Về Thanh Hóa thưởng thức những món bánh ngon
Nhắc đến đặc sản xứ Thanh, nhiều người thường nghĩ ngay đến món nem chua nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, Thanh Hóa còn có những món ăn độc đáo, ngon miệng khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi.
Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là các món bánh dân dã được làm từ gạo tẻ, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất này như: bánh khoái tép, bánh răng bừa và bánh cuốn.
Bánh khoái tép
Món bánh thường được người dân Thanh Hóa giới thiệu đến bạn bè và du khách là bánh khoái tép. Đây là món ăn chỉ có ở thành phố Thanh Hóa (phố Đào Duy Từ, Hàn Thuyên…) và một vài huyện lân cận. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay thành nước, rau cần, bắp cải và tép tươi.
Bột gạo được tráng lên chảo gang sâu lòng, sau đó cho rau cần cắt khúc nhỏ chừng 5cm, bắp cải thái sợi dài, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Một quả trứng gà đánh đều cho vào giữa chảo bánh sẽ cho ra một chiếc bánh vàng rộm, thơm ngậy. Cách chế biến đơn giản là vậy nhưng đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn của người làm, phải biết điều chế củi, lửa phù hợp để bánh không bị cháy, cũng không được mềm quá. Nước chấm chỉ cần nước mắm pha chanh ớt là đủ vị, thêm món dưa góp sẽ càng ngon miệng hơn. Vào ngày trời se lạnh, những quán bán bánh khoái tép thường rất đông khách. 3 đến 5 bếp củi liên tục đỏ lửa mới đủ phục vụ nhu cầu của khách.
Bánh răng bừa
Nếu đến Thanh Hóa vào những ngày Tết cổ truyền hay ngày lễ trong năm, bạn sẽ được thưởng thức món bánh răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) thơm lừng mùi hành mỡ.
Nguyên liệu để làm bánh răng bừa là gạo tẻ ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, sau đó pha nước cho vừa đủ. Bột làm bánh được đặt lên bếp, đun nhỏ lửa, dùng đũa khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục cũng không quá chín. Đến khi nồi bột gạo sền sệt thì bắc ra ngoài để nguội rồi dùng lá dong hoặc lá chuối tươi hơ qua lửa để gói bánh. Nhân bánh răng bừa gồm thịt ba chỉ, hành khô, mộc nhĩ băm nhỏ, trộn với hạt tiêu, gia vị vừa đủ rồi xào chín tới. Nếu làm bánh răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đỗ. Sau khi gói xong, những chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào nồi, đổ nước và luộc chín.
Video đang HOT
Bánh cuốn
Bánh cuốn là món ăn có ở nhiều địa phương trong cả nước nhưng bánh cuốn xứ Thanh có mùi vị rất đặc trưng, không lẫn với bất cứ nơi nào. Bột làm bánh là gạo tẻ xay thành nước. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai và tôm tươi đã bóc vỏ, băm thật nhỏ, ướp gia vị, xào chín tới; mộc nhĩ cũng được băm nhỏ, xào qua và để riêng; hành khô được xắt nhỏ, phi vàng rộm. Nước chấm là nước mắm ngon pha nhạt, thêm một chút chanh, hạt tiêu và vài lát ớt đỏ tươi tạo nên mùi vị chua cay thanh thanh rất đặc trưng. Nếu cho vào bát nước chấm một vài miếng chả viên nướng và một chút hành khô phi thơm sẽ tạo nên một bát nước chấm thơm ngon đặc biệt.
Dụng cụ làm bánh cuốn là một chiếc nồi đồng bịt vải màn, có chừa lại một khe nhỏ để thoát hơi nước, một chiếc muôi gỗ múc bột, một ống nứa nhỏ hoặc đũa cái được thoa mỡ để chống dính, một cái nong tre nhỏ lật ngược cũng được thoa mỡ để trải và cuốn bánh. Chủ quán nhanh tay múc một muôi bột, dùng chính cái muôi đó dàn bột thật đều trên lớp vải màn rồi đậy vung lại. 30 giây sau bánh chín, dùng ống nứa nhẹ nhàng lấy bánh ra trải rộng trên mặt nong, sau đó rải nhân, cuốn bánh, xếp vào đĩa, rắc hành lên trên. Cứ thế, từng chiếc bánh nóng hổi được làm ra, khéo léo đến từng chi tiết nhỏ.
Đối với mỗi người dân Thanh Hóa xa quê, những món bánh bình dị mà chan chứa tình thân luôn khiến trái tim nao lòng mỗi khi nhớ về quê hương, thôi thúc bước chân trở về quây quần với người thân bên căn bếp đỏ lửa. Đối với du khách, mỗi chiếc bánh sau khi thưởng thức đều để lại ấn tượng khó quên, khiến người ta muốn quay trở lại để thêm một lần được cảm nhận hương vị mặn mòi, ấm áp tình người của mảnh đất cửa ngõ miền Trung này.
Theo Vietnam
Bánh đa Minh Châu: Món quà quê dân dã
Với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, như: gạo, vừng, muối... người dân làng Minh Châu (hay còn gọi là làng Chòm), xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa đã tạo cho xứ Thanh loại bánh đa có hương vị đặc trưng riêng khó nơi nào có được.
Dù làm bánh đa lâu năm nhưng người làng Minh Châu chẳng ai nhớ nghề này có từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên, họ đã thấy ông bà, bố mẹ làm những chiếc bánh đa vừng thơm ngon, béo ngậy.
Nghề bánh đa tuy không nặng nhọc nhưng hàng ngày, những người dân làm nghề phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị các khâu làm bánh và họ thường kết thúc công việc vào khoảng 13h chiều mỗi ngày.
Là người có hàng chục năm gắn bó với nghề truyền thống, chị Lê Thị Huệ, thôn Đắc Châu 1, cho biết: "Tôi gắn bó với nghề này từ lúc 14, 15 tuổi. Cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh rồi. Trung bình mỗi ngày tôi thường tráng được khoảng 1.000 chiếc bánh. Hôm nào đơn hàng nhiều thì chồng tôi cũng tráng phụ thêm. Ở những gia đình làm nghề truyền thống này, phụ nữ, đàn ông đều biết tráng bánh".
Để có một chiếc bánh đa ngon, người dân làng Minh Châu phải sự dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Q5) để tráng bánh. Người tráng bánh phải dàn bột đều tay để bánh có độ dày vừa phải, rồi rắc lớp vừng đều trên mặt bánh.
Bánh đa làng Minh Châu chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng. Theo những người làm bánh lâu năm ở làng thì chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu.
Sau khi tráng bánh xong, bánh sẽ được đưa ra phơi, nếu trời nắng to khoảng 5-6 tiếng là bánh khô, nhưng trời râm phải 2 - 3 ngày. Bánh không được phơi quá khô, sẽ cong dòn, dễ gãy.
Bánh đa vừng thường nhập với giá từ 4.500 - 6.000đồng/cái tùy từng loại. Ngoài bánh sống ra, người dân làng Minh Châu cũng nướng bánh chín để bán.
Vào mùa gấc chín, người dân Minh Châu còn làm bánh đa gấc với màu đỏ đẹp mắt và mùi thơm của gạo, vừng, gấc quyện vào nhau, tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng.
Một chiếc bánh đa quạt thành công phải có màu vàng ruộm và nở phồng đều nhau. Khi ăn có vị béo ngậy của vừng, vị ngọt của gạo và vị mặn của muối tạo nên một hương vị đậm đà khó nơi nào có được.
Nghề làm bánh đa ở làng Minh Châu vẫn sống cùng thời gian, đó là nhờ ý thức gìn giữ của nhiều thế hệ trong làng. Giờ đây, nhiều người đã coi nghề làm bánh là nghề chính chứ không chỉ đơn thuần là nghề phụ làm lúc nông nhàn.
Những giàn bánh đa phơi trải dài bên hiên nhà vào những trưa nắng khiến cho ai ghé thăm nơi đây cũng thấy ấm lòng. Làng nghề bánh đa Minh Châu giờ đây không chỉ giúp cho người dân có cuộc sống ấm no mà còn trở thành địa điểm đến thăm quan độc đáo cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo Thanhhoa
Bánh khoái tép xứ Thanh: Ăn một lần là nhớ Trong rất nhiều món ăn vặt nổi tiếng của Thanh Hóa, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến món bánh khoái tép dân dã mà thơm ngon khiến ai đã ăn một lần là nhớ mãi. Vào những ngày se lạnh, món ăn này lại càng thu hút đông thực khách đến thưởng thức. Nguyên liệu chính để làm món bánh khoái tép...