Kiến nghị không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ
Theo kết luận thanh tra chính phủ, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình tại 18 trường, đơn vị này xác định có nhiều sai phạm về tài chính, đối tượng xét tuyển.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kiến nghị xem xét không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm – ETC (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp và bằng thạc sĩ do ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp.
Liên kết với đối tác thứ hạng thấp
Các chương trình nói trên thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh… Một số trường khi ký hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia. Năm trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép của bộ. Hồ sơ lưu trữ các lớp liên kết của ĐH Vinh năm 2006-2008 không có danh sách thí sinh dự thi.
Kiểm tra hồ sơ 118 chương trình của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18 trường ĐH, TTCP xác định trong 20 chương trình liên kết của ĐH Quốc gia Hà Nội có 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác, 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định… TTCP cho rằng trong các đối tác liên kết chỉ một số ít trường có thứ hạng, còn lại hầu hết đều chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường ở VN.
Ngoài ra, TTCP phát hiện có 9 chương trình liên kết (1 tiến sĩ và 8 thạc sĩ) của ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức thi tuyển sinh, trong đó có 7 chương trình thực hiện xét tuyển hồ sơ hoặc phỏng vấn theo yêu cầu của đối tác. Đối tượng tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ chỉ yêu cầu tốt nghiệp ĐH, không yêu cầu cùng khối, ngành và cũng không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ…
Không những vậy, TTCP khẳng định việc cho phép 6 học viên của các chương trình thạc sĩ liên kết được dự thi nghiên cứu sinh vào các trường của ĐH Quốc gia Hà Nội và các cơ sở khác là vi phạm các quy định về điều kiện dự tuyển trình độ tiến sĩ.
Video đang HOT
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các khóa học của chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế liên kết giữa ETC và Đại học Griggs tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày 12 và 13/3/2012
Thạc sĩ không cần bảo vệ luận văn
Theo TTCP, 8 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho phép học viên cao học làm tiểu luận, không bảo vệ luận văn là vi phạm Luật giáo dục và Quy chế đào tạo sau ĐH. Do đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo xem xét không công nhận bằng thạc sĩ do ĐH Kinh tế cấp cho các học viên không bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Tại ETC, từ năm 2008-2010, ETC được ĐH Quốc gia Hà Nội cho thực hiện liên kết đào tạo hệ cử nhân (159 sinh viên) và thạc sĩ quản trị kinh doanh (2.035 học viên) với hai đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Delaware.
Tuy nhiên, TTCP chỉ ra một số vi phạm: Thứ nhất, việc ETC chi thanh toán cho ĐH Griggs có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng lại thanh toán 177,8 tỉ đồng vào tài khoản tại Singapore, bước đầu xác định tài khoản này có liên quan đến bà Nguyễn Quang Hòa Bình – giám đốc ETC. Thứ hai, các hóa đơn chuyển tiền cho ĐH Griggs không có chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Dù được chi trả số tiền trên nhưng ĐH Griggs chỉ thực hiện 30-40% khối lượng công việc theo hợp đồng.
TTCP cũng xác định việc tuyển sinh, hoạt động giảng dạy do ETC ký kết hợp đồng tổ chức liên kết đào tạo hệ ĐH, sau ĐH là trái quy định, đề nghị đình chỉ tuyển sinh và chấm dứt hoạt động giảng dạy. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục – đào tạo xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên với tổng số hơn 2.000 bằng.
Qua kiểm tra tại ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đối với hai lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quản lý công của dự án “Nâng cao chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do đối tác nước ngoài tài trợ cho Chương trình 135 giai đoạn II, TTCP xác định trong danh sách học viên có 15 người không thuộc đối tượng được cử.
Ngoài các kiến nghị trên cơ quan này còn đề nghị thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo quốc tế, có biện pháp xử lý đối với các chương trình chưa có giấy phép nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo từ năm 2006 đến nay kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xác định trách nhiệm của giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trong việc ban hành văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị trực thuộc liên kết nước ngoài trái thẩm quyền, vi phạm điều kiện tuyển sinh, quy chế đào tạo sau ĐH…
Về kinh tế, TTCP kiến nghị giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm nộp 21,373 tỉ đồng thu trái quy định yêu cầu Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm thu hồi kinh phí 15 học viên không đúng đối tượng học lớp thạc sĩ quản lý công tại Trường ĐH Kinh tế, trị giá 9.900 USD/người.
Chuyển cơ quan điều tra
TTCP chuyển cho cơ quan điều tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với ba công ty là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và du lịch sinh thái, Công ty cổ phần Giáo dục tiến bộ toàn cầu và Công ty cổ phần Đầu tư, ứng dụng và phát triển công nghệ mới vì có dấu hiệu vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Đồng thời đề nghị mở rộng điều tra các hợp đồng còn lại của ETC với các đơn vị như Công ty cổ phần đào tạo Asem Link (Quảng Bình), Viện Đào tạo và ứng dụng công nghệ – NIIT, Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM. Việc chuyển tiền cho ĐH Griggs qua tài khoản trung gian có mục đích vụ lợi cũng được TTCP đề nghị điều tra làm rõ.
Theo Tuổi Trẻ
Nữ sinh Cần Thơ cùng lúc nhận 6 học bổng nước ngoài
Trịnh Nhật An (quận Ninh Kiều), sinh viên năm 4 ngành Tài chính ngân hàng (ĐH Cần Thơ) đã nhận được các suất học bổng toàn phần tại 6 trường ĐH ở Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Đan Mạch.
Trịnh Nhật An
Đó là các trường: Vijie Brussel University (Bỉ), University of Copenhagen (Đan Mạch), Victoria University (New Zealand), University of Paris (Pháp), Jonkoping University (Thụy Điển), International University in Geneva (Thụy Sĩ).
Nhật An cho biết cuối tháng 8 này cô bạn sẽ lên đường sang Thụy Sĩ học 2 năm để lấy bằng thạc sĩ kinh tế và sau đó tiếp tục tìm học bổng để hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh.
Trả lời câu hỏi bí quyết nào để có thể sở hữu cùng lúc 6 học bổng toàn phần, cô gái nhỏ nhắn (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ) nói: "Em không có bí quyết gì đặc biệt. Do có vốn ngoại ngữ nên em thường xuyên lướt web để săn tìm học bổng. Vừa qua em cũng phải làm bài vất vả mới giành được những suất học bổng có giá trị này".
Ông Trịnh Quang Hưng (cha Nhật An) chia sẻ: "Gia đình chỉ có 2 đứa con. An là út. Tôi và mẹ cháu bận công tác nên hồi còn học phổ thông đến tận bây giờ cháu nó tự học, tự tìm tòi là chính".
Trước đó, vào tháng 12/2011 Trịnh Nhật An đoạt giải nhì cuộc thi World Handwriting Contest (thi chữ viết tay quốc tế). Ở cuộc thi này Nhật An chỉ xếp sau thí sinh người Mỹ. Cuộc thi tổ chức thường niên tại Mỹ và từ năm 2002 trở đi ban tổ chức mở rộng ra cho nhiều nước tham gia. Lần đầu tiên dự thi, Nhật An đã chiến thắng ở nhóm tuổi từ 20 đến 64, nhóm có đông người tham dự nhất.
Theo Thanh Niên
Phạt tiền 6 đơn vị liên kết đào tạo sai phép Chiều 24-5, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định xử phạt hành chính hàng loạt đơn vị sai phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài gồm: Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Hoa Sen, Trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp, Công ty FTMS, Công ty Melior Việt Nam, Công ty Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh...