Tự xác định điểm sàn không phải được quyền đưa ra mức điểm thấp
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT về việc các trường đại học công bố điểm sàn thấp.
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học diện xét tuyển thẳng, đánh giá năng lực vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG
Trước ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) nên mức điểm cao thấp là quyền tự chủ của trường, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc này bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; nhóm ngành sức khỏe trình độ ĐH, có cấp chứng chỉ hành nghề
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
* Theo lãnh đạo một trường ĐH, hiện Bộ GD-ĐT không có văn bản bắt buộc phải công bố điểm sàn nên các trường không thực hiện việc này là không sai phạm?
- Ngoài quy định nêu trên trong quy chế, công văn số 796 ngày 6-3-2019 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh còn yêu cầu cụ thể các trường phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trước ngày 22-7, các trường ĐH, CĐSP, TCSP điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường. Như vậy, nếu trường không công bố điểm sàn là vi phạm các quy định nêu trên.
* Về mặt pháp lý, khi thí sinh hoàn thành bậc học ở dưới là được quyền học bậc tiếp theo. Điều kiện để được học ĐH là “phải tốt nghiệp THPT”. Thí sinh tốt nghiệp THPT là đã vượt qua điểm sàn, nên có quyền ĐKXT vào ĐH?
- Về điều kiện tham gia xét tuyển, quy chế quy định: thí sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc tốt nghiệp trung cấp, được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
Theo đó, tất cả thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT đều có quyền ĐKXT vào ĐH. Vì vậy, một số trường ĐH đã xét tuyển bằng điểm học bạ của các thí sinh.
Tuy nhiên, quy chế vẫn quy định và tất cả các trường xét tuyển từ điểm thi vẫn đặt điểm sàn, vì các lý do sau: chỉ tiêu tuyển sinh ĐH thường thấp hơn nhiều so với số thí sinh tốt nghiệp THPT có ĐKXT nên nhiều trường cần đặt điểm sàn để sàng lọc vòng ngoài trước khi xét tuyển; mỗi trường có chính sách chất lượng riêng, đảm nhiệm một phân khúc của chất lượng đào tạo; một số nhóm ngành có yêu cầu về chất lượng đầu vào riêng… nên cần có điểm sàn để việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo; để trường tuyên bố chính sách chất lượng đầu vào của trường mình, cạnh tranh nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, uy tín của trường…
Thông qua điểm sàn, Bộ GD-ĐT có thể kiểm soát được chính sách chất lượng của các trường để đánh giá, phân loại, có biện pháp quản lý hoặc hỗ trợ… phù hợp. Đặc biệt, chính sách điểm sàn còn tạo ra môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng xét tuyển trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.
Điểm sàn cũng giúp các thí sinh lượng sức mình khi ĐKXT, đặc biệt là để điều chỉnh nguyện vọng vào các trường, ngành phù hợp, nâng cao hiệu quả ĐKXT của thí sinh; giúp xã hội có thêm thông tin để giám sát, đánh giá các trường…
* Vậy các trường có quyền xác định điểm sàn thấp hoặc không công bố điểm sàn nhưng sau đó xác định điểm chuẩn cao (chẳng hạn trên 17 điểm)?
- Việc tự xác định điểm sàn không đồng nghĩa với việc trường có quyền không công bố điểm sàn. Quyền tự xác định điểm sàn không đồng nghĩa với việc các trường có quyền xác định điểm sàn thấp mà là các trường phải tự xác định, tự khẳng định vị thế, phân khúc chất lượng của mình, phải xây dựng chính sách chất lượng của trường mình và chịu trách nhiệm giải trình.
“Có thể thấy trong kỳ tuyển sinh năm nay, có tới hơn 23% số lượt ngành được các trường đặt mức sàn từ 18 đến 24 điểm. Thực tế, cũng có trường đặt mức điểm sàn thấp nhưng điểm xác định trúng tuyển lại tương đối cao.”
Video đang HOT
TS Nguyễn Thị Kim Phụng
Điều đó có thể do thí sinh đăng ký tăng đột biến ngoài dự liệu của các trường hoặc do trường đó chưa đánh giá hết được các yếu tố hội đủ, từ đó đặt điểm sàn thấp, như một yếu tố an toàn trong tuyển sinh.
* Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu các trường công bố điểm sàn đối với phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, trong khi nhiều phương thức khác (học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp…) hiện không quy định “điểm sàn”?
- Nếu phương thức tuyển sinh, nguồn tuyển sinh khác nhau thì không thể quy định điểm sàn chung (chẳng hạn, không thể quy điểm sàn chung giữa phương thức xét tuyển bằng điểm thi và xét tuyển bằng điểm học bạ).
Tuy nhiên, không phải là không có sàn nào cho các phương thức tuyển sinh khác, ngoài phương thức xét tuyển từ điểm thi. Theo quy chế tuyển sinh đối với trường sử dụng phương án tuyển sinh riêng thì chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào phải được ghi trong đề án tuyển sinh.
Đối với ngành được quy định phải có điểm sàn, nếu sử dụng hình thức xét tuyển kết hợp, có sử dụng 1 hoặc 2 điểm thi THPT quốc gia thì sàn của điểm thi đó là mức trung bình cộng của điểm sàn chung đối với mỗi môn. Như vậy, hầu hết phương thức xét tuyển đều có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng phương thức.
* Hiện nay thí sinh phải đóng lệ phí ĐKXT theo số lượng nguyện vọng khi chưa thi. Trường hợp thí sinh hủy ĐKXT hoặc thay đổi nguyện vọng có nên hoàn phí lại cho thí sinh? Còn nếu không phí được sử dụng thế nào?
- Theo quy định, thí sinh phải đóng lệ phí xét tuyển từ khi ĐKXT, đồng nghĩa với thời điểm chưa tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Nguồn lệ phí này dùng để thực hiện tất cả các công việc trong quy trình tuyển sinh: phục vụ thí sinh khi ĐKXT, nhập dữ liệu ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng, tổng hợp, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tuyển sinh khi ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng; chi phí viết phần mềm, hàng năm nâng cấp phần mềm lưu trữ cơ sở dữ liệu tuyển sinh, xét tuyển và lọc ảo, trực vận hành hệ thống …
Chi phí này để đảm bảo hoạt động cho nhiều chủ thể tham gia như: các trường phổ thông/điểm tiếp nhận thí sinh, sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, các đối tác cung cấp kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin… và trường ĐH tuyển sinh. Quá trình sử dụng nguồn kinh phí này đều phải theo đúng quy định và được kiểm tra, thanh tra hoặc kiểm toán theo quy định chung.
Đối với thí sinh, khi ĐKXT, việc xác định số lượng nguyện vọng hoàn toàn do trên cơ sở nhu cầu và sự tự nguyện của thí sinh. Ngay cả khi thay đổi nguyện vọng, nếu các em rút bớt nguyện vọng thì số tiền đã nộp cũng đã được sử dụng để phục vụ các em theo tất cả các công đoạn nêu trên.
Việc rút bớt nguyện vọng không dẫn đến rút bớt các dịch vụ, quy trình cần phục vụ. Vì vậy, việc đặt vấn đề gian lận hay phải hoàn lại tiền lệ phí là do chưa đủ thông tin về lý do đóng lệ phí và việc sử dụng lệ phí tuyển sinh như đã nêu trên.
Thực tế, trong các năm qua, các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng chủ yếu theo hướng giữ nguyên số lượng hoặc tăng số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Vì vậy, việc lo cho các em bị thiệt do cơ chế ĐKXT từ khi chưa thi có thể không thực sự cần thiết.
Theo tuoitre
Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì?
Việc nhiều trường lấy điểm sàn 12 đặt ra vấn đề xung quanh câu chuyện giới hạn quyền tự chủ và lo ngại về chất lượng đào tạo, khi đầu vào rộng cửa, đầu ra lại chưa chặt.
Trong đợt tuyển sinh đại học 2019, nhiều đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức 12 điểm, tính cả điểm ưu tiên. Như vậy, mỗi môn 4 điểm, thậm chí thấp hơn, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào đại học.
Điều này khiến nhiều người lo ngại khi các trường mở cửa quá rộng ở khâu đầu vào. Trong khi đó, những người khác cho rằng trường có quyền tự chủ, được phép tuyển sinh trong giới hạn chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt.
Trường có "vơ bèo vạt tép"?
Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn chung cho cả nước mà giao các trường tự xác định. Năm nay, quy định này vẫn được áp dụng, trừ khối ngành sư phạm và sức khỏe.
Như vậy, việc đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bao nhiêu là quyền của các trường, hoàn toàn đúng quy chế và đúng với tinh thần tự chủ. Đây cũng là căn cứ của nhóm những người ủng hộ việc giao quyền chủ động đầu vào cho các trường, từ điểm sàn đến điểm chuẩn.
Nhiều ngành của ĐH Nội vụ đào tạo tại phân hiệu Quảng Nam và TP.HCM chỉ lấy điểm sàn 12.
Với mức sàn công bố chỉ 12 điểm cho 3 môn thi (kể cả điểm ưu tiên) của không ít đại học, nhiều người cho rằng trường đang thiếu nguồn tuyển nên phải "vơ bèo vạt tép", dù theo luật, họ có quyền tự quyết định.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng sau khi xác định chỉ tiêu, trường có quyền chọn thí sinh. Việc chọn ai, cơ sở nào để chọn, chỉ là khâu ban đầu.
Hơn nữa, điểm thi chỉ là một cơ sở để trường lựa chọn, không thể đánh giá 12 điểm là thấp. Ông giải thích trong 12 điểm đó, có thể thí sinh đạt 8 điểm Toán và chọn theo ngành này.
Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định dựa trên nhu cầu xã hội và điều kiện của trường. Nếu tuyển không đủ, để thừa chỗ cũng là lãng phí và không nên tước cơ hội học đại học của thí sinh.
"Dùng chữ "vơ bèo vạt tép" là không đúng. Trường lấy vào, nếu có trách nhiệm, trường sẽ đào tạo tốt", ông Nhĩ nói.
TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Mỹ (IAE), cũng ủng hộ việc để các trường chủ động đầu vào. Theo ông, việc chỉ quan tâm đầu vào mới thực sự hạn chế, chứng tỏ năng lực đào tạo của đại học kém.
Trên thực tế, các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ mở cửa thoải mái cho những người có nhu cầu học tập. Tuyển sinh ở đại học Đức cũng không dựa vào điểm số. Vấn đề chính vẫn ở khâu đào tạo và kiểm soát đầu ra.
Tự chủ trong khuôn khổ
Tuy nhiên, dù đây là quyền tự chủ của các trường, không ít người vẫn lo ngại chất lượng sinh viên khi tuyển sinh đầu vào quá "rộng cửa".
Họ hiểu 12 chỉ là điểm sàn nhưng vẫn thấy lo lắng cho chất lượng đào tạo đại học. Những người này cho rằng với các trường hạ điểm sàn xuống mức 12, không có gì đảm bảo điểm chuẩn sẽ ở mức đạt trung bình, tức 15 điểm/3 môn.
Mức điểm sàn dưới trung bình khiến nhiều người lo ngại về tự chủ đại học và chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Độc giả Tiến Nguyễn đặt vấn đề theo cách thi tốt nghiệp trước đây, 3 môn thi phải đạt 15 điểm mới đỗ tốt nghiệp thì hiện nay rớt tốt nghiệp THPT cũng đỗ được đại học (tính về điểm số). Đây cũng là mối băn khoăn của nhiều người trước mức điểm sàn 12.
"Tuyển sinh đại học kiểu gì mà lấy cả những em chưa đủ điểm đậu tốt nghiệp THPT như thế này! Lấy đâu ra chất lượng? Thật tai họa!", tài khoản Hai Buingoc trăn trở.
Theo họ, 5 điểm là mức trung bình. Ở dưới mức này, họ không biết trường sẽ đào tạo kiểu gì để đảm bảo chất lượng đầu ra. Do đó, không khó hiểu khi những thí sinh vào đại học với 12, 13 điểm không thể tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Vì thế, theo "dòng" ý kiến này, trường có quyền tự chủ nhưng phải gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việc tự chủ "nằm trong khuôn khổ" để những sinh viên trúng tuyển phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Sau khi các trường công bố điểm sàn, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cũng rất băn khoăn. Trên trang cá nhân, ông viết: "Trường đại học lấy điểm sàn 12 là muốn sống hấp hối trong ngắn hạn, nhưng sẽ tự chết trong dài hạn. Uy tín và sự nổi tiếng tìm thấy ở đâu?".
Trao đổi với Zing.vn, ông Vinh khẳng định đây là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, ông cho rằng hạ điểm sàn quá thấp tức là chính các trường đang hạ thấp uy tín của mình, vì "của rẻ mấy khi là của ngon".
Theo ông, trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018, nhiều trường, thường các đại học ở tỉnh với nguồn tuyển hạn hẹp, vẫn duy trì mức sàn thấp với mục đích tận dụng nguồn tuyển.
"Đây cũng là dấu hỏi với chất lượng đào tạo của các trường này. Chất lượng đầu vào thấp đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để nâng chất lượng đầu ra. Liệu các trường này có làm được không?", ông Vinh đặt câu hỏi.
Mở đầu vào phải song song siết đầu ra
Quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra cũng là băn khoăn của nhiều người, kể cả những ý kiến ủng hộ trao quyền chủ động tuyển sinh cho trường. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh tuyển sinh chỉ là khâu ban đầu. Quan trọng là trường làm gì với "nguyên liệu" đó để đảm bảo đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.
Lãnh đạo trường cần có trách nhiệm với giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu thực sự có trách nhiệm họ có nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng. Việc chỉ tuyển sinh, đào tạo vì đồng tiền là không tốt.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ
Ông cũng đánh giá việc tự chủ trong chất lượng của nhiều trường chưa đồng bộ. Họ mở rộng đầu vào nhưng chưa chú trọng kiểm định và công tác siết đầu ra còn lỏng lẻo.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT ủng hộ việc tăng cường rà soát sinh viên trong quá trình đào tạo. Ông đề xuất các trường có thêm bài kiểm tra đầu năm để xác định thí sinh có thực sự đủ năng lực theo học.
"Nếu nhân văn hơn, trường có thể xếp lớp dạy thêm cho những em không đủ trình độ rồi kiểm tra lại và loại sinh viên yếu kém", ông Nhĩ nói.
Ngoài ra, trường tiếp tục sàng lọc trong thời gian sinh viên học ở đây. Như vậy, những em có cơ hội học đại học nhưng không cố gắng phấn đấu sẽ bị loại.
Ông tin tưởng điểm đầu vào chỉ là một căn cứ để trường tuyển sinh. Điểm vào thấp, nếu biết phấn đấu, sinh viên vẫn học được và đảm bảo kiến thức, năng lực khi ra trường. Để làm được điều đó, các trường bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng và siết đầu ra.
"Đây là trách nhiệm của người làm giáo dục. Lãnh đạo trường cần có trách nhiệm với giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu thực sự có trách nhiệm họ có nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng. Việc chỉ tuyển sinh, đào tạo vì đồng tiền là không tốt", ông khẳng định.
Theo Zing
Dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì phải theo quy trình chung Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, trường nào đã dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì phải xét theo quy trình chung do Bộ GD-ĐT quy định. Đại diện Trường đại học Y Hà Nội tư vấn cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm...