Tránh sự cố khi dạy học online
Trong những ngày qua, nhiều vụ việc đều liên quan đến cách ứng xử của giảng viên khi giảng dạy online đã gây xôn xao dư luận.
Giảng viên một trường đại học đang giảng dạy trực tuyến cho sinh viên – Ảnh: CTV
Đầu tiên là chuyện một giảng viên mỉa mai sinh viên xin nghỉ học do gia đình có chuyện buồn. Sau đó là một giảng viên khác đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online khi em này xin thầy giảng lại lần nữa vì không nghe rõ. Và gần đây nhất là một giảng viên gọi sinh viên là “óc trâu”.
Giảng bài online rất áp lực
Công việc giảng dạy cho sinh viên luôn rất áp lực, giảng bài online còn áp lực nhiều lần cho giảng viên. Bởi lẽ bên cạnh yếu tố con người, giảng bài online sẽ có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy như: không gian học, chất lượng thiết bị học của sinh viên, đường truyền Internet…
Chỉ cần đường truyền mạng yếu hay địa điểm ngồi của sinh viên ồn ào… là đã ảnh hưởng đến buổi học, đến tâm lý của giảng viên, dễ gây nên tâm lý ức chế, mệt mỏi, bực bội cho người dạy.
Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười như thầy cô yêu cầu sinh viên phải bật camera nhưng nhiều em lại lấy lý do máy bị hư rồi. Có em đang thuyết trình thì bị trục trặc khiến cả lớp phải chờ khá lâu. Có em ngồi học ngay phòng khách không tắt mic, không tắt camera nên tiếng nói chuyện và hình ảnh sinh hoạt trong gia đình gây mất tập trung cho cả lớp…
Những điều rất nhỏ đó đôi khi làm cho tiết học trở nên loãng và gây ức chế cho giảng viên. Rồi còn là tâm lý bất an của những người làm công tác giảng dạy vì lo lắng bị sinh viên ghi hình, ghi âm nếu lỡ có chỗ nào giảng sai hay nhầm ý…
Tuy nhiên, không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho việc làm đáng phải quên như hai giảng viên nêu trên. Trong quá trình giảng dạy chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh và giảng viên giỏi là người xử lý tốt những tình huống đó (nghiệp vụ sư phạm) để đạt được mục đích cuối cùng là truyền đạt kiến thức đến sinh viên.
Đương nhiên, cách ứng xử của hai giảng viên trên không thể dùng để đánh đồng đối với những giảng viên khác. Bởi phần lớn giảng viên đang làm tốt công việc truyền đạt kiến thức của mình, đồng thời còn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên nhờ cách ứng xử đúng mực của mình.
Cần sự gắng từ hai phía
Học trực tuyến với cả thầy và trò đều rất vất vả, vận dụng đủ các loại ứng dụng hỗ trợ sao cho trao đổi giữa hai bên thông suốt. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng đến các biện pháp mạnh như đuổi sinh viên ra khỏi lớp, mắng chửi, xúc phạm sinh viên… thì người thầy chưa đủ bản lĩnh sư phạm để xử lý vấn đề và nhìn nhận thấu suốt.
Rất nhiều sinh viên máy tính hỏng hoặc phải nhường máy tính cho em học, còn mình phải học bằng điện thoại. Đường truyền thì thường xuyên trục trặc. Trong một điều kiện chưa đảm bảo, giảng viên nên động viên để các em cố gắng hơn là khắt khe, cứng nhắc. Tất nhiên sinh viên cũng phải trung thực và có ý thức học tập tốt.
Video đang HOT
Giảng viên, giáo viên nào cũng đều được học về các kỹ năng xử lý tình huống trong nghiệp vụ sư phạm rồi, cho nên không thể lấy lý do mình quá áp lực và mệt mỏi mà nóng giận, có lời nói và hành động xúc phạm đến người học.
Để giải tỏa các áp lực và tránh có lời nói, hành động thiếu phù hợp với người học trong khi dạy online, người thầy cần nâng cao năng lực sư phạm của mình đồng thời giảm kỳ vọng, giảm sự cầu toàn và không nên tạo thêm áp lực.
Giữa lúc đại dịch còn nhiều phức tạp, cả người dạy lẫn người học đều phải chịu đựng nhiều áp lực khác nhau nên còn được học online đã là sự cố gắng rất lớn từ hai phía. Tuy nhiên, dù là lớp học diễn ra với hình thức nào đi nữa thì tính mô phạm của môi trường giáo dục cũng phải được đảm bảo.
Bởi người thầy không chỉ truyền đạt kỹ năng, kiến thức mà còn dạy học trò về nhân cách và lối ứng xử, đồng thời là tấm gương để người học noi theo. Đây chính là nền tảng góp phần tạo nên chất lượng giáo dục.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Bên cạnh đó, chính sinh viên cũng phải ý thức, nỗ lực nhiều hơn khi học online chứ không thể chỉ biết trông chờ vào giảng viên, vừa học vừa làm chuyện khác. Nhất là các ứng dụng công nghệ ngày nay có thể hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình học tập như ghi âm, chụp màn hình, chia sẻ nội dung…
Bởi một giảng viên đâu thể đáp ứng hết mọi yêu cầu nhiều sinh viên trong một tiết học. Nói cách khác, sẽ hạn chế được những sự việc ngoài ý muốn trong lúc dạy và học online khi cả người dạy lẫn người học đều có sự cố gắng để đạt được mục tiêu chung. Nhất là khi mỗi người biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn.
Đừng tạo áp lực cho nhau
Khi dạy trực tuyến, giảng viên mệt gấp 3 – 4 lần so với giảng tập trung, đồng thời luôn suy nghĩ làm thế nào để hầu hết học trò của mình nắm bắt được bài.
Thực tế mà nói, cũng có trường hợp học sinh, sinh viên thiếu ý thức khiến tiết học phải mất nhiều thời gian bởi những chuyện vô ích. Thậm chí chỉ để thử thách, trêu đùa các giáo viên, nhất là các thầy cô chưa quen lắm với thiết bị công nghệ.
Do vậy, để tránh những sự cố không mong muốn thì cả thầy cô, cha mẹ và học trò nên có thái độ cởi mở, dành hết tâm sức và đừng tạo áp lực cho nhau thì mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ.
4 nhân tố quan trọng khi dạy học online
Cô Trần Bích Diệp, Hiệu phó, Tổ trưởng Tổ Toán trường Phổ thông liên cấp Edison (Ecopark, Hưng Yên), chia sẻ về những nhân tố, thời điểm quan trọng khi dạy online.
Là giáo viên đã gần 10 năm gắn bó với học sinh THPT, nhưng khi chuyển đổi sang học tập online trong hai năm học gần đây, tôi phải làm mới hoàn toàn cách tiếp cận học sinh, thực hiện quy trình mới cho việc lên lớp của giáo viên mỗi ngày, ngay cả việc kết nối với phụ huynh cũng cần thay đổi.
Ngay khi dịch bệnh xuất hiện và chuyển sang học trực tuyến, tôi trăn trở vì những thói quen trước đó không thể duy trì. Học sinh lớn vốn đã có xu hướng ít chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, màn hình online lại càng không thể hiện được ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể. Việc học và hiểu bài của học sinh cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa.
Bước sang năm học thứ ba của dạy học trực tuyến, tôi cho rằng có 4 nhân tố phải kết hợp chặt chẽ, gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, học sinh và phụ huynh; 3 thời điểm cần tập trung gồm trước, trong và sau giờ học.
Giáo viên chủ nhiệm
Tại trường tôi, công tác chủ nhiệm được đánh giá quan trọng không kém so với công tác chuyên môn. Việc thấu hiểu, đồng hành, trở thành người bạn của học sinh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mong muốn tự đáy lòng của thầy cô giáo. Bởi khi hiểu và làm bạn cùng các con, chúng tôi mới biết cách hỗ trợ kịp thời không chỉ ở kiến thức mà còn ở các khía cạnh khác.
Một trong những điều đầu tiên đó là thiết lập kênh liên lạc online với học sinh. Việc sử dụng tài khoản Teams có bản quyền là thuận lợi để thầy cô thực hiện đồng bộ trao đổi với học sinh từ giao bài tập, nhắn tin, ghi âm, ghi hình, gửi file đính kèm với dung lượng lớn...
Học sinh cũng đã dần quen với việc chuyển đổi từ Facebook sang Teams và không ngại gửi câu hỏi tới thầy cô giáo trong và cả ngoài giờ. Có những hôm 9-10h đêm, chúng tôi vẫn nhận được tin nhắn hỏi bài của các con. Chúng tôi đều cố gắng hỗ trợ vì các con đang cần mình. Bên cạnh đó, quy trình chủ nhiệm đối với học online cũng thêm những đầu việc mới.
Cô Trần Bích Diệp, Hiệu phó, Tổ trưởng tổ Toán trường Edison. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trước giờ học: Giáo viên chủ nhiệm cần gửi thông tin chi tiết về thời khóa biểu, kế hoạch dạy học cả tháng và từng tuần để phụ huynh và học sinh nắm được lịch trình học tập.
Trong giờ học: Nếu như đi học trực tiếp, giáo viên chủ nhiệm lên lớp và theo dõi học sinh một số khung giờ cố định trong ngày, thì với học online, thầy cô luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ giáo viên bộ môn ở tất cả tiết học, liên hệ với học sinh, phụ huynh nếu các con vắng mặt không có lý do, đôn đốc học sinh vào lớp.
Sau giờ học: Giáo viên chủ nhiệm gửi tóm tắt thông tin tình hình học tập mỗi ngày của học sinh tới từng phụ huynh; thực hiện báo cáo kết quả học tập từng môn học kèm theo nhận xét chi tiết gửi phụ huynh hàng tuần.
Thực hiện được điều này cần có sự đồng bộ của toàn trường. Từ khi chuyển đổi sang học online hai năm trước, Ban giám hiệu nhà trường đã thay đổi, làm mới quy trình ghi chép, báo cáo và theo dõi từng học sinh. Chính vì vậy, dù làm việc ở trường hay ở nhà, các tổ trưởng tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu đều có thể theo dõi chất lượng tiết học, quá trình học tập của học sinh theo hướng cá thể hóa.
Giáo viên bộ môn
Thách thức lớn nhất đối với việc dạy và học online là đánh giá đúng mức độ học tập, hiểu bài, nắm vững kiến thức của học sinh. Để làm được điều này, quy trình mới đã được xây dựng và hoàn thiện, giúp học sinh lên kế hoạch học tập và đáp ứng những yêu cầu cao hơn khi học trực tiếp. Giáo viên bộ môn cần thực hiện các phần việc sau:
Trước giờ học: Lập kế hoạch dạy học chi tiết cho các tiết học, hướng tới sự đổi mới về phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô đọng kiến thức trọng tâm nhất để giới thiệu tới học sinh. Kế hoạch này luôn được tải lên ứng dụng học tập để học sinh theo dõi.
Giáo viên bộ môn cũng cần gửi tới học sinh nội dung, video tóm tắt bài giảng hoặc phiếu hướng dẫn chuẩn bị bài trước tiết học. Đây là công việc rất cần thiết đối với việc học online, giúp học sinh tiếp thu kiến thức mới hiệu quả hơn.
Trong giờ học: Giáo viên bộ môn điểm danh và báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm trong trường hợp học sinh vắng mặt; kiểm tra phần chuẩn bị bài mới, giảng dạy kiến thức mới.
Ở phần này, thầy cô giáo cần tìm hiểu và vận dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để giúp bài giảng sinh động hơn. Các ứng dụng tiêu biểu hay được giáo viên đưa vào thiết kế bài giảng và trò chơi học tập như Kahoot, Quizizz, Quizlet, Gimkit, Blooket, Wordwall, Liveworksheet, Nearpod, Bamboozle...
Giáo viên cần kiểm tra, đánh giá sự tiếp thu của học sinh bằng một bài "quiz" ngắn cuối giờ. Chỉ cần gói gọn trong vài câu hỏi, phần phản hồi của các con sẽ giúp thầy cô hiểu phần nào mức độ nhận thức của từng bạn đối với kiến thức mới, từ đó sẽ có hỗ trợ học sinh tốt hơn.
Sau giờ học: Giáo viên bộ môn nhận xét vào sổ đầu bài online tình hình học tập của tiết học để giáo viên chủ nhiệm nắm được thông tin về lớp và học sinh.
Học sinh
Học online giúp học sinh rèn được tính chủ động, tự học hỏi, tìm tòi - những đức tính rất cần thiết cho bậc học cao hơn. Tôi đưa ra một số lời khuyên cho các bạn học sinh như sau:
Trước giờ học: Học sinh cần đọc trước bài mới, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị bài theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Các em cần chọn không gian học tập hợp lý có đủ ánh sáng, yên tĩnh và chuẩn bị đủ đồ dùng, thiết bị học tập cần thiết.
Trong giờ học: Tích cực và sáng tạo khi ghi chép bài; tương tác, đặt câu hỏi với giáo viên; lắng nghe và trả lời các câu hỏi trong khả năng của mình.
Sau giờ học: Hoàn thành bài tập theo yêu cầu, đọc lại kiến thức đã học và chuẩn bị trước bài mới. Bên cạnh đó, học sinh nên luyện tập thêm bài tập tăng sức khỏe thể chất, thị lực.
Phụ huynh
Sự phối hợp, tạo điều kiện của phụ huynh rất cần thiết trong giai đoạn học tập online như hiện nay.
Trước giờ học: Phụ huynh hỗ trợ thầy cô giáo thông tin tới các con nhiệm vụ học tập của các buổi học, nếu có thể, in ấn phiếu học tập để học sinh có thể điền trực tiếp thay vì làm trên máy tính.
Trong giờ học: Lưu ý tin nhắn, điện thoại của giáo viên chủ nhiệm trong trường hợp cần thiết; hướng dẫn, hỗ trợ con khi có vấn đề về lỗi kỹ thuật hoặc kết nối thiết bị học tập.
Sau giờ học: Theo dõi thông tin trao đổi của giáo viên chủ nhiệm để cùng đôn đốc, nhắc nhở con trong trường hợp cần thiết.
Vụ sinh viên bị đuổi vì tiếng mưa át tiếng giảng: Thầy cô cũng áp lực Ngày 17/9, nhiều Facebooker lan truyền đoạn clip hội thoại, nội dung là cuộc trò chuyện giữa 1 nam sinh với giảng viên của mình. Trong clip, khi nam sinh bày tỏ mong muốn được nghe thầy giảng lại do không nghe rõ vì tiếng mưa ồn, anh liền bị thầy mời ra khỏi lớp học trực tuyến. 1 sinh viên tham dự...