Trường ĐH Công đoàn khai giảng giáo dục quốc phòng và an ninh
Sáng 6/4, tại tỉnh Hưng Yên, Trường ĐH Công đoàn tổ chức khai giảng giáo dục quốc phòng và an ninh – khóa I cho sinh viên khoa Luật và khoa quan hệ lao động.
Tới dự có các đồng chí: Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thiếu tướng Lương Quang Cương – phó Cục trưởng Cục dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu; Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh – Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Thiếu tướng Phạm Đức Tú – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An Ninh (Bộ GD&ĐT).
Phát biểu tại lễ khai giảng, Hiệu trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Giáo dục quốc phòng và an ninh trong cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa; bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Vui mừng chào đón 440 sinh viên ngành Luật và ngành Quan hệ lao động, thầy Hiệu trưởng Lê Mạnh Hùng cho hay, chương trình môn học giáo dục quốc phòng an ninh được tổ chức trong 3 tuần với đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của sinh viên Trường ĐH Công đoàn.
Bên cạnh những kiến thức về quốc phòng – an ninh được trang bị, khóa đào tạo cũng sẽ giúp sinh viên có thái độ, niềm tin, lẽ sống tích cực, có kĩ năng để bảo vệ mình và cao cả hơn nữa là bảo vệ Tổ quốc.
TS. Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại lễ khai giảng
Video đang HOT
“Tôi đề nghị sinh viên khắc phục những khó khăn, tham gia học tập, rèn luyện tác phong quân đội với tinh thần nghiêm túc, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy, huấn luyện, hỗ trợ đào tạo với tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, đề cao tính kỉ cương, nền nếp để khóa học có hiệu quả” – TS Lê Mạnh Hùng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Thuật – Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, giáo dục quốc phòng an ninh cho sinh viên nhằm tạo những cơ hội cho thế hệ trẻ tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, rèn luyện và thiện bản thân thông qua những giờ học thực hành trên thao trường và những giờ học lý luận trên giảng đường.
Đây cũng là môn học nhằm khởi dậy lòng yêu nước của sinh viên, giúp các em hiểu hơn về một số quy định trong môi trường quân đội, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; từng bước hoàn thiện kỹ năng sống.
Sinh viên khoa Luật và khoa quan hệ lao động trong lễ khai giảng giáo dục quốc phòng và an ninh
Ông Thuật đề nghị, Trường ĐH Công đoàn tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển nhà trường, thực hiện quan điểm: học đi đôi với hành, lý luận kết hợp thực tiễn, nhà trường gắn liền xã hội, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của sinh viên.
Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên chất lượng cao; chú trọng đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn, tiếp nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Học sinh giỏi lớp 11, 12 sẽ được ĐH Luật Huế xét tuyển thẳng
Trường Đại học Luật (Huế) tuyển sinh 500 chỉ tiêu cho ngành Luật và 400 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế.
Ngày 5-4, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) cho biết, năm nay nhà trường sẽ tuyển sinh 900 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Đặc biệt, trường bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển và đối tượng xét tuyển thẳng cho kỳ tuyển sinh năm 2021.
PGS.TS Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế) cho biết : "Những điểm mới trong đề án tuyển sinh năm nay sẽ là cơ sở quan trọng để trường chúng tôi tiếp nhận được một đội ngũ sinh viên chất lượng, giữ vững uy tín của nhà trường cũng như thích ứng với bối cảnh chung của đào tạo luật hiện nay".
Theo đó, sẽ có bốn phương thức tuyển sinh, bao gồm: xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế hiện hành và xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật (Huế).
Đồng thời, trường bổ sung thêm các tổ hợp môn xét tuyển mới là D66 (Ngữ văn, GDCD, Tiếng Anh) cho ngành Luật và C20 (Ngữ văn, Địa lý, GDCD) cho ngành Luật Kinh tế.
Trường Đại học Luật (Huế) sẽ xét tuyển thẳng thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và lớp 12.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, trường sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 3 học kỳ: Học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 để tính điểm xét tuyển. Điều kiện xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) các môn trong tổ hợp xét tuyển phải>=18.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2021 và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường Đại học Luật (Huế) sẽ quyết định điểm trúng tuyển cho các ngành học.
Đối với quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển gồm : thí sinh đã tốt nghiệp THPT và là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
Theo đề án tuyển sinh, nhà trường xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12; thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12 và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.
Ngoài ra, các thí sinh có học lực khá trong cả 3 năm học THPT trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ được tuyển thẳng nếu đáp ứng đủ điều kiện: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên đối với tiếng Anh; là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên đối với tiếng Pháp.
Được biết, các thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn được nhà trường trao tặng 30 triệu đồng cho thủ khoa; 20 triệu đồng cho á khoa và cấp học bổng tương đương 30 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm>=26; cấp học bổng tương đương 15 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm>=24.
Đặc biệt, thí sinh trúng tuyển thuộc diện ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của trường sẽ được nhận các mức học bổng từ 5 đến 20 triệu đồng.
Được biết thời gian nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng đến hết ngày 30-5-2021. Kết quả xét tuyển sẽ được thông báo vào tháng 6-2021.
Trường ĐH Luật (ĐH Huế): Bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển và đối tượng xét tuyển thẳng Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã lên kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, năm 2021 sẽ tuyển sinh 900 chỉ tiêu hệ đại học chính quy, với nhiều phương thức xét tuyển đa dạng. Năm 2021, Đại học luật - Huế tuyển 900 chỉ tiêu, trong đó, 500 cho ngành Luật và 400 cho ngành Luật Kinh tế...