Trường ĐH day dứt vì những ngành trụ cột lại ế ẩm
Việc thí sinh đổ xô lựa chọn những ngành học “hot” khiến điểm chuẩn ở một số ngành năm nay tăng đột biến.
Trong khi đó, nhóm ngành khoa học cơ bản lại rất trầy trật trong việc tuyển sinh.
Năm nay, điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội theo xu hướng chung đều tăng ở hầu hết các ngành. Tuy nhiên, tại nhóm ngành khoa học cơ bản như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học,… điểm chuẩn vẫn “giậm chân tại chỗ”, ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn.
Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường có đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản hoặc những trường đại học đơn ngành, đào tạo ngành học đặc thù.
Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, điểm chuẩn ở các ngành học “hot” năm nay tăng từ 5 – 9 điểm so với năm ngoái như Marketing (26 điểm), Quản trị kinh doanh (25,75 điểm), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (25 điểm),… Tuy nhiên, nhóm ngành khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn chỉ ở mức 5 điểm/ môn.
Hay tại Trường ĐH Mỏ – Địa chất, điểm chuẩn cho các ngành Địa chất học, Địa tin học, Khoa học dữ liệu,… cũng chỉ ở mức 5 – 6 điểm/ môn, thấp hơn nhiều so với các ngành vốn không phải thế mạnh đào tạo của trường như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,…
Theo các chuyên gia, nhìn vào xu hướng điểm chuẩn năm nay và những năm trước cho thấy, thí sinh đang đổ dồn vào những ngành học được cho là “hot”, khiến mức độ cạnh tranh ở những ngành này rất cao. Điều này dẫn tới thực trạng, nhiều thí sinh có điểm thi ở mức 26, 27, nhưng vẫn không đỗ vào trường đại học nào.
Trong khi đó, một số ngành học có vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước, rất cần những chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao như Khoa học tự nhiên, khoa học sự sống,… thí sinh lại không mấy mặn mà.
Một tiết học của thầy trò khoa Khí tượng và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Thúy Nga
Theo TS. Nguyễn Kim Cương, Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, vấn đề chính dẫn tới hiện tượng này là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành khoa học cơ bản.
“Có thể thấy, trong các chính sách về lương hay vị trí việc làm đối với những ngành này vẫn chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao.
Thêm vào đó, đặc thù của những ngành này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường cần tiếp tục học lên cao hơn mới có thể khẳng định vị trí trong nghiên cứu chuyên sâu. Cùng quãng thời gian ấy, sinh viên ở các ngành học khác khi ra trường đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Đó là những lý do khiến sinh viên không mấy mặn mà với các ngành học này”, TS Cương nói.
Còn theo TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ – Địa chất, những ngành khoa học cơ bản khó thu hút thí sinh vì các em chỉ nghe tên gọi, tưởng rằng đó là những ngành không có tiềm năng.
“Điều này đến từ việc xã hội cũng như thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học này. Không có sự đánh giá tổng thể và dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề khiến thí sinh không hình dung được thị trường lao động trong tương lai”, TS Khoát nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù nhiều ngành trong nhóm khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập cũng rất tốt, nhưng việc đào tạo khắt khe cùng môi trường làm việc có thể vất vả hơn,… là những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối khi thí sinh lựa chọn ngành nghề.
“Thí sinh đổ xô các ngành được cho là “hot”, nhưng khi đào tạo ồ ạt các ngành này, rất có thể chỉ vài năm tới sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn nhân lực”, TS Khoát cho hay.
Video đang HOT
5 ngành có tỷ lệ nhập học năm 2020 thấp nhất (Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Mặc dù nhìn nhận như vậy, nhưng đại diện các trường đều cho biết, khó khăn trong tuyển sinh vẫn buộc những trường này phải thay đổi sao cho “xã hội cần cái gì, chúng tôi đào tạo cái đó”.
TS Nguyễn Đức Khoát cho biết, trong những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học.
Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh.
Mỗi năm, trường chỉ tuyển giới hạn với quy mô từ 20 – 30 chỉ tiêu/ ngành. Điều này nhằm duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên, vừa đảm bảo khi nhu cầu thị trường thay đổi, vẫn có ngay lập tức nguồn lực để đáp ứng. Song song với đó, trường vẫn phải tính đến mở rộng tuyển sinh những ngành nghề khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Cần phải có dự báo chi tiết để “đón đầu”
Việc thí sinh “đổ xô” vào những ngành “hot” mà bỏ qua những ngành học cốt lõi, theo TS. Nguyễn Kim Cương, sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển bền vững đất nước.
“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với đa thiên tai như hiện nay, việc nghiên cứu quy luật, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây nên là rất cần thiết.
Thử tưởng tượng, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu dự báo và cảnh báo sớm, thì thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra sẽ như thế nào?”, ông Cương lấy ví dụ.
Để có những thế hệ kế cận chất lượng cho những ngành này, theo ông Cương, có nhiều yếu tố cần phải giải quyết ngay như Nhà nước phải có chính sách để đào tạo nguồn nhân tài thông qua hỗ trợ học phí, học bổng; đào tạo theo đặt hàng…
Còn theo PGS.TS. Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, các trường đại học cần phải chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với doanh nghiệp và các đối tác sử dụng lao động, từng bước đổi mới và kết hợp đào tạo chuyên sâu, cơ bản với mô hình đào tạo theo định hướng việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
“Các lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung, Khoa học Trái đất nói riêng, cần được xem là đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cả quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của thế giới.
Ví dụ, các nhà khoa học Trái đất không chỉ làm việc trong lĩnh vực khai thác và thăm dò khoáng sản (đóng góp 8-10% GDP của Việt Nam) mà còn trong các lĩnh vực như địa kỹ thuật, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, hải dương học cho tất cả các ngành kinh tế khác trước thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cao.
Vì vậy, nếu thí sinh “đổ xô” vào những ngành “hot” mà bỏ qua những ngành thuộc về khoa học cơ bản, đặc biệt là Khoa học Trái đất, sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên Hiệp Quốc”, ông Thành nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Khoát lại nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có sự thống kê hoàn chỉnh giữa Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để xem nguồn nhân lực cần trong 5 – 10 năm tới sẽ ra sao, từ đó công khai cho xã hội biết.
“Hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai.
Do đó, tôi cho rằng, cần phải có một bài toán quy hoạch tổng thể cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực ấy”, TS Khoát nói.
TS Phạm Hiệp: Kỳ thi 'hai trong một' không còn phù hợp
TS Phạm Hiệp cho rằng sau 7 năm tổ chức, kỳ thi "hai trong một" vẫn chưa thể đáp ứng được mục tiêu đề ra và nên có thay đổi.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng những bất cập về điểm chuẩn năm 2021 một lần nữa cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp. Các trường đại học cần một mô hình thi cử khác để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.
Ông Phạm Hiệp cho rằng các trường đại học cần một mô hình thi cử, tuyển sinh khác thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT "hai trong một" hiện nay. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Đề thi vẫn là điểm yếu lớn nhất
- Hiện tượng điểm chuẩn trên 30, thí sinh điểm cao trượt tất cả nguyện vọng đăng ký, "lạm phát" điểm chuẩn đã diễn ra 2 năm nay. Theo ông, nguyên nhân từ đâu và vì sao vẫn không khắc phục được?
- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điểm chuẩn đại học tăng cao là do đề thi năm nay khá dễ, số thí sinh đạt điểm cao tăng đột biến dẫn tới điểm trúng tuyển được đẩy lên cao. Bên cạnh đó, số lượng lớn thí sinh đạt điểm cao tập trung đăng ký nguyện vọng vào một số ngành nhất định.
Ngoài ra, việc các trường đại học được tự chủ trong xét tuyển, sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới điểm chuẩn tăng cao hơn mọi năm.
Nói chung, để xảy ra hiện tượng điểm chuẩn hơn 30, rất khó giải thích với xã hội. Bởi như thế nghĩa là các thí sinh ở khu vực 3 (thành phố lớn), không có điểm ưu tiên thì dù học giỏi, 3 môn đều đạt điểm 10, vẫn trượt đại học. Điều đó là bất bình đẳng, thiếu công bằng với các thí sinh.
- Theo ông, tại sao các trường đại học vẫn phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù đã được tự chủ về lĩnh vực này từ lâu?
- Việc tổ chức một kỳ thi riêng vừa tốn kém, vừa đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi tính hiệu quả chưa có gì đảm bảo. Vì vậy, việc các trường dè dặt, chưa dám tổ chức một kỳ thi riêng, có quy mô đủ lớn, là điều dễ đoán.
Từ phía nhà trường, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể còn một số bất cập nhất định nhưng hệ số an toàn cao hơn, vẫn tuyển sinh được đủ chỉ tiêu.
- Đã 7 năm chúng ta thực hiện kỳ thi "hai trong một" với nhiều thay đổi, ông nhận xét thế nào về kỳ thi này? Kỳ thi này có còn phù hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là cơ sở để xét tuyển đại học?
- Một mô hình thi có quá nhiều mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, vẫn muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, khó có thể cùng lúc cân bằng được. Nó giống như một phương trình có quá nhiều biến thì vô nghiệm.
Trong những bất cập của mô hình này, việc chưa thể chuẩn hóa được đề thi là vấn đề lớn nhất. Đề thi có năm dễ, năm khó. Hai năm nay, đề thi dễ quá, dẫn đến việc khó phân loại được học sinh xuất sắc, giỏi và khá.
Ví dụ, nếu đề thi có mức độ phân hóa cao, một học sinh khá sẽ được 7 điểm, học sinh giỏi được 8-8,5 điểm, học sinh xuất sắc được 9 điểm trở lên. Đề có mức độ phân hóa thấp, học sinh khá đã có thể đạt 9 thậm chí 9,5 điểm. Như vậy, học sinh giỏi và xuất sắc sẽ bị thiệt thòi nhiều vì không phân biệt được rõ ràng so với học sinh khá.
TS Phạm Hiệp ủng hộ phương án để địa phương tự kiểm tra, công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC.
Giao quyền cho các địa phương tự công nhận tốt nghiệp THPT
- Bộ GD&ĐT xác định 2022 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử và tuyển sinh. Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh nên được tổ chức như thế nào?
- Theo tôi, chúng ta nên tổ chức xét tốt nghiệp hoặc giao quyền cho các địa phương tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Để làm được điều này, chúng ta phải sửa đổi Luật Giáo dục.
Đối với tuyển sinh đại học, chúng ta không nhất thiết phải quay lại kỳ thi "ba chung" như trước, có thể học tập mô hình các trung tâm khảo thí riêng, một kỳ thi riêng theo SAT hoặc ACT của Mỹ. Tất nhiên, chúng ta sẽ có những điều chỉnh để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.
"Một mô hình thi có quá nhiều mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học vẫn muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, khó có thể cùng lúc cân bằng được. Nó giống như một phương trình có quá nhiều biến thì vô nghiệm."
TS Phạm Hiệp
Cả nước sẽ có một số trung tâm khảo thí cấp quốc gia hoặc trực thuộc một số trường đại học lớn, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi và có thể tổ chức nhiều đợt thi trong năm.
Mục đích là tách thi/đánh giá ra khỏi tuyển sinh, tạo điều kiện cho thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi. Thí sinh có thể thi hai lần trong năm, lựa chọn điểm thi cao nhất để đăng ký vào các trường.
Các kỳ tuyển sinh của trường đại học cũng có thể kéo dài thời gian hơn. Nhà nước sẽ có quy định cụ thể những trường nào bắt buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi đó. Ví dụ, một số trường, ngành mang tính chất đặc thù, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thì bắt buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Một số trường đại học trọng điểm cũng sẽ có quy định tuyển sinh theo kết quả kỳ thi, bên cạnh đó vẫn có thể kết hợp áp dụng những kỳ thi riêng, kỳ thi năng khiếu sao cho phù hợp mục tiêu đào tạo của mình.
- Nếu phương án thi như ông đề xuất thì các trung tâm khảo thí phải lớn và đủ mạnh, đáp ứng cho khoảng 1 triệu thí sinh/năm. Hiện nay, ông đánh giá có trung tâm nào đủ khả năng chưa? Nếu chưa, chúng ta phải xây dựng như thế nào?
- Mô hình lý tưởng là tách phần thi khỏi phần tuyển. Khi đó, thí sinh có thể thi quanh năm, thi nhiều lần và dùng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển đại học. Với mô hình đó, áp lực tại mỗi lần thi sẽ giảm đáng kể.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta chưa đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện mô hình như vậy thì vẫn phải tiến hành một kỳ thi như hiện nay. Khi đó, Bộ GD&ĐT phải đóng vai trò điều tiết và can thiệp sâu hơn trong ngắn hạn.
- Trong phương án mà ông đề xuất, Bộ GD&ĐT sẽ đóng vai trò quản lý như thế nào?
- Như đã nói ở trên, trong ngắn hạn, Bộ GD&ĐT vẫn phải đóng vai trò điều tiết, can thiệp sâu. Nhưng dài hạn, khi các trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định, vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dịch theo hướng "kiểm soát từ xa" và "hậu kiểm".
Bộ quản lý các trung tâm khảo thí, ra quy định, nguyên tắc về đề thi và quy trình thi và giám sát việc tổ chức kiểm tra, đánh giá của các trung tâm.
Các trung tâm sẽ trực tiếp vận hành. Mô hình này tương tự mô hình của các trung tâm kiểm định chất lượng hiện nay. Nếu nhìn rộng sang bên ngành giao thông, mô hình này cũng có phần hơi giống việc Bộ Giao thông Vận tải quản lý các trung tâm sát hạch lái xe.
Từ học sinh khối A phát âm kém đến giáo viên tiếng Anh 980 TOEIC Thành Phạm (24 tuổi, Hà Nội) được cộng đồng học TOEIC chú ý nhờ những chia sẻ về kinh nghiệm tự học và câu chuyện tiếng Anh thay đổi cuộc sống. Phạm Đức Thành từng là học sinh khối A và đỗ ĐH Tài nguyên và Môi trường, chuyên ngành Quản lý đất đai. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian sinh viên,...