Trường đại học tốp đầu tiên phong đổi mới tuyển sinh, mở thêm ngành đào tạo
Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ và chuyển đổi số trong đào tạo để khẳng định vị trí trên hệ thống các trường đại học trong nước và quốc tế.
Ảnh minh họa
Trong đó, có tự chủ về tuyển sinh, về đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị. Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố mở ngành đào tạo mới cũng như điều chỉnh về các tiêu chí tuyển sinh để tìm được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào, đáp ứng tiêu chí đào tạo và theo học được chương trình.
Mở mới nhiều ngành đào tạo
Với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số, năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học đã thông báo mở thêm một số ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm: Marketing số (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II – TP Hồ Chí Minh); chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội).
Ba chương trình mới đều có cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế và tổ chức thực hiện trên nguyên tắc căn bản, mở, linh hoạt nhằm giúp người học có nền tảng nghề nghiệp, có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp và thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Trường Đại học Thương mại cũng dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; chương trình tích hợp ngành Kế toán.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025. Theo quy hoạch này, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó, bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Một số ngành, chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số … Các ngành kỹ thuật – công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch.
Video đang HOT
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành. Nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể có thể là sự tích hợp.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, thời gian tới, sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra, đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào, từ đó cũng mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học và cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới phương thức tuyển sinh
Nếu như những năm trước, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì năm nay, nhiều trường đại học tốp trên đã giảm chỉ tiêu đối với phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng, nhằm lựa chọn được các thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nghiên cứu, lựa chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Như vậy, ngoài 3 phương thức tuyển sinh (xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, xét tuyển kết hợp), năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cũng ghi rõ, kết quả của kỳ thi này chỉ là cơ sở để các trường đại học xem xét tuyển sinh. Mục tiêu đã thay đổi nên các trường cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, nhất là những trường tốp đầu. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, một số cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy nên ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến thí sinh. Vì thế, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm chắc một số quy định. Từ đó, có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi thông tin, năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.200 sinh viên, với 39 ngành ở 7 khối. Đáng chú ý, chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ giảm từ 70% xuống 50% tổng chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu với phương thức tuyển thẳng; 20% chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ và 20% xét tuyển từ kết quả thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách hoa Hà Nội.
Bên cạnh xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn… để tuyển sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều đáng trân quý. Ví dụ, học sinh tham gia chiến dịch mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, tham gia tình nguyện viên trong mùa dịch COVID-19 hoặc thí sinh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, viết bài luận để trình bày những thế mạnh của mình… Việc bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển như trên nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thế mạnh về hoạt động xã hội đăng ký xét tuyển, có cơ hội hiện thực hóa ước mơ vào đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh là việc nên làm, vì đây là xu hướng chung của các trường đại học trên thế giới đã làm từ rất lâu. Sự thành công của một người không chỉ nằm ở thước đo kiến thức mà còn ở các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác. Do đó, nếu có những thang đánh giá toàn diện sẽ giúp chọn được người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của các trường đại học.
Xét tuyển đại học và "cơn sốt" chứng chỉ IELTS
Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học lớn ngoài giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực, sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS.
Sự thay đổi này khiến nhiều thí sinh cấp tốc học và thi IELTS để xét tuyển.
Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS hiện có nhiều quan điểm khác nhau.
Đổ xô đi học thi chứng chỉ ELTS
Năm 2021, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành "tấm vé" đặc biệt giành suất vào những trường đại học mơ ước, thay vì phải thấp thỏm chờ đợi cả tháng sau đó với những thí sinh 27, thậm chí 30 điểm vẫn không đỗ vào ngành học yêu thích.
Theo thống kê của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp IELTS vào trường cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu. Trong khi đó, thí sinh tuyển sinh vào Trường Đại học Y Dược TP HCM cũng nộp hồ sơ xét chứng chỉ gấp 3, 6 lần chỉ tiêu...
Năm 2022 này, thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, các trường đã công bố phương án tuyển sinh với điểm chung là giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này.
Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 - 20%, thấp nhất từ trước đến nay. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế gia tăng, một số trường thậm chí dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế.
Việc các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS khiến nhiều thí sinh đang chuyển hướng học và thi lấy chứng chỉ IELTS. Năm 2021, cả nước có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT... là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.
Trên các nhóm diễn đàn mạng xã hội, không ít học sinh lớp 12, phụ huynh sốt sắng tìm kiếm lớp dạy thi chứng chỉ ngoại ngữ cấp tốc. Bởi đến thời điểm này, nhiều học sinh lớp 12 vốn dự định chỉ tập trung học để thi tốt nghiệp THPT, đã chuyển hướng dành thời gian và một khoản đầu tư thi IELTS cho yên tâm.
Ngọc Linh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, hiện tại khi đã kết thúc học kỳ 1, việc bắt đầu lo ôn thi IELTS với những bạn chưa từng luyện thi là khá chật vật và quá muộn. Chưa kể, phụ huynh phải dành một khoản đầu tư ít nhất cũng 10 triệu trở lên với những em đã từng luyện thi khá kỹ càng trước đó. Thậm chí có trung tâm lên tới hàng trăm triệu nhưng không phải em nào cũng đạt kỳ tích 7.0 - 8.0 như kỳ vọng của phụ huynh...
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi Hóa tại Hà Nội nhận định, nhiều trường hiện nay mở rộng tuyển sinh bằng phương thức xét chứng chỉ IELTS. Do vậy, phụ huynh ở các thành phố lớn quyết định cho con học chứng chỉ IELTS để "giắt lưng". Một số học sinh cũng đang có tâm lý "đổ xô" đi học vì lo sợ tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao.
Có "bội thực" và lãng phí?
Ở góc độ khác, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, nếu xét trên lợi ích chung của xã hội thì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi: "Trào lưu này có phần giống với du học tự túc khoảng 5-10 năm trước. Lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ.
IELTS chỉ nên là một trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan. Cùng với đó, không nên lấy năng lực tiếng Anh làm giới hạn cả đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên. Nhiều trường hiện nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên lên cao dần. Sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt nhưng hạn chế ngoại ngữ không thể ra trường. Như vậy là rất vô lý".
Thầy Ngọc cho rằng, thực tế ở bất cứ ngành nghề nào, phần lớn mọi người vẫn thực hiện tốt công việc của mình mà không cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ ở trình độ cao. Những bạn biết tiếng Hàn, tiếng Trung trong những năm gần đây mới có lợi thế lớn (điểm chuẩn những ngành này cũng rất cao). Hãy để thực tế nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của xã hội điều tiết việc học ngoại ngữ, không nên dùng công cụ hành chính để áp đặt.
"Chúng ta cho trẻ con học tiếng Anh miệt mài từ cấp mầm non, tới hết phổ thông, rồi chốt lại bằng chứng chỉ IELTS. Suốt mười mấy năm trời cho 1 ngoại ngữ như vậy có thật sự ổn không?", thầy Ngọc bày tỏ.
Mặt khác, không ít chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bản chất tuyển sinh đại học thì cần có năng lực học tập, tư duy, kỹ năng để chứng minh khi học tại trường. Vì thế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là phần nào đó thôi. Với cách tuyển sinh hiện nay của nhiều trường, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang chiếm trọng số khá lớn khiến ảnh hưởng đến các phần còn lại.
Trước sự lo lắng của thí sinh, đặc biệt là những em ở nông thôn, vì có thể thiệt thòi, mất cơ hội vào các trường top trên khi các trường thêm tiêu chí IELTS, TOEFL..., bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định, nếu các em xác định mục tiêu phù hợp năng lực và nỗ lực hết mình thì sẽ không mất cơ hội vào đại học mà mình yêu thích.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, tỉ lệ các trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là hơn 92%. Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác chưa đến 10%. Như vậy, 2 năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều.
Hơn nữa, theo bà Thủy, một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu và các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh, việc các trường sử dụng thêm tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, có tính hội nhập quốc tế.
Tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là duy nhất. Thông thường, các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT và cũng chỉ một phần chỉ tiêu là được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.
Bà Nguyễn Thu Thủy nhận định, trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn, chưa đủ điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức thi riêng và thi đánh giá năng lực một cách phổ biến. Do đó, tỉ trọng nhập học đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như năm 2020-2021.
Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh thì cần bảo đảm sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực.
Một trường Đại học ở Hà Nội vừa "lộ" loạt ảnh gây sốt: Cơ sở vật chất xịn sò, có cả robot, thiết bị bay mà học phí thì không thể tin nổi Tin được không, một trường đại học có cơ sở vật chất siêu xịn, sẽ là tiểu đô thị thông minh trong tương lai nhưng học phí chỉ từ 20 triệu đồng/ năm học? Mùa tuyển sinh 2022 đã chính thức khởi động. Nhiều trường đại học đã công bố phương thức xét tuyển, sĩ tử 2k4 cũng gấp rút "dùi mài kinh...