Vào lò luyện thi chỉ để… hỏi
Chuyên gia luyện thi và thủ khoa cho rằng, nhiều học sinh nhầm lẫn về cách thức học ở lò luyện thi. Vào lò luyện thi chỉ để hỏi thầy cô giáo chứ không phải… học nhồi nhét.
Bứt tốc bằng cách nào?
Băn khoăn lớn nhất của thí sinh đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ) là có nên đăng ký học tại các lò luyện thi cấp tốc. Thạc sỹ Nguyễn Thu Hồng- Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, luyện thi cấp tốc cũng có thể làm nên cú bứt phá cho kỳ thi ĐH: “Tôi không phản đối ôn thi cấp tốc, bởi rất nhiều người đạt kết quả cao nhờ luyện thi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi chỉ được 3 điểm môn sử. Nhưng sau một tháng ôn thi ở trung tâm, kết quả thi tuyển sinh ĐH môn này là 7 điểm”.
Theo Ths. Hồng, phương pháp giảng dạy ở lò luyện thi cũng có ưu điểm riêng giúp ích cho người học. “Giờ tôi cũng đi luyện thi môn văn cho học sinh. Thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy, ôn luyện phải là người cùng học với học sinh, cùng tìm hiểu để đưa ra lời giải cho các vấn đề chứ không phải cứ rót, cứ nhồi kiến thức”.
Vì vậy, thạc sỹ Hồng đưa lời khuyên: Để ôn luyện hiệu quả, học sinh phải tìm hiểu kỹ lưỡng trung tâm luyện thi và người dạy, sao cho phù hợp trình độ và khả năng tiếp thu của bản thân. Đề thi những năm gần đây rất cơ bản. Thay vì đến lò luyện thi, học sinh có thể theo học chính thầy cô giáo dạy mình ở THPT, nếu thấy phương pháp giảng dạy đó vẫn phù hợp với mình.
PGS.TS Phạm Xuân Quế- nguyên Chủ nhiệm khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, lượng kiến thức trong mỗi buổi ôn cấp tốc ở lò luyện không nhiều. Vì thế, học sinh phải có kế hoạch cụ thể. “Phải tự đánh giá mình đang ở trình độ nào, từ đó đưa ra kế hoạch ôn thi cụ thể hàng ngày, hàng tuần. Cái gì đã đạt được, cái gì chưa biết, muốn có cái gì ở lò luyện thi… Đến lò luyện để hỏi chứ không phải để nghe. Phải trao đổi với bạn bè và nhờ thầy giáo làm rõ những điều mình chưa biết. Cái chính vẫn là tự học”.
Một giáo viên của trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Nội đưa lời khuyên: “Nếu các em không nắm chắc kiến thức cơ bản thì vào lò luyện cũng không ăn thua đâu. Học thật chắc kiến thức, vào lò luyện mới nhanh vỡ vạc. Giờ này vẫn chưa nắm chắc kiến thức, vắt chân lên cổ vào lò chỉ lãng phí thời gian!”.
Đinh Quang Cường, Chủ nhiệm CLB Thủ khoa đỗ đại học mà không cần đến lò luyện thi
Video đang HOT
Tiếng nói thủ khoa
Được hỏi về kinh nghiệm ôn luyện thi đại học, một sự trùng hợp thú vị là đa số thủ khoa, á khoa thú nhận… không đi học ở trung tâm.
Đinh Quang Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia sư thủ khoa (Hà Nội) cho biết: “Em dành phần lớn thời gian để tự học ở nhà. Hồi thi ĐH, em từng học lò luyện một thời gian ngắn nhưng không phù hợp nên lại thôi. Em nghĩ cái chính là do mình. Mình được năm phần, gặp thầy giỏi cũng chỉ giúp nâng lên đến bảy phần, chứ không thể nâng lên mười được”.
Hoàng Thị Thao, Á khoa Đại học Sư phạm Hà Nội đồng quan điểm: Không cần đến lò luyện thi. “Từ bé đến giờ, em chưa đi học thêm buổi nào. Kể cả khi ôn thi ĐH cũng chỉ ở nhà tự học thôi. Lò luyện thi giúp hệ thống hóa và khắc phục lỗ hổng kiến thức, nhưng cũng có thể “ngốn” không ít tiền và thời gian của người học. Thậm chí, còn gây áp lực cho bạn, làm hỏng cả kiến thức đúng đắn mà bạn đã có”, Thao chia sẻ.
Tự học là điều cần thiết nhất để mỗi người rút ra những kinh nghiệm cho mình, rèn khả năng tư duy và giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Đó chính là bí quyết ôn luyện của Nguyễn Chí Long, Thủ khoa ĐH Y Thái Nguyên, Á khoa ĐH Ngoại Thương Hà Nội. “Mình thấy nhiều thầy cô dạy thiên về “chém gió”. Vẽ vời tên bài giảng rất “siêu sao” nhưng không cần thiết. Có khi họ dành ra hai ba ngày chỉ để dạy một mẹo nhỏ luyện thi. Mà mình thấy nhiều khi học sinh rủ nhau đi học ôn theo kiểu trào lưu, ham vui nên không hiệu quả”
“Đừng vì bạn bè rủ rê hay đọc quảng cáo trên mạng, nghe tin đồn mà đăng ký học. Bạn phải biết chắc chắn người dạy mình là ai, chương trình như thế nào, điều kiện ôn luyện ra sao rồi hãy quyết định”, Hoàng Thị Thao, Á khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Theo khám phá
Hà Nội: Lò luyện tăng giá
Dạo qua nhiều "lò" luyện thi đại học trên địa bàn Hà Nội dịp này khá yên ắng, vắng thí sinh. Tuy nhiên, giá mỗi buổi học đều tăng từ 10.000 đ/buổi so với năm trước. Nhiều trung tâm gia sư giả đã xuất hiện, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải lên tiếng cảnh báo.
Thí sinh vắng, giá tăng
Khảo sát tại khu vực phường Bách khoa, nơi nổi tiếng về các "lò" luyện thi khối A, năm nay có vẻ im ắng bởi chưa vào chính vụ luyện thi cấp tốc do thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi khó khăn lắm mới tìm được một trung tâm luyện thi đại học tại phố Tạ Quang Bửu với ngôi nhà 5 tầng khá rộng rãi và khang trang. Trung tâm luyện thi tất cả các khối A, B, C, D ôn từ lớp 10 đến lớp 12. Lịch học được trung tâm bố trí dày đặc từ 8h sáng đến 20h hàng ngày, đáp ứng nguyện vọng của các sĩ tử. Trung tâm còn rao, phòng học có trang bị máy điều hòa nhiệt độ....
Đặc biệt giá cả năm nay tăng hơn năm trước, mỗi buổi cho khối A là 27.000đ/môn, khối C,D là 30.000 đ/buổi. Giải đáp thắc mắc về giá học tăng, một người phát lịch học tại trung tâm cho biết: "Giá cả năm nay tăng vùn vụt như vậy, mỗi buổi học tăng 10.000 đ so với năm trước có gì mà cao. Nhiều trung tâm khác như trung tâm Tô Hoàng còn 30.000 đ/buổi lại không có điều hòa". Được biết, trung tâm này liên tục tổ chức thi thử cho thí sinh tới luyện thi, giá mỗi buổi thi thử nhỉnh hơn giá mỗi buổi học một chút.
Còn tại khu vực luyện thi Cầu Giấy, có vẻ nhộn nhịp hơn. Vì năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT có ba môn thuộc khối xã hội nên các "lò" luyện thi đại học có vẻ đông hơn. Do địa thế gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nên tại khu vực này có nhiều trung tâm quảng cáo với lời mời đảm bảo với giáo viên bồi dưỡng đều thuộc các khoa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Một quảng cáo của trung tâm luyện thi gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong khi đó, trung tâm luyện thi ở ngõ 336 Nguyễn Trãi có thông báo: Luyện thi các khối A, D với tiêu chí: Lớp ít học sinh, đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, trong khi dạy có kiểm tra định kỳ. Phòng học máy lạnh, máy chiếu, học sinh vào học phải có thẻ nhưng vẫn khá ít thí sinh đến đăng ký. Giá mỗi buổi học tại khu vực này có khác khu vực Bách khoa một chút, nếu học buổi chiều hai ca thời gian 3 giờ là 70.000đ. Nếu đăng kí học tối một ca (1,5 giờ) là 50.000đ với sĩ số lớp học chỉ 10-15 học sinh/lớp.
Không khí "lò' luyện thi ở Hà Nội yên ắng bởi học sinh đang gồng mình lên với các buổi hướng dẫn ôn tập và thi thử tại trường. Bên cạnh đó, luyện thi đại học trực tuyến mở ra rầm rộ trên mạng với giá cả khóa học rất rẻ chỉ khoảng 150.000 đ/khóa học.
PGS.TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Thí sinh cần tỉnh táo hơn khi đến các lò luyện thi bởi nhiều trung tâm mượn danh thầy để chiêu sinh, người thực dạy lại không phải thầy đó".
Thầy Cương cho hay: "Học sinh của trường được 4 lần thi thử trong đó 3 buổi thi thử đại học và 1 buổi thi thử tốt nghiệp THPT. Các em đều được các thầy trong trường hướng dẫn tận tình cách ôn tập, do vậy chúng tôi rất yên tâm khi các em dự thi đại học. Bởi trong vài năm trở lại đây, đề thi đại học chủ yếu nằm trong chương trình đã học nên các em học sinh cần nắm chắc kiến thức trong sách và chăm chỉ ôn tập là đạt kết quả cao".
Về đề thi năm nay, ông Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi cơ bản không thay đổi so với năm trước. Bộ có đưa ra chương trình giảm tải, đề thi sẽ không có phần nào nằm trong phần đã được giảm tải.
Xuất hiện nhiều trung tâm gia sư giả
Bên cạnh đó, nhằm trục lợi từ sĩ tử, không ít người đã lợi dụng danh tiếng giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để quảng bá hình ảnh. Trước tình trạng này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, các Phòng, Ban, Khoa và các đơn vị trực thuộc trường không tổ chức bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc gia sư. Nhà trường nghiêm cấm bất cứ một cán bộ, học viên sau đại học, sinh viên nào của trường và các cá nhân khác được phép đứng trên danh nghĩa và lợi dụng uy tín của trường để tổ chức các hoạt động gia sư.
Lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay, trên các đường phố, ngõ ngách của thủ đô Hà Nội có rất nhiều văn phòng trung tâm gia sư và nhiều tờ rơi, biển quảng cáo hoạt động gia sư giả danh cán bộ, sinh viên của ĐH Sư phạm Hà Nội nhằm lợi dụng uy tín của nhà trường để trục lợi. Mọi vi phạm về logo biểu trưng của trường (cũ và mới), tên gọi của Trường (ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội I, ĐH Sư phạm I), kể cả tên viết tắt (ĐHSP, ĐHSPHN, ĐHSPHN I, ĐHSP I) hoặc tên miền trang web, địa chỉ email có đuôi là dhsphn.edu.vn, hnue.edu.vn... đều là vi phạm bản quyền.
Thậm chí nhà trường còn mong muốn, nếu có phát hiện ra trường hợp nào vi phạm, xin đề nghị báo với Phòng Bảo vệ của trường để phối hợp cùng Công an Phường, Quận và các lực lượng chức năng triệt để giải quyết, bảo vệ uy tín của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Cận ngày vượt vũ môn, lò luyện thi Bắc 'ế', Nam 'sốt' Chỉ còn 10 ngày nữa là đến thời điểm thi ĐH đợt 1 năm 2011, nhưng dạo một vòng qua các lò luyện thi cấp tốc ở Hà Nội, người ta chỉ thấy tình trạng khá ế ẩm. Trong khi đó, lượng thí sinh các tỉnh ĐBSCL ồ ạt lên Sài Gòn đã tập trung kín các trung tâm luyện thi phía Nam....