Tự chữa Covid, bệnh trở nặng
Tự test nhanh phát hiện dương tính, người phụ nữ ngụ phường 11, quận 3, mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi khó thở, SpO2 tụt thấp mới gọi y tế địa phương.
Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến (phụ trách Trạm y tế lưu động số 1) kể, khi chị và đồng nghiệp mang bình oxy tới nhà, yêu cầu test lại, người phụ nữ kiên quyết không đồng ý. Bà nói đã tự test âm tính, chỉ muốn mượn bình oxy để hỗ trợ hô hấp. Trước đó, trạm y tế lưu động thường xuyên cho bệnh nhân bị hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trên địa bàn mượn bình oxy dùng tại nhà, nên đồng ý. Bác sĩ Yến dặn bà nếu có dấu hiệu khó thở nặng hơn, phải gọi điện ngay để được xử trí.
Hôm sau, khi tháo mặt nạ oxy để đi vệ sinh, bà bị ngất. Kết quả test nhanh người phụ nữ và con gái đều dương tính. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 6. 40 phút sau nhập viện, người bệnh phải chuyển tuyến cấp cứu đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức. Hiện, liên hệ với người nhà, bác sĩ Yến được cho biết bệnh nhân đã thoát nguy kịch, cai máy thở, tình trạng sức khỏe ổn định hơn.
Tương tự, tại phường 11 có hai vợ chồng ông cụ đều trên 80 tuổi, biết mắc Covid-19 khi các con tự test tại nhà. Ban đầu, người nhà mua thuốc cho ông bà uống, sau vài ngày, ông cụ khó thở, ho nhiều, mới báo nhân viên y tế tới thăm khám.
Bác sĩ Yến nhận định cụ ông nguy cơ trở nặng, phải nhập viện để chăm sóc y tế toàn diện. Tuy nhiên người nhà bày tỏ, cụ ông mắc bệnh nền tai biến mạch máu não, cần có gia đình bên cạnh, sợ vào bệnh viện sẽ mất liên lạc, họ quá lo lắng nên năn nỉ xin được chăm sóc ông tại nhà. Nhấn mạnh trong bệnh viện có đội ngũ tình nguyện viên chuyên nghiệp, tận tâm chăm sóc cụ, vẫn không thuyết phục được gia đình, bác sĩ Yến đành hướng dẫn gia đình theo dõi bệnh nhân kỹ lưỡng, cả cách sử dụng bình oxy… Chưa đầy 24 giờ sau, hai ông bà đều khó thở hơn, nhân viên y tế phải quay lại nhà đưa ngay bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến số 6 điều trị. Hàng ngày, tình hình sức khỏe hai ông bà được bệnh viện thông báo cho gia đình qua điện thoại.
Đây là ba trường hợp mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà ở phường 11, quận 3, trong vài tuần gần đây, đến khi trở nặng mới cầu cứu y tế. Theo bác sĩ Yến, nhiều người dân mang tâm lý chủ quan rằng đã tiêm hai mũi vaccine, có bệnh nền và nhiễm virus cũng không đáng lo ngại; hoặc họ sợ phải đi cách ly tập trung, không báo cho y tế địa phương.
Video đang HOT
Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, phát túi thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà. Ảnh: Quỳnh Trần
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho thấy trong hai tuần qua, số ca mắc mới và số ca nhập viện tại tầng hai có xu hướng tăng, trung bình khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Ngày 3/10, hơn 27.000 F0 đang cách ly tại nhà; hơn 4.700 F0 cách ly tập trung; hơn 1.000 bệnh nhân nặng phải nhập viện tầng hai và ba, nâng tổng số ca đang điều trị tại đây lên hơn 11.000 ca.
Khảo sát của VnExpress tại phường 11 (quận 3), phường 3 (Gò Vấp), phường Linh Chiểu (TP Thủ Đức), xã Phong Phú (Bình Chánh), huyện Củ Chi… số ca mắc mới mỗi địa phương tăng không đáng kể. Hàng ngày các xã, phường phát hiện 1-3 ca, có ngày không ghi nhận ca mới, chủ yếu là các chùm ca quy mô gia đình, hoặc F0 được phát hiện khi test định kỳ tại các công ty, khu công nghiệp. Phần lớn F0 đã tiêm vaccine nên được cách ly, theo dõi tại nhà bởi các trạm y tế cố định, lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng.
“Khó xác định được nguồn lây của các ca này, do thành phố đã mở cửa từ hơn một tháng nay, các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, quán ăn, khu vui chơi… đã hoạt động, người dân đi lại nhiều”, ông Ngô Xuân Bình, chủ tịch UBND phường 3 cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc (Trưởng trạm y tế phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức), người dân từ các tỉnh trở về TP HCM làm việc nhưng chưa tiêm đủ vaccine cũng là một nguyên nhân khiến F0 cộng đồng tăng nhẹ. Bác sĩ Phúc và nhiều nhân viên y tế chia sẻ, qua quan sát thực tế, đa số người dân có ý thức chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, ở trạng thái “bình thường mới”, họ phải đi làm lại, khó tránh khỏi tiếp xúc, lây nhiễm.
Do đó, để chủ động kiểm soát dịch, các địa phương triển khai đồng loạt nhiều biện pháp. Như điều tra dịch tễ, khoanh vùng xét nghiệm tầm soát ngay khu vực có ca nhiễm mới. Bệnh nhân được cấp phát sớm các túi thuốc A, B, C, giảm nguy cơ trở nặng và nhập viện. Đồng thời, địa phương tích cực phát loa tuyên truyền thực hiện 5K và 5T của Bộ Y tế, rà soát kỹ để tiêm vaccine cho 100% dân cư…
“Sau thời gian dài căng mình chống dịch, y tế cơ sở đã đuối sức, mong bà con hợp tác tránh bùng dịch”, bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ Yến cũng khuyến cáo người dân nếu có triệu chứng bệnh, hoặc tự test nhanh dương tính, cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được thăm khám, đánh giá, phân loại nguy cơ trở nặng nhằm xử trí phù hợp. Người lớn tuổi, có bệnh nền, sống một mình dù đã tiêm vaccine vẫn cần nhập viện. Đặc biệt, không nên mua thuốc theo hướng dẫn trên mạng mà không phải nhân viên y tế, hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân để tự điều trị Covid-19.
Tại cuộc họp báo chiều 4/11, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, 86% F0 nhập viện gần đây dù đã tiêm một hoặc hai mũi vaccine. Một khảo sát khác hồi tháng 10 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng – tầng 3 trong tháp 3 tầng) ghi nhận nhóm đã tiêm vaccine (gồm một hoặc hai mũi) có 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ.
“Tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, thậm chí trở nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ 5K”, bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Hai trẻ mắc Covid-19 nguy kịch thoát cửa tử
Thiếu niên 15 tuổi là bệnh nhân Covid nhỏ tuổi nhất phải can thiệp ECMO và bé trai 8 tuổi, bệnh nhi đầu tiên mắc di chứng Covid phải lọc máu, hồi phục sau hơn một tháng nguy kịch.
Thiếu niên 15 tuổi cơ địa béo phì, điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM (ICU, đặt tại Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2, do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chính).
Em mắc Covid-19 vào tháng 9, theo dõi tại hai bệnh viện, diễn tiến nặng hơn, các bác sĩ hội chẩn với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Mặc dù bệnh viện hồi sức chỉ dành cho người lớn, song trước diễn biến nặng quá nhanh của bệnh nhi trên cơ địa béo phì, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó giám đốc Bệnh viện quyết định nhận em về điều trị.
Lúc chuyển viện, em đã suy hô hấp nặng, tổn thương gan thận, tràn khí màng phổi, phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) ngay. Các bác sĩ đã sử dụng đến 6 màng lọc, hai màng ECMO và chạy liên tục hơn ba tuần, tình trạng em mới có tín hiệu khả quan.
Hiện, sau hai lần xét nghiệm âm tính Covid-19, em đã tự thở được bằng khí trời, xuất viện.
Thiếu niên 15 tuổi là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng điều trị thành công cho bé trai 8 tuổi, bị biến chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) nguy kịch sau khi mắc Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thông tin, trước khi nhập viện hồi tháng 10, bé sốt cao liên tục hơn 5 ngày, nôn ói, đi tiêu lỏng như một đợt nhiễm trùng tiêu hóa. Đôi môi và hai lòng bàn tay em đỏ ửng suốt những ngày sốt.
Xét nghiệm RT-PCR cho thấy bé âm tính Covid-19 nhưng đo nồng độ kháng thể virus cao như chỉ số miễn dịch có thể đạt được ở một người đã tiêm vaccine hoặc một F0 đã từng mắc bệnh. Bé được chẩn đoán mắc MIS-C, xét nghiệm cho thấy phản ứng viêm toàn thân, tăng đông tăng cao, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan.
12 ngày tiếp theo, bệnh nhi sốt cao liên tục, hôn mê, phải hồi sức tích cực. Đây là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 phải lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Sau gần một tuần lọc máu, em đáp ứng điều trị, dần hạ sốt, các phản ứng viêm quá mức được kiểm soát và khống chế kịp thời, hiện đã ngưng lọc máu, cai máy thở, sức khỏe ổn định. Dự kiến bé sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Vũ, sau đợt mắc Covid-19 cấp tính căng thẳng, không phải bệnh nhân nào cũng vượt qua cửa tử, hồi phục tốt hay trở về với cuộc sống dễ dàng. Những nghiên cứu về ảnh hưởng hậu dịch cũng còn nhỏ lẻ và chưa nhiều chứng cứ. Tại Mỹ, các loài virus là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, bao gồm cả rủi ro từ MIS-C và ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài. Do đó, bác sĩ Vũ nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là cấp thiết. Với trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng, phụ huynh cần hết sức cảnh giác, đưa con đến bệnh viện ngay khi có những triệu chứng bất thường sau nhiễm Covid-19.
Em bé mắc di chứng Covid-19 đầu tiên phải lọc máu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi Covid-19? Sau khỏi Covid-19, tùy cơ địa từng người mà khả năng sinh miễn dịch khác nhau, mạnh nhất là trong 6 tháng đầu và có thể tồn tại suốt đời. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết sau khỏi Covid-19, miễn dịch tăng cao trong 6 tháng đầu, vì thế, ít nhất sau 6 tháng...