Từ 2050, sẽ có 10 triệu người chết mỗi năm do kháng thuốc kháng sinh
Giáo sư Louise Richardson, Đại học Oxford, nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp bách cần phải đối phó với mối đe dọa mà kháng kháng sinh gây ra đối với y tế cộng đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: independent.co.uk)
Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng hiện nay đặt ra nhu cầu cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này cũng như phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.
Xuất phát từ thực tế này, trường Đại học Oxford của Anh đã nhận được khoản tiền 112 triệu euro (136 triệu USD) tài trợ của công ty hóa chất đa quốc gia Ineos để tiến hành các nghiên cứu cần thiết.
Trong thông báo ngày 19/9, trường Đại học Oxford cho biết đây là khoản tiền tài trợ lớn nhất mà trường nhận được từ trước tới nay. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để thành lập một trung tâm mới có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.
Kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng vẫn tồn tại và sinh trưởng trong cơ thể con người hay động vật ngay cả khi đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Video đang HOT
Theo Đại học Oxford, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, mỗi năm sẽ có tới 10 triệu người tử vong mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh không còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh thông thường.
Giáo sư Louise Richardson, Đại học Oxford, nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp bách cần phải đối phó với mối đe dọa mà kháng kháng sinh gây ra đối với y tế cộng đồng.
Bà cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra một đại dịch khác, đồng thời nhấn mạnh đây không phải cảnh báo lần đầu nhưng con người vẫn chưa có sự chuẩn bị. Theo Giáo sư Richardson, các loại thuốc kháng sinh càng ngày càng ít hiệu quả do tình trạng kháng thuốc gia tăng, do vậy cần phải hành động trước khi quá muộn.
Hiện một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford đã hợp tác với hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển một trong số vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên. Họ nhận định các vắcxin ngừa COVID-19 đã được phát triển và bào chế trong thời gian kỷ lục, áp dụng các kết quả nghiên cứu được thực hiện trước khi đại dịch bùng phát.
Việc phát triển các thuốc kháng sinh mới cũng là nhiệm vụ cấp bách như bào chế vắcxin. Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã nghiên cứu và phát triển thành công Penicillin -thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới, qua đó cứu sống hàng triệu người trên thế giới./.
Dùng kháng sinh sai cách: Xin đừng đầu độc gia đình vì... tiện
Miền Bắc sắp đón một đợt gió mùa với nền nhiệt giảm tương đối sâu, vào ban đêm có thể xuống dưới 10 độ C.
Nhiều gia đình có con nhỏ lo lắng cho những chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm mũi họng, cúm, viêm phế quản... Riêng đối với lực lượng y tế, một vấn đề nguy hiểm, đáng lo lắng hơn rất nhiều đang thường trực trong cộng đồng chính là tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta.
Ảnh minh họa.
Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, vius, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc. Do tình trạng kháng thuốc, thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi trùng khác trở nên vô hiệu và nhiễm trùng ngày càng trở nên nặng hơn. Điều đó có nghĩa là những bệnh thông thường sẽ trở nên khó chữa hơn, tốn kém hơn và thậm chí là không thể chữa khỏi.
AMR là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng lớn nhất của chúng ta ngày nay. Bi kịch hơn, AMR do chính chúng ta tạo ra cũng giống như cách chúng ta đã tạo ra vô số vấn đề khác. Bằng cách kê thuốc kháng sinh tùy tiện, mua kháng sinh tùy tiện và uống kháng sinh tùy tiện, chúng ta đã tạo ra nó.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu có cần đi khám bác sĩ khi chỉ bị viêm họng hay không? Liệu rằng chúng ta có nên bỏ ra nửa ngày chờ đợi và một khoản chi phí khám chữa bệnh không phải nhỏ để có được đơn thuốc mà ta đã biết thừa và chỉ cần 5 phút để mua ở hiệu thuốc đầu ngõ? Và chúng ta có nên để đứa trẻ bị sốt với những triệu chứng khó chịu và cần bố mẹ theo dõi sát sao những dấu hiệu nguy hiểm để giúp tăng cường sức đề kháng của chúng hay sẽ ngay lập tức uống kháng sinh và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn chỉ sau 1 đến 2 ngày?
Hãy nhớ rằng, mỗi lần bạn uống thuốc kháng sinh khi không cần thiết, hiệu quả của thuốc kháng sinh sẽ giảm đi và nó có thể không có tác dụng vào lần tiếp theo. Mỗi khi một người dùng thuốc kháng sinh, vi khuẩn nhạy cảm sẽ bị tiêu diệt nhưng vi khuẩn kháng thuốc có thể vẫn phát triển và sinh sôi. Lúc này, kháng sinh lại trở thành những liều thuốc bổ khiến vi khuẩn phát triển hơn. Những con "siêu bọ" (cách các chuyên gia vẫn thường gọi vi khuẩn kháng kháng sinh) này, có thể lây từ người sang người giống như cách lây lan của các vi khuẩn khác. Đây là điều nguy hiểm nhất mà chúng mang lại.
Bức tranh ngày càng trở nên tối hơn. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có tới ít nhất 2,8 triệu người ở Mỹ gặp vấn đề về AMR và có hơn 35.000 người đã tử vong vì AMR.
Còn theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật châu Âu (ECDC), hằng năm, châu lục này có trên 25 nghìn bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc. Và thực trạng ở nước ta cũng nguy hiểm không kém.
Theo Cục Quản lý khám chữa bênh, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Một số vi khuẩn đã có tỷ lệ kháng kháng sinh lên tới 60 -70%, thậm chí là 90%.
Ở Việt Nam, các bác sĩ đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4 trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 mà vẫn có hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Một bức tranh thực sự đáng sợ ở trong tương lai không xa. Nhưng may mắn thay, việc hạn chế nó lại đơn giản đến không ngờ. Dịch Covid-19 đã dạy cho toàn thế giới về lợi ích của những việc vô cùng đơn giản mà chúng ta đã làm rất thành công như rửa tay và đeo khẩu trang. Điều đó giúp hạn chế đến mức thấp nhất những mầm bệnh dễ lây lan. Và chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Nên nhớ rằng, không phải bất kỳ hiện tượng nhiễm trùng nào cũng cần kháng sinh. Mỗi quyết định sử dụng kháng sinh ghi trong đơn thuốc đều gắn liền với sự cần thiết phải dùng kháng sinh, đúng loại kháng sinh, đúng liều lượng trong khoảng thời gian phù hợp với mỗi cá nhân khác nhau. Đây vốn là những kiến thức mà các bác sĩ đã phải vất vả trong nhiều năm học tập để có được.
Việc chúng ta chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định cần thiết chính là một món quà giá trị nhất mà chúng ta trao tặng cho con trẻ để tương lai của chúng khỏe mạnh hơn. Chúng sẽ dễ dàng vượt qua những chứng bệnh thông thường và sẽ không tốn tiền, thời gian và thậm chí cả tính mạng chỉ vì chúng ta đã lựa chọn việc dễ hơn, tiện hơn vào thời điểm này.
Trên hết, cần lưu ý rằng thông tin về các loại bệnh và thuốc trên mạng internet chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết và không phải lo lắng thái quá về những chứng bệnh gặp phải. Xin hãy nhớ, chúng ta không phải là thiên tài để có thể trở thành bác sĩ chỉ bằng vài cái click chuột trong vòng nửa giờ.
Hà Nội đang lạnh, hãy rửa tay thường xuyên hơn, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài trong thời tiết này để hạn chế mầm bệnh. Đừng bao giờ uống thuốc kháng sinh khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ dù chỉ là những liều kháng sinh nhẹ nhất. Điều đó tốn kém hơn, mất thời gian và công sức hơn nhưng nó sẽ tốt hơn nhiều cho tương lai của chúng ta và con trẻ. Đừng tự đầu độc gia đình mình chỉ vì tiện.
Kháng kháng sinh, người bệnh không còn thuốc chữa Theo GS Nguyễn Gia Bình, không chỉ có tình trạng kháng kháng sinh do sử dụng thuốc bừa bãi khi ốm đau mà còn do cả chế độ ăn uống trong mỗi bữa cơm. Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai. Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân...