng tài sản tại Dự án Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay các khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa là hơn 35.551 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 17/10/2022, còn 46 khoản vay của 46 khách hàng còn dư nợ gốc là hơn 19.552 tỷ đồng, nợ lãi hơn 19.665 tỷ đồng. Tổng cộng dư nợ là hơn 39.217 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, tổng giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà chồng bà Trương Mỹ Lan ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn SCB được phân bổ cho các khoản vay còn dư nợ là hơn 30.100 tỷ đồng.
CQĐT xác định, ông Cơ nhận thức rõ việc ký các Biên bản, Nghị quyết của Công ty Times Square là thủ tục bắt buộc mới đủ điều kiện pháp lý để thế chấp, vay vốn tại Ngân hàng SCB.
Quá trình điều tra, bị can thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội, bản thân bị can có đơn đề nghị được tự nguyện khắc phục hậu quả trong vụ án. Ngày 5/10/2023, chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp 1 tỷ đồng vào tài khoản CQĐT nên CQĐT đề nghị cơ quan tố tụng xem xét khi lượng hình.
Thuyết phục chồng làm điều sai trái
Từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên 32 cổ đông; 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.
Theo lời khai của bà Trương Mỹ Lan, sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012, với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), bà đã trao đổi, thống nhất với chồng và lãnh đạo SCB về việc cho vay để cơ cấu các khoản nợ xấu, lấy tòa nhà Times Square vào làm tài sản đảm bảo để vay 20.000 tỷ đồng của SCB để cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Bà Lan còn khai rằng, các thủ tục Biên bản họp, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square về việc bảo lãnh, thế chấp dự án Times Square cho các khách hàng vay vốn là yêu cầu bắt buộc, phải đảm bảo các thủ tục này mới được vay vốn tại SCB. Các thủ tục này được lập, ký khống, hợp thức hồ sơ.
Năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể thanh toán cho SCB do phương án trả nợ là không có thật, nguồn tiền vay để xử lý nợ xấu nên bà Lan tiếp tục thuyết phục, thống nhất với chồng sử dụng tài sản là tòa nhà Times Square để gia hạn đảm bảo, thế chấp cho các khoản vay đứng tên 54 khách hàng, tổng dư nợ được đảm bảo là hơn 35.541 tỷ đồng.
Kê biên hàng ngàn bất động sản, thu giữ du thuyền của bà Trương Mỹ Lan
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã kê biên hàng ngàn bất động sản, thu giữ 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô và nhiều tài sản khác của bà Trương Mỹ Lan.
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhưng nữ đại gia này chính là người chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB.
Bà Lan thông qua các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội với vai trò là "người tổ chức", chủ mưu, cầm đầu.
CQĐT cho rằng bà Trương Mỹ Lan đã biến các lãnh đạo Ngân hàng SCB và một số đối tượng có vai trò, vị trí quan trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành "người thực hành" để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn. CQĐT xác định bà Trương Mỹ Lan phạm vào tội tham ô tài sản, chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.
Hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện với lỗi "cố ý trực tiếp", có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ, và có kịch bản rõ ràng.
Bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện hành vi tội phạm; đồng thời sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng, hạch toán để che giấu hành vi phạm tội.
CQĐT nhận định, hậu quả mà tổ chức tội phạm do bà Trương Mỹ Lan cầm đầu gây ra hậu quả đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã thu giữ hơn 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD; phong tỏa hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản của một số cá nhân mở tại Ngân hàng SCB.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan đã giao các cá nhân nắm giữ số cổ phần chiếm 66,93% vốn điều lệ Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, tương ứng với giá trị hơn 1.204 tỷ đồng. Đến nay, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.
CQĐT cũng đã tạm giữ, kê biên tài sản là bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
CQĐT cũng kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan bị can Trương Mỹ Lan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Bên cạnh đó cũng kê biên hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Ngoài ra, có 22 tài sản là phương tiện (gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô) của bà Trương Mỹ Lan cũng bị kê biên. CQĐT cũng thu giữ một số sổ tiết kiệm, thiết bị điện tử và đồ vật khác.
Theo kết luận điều tra, Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An (chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân Long An) được UBND tỉnh Long An cấp 233 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư.
Công ty đã bàn giao 90 lô đất tái định cư cho các hộ dân, còn 37 hộ dân chưa nhận nền đất.
UBND tỉnh Long An đề nghị được nhận lại 143 giấy chứng nhận để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ và thống nhất chuyển số tiền Công ty được nhận khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư về tài khoản tạm giữ của CQĐT để khắc phục số tiền bà Lan đã chiếm đoạt trong vụ án.
Trương Mỹ Lan và những "con rối" đã lũng đoạn Ngân hàng SCB như thế nào? Theo Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, đối tượng Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), biến ngân hàng này trở thành công cụ tài chính để Lan tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân...