Vì sao các đại học phụ thuộc kết quả kỳ thi ‘hai trong một’?
Dù đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, hầu hết trường phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi đây là cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa thể thay thế.
Năm nay, Đại học Kinh tế quốc dân, trường nằm trong top đầu ở Hà Nội, có ba phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng (chiếm 1-5% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (khoảng 50%), còn lại xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. Về bản chất, nguồn tuyển vẫn gắn chặt với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi phương thức tuyển theo đề án riêng vẫn bao hàm tiêu chí “kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, phân tích sau năm 2012, khi Luật Giáo dục đại học được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi đại học “3 chung”, các trường bắt đầu mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, đại học càng đẩy mạnh phương thức riêng.
Tuy nhiên, theo PGS Triệu, dù có thêm nhiều phương thức mới, các trường không thể “rời bỏ” kỳ thi tốt nghiệp THPT lập tức và hoàn toàn. Việc chọn phương thức tuyển sinh của trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải tạo được lòng tin của thí sinh, gia đình và xã hội, điều mà kỳ thi tốt nghiệp có. “Kỳ thi này vẫn mang tính quốc gia, là thước đo chung, về tổng thể là dễ tiếp cận. Nó còn đảm bảo được hầu hết tiêu chí của một kỳ tuyển sinh lớn”, ông Triệu nói.
Nếu như trước đây, kỳ thi “3 chung” xác định rõ mục tiêu là xét tuyển đại học thì nay kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp, tuyển sinh là thứ yếu. Phương thức cũ là tốt cho tuyển sinh đại học hơn, nhưng không thể quay lại quá khứ. “Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản gánh vác trọng trách tuyển sinh đại học mà 3 chung trao lại. Để hoàn thiện hơn, tôi hy vọng đề thi năm sau có tính phân hóa cao hơn”, ông nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, cho rằng các trường có nhiều cách tuyển sinh, nhưng chọn cách nào cũng cần tính đến sự thuận lợi cho thí sinh. Nếu mỗi trường hay nhóm trường tuyển sinh theo một cách riêng, thí sinh và gia đình sẽ gặp nhiều áp lực, tốn kém tiền bạc. Chưa kể, mỗi phương thức lại có một mặt bằng, tiêu chí riêng để đánh giá nên thí sinh cũng gặp khó để xác định năng lực của mình. Việc tổ chức thêm các kỳ thi riêng sẽ gây tốn kém cho xã hội.
“Điểm thi chỉ là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá sinh viên có đủ năng lực theo học tại trường hay không. Các đại học đủ sức sàng lọc sinh viên không đạt trong quá trình học kéo dài 4-5 năm”, ông Thạc nói.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nha Trang, cũng thừa nhận việc tự đứng ra tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng là vô cùng tốn kém cho đơn vị tổ chức, gây khó khăn cho thí sinh và phức tạp cho xã hội. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là lựa chọn tối ưu khi chưa có nhiều phương thức có độ tin cậy và khách quan hơn.
Nhìn nhận một cách khách quan, ông Phương cho rằng công tác tổ chức kỳ thi “hai trong một” 7 năm qua có sự đổi mới để tốt hơn. Một số điều chỉnh lớn như chuyển kỳ thi THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời gian thi được giảm từ 5 ngày xuống còn 2-3 ngày, phần lớn môn sang hình thức trắc nghiệm, việc chọn trường trước lựa chọn trường sau, điều chỉnh nguyện vọng từ một lần sang nhiều lần, từ khoảng 10 tổ hợp xét tuyển lên tới hơn 200 tổ hợp, tổng điểm ưu tiên từ 3,5 xuống còn 2,75.
Ngoại trừ khối trường đặc thù như Y dược hoặc trường top trên cần những yêu cầu đặc biệt cho thí sinh, hầu hết trường tuyển đủ chỉ tiêu đã là thành công. Do đó, cách tuyển từ kỳ thi này vẫn mang lại hiệu quả, được lựa chọn nhiều nhất với tỷ trọng chỉ tiêu cao nhất.
Video đang HOT
Thực tế các chuyên gia chỉ ra ở trên được biểu hiện rõ trong tổng thể tuyển sinh đại học 2021. Hầu hết khối trường Y dược, Sư phạm, Kinh tế, Kỹ thuật top trên dành tỷ lệ 80-90% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Với các trường có 3-6 phương thức, xét điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm 60-70%.
Ở phía Nam, hơn 60 trường có thêm phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, nhưng chỉ tiêu thấp, chỉ 10-30%. Ở các trường thành viên đại học này, dù phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực được xác định 40-60% tổng chỉ tiêu, thực tế nguồn tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp vẫn đáng kể. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa tuyển 3.000 sinh viên phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong tổng số 5.000 chỉ tiêu, Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển hơn 2.300 thí sinh trong số 3.600 chỉ tiêu.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 20201 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Phân tích sâu về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đánh giá “tốt, vừa sức thí sinh và có độ phân hóa nhất định”.
Ông Dũng không đồng tình quan điểm là điểm kỳ thi tốt nghiệp THTP quá cao, không phù hợp để tuyển sinh đại học. Trên thực tế, cả nước chỉ có một thí sinh được 30 điểm xét tổ hợp. Ba ngành đại học điểm chuẩn trên 30 trong đó có hai ngành ở khối công an và sư phạm. “Do chỉ tiêu ít, đặc thù được miễn học phí, được bố trí việc làm sau tốt nghiệp nên hút lượng lớn thí sinh, dẫn đến điểm chuẩn đẩy lên cao. Không nên lấy trường hợp cá biệt đánh giá chung kỳ thi”, ông giải thích.
Với tính chất tổ chức thi tại chỗ, không phải tốn tiền di chuyển, ăn ở như thời thi đại học, thí sinh ở vùng sâu, nông thôn khó khăn có cơ hội vào đại học ngang thí sinh ở thành thị. “Ngoài việc tiết kiệm chi phí cho trường, thí sinh, xã hội, tuyển sinh bằng kỳ thi này tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Phương án tuyển sinh thì nhiều, nhưng không phải cách làm nào cũng tốt cho thí sinh như vậy”, ông Dũng nói.
Phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm tối đa thí sinh ảo, mang lại hiệu quả lớn nhất. Với phương thức khác, chẳng hạn xét học bạ, số thí sinh ảo rất lớn, trúng tuyển rất nhiều nhưng nhập học không đáng kể. Do đó, theo ông Dũng, trước khi hoàn thiện được những trung khảo thí độc lập để phục vụ tuyển sinh đại học, kết quả kỳ thi tốt nghiệp vẫn là lựa chọn tốt nhất và khó thay thế cho các trường.
Xét tuyển đại học dựa vào kết quả thi THPT có gì mới?
Một trong vài thay đổi quan trọng là dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trở lại trường sau kỳ nghỉ phải tăng tốc học để chuẩn bị cho kỳ thi THPT và xét tuyển đại học sắp tới - ĐÀO NGỌC THẠCH
Một đại diện Bộ GD-ĐT cho biết về cơ bản quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy năm 2021 mà Bộ này đang hoàn thiện bản dự thảo vẫn giữ nội dung như năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có một vài điều chỉnh nhỏ Bộ GD-ĐT muốn tiếp tục xin ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức.
Có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến?
Một trong vài thay đổi quan trọng là dự kiến cho phép thí sinh (TS) điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần, nếu TS đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, sau khi biết điểm thi, trong khoảng thời gian quy định, TS được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thay vì 1 lần như những năm trước.
Một thay đổi khác là TS được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến thay vì phải đăng ký trên phiếu đăng ký dự thi và xét tuyển như những năm trước.
"Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, trường ĐH và các trường CĐ đào tạo giáo viên trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn TS về kỹ thuật khi đăng ký trực tiếp", vị đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Những dự kiến này sẽ được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến phản biện của chuyên gia, xã hội trước khi có quyết định cuối cùng.
Có nên cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần?
Về dự kiến cho TS có thể điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, tiến sĩ Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, bình luận nếu Bộ GD-ĐT định cho phép TS điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong khoảng thời gian nhất định sau khi các em biết điểm thi thì đây là động thái thừa. Nếu xét từ lợi ích các trường, quy định này không có khó khăn gì với các trường trong việc lọc ảo và xác định điểm chuẩn.
Dẫu TS điều chỉnh 1 lần hay bao nhiêu lần thì cũng chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định, trong thời gian đó không một trường nào truy cập được vào hệ thống. Chỉ lúc nào hết thời gian điều chỉnh thì hệ thống mới đóng lại với TS và mở ra với các trường, lúc đó các trường mới chạy lọc ảo được.
Trong khi đó, về phía lợi ích của TS, quy định này chỉ khiến các em khó khăn hơn về mặt tâm lý, dẫn tới việc lựa chọn thiếu tỉnh táo ở lần điều chỉnh cuối. "Về mặt lý thuyết, các em được đăng ký vô số nguyện vọng ở lần đăng ký xét tuyển đầu tiên. Sau khi có điểm, các em lại được điều chỉnh lần nữa với tối đa vô số nguyện vọng. Việc cho các em thêm 2 lần điều chỉnh nữa không tác dụng gì khi mà thông tin các em có cũng chỉ bấy nhiêu", tiến sĩ Thạc nói.
Còn về việc cho TS đăng ký xét tuyển trực tuyến, PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng đây là một quy định rất đáng hoan nghênh. Nếu vậy, Bộ cũng nên cho phép TS đăng ký xét tuyển tích hợp với đăng ký thi như mọi năm, nghĩa là cả đăng ký thi và xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến. Việc này giúp giảm tải rất nhiều cho việc chuẩn bị kỳ thi của các trường phổ thông. "Bởi TS đăng ký trực tuyến, điều chỉnh nguyện vọng cũng trực tuyến nên quy định cho TS điều chỉnh 3 lần (thay vì 1 lần) là hợp lý", PGS Bùi Đức Triệu nêu ý kiến.
Ông Triệu phân tích thêm: "Quy định này không chỉ để giúp TS chọn nhầm rồi chọn lại mà còn cho phép những em lỡ thao tác sai được thao tác lại. Đối với các trường thì không ảnh hưởng gì, thậm chí về lâu dài thì các trường hưởng lợi ở chỗ có ít TS bỏ học giữa chừng vì chọn lầm nguyện vọng, nên có được sự ổn định trong đào tạo".
Liên quan tới dự định cho TS đăng ký xét tuyển trực tuyến, PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Mọi năm thì mỗi TS được phát một phiếu đăng ký dự thi, trong đó bao gồm thông tin về việc đăng ký xét tuyển để TS điền thông tin, sau đó các trường sẽ nhập dữ liệu vào hệ thống.
Còn năm nay, Bộ GD-ĐT đề xuất ý tưởng sẽ phát cho mỗi TS một tài khoản, các em sẽ đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến. Nhưng các sở GD-ĐT vẫn in tờ đăng ký đó ra để làm căn cứ đối chiếu khi rà soát dữ liệu. Lúc đó, chúng tôi không được phổ biến việc TS sẽ đăng ký thi riêng, đăng ký xét tuyển riêng. Như vậy, nếu dự định đó được đưa vào dự thảo mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố thì có nghĩa cả đăng ký thi và đăng ký xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến".
Có thể ban hành quy chế muộn hơn so với dự kiến
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ mong muốn cuối tháng 3 là có thể ban hành được quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (1.3), Bộ vẫn chưa công bố được dự thảo quy chế để xin ý kiến góp ý của xã hội, vì chắc chắn thời điểm quy chế được ban hành sẽ muộn hơn nhiều so mong muốn.
Tư vấn trực tuyến "Chọn ngành cho tương lai": Chọn ngành học khối ngành y tế - sức khỏe
Vào 14 giờ 30 ngày 2.3, chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành cho tương lai" khối ngành y tế - sức khỏe sẽ diễn ra đồng thời ở các kênh thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Đại diện các trường ĐH sẽ tập trung chia sẻ những nét đổi mới trong phương án tuyển sinh khối ngành sức khỏe trong năm nay như hình thức xét tuyển, các ngành đào tạo mới, những quy định đặc thù trong xét tuyển, giải đáp các băn khoăn về lựa chọn ngành học trong lĩnh vực này.
Chuyên gia tham dự chương trình gồm: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My, Trưởng ban Đào tạo khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bảo Hân
Hotgirl Thi Thi mang trái tim ấm áp đứng lớp dạy học khi mới 21 tuổi Chỉ mới 21 tuổi nhưng "cô nàng cá tính" này đã có thể chứng minh bản thân, tự mình đứng lớp dạy học. Không chỉ gây ấn tượng bởi ngoại hình xinh xắn, hotgirl Thi Thi còn được mọi người biết đến là một "cô giáo" dạy Ngoại ngữ đầy tài năng. Sinh ra và lớn lên tại Nha Trang, Trần Nhật Thi...