Tự chủ giáo dục ĐH Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế
Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học là xu hướng tất yếu để giáo dục đại học Việt Nam dần tháo gỡ được những rào cản về cơ chế và phát triển, bắt kịp trình độ của khu vực cũng như thế giới.
Bộ GD-ĐT đã giao thí điểm tự chủ ở 6 trường đại học là ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM và Viện ĐH Mở Hà Nội. Sau hơn 4 năm thực hiện, các đơn vị này đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế cần tháo gỡ.
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, mức độ tự chủ đại học công lập Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp, trong khu vực Đông Á chỉ hơn được duy nhất Campuchia.
Xu hướng chung trong khu vực và trên thế giới là tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và mỗi nước thực hiện theo các cách khác nhau, phù hợp với điều kiện xã hội, giáo dục, kinh tế của từng nước. Theo PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Việt Nam không nên “bê nguyên” một mô hình nào nhưng hoàn toàn có thể rút ra những đặc điểm làm bài học cho mình.
Giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn vướng nhiều rào cản cơ chế để phát triển
Xu hướng tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập
Nhật Bản đẩy mạnh quyền tự chủ tài chính các trường đại học sau khi có luật cải cách giáo dục 7/2003 với sự khuyến khích kiểu doanh nghiệp đại học. Bắt đầu từ năm 2004, các trường đại học quốc gia tại xứ “Mặt trời mọc” lần đầu tiên được nhận kinh phí trọn gói để chi tiêu.
Singapore, nước được xếp vào hàng có thu nhập cao và nền giáo dục ĐH phát triển nhất ở Đông Nam Á, cho phép các trường đại học được tự chủ và khuyến khích các trường tìm kiếm các nguồn vốn khác, đặc biệt là doanh nghiệp kể từ năm 2006.
Từ năm 2008, Hàn Quốc cũng đã thí điểm việc tăng cường tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học. Một số đại học lớn như ĐH Seoul được trao quyền nhiều hơn trong các quyết định tài chính của họ.
Video đang HOT
Không cho phép tự chủ hoàn toàn tất cả các mặt
Ở Nhật, tuy Bộ GD và ĐT vẫn quy định mức học phí tiêu chuẩn hàng năm nhưng đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học nâng mức học phí lên 20% nếu muốn.
Hongkong (Trung Quốc) áp dụng tự chủ tài chính một phần trong giáo dục đại học. Các cơ sở có thể sở hữu, bán nhà cửa được hiến tặng hay tự đầu tư. Các trường đại học được vay vốn từ ngân hàng thương mại và thị trường tài chính. Tuy nhiên, các trường đại học chỉ được quyền tự ấn định mức học phí cho những chương trình trường tự đầu tư.
Một nước ở Đông Á có nền giáo dục đại học phát triển là Hàn Quốc lại có cơ chế khác. Các trường công ở nước này vẫn tiếp tục chịu sự hạn chế trong những lĩnh vực tài chính, mặc dù đã có một loạt cải cách diễn ra từ năm 2005. Ngược lại, các trường đại học tư thục lại được mở rộng tự chủ về tài chính.
Với Lào, nước được xếp vào nhóm có thu nhập thấp như Việt Nam, trường đại học quốc gia Lào được trao quyền tự chủ một phần. Cơ chế tài chính được thiết lập cho phép trường tự quản lý nguồn thu dưới sự giám sát của Hội đồng trường.
Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước chấm dứt cấp kinh phí
Tại Singapore, chính phủ vẫn cam kết là chủ thể cấp ngân sách chính cho giáo dục đại học, các trường được tự định mức học phí và được trao quyền tự chủ hoàn toàn về nguồn nhân lực, kể cả ấn định mức lương.
Với các nước có thu nhập trung bình ở Đông Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, chính phủ trao quyền tự chủ tài chính cho một số trường đại học, dưới dạng phân bổ ngân sách công theo cơ chế tài trợ trọn gói, và cho phép cơ sở giáo dục linh hoạt hơn trong ấn định mức học phí cho một số chương trình và trong một số trường hợp.
Các trường còn được điều chỉnh mức lương cơ bản của cán bộ. Tuy nhiên, kể cả những cơ sở tự chủ vẫn bị hạn chế trong việc vay vốn thương mại và sở hữu tài sản.
Ví dụ như ở Thái Lan, các trường đại học tự chủ nhận ngân sách nhà nước thông qua chế độ phân bổ kinh phí trọn gói, được tự chủ trong xác định cơ chế quản lý và sử dụng nhân sự. Các trường này cũng được quyền quản lý, sử dụng tài sản công.
Tương tự, các trường đại học tự chủ ở Indonesia cũng được hưởng quyền tự chủ như ở Thái Lan. Về mặt pháp lý, các trường đại học tự chủ củaIndonesia cũng đã thành công trong việc áp dụng một số loại hình ngân sách cạnh tranh, ngoài các trường đại học tự chủ. Ở Malaysia, các cơ sở giáo dục đại học nước này cũng nhận ngân sách nhà nước thông qua kinh phí cấp trọn gói.
Tuy nhiên, dù là tự chủ hoàn toàn hay một phần, điều quan trọng là giao quyền tự chủ phải gắn với việc tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, tăng cường giám sát của nhà nước và cộng đồng với các trường qua các tiêu chí cụ thể và minh bạch, ông Nhạ nhấn mạnh.
Mạnh Hải (lược ghi)
Theo dân trí
Thêm nhiều trường đại học lớn vi phạm liên kết đào tạo
Cùng với công bố sai phạm trong liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố vi phạm của nhiều trường đại học lớn về liên kết đào tao đại học và sau sau đại học.
Những trường đại học mà Thanh tra Chính phủ trực tiếp kiểm tra, xác minh là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Mở TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp, ĐH Vinh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên, ĐH Nha trang, Viện ĐH Mở Hà Nội...
Qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại các trường đại học trên, Thanh tra thấy có một số khuyết điểm, vi phạm như 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa làm vừa học khi chưa được bộ cấp phép là ĐH Kinh tế TPHCM, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Vinh....
Một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo mời giảng viên, tổ chức đánh giá kết quả các học phần không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương hoặc cơ quan nơi đặt lớp 15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết, danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy và cán bộ tham gia quản lý lớp.
Có 59/419 chương trình liên kết đào tạo địa điểm đặt lớp không đúng quy định của Bộ như ĐH Bách khoa, ĐH Vinh, ĐH Kinh tế TPHCM, trường Luật TPHCM, ĐH Mở TPHCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Huế...
5 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha trang, ĐH Luật TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM hồ sơ lưu trữ các lớp liên kết đào tạo đại học năm 2006, 2007, 2008 của trường ĐH Vinh không có danh sách thí sinh.
Thanh tra Chính phủ cho rằng những vấn đề nêu trên của các trường là thực hiện không đúng quy định tại Điều 7, Điều 8, Quyết định số 42/2008/QĐ - BGD&ĐT năm 2008 của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thái Nguyên thực hiện liên kết đào tạo thạc sỹ ngoài trụ sở không có phép của Bộ.
Đặc biệt, chương trình liên kết giữa trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với TEG International College Pte Ltd, Singapore và trường ĐH TEXAS (khóa 1) giữa Trung tâm công nghệ thông tin KOVIT của trường ĐH Kinh tế TPHCM với ĐH Woosong (Hàn Quốc) không có phép của Bộ là vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 28 Nghị định 18/2001/NĐ-CP năm 2011 của Chính phủ và vi phạm quy định tại Mục B Thông tư số 15/2003/TT-BGD&ĐT năm 2003 của Bộ GD-ĐT.
Về học phí của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, Thanh tra Chính phủ kiểm tra thấy mức thu học phí có sự chênh lệch giữa các chương trình, đối tác liên kết. Chương trình thạc sĩ thu thấp nhất là 3.500 USD/khóa của lớp cao học Việt Nam - Hà Lan (trường ĐH Kinh tế quốc dân), mức thu từ 3.500 - 4.200 USD, cao nhất là 13.500 USD/ khoa (cử nhân Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế quốc dân), mức phổ biến là từ 8.000 USD đến 10.000 USD/khóa học. Theo quy định mức thu tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì cao gấp khoảng 20 lần (200 triệu đồng so với mức quy định là 10 triệu đồng). Mức thu đối với học viên cao học nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng với mức đóng góp của học viên.
Buông lỏng quản lý
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trên của các trường, Thanh tra Chính phủ cho rằng lãnh đạo một số trường chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về liên kết đào tạo đại học và sau đại học trong và ngoài nước có sự buông lỏng trong quản lý liên kết đào tạo từ khâu xác định đối tượng tuyển sinh, quá trình thực hiện các khâu trong đào tạo và công tác quản lý thu, chi lệ phí, học phí.
Hơn nữa, việc Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn kịp thời, chi tiết việc liên kết đào tạo, không có quy định cụ thể về đào tạo đại học và sau đại học của chương trình liên kết đào tạo quốc tế dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong liên kết đào tạo quốc tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo đã được Bộ quan tâm nhưng chưa sâu, kỷ cương, kỷ luật xử lý sau thanh tra, kiểm tra còn bị buông lỏng, dẫn đến những khuyết điểm, vi phạm phát hiện qua thanh tra chậm được khắc phục ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về quản lý liên kết đào tạo đại học và sau đại học chưa kịp thời, còn bất cập.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, những khuyết điểm và vi phạm nêu trên thuộc về lãnh đạo và cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục trong việc quản lý công tác đào tạo và quản lý tài chính của đơn vị. Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn đầy đủ và kịp thời về kế hoạch, chiến lược cụ thể chưa có tổng kết đánh giá để chấn chỉnh kịp thời việc liên kết đào tạo đại học và sau đại học nhất là đối với liên kết đào tạo quốc tế.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Thiếu quy định đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp Cần khuyến khích giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng bên cạnh đó luật cũng phải quy định rõ ràng để có thể kiểm soát được chất lượng. Đào tạo thạc sĩ ngoài quy định Tháng 3.2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường ĐH đầu tiên được Bộ GD-ĐT thí điểm giao quyền tự chủ trong một số...