Trong tủ lạnh có cả mùa hè
Canh dọc nấu cá. Canh sấu nấu thịt. Canh sườn nấu thanh trà. Canh bò băm nấu me, nấu khế. Trong tủ lạnh có ngần đấy đồ nấu chua là có cả mùa hè Hà Nội.
Sấu dầm mắm chua mặn ngọt KIM YẾN
Chốt vị chua đúng vụ
“Mai ơi, mùa sấu bánh tẻ rồi đấy. Gửi cho tớ sấu nhé”, Ngọc Mai cười khẽ khi đọc những dòng mail của bạn gửi từ châu Âu. Ở Hà Nội bây giờ, hầu như nhà nào cũng tích sấu trong ngăn đá tủ lạnh. Thời điểm này cũng là lúc thích hợp nhất với việc tích sấu vì đang có sấu bánh tẻ. Sấu bánh tẻ hạt non, thịt sấu dày, chua dịu và khi nấu lên màu đẹp hơn, không bị xám nước như sấu già. Cũng có loại sấu ít tuổi hơn sấu bánh tẻ một chút là sấu bao tử, có thể cắn vỡ hạt sấu màu trắng mềm dễ dàng.
Việc chế biến sấu bánh tẻ cũng thành những chiến dịch rầm rộ. Sấu bánh tẻ ngon vừa độ, có thể cấp đông giữ cả năm nấu canh, cũng có thể ngâm mắm ớt để làm nước chấm, hay làm nước sấu. “Sấu ngâm mắm tỏi, sấu giòn thơm ăn với cơm, tỏi cũng giòn ngon. Ngâm bằng mắm cốt, đường tinh luyện và đậm vị cân bằng chua cay mặn ngọt. Mắm ngâm để chấm rau luộc rất ngon. Có thể đóng túi kín, đóng hộp mang đi xa. Bảo quản tủ mát được 1 năm”, cô Quản Kim Yến, người quản lý tiệm cơm nổi tiếng Vinh Thu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ. Nửa tháng nay, nhân vụ sấu còn đang mềm hạt, thịt dày, cô Yến liên tục nhận các đơn sấu ngâm, sấu dầm.
Cùng lúc, các nhà bán sấu trữ đông liên tục nhận hàng, trả hàng. Mỗi đơn hàng thường vài cân. Sấu tươi mới hái được sát vỏ bằng máy, rửa lại bằng nước muối loãng cho khỏi thâm, sau đó hút chân không. Thông thường, với các gia đình ít người, túi sấu phù hợp là khoảng nửa cân. Các nhà hàng thường lấy túi một cân sấu. “Tích xong sấu là yên tâm cả năm có canh chua thịt ăn rất dễ chịu”, chị Ngọc Mai nói.
Quả sấu trong gánh hàng rong ẢNH: NGỌC THẮNG
Tuy nhiên, chị Mai không chỉ tích sấu. Tủ lạnh của chị còn có thanh trà. Vụ thanh trà thường kéo dài khoảng tháng 5, với những chùm quả chín vàng chua ngọt thơm đậm. Nghĩa là hết vụ thanh trà sẽ tới mùa sấu. Quả thanh trà nấu canh chua cũng rất ngon. Nhiều người còn thích vị canh chua thanh trà hơn cả sấu, vì nước dùng sẽ trong và có vị thơm. Mặc dù vậy, điểm yếu của thanh trà là tốn chỗ hơn khi tích trữ.
Những bát canh đúng kiểu
Đi qua mùa thanh trà và mùa sấu, nhiều gia đình vẫn tích thêm những vị chua khác nhau. Chẳng hạn, quả dọc quá thích hợp cho một nồi canh chua cá. Quả dọc xanh nướng trên than thật chậm, vỏ tứa ra tiếng xèo xèo cho đến khi ngả vàng. Lớp vỏ đó bóc đi, rửa sạch là có thể cho vào nồi nấu canh cá. Canh cá nấu dọc chua đậm nhưng thanh, nước cũng giữ được sắc trong. “Cá nấu chua bằng dọc quá ngon, đúng kiểu canh cá Bắc. Mỗi tội giờ đây kiếm được dọc không dễ”, chị Ngọc Mai chia sẻ. Tháng 9, tháng 10, ngoài chợ đầu mối và những chợ lớn như Hôm, Hàng Bè rất khó kiếm quả dọc. Vì thế, dịch vụ nướng dọc, bóc vỏ, đóng hộp bán trên mạng càng hiếm. Dọc cũng có dạng cắt lát phơi khô nhưng không ngon bằng nướng rồi cấp đông.
Video đang HOT
Có người lại chọn dấm bỗng để nấu canh. Bỗng bán ở chợ nhiều nhưng bỗng nếp không phải lúc nào cũng có. Dấm bỗng rượu nấu riêu thì nước canh chua thanh, trong vắt và có vị thơm lên men. Vì thế, có bà nội trợ cũng giữ một chai nhỏ bỗng ngon trong tủ lạnh. Tuy nhiên, số này không nhiều như số trữ đông sấu và thanh trà.
“Me khô và quả chay khô, tai chua cũng là thứ quả nấu chua được các mẹ mua dự trữ”, chị Linh (Bếp của Linh) chia sẻ. Những loại quả này có thể nấu canh cá, canh thịt khá duyên. Người ta thay đổi vị chua theo từng nguyên liệu nấu, cũng tùy tâm trạng nấu hay khách đến chơi nhà ăn cơm. Chẳng hạn, bát canh riêu cua sẽ hợp với dấm bỗng vô cùng. Bát canh ngao lại ăn ý với me lọc và chút chua ngọt của dứa. Quả chay khô nấu cá. Tai chua nấu thịt bò băm và cà chua ăn ý.
Tuy nhiên, còn có một loại quả nữa để “đánh dấu mùa hè” – quả mắc mật. Mọi người thường chỉ nhìn thấy thứ quả này khi được ngâm với măng chua. Có người lại chỉ được thấy lá mắc mật nhồi vào bụng món vịt quay trứ danh. Mùa quả tươi đến khi hè đã cạn ngày, vào tháng 8, tháng 9. Khoảng 5 năm gần đây, mắc mật tươi được mang về Hà Nội để bán cho các bà nội trợ. Thay vì nấu vịt om sấu, một món mùa hè kinh điển, có thể nấu vịt mắc mật tươi hoặc mắc mật tươi đã cấp đông. Ngoài vị chua, món canh này còn có hương thơm của tinh dầu trong vỏ quả mắc mật, hơi giống với vỏ quả hồng bì. Đây cũng là món ngon khó cưỡng và vì thế, quả tươi được trữ trong tủ lạnh để ăn quanh năm.
Trời nắng nóng mẹ đảm cứ nấu món canh thanh mát này, cả nhà ăn hết veo vẫn thòm thèm
Mùa hè nóng bức, để giúp bữa ăn gia đình thêm phần hấp dẫn, mẹ hãy vào bếp nấu các món canh dưới đây nhé!
1. Canh cua mồng tơi
Chuẩn bị:
- 200g cua đồng
- 1 mớ rau mồng tơi
- Gia vị: bột canh hoặc gia vị khác tùy ý (như bột nêm, mì chính)
Cách làm:
Cua đồng mua về rửa sạch, tách mai khều lấy gạch.
Rau mồng tơi nhặt bỏ phần lá sâu, gốc già, chỉ lấy phần non. Rửa rau sạch ngâm nước muối loãng.
Cho thịt cua vào cối, thêm một ít muối giã nhuyễn (nếu có máy xay bạn xay cua làm 2-3 lần thật nhuyễn) rồi lọc lấy nước, bỏ phần bã. Gạn lại 2-3 lần để nước cua không bị sạn.Cho nồi nước cua lên bếp đun nhỏ lửa để gạch cua được đông.
Tiếp đó, cho rau mồng tơi vào đun chín và cho canh cua ra bát để thưởng thức.
2. Canh sấu nấu thịt:
Canh sấu nấu thịt đơn giản, dễ nấu lại rất ngon bởi vị chua thanh dịu nhẹ, thơm thơm mùi thịt. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có sấu và mùa nào cũng có. Nếu bạn thích món canh này có thể tranh thủ mùa sấu để mua và trữ trên ngăn đá tủ lạnh để có thể nấu món canh này bất cứ khi nào bạn muốn nhé.
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho món canh sấu nấu thịt:
- 1 quả cà chua, 5 quả sấu xanh nhỏ, 1 củ hành khô
- 200g thịt nạc thăn
- 1 bó rau rút (rau nhút)
- 1 bó rau mùi
3. Canh thiên lý nấu ngao
Hoa thiên lý ngoài là một loại rau còn có tác dụng rất mát, bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Nếu đã quá quen thuộc với canh hoa thiên lý thịt nạc, nấu cua thì hôm nay bạn hãy thử cách nấu với ngao này nhé. Bát canh thiên lý nấu ngao ngọt mát, ngon miệng này sẽ làm bạn hài lòng và nó rất đáng để thêm vào thực đơn của gia đình.
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho món canh thiên lý nấu ngao:
1kg ngao
500g hoa thiên lý
Dầu ăn, hành khô, hạt tiêu, nước mắm
4. Canh rau dền nấu tôm
Rau dền là loại rau mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, chữa nhức đầu chóng mặt, còn tôm là một loại thực phẩm dễ chế biến, kết hợp với nhau rất hợp làm cho món canh thêm ngọt ngào, thơm mát.
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau cho món canh rau dền nấu tôm:
- 200g tôm tươi
- 1 mớ rau dền, bạn có thể chọn dền đỏ, dền trắng hoặc lẫn cả 2 loại tùy thích
- Hành khô, gia vị
5. Canh chua cá lóc
Nguyên liệu cà chua đỏ mọng nước, đậu bắp, dứa, giá đỗ, ớt tươi, me chua, rau mùi, rau ngổ, dọc mùng, hành khô mắm muối và những con cá lóc dù nhỏ cân nhưng chắc thịt . Món canh này cần ít nhất 15 phút để đun sôi cá với cà chua phi hành khô thơm trước khi bỏ các nguyên liệu khác vào.