Tranh cãi học sinh nhuộm tóc, đánh son nên cấm hay không cấm?
GDVN- Nếu các điều cấm mà không thực hiện được thì không nên cấm chỉ nên khuyến khích sự tự giác của các em, tạo ra sự hài hòa sao cho phù hợp.
Học sinh đến trường, không được nhuộm tóc, không được đánh phấn, thoa son gần như đã trở thành nội quy cứng ở nhiều trường học hiện nay. Thế nên, thi thoảng đâu đó ta vẫn nghe có tình trạng thầy cô giáo mời học sinh ra về để nhuộm lại tóc, mời phụ huynh lên trường trao đổi về việc nữ sinh ấy đi học nhưng hay đánh phấn, tô son.
Học sinh huyện đảo Phú Quý (Ảnh tác giả)
Ngày 26/9, trên một số phương tiện truyền thông đã đưa tin Trường trung học phổ thông Phan Ngọc Hiển, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho phép nữ sinh đi học được nhuộm tóc, thoa son.
Ngay sau đó, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Phan Ngọc Hiển đã trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hoàn toàn không có chuyện cho phép nữ sinh được thoa son, nhuộm tóc khi đi học.
Tuy thế, trên các diễn đàn cũng đã nổ ra cuộc tranh cãi quyết liệt việc có nên cho học sinh nhuộm tóc, sơn móng tay, chân, đánh kem, tô son khi đi học hay không?
Ủng hộ hay nên cấm?
Hiện dư luận vẫn còn tranh cãi giữa hai luồng ý kiến đồng ý và phản đối việc cho học sinh nhuộm tóc, thoa son.
Có ý kiến cho rằng, thoa son, đánh phấn là quyền làm đẹp của mỗi người.
Vì thế không nên cấm đoán mà nhà trường, gia đình cần định hướng cho các con hiểu thế nào là đẹp, là phù hợp với văn hóa người Việt, không nên làm lố quá sẽ mất đi cái đẹp mong muốn.
Có người còn khẳng định, nhuộm tóc hay trang điểm cũng không thể hiện bản chất, đạo đức hay năng lực của học sinh, không thể biến một đứa trẻ ngoan thành đua đòi.
Đồng thời, việc cấm cản cũng không thể biến một đứa trẻ hư trở thành ngoan được. Việc cho thoa son cũng chỉ giúp các bạn gái tự tin điệu đà hơn một chút mà thôi.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít những ý kiến không đồng tình vì cho rằng, nhuộm tóc, sơn móng tay, chân, son môi là khuyến khích các em đua đòi, ăn diện từ nhỏ, là phung phí tiền bạc của cha mẹ.
Và, nhiều ý kiến lo sợ như trang điểm đẹp hơn lại có nhiều người để ý, lại yêu đương sớm và bỏ bê học hành.
Sợ môi trường giáo dục sẽ không còn sự bình đẳng như trước vì sẽ có những học sinh có điều kiện kinh tế sẽ tạo sự khác biệt quá lớn đối với các bạn đồng trang lứa…
Thực tế như thế nào?
Tôi có cô cháu gái học lớp 10 tại một trường trung học của thị xã. Hằng ngày, trước khi đến trường cháu tôi đều ngồi trước gương thoa kem dưỡng da ban ngày, kem chống nắng và thoa nhẹ lớp son lên môi trước khi tới lớp.
Khi được hỏi, con không sợ bị thầy cô nhắc nhở sao? Cô bé trả lời, lớp con bạn nào cũng làm vậy. Con thoa nhẹ nên không thấy loè loẹt, thầy cô cũng chẳng la đâu.
Một số đồng nghiệp của tôi dạy bậc trung học cũng cho biết, theo nội quy cấm thì nhắc nhở chung.
Em nào mà lộ liễu quá như tóc nhuộm xanh, đỏ, vàng, chân tay sơn móng đỏ, móng xanh, hay mặt đánh dày kem phấn, môi thoa son đỏ chót thì thầy cô mới nói. Nhìn những em thoa son dưỡng môi, kem chống nắng hay dưỡng ẩm cũng thông cảm. Tuổi mới lớn, ai chẳng muốn làm đẹp.
Vì thế, ý kiến của một số thầy cô giáo là, nếu các điều cấm mà không thực hiện được thì không nên cấm mà nên khuyến khích sự tự giác của các em, tạo ra sự hài hòa sao cho đẹp mắt.
Trường Trường trung học phổ thông Ngô Quyền thuộc đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận đã cho phép nữ sinh tô son đến lớp từ nhiều năm về trước.
Năm 2016, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền thuộc huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận cũng đã làm dư luận xôn xao khi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Thọ cho phép nữ sinh được sơn móng chân, tay, được tô son khi tới lớp.
Thầy Nguyễn Hải Thọ cho biết: “Làm đẹp là nhu cầu của cuộc sống nên không cho thì nhiều em vẫn làm. Vấn đề là cho làm đẹp để quản theo định hướng của mình. Vì thế nhà trường, không cấm làm đẹp nhưng cần làm đẹp đúng chuẩn mực.
Ví như làm đẹp nhẹ nhàng thôi, không tô son, đánh phấn như nghệ sĩ. Muốn sơn móng chân, móng tay thì sơn bóng, không sơn màu, kiểu làm đẹp để tôn trọng người đối diện.
Trước khi có quyết định như này, nhà trường đã gặp gỡ các em để nói chuyện, để thay đổi tư duy về cách làm đẹp cho bản thân, tạo nên nét đẹp nữ sinh”.
Đâu chỉ có thế, chuyện tụi nhỏ thương nhau cũng không bị nhà trường cấm đoán khắt khe, miễn sao các em phải cùng nhau tiến bộ trong học tập, chứ không phải mải chơi bời, hẹn hò rồi lỡ dở chuyện học hành.
Sau quyết định đi vào lòng những thế hệ học trò thời ấy, các em học sinh nơi đây, đã không làm điều gì thái quá để ảnh hưởng đến việc học hành, đến danh tiếng của nhà trường.
Người viết cũng đã có dịp đến thăm ngôi trường nơi huyện đảo này, được trò chuyện với khá nhiều học sinh, em nào cũng thân thiện, lịch sự. Tuyệt nhiên không thấy những hình ảnh gây phản cảm như đầu tóc nhiều màu, rồi phấn son loè loẹt.
Đặc biệt, học nữ sinh thấy đẹp hơn, tươi tắn hơn sau lớp son môi trang điểm thật nhẹ nhàng, đẹp mắt.
Người viết thật tâm đắc với câu nói của thầy Nguyễn Hải Thọ, ai cũng muốn mình đẹp hơn, thế nên làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người. Cho phép các em làm đẹp trong khuôn khổ là cách để nhà trường và các em hiểu, tôn trọng và hợp tác cùng nhau.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-chuyen-phan-ngoc-hien-bac-thong-tin-cho-nu-sinh-thoa-son-nhuom-toc-post229925.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Có mâu thuẫn, nữ sinh ở TP.HCM kêu 'đàn anh' vào tận lớp học đánh bạn
Nữ sinh Trường trung học phổ thông Long Trường, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh kêu người bên ngoài trường xông vào tận lớp đánh bạn.
Vụ việc vừa xảy ra vào chiều ngày 27/9, ngay sau giờ tan học tại Trường trung học phổ thông Long Trường, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, và được một học sinh của trường quay video clip lại.
Sau đó, sự việc này đã được mạng xã hội và nhiều diễn đàn đăng tải ngay trong sáng ngày 28/9.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Tấn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Long Trường, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận có thông tin nói trên.
Theo đó, vào chiều ngày hôm 27/9, sau khi hết giờ học buổi chiều, trời mưa rất lớn, nên nhà trường mới mở cổng cho phụ huynh vào đón con.
Lúc này, nhóm học sinh của lớp 12A5 đang ở trong lớp, thì bất ngờ có một nhóm người lạ mặt xuất hiện ngay ở cửa lớp nói chuyện với nữ sinh T. Sau đó, nhóm người lạ mặt nói trên đã lao tới, đánh tới tấp nữ sinh này.
Nữ sinh trường Long Trường bị nhóm người bên ngoài đánh trong lớp học (ảnh cắt từ video clip)
Một người bạn trong lớp đứng ra can ngăn thì cũng bị đánh. Những học sinh khác muốn can ngăn, thì bị nhóm người lạ mặt tuyên bố là cấm can ngăn.
Bước đầu, qua làm việc thì nhà trường được biết, nữ sinh T. đã có mâu thuẫn cá nhân nhỏ trong lớp với nữ sinh L.cùng lớp từ buổi sáng, nên nữ sinh L.đã gọi người bên ngoài vào tận lớp để đánh bạn.
Sau khi biết thông tin, giáo viên chủ nhiệm và giám thị đã ngay lập tức có mặt, đưa những em học sinh bị đánh đi giám định sức khỏe. Dù vậy, kết quả y khoa cho thấy các em chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da.
Sáng hôm nay (28/9), nhà trường đã mời phụ huynh hai bên học sinh L.và T.đến làm việc.
Khi đã được giải thích, cả hai bên đã đồng ý giảng hòa, làm lành và không có ý kiến gì thêm về việc này.
Dù vậy, do sự việc có liên quan đến nhóm người bên ngoài nhà trường (chưa tìm được người cụ thể), nên đại diện Công an thành phố Thủ Đức đã phải tới trường, xử lý vụ việc này.
Gia đình nữ sinh gọi người vào trường đánh bạn có nguyện vọng được rút hồ sơ chuyển trường. Thế nhưng, do sự việc chưa được giải quyết xong, nên phía công an đã đề nghị phụ huynh này trong giai đoạn này tạm thời chưa được cho con chuyển trường.
Thầy Võ Tấn Nghĩa khẳng định, hướng giải quyết cho những học sinh này là em nào có liên quan đến đánh bạn thì hạnh kiểm yếu trong học kỳ này, còn tùy theo mức độ học lực của học sinh đó như thế nào để có hướng xử lý tiếp theo.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có yêu cầu Ban Giám hiệu Trường trung học phổ thông Long Trường có văn bản báo cáo chi tiết sự việc này.
'Học sinh trường tôi hãnh diện vì có nhà vệ sinh và căng tin luôn sạch đẹp' Nhà vệ sinh trường học được đảm bảo luôn sạch sẽ thân thiện phục vụ học sinh tốt thì đòi hỏi vai trò quản lý của ban giám hiệu các trường. Những năm gần đây, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đầu tư cũng như nhắc nhở các cơ sở giáo dục trên địa bàn quan tâm đến...