TP.HCM: Học sinh trung học học trực tiếp bao nhiêu tiết mỗi tuần?
Các trường THCS, THPT ở địa bàn dịch cấp độ 1, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn chuyên môn giáo dục trung học khi tổ chức đi học trực tiếp từ ngày 13-12.
Các trường ở cấp độ 1 được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên chương trình chính khóa, còn lại thực hiện trên môi trường internet.
Học sinh trường THCS – THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ trong một giờ học trực tiếp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trường học ở địa bàn dịch ở cấp độ 2 được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần dành để thực hiện chương trình chính khóa. Thời lượng còn lại dạy học online.
Học sinh khối 6, 9, 12, trường học bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Trường ở địa bàn dịch cấp độ 3, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần, dành cho thực hiện chương trình chính khóa. Học sinh khối 6, 9, 12 có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức các chương trình ngoài nhà trường, không dạy học 2 buổi/ngày.
Trường ở địa bàn dịch cấp độ 4 dạy học trên môi trường internet. Việc dạy học cần có quá trình giao nhiệm vụ học tập trước khi dạy học theo thời khóa biểu trực tuyến, trực tiếp.
Theo Sở GD&ĐT, trường học tổ chức xây dựng học liệu số theo tiến trình thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Học sinh chưa theo kịp (thuộc diện F0, vì cách ly, giãn cách xã hội, lý do sức khỏe) được sự giúp đỡ của giáo viên sẽ học tập, phụ đạo, bổ sung kiến thức.
Học sinh đang ở tỉnh chưa về được TP, học sinh đang ở khu vực cách ly, phong tỏa, đang phải cách ly vì nhiễm bệnh, học sinh có bệnh lý nền (xác nhận của bác sĩ) tạm thời chưa tham gia học trực tiếp sẽ được trường hướng dẫn học qua online.
Trường có học sinh học hòa nhập cần rà soát khó khăn của từng em, điều chỉnh kế hoạch dạy học cá nhân phù hợp để các em hoàn thành nội dung.
Học sinh đang ở tạm tại các địa phương khác, trường liên lạc, trao đổi với cha mẹ học sinh, phối hợp với các tổ chức, đơn vị để giúp các em quay lại trường. Trường hợp quá khó khăn, trường tạo điều kiện chuyển trường về địa phương đang học tạm để được học tập chính thức trong năm học này. Khi kết thúc, nếu phụ huynh có mong muốn quay lại TP, trường tiếp nhận bình thường.
Video đang HOT
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường dạy trên internet nên Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả dạy học, tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho HS khi đi học trở lại. Kiểm tra cuối học kỳ 1 từ ngày 10 đến 22-1-2022.
Trường hợp học sinh học hòa nhập, thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch dạy học cá nhân đã được điều chỉnh. Các em thuộc diện F0, cách ly, giãn cách xã hội, trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá sau khi đã tổ chức phụ đạo.
Dạy học trực tiếp khối 1: Phụ huynh vẫn băn khoăn
Trước kế hoạch đón học sinh khối 1 đi học trở lại, nhiều phụ huynh cho rằng số ca F0 đang tăng mỗi ngày, các con còn quá nhỏ vì thế chưa nên mở cửa vào thời điểm này.
Theo kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp được UBND TP công bố vào ngày 1-12, từ ngày 13-12 sẽ tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh (HS) các khối 1, 9 và 12. So với dự kiến trước đó, đây là lần đầu tiên khối 1 được nhắc đến. So với khối 9, 12, HS khối 1 còn nhỏ lại chưa được tiêm vaccine nên nhiều phụ huynh lo lắng.
Ý kiến trái chiều
"Tôi sẽ không cho con đi học vào thời điểm này" - chị NK, một phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp, nói.
Chị K cho hay những ngày này, dịch đang diễn biến phức tạp trở lại. HS khối 9, 12 đi học là hợp lý vì cuối cấp và đã được tiêm ngừa. "Lớp 1 không có ý thức trong việc phòng dịch, chưa được tiêm vaccine nên tôi sẽ cho bé ở nhà. Không chỉ riêng tôi, toàn bộ phụ huynh lớp con tôi cũng biểu quyết không cho con đi học" - chị K bày tỏ.
Chia sẻ ý kiến ngay dưới bài báo về việc thí điểm đi học trực tiếp của TP.HCM, anh Huy, một phụ huynh có con học lớp 1, cho hay việc tổ chức dạy học trực tiếp được thực hiện nhắm đến nhiều mục đích. Cụ thể như tăng hiệu quả học tập của HS, tạo điều kiện để phụ huynh đi làm. "Tuy nhiên, chúng tôi thực sự không yên tâm để các con đi học tập trung vào lúc này khi số ca nhiễm mỗi lúc một tăng. Các con còn quá nhỏ và chưa có nhận thức để phòng tránh cũng như biết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Với tôi, an toàn của con là quan trọng nhất. Tôi nghĩ vấn đề này nên trưng cầu ý kiến công khai, minh bạch. Nếu đa số phụ huynh chấp thuận hãy triển khai" - anh Huy nói.
Tâm sự của anh Huy cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh TP, họ mong với tình hình hiện nay, chỉ nên cho khối 9, 12 đi học trước.
Trong khi đó, một nhóm phụ huynh khác lại tán thành việc thí điểm cho khối 1 đi học trực tiếp.
Chị Chu Thị Hải (ngụ quận 12) cho biết qua các nghiên cứu cho thấy trẻ bị nhiễm COVID-19 sẽ có biểu hiện nhẹ, giống như cảm cúm. "Hơn nữa, việc học online đối với các con không hiệu quả vì lứa tuổi này các con cần được cầm tay chỉ việc. Mặt khác, các con không chỉ học chữ mà còn phải được tham gia nhiều hoạt động khác để phát triển các kỹ năng. Vì thế, tôi đồng tình cho con trở lại trường" - chị Hải nói thêm.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Hằng (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ đối với khối 1, học qua màn hình máy tính không hiệu quả. Giờ TP mở cửa, cha mẹ bận đi làm suốt ngày cũng không có thời gian để kèm cặp con. Mặt khác, mấy tháng ở nhà rất tù túng, các con cần được đến trường để gặp bạn bè, thầy cô, để học cách ứng xử, giao tiếp với mọi người. "Do đó, tôi đồng ý cho con đi học theo kế hoạch của TP. Việc xuất hiện F0 khi mở cửa là đương nhiên, tuy nhiên trẻ con khi bị nhiễm bệnh thường không có triệu chứng nặng. Vì thế, tôi cũng không quá lo lắng về vấn đề này" - chị Hằng chia sẻ thêm.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) ôn bài trong buổi học trực tiếp đầu tiên. Ảnh: TĐ
Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn cho trẻ khối 1 khi học trực tiếp. Lãnh đạo sở cũng cho biết nhà trường sẽ thực hiện song song dạy học trực tiếp và trực tuyến. Việc dạy trực tuyến áp dụng cho HS đang ở các tỉnh, thành khác chưa về TP hoặc những HS mà phụ huynh chưa chấp thuận cho đi học lại.
Chờ hướng dẫn để thực hiện
Trước kế hoạch của TP, ông Phan Văn Cư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 1, huyện Bình Chánh, cho biết đã thông báo cho phụ huynh về thời gian trẻ đến trường học tập trung. Đối với những trẻ còn mắc kẹt ở quê, nhà trường khuyến khích nhanh chóng về TP để tham gia học.
"Chiều nay, UBND huyện Bình Chánh sẽ triệu tập hiệu trưởng các trường trên địa bàn họp, triển khai các vấn đề và lên phương án để đảm bảo an toàn khi HS đi học trở lại" - ông Cư bổ sung.
Ông Cư cũng cho biết việc dạy học trực tuyến đối với trẻ khối 1 khó trăm bề. Đa số phụ huynh đều mong con được đến trường để được cô giáo chỉ bảo tận tụy. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca F0 tăng cũng khiến họ e ngại.
Tại quận Gò Vấp, hôm nay, Phòng GD&ĐT cũng tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường để bàn về việc đón HS khối 1 cũng như hướng dẫn các biện pháp thực hiện phòng tránh dịch.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận cho biết qua thăm dò việc thí điểm HS đi học lại đã tạo ra hai luồng ý kiến trong phụ huynh. Một bộ phận đồng ý cho con được đi học lại, trong khi đó một bộ phận lo sợ dịch nên chưa sẵn sàng.
"Nhà trường sẽ thực hiện khảo sát với phụ huynh về vấn đề này. Những phụ huynh chưa chấp thuận cho con đến trường sẽ tiếp tục học online" - vị này nói thêm.
Trước lo lắng của phụ huynh, trao đổi với báo chí, một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay TP.HCM ưu tiên cho HS khối 1 đến trường trước vì đây là khối mới chuyển từ mầm non lên, các HS chưa được đến trường ngày nào nên còn nhiều bỡ ngỡ. Mặt khác, việc học online ở khối này cũng khó khăn nhất so với các khối còn lại.
Việc thí điểm HS đi học lại là thí điểm sự thích ứng an toàn của cơ sở giáo dục đối với tình hình mới. Việc các khối đi học trực tiếp được lựa chọn dựa trên mức độ ưu tiên và cần thiết.
Tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch của từng địa bàn
Địa phương cấp độ 1, các trường được dạy trực tiếp, cấp trung học không quá 30 tiết/tuần.
Các trường ở địa bàn cấp độ 2 cũng được dạy học trực tiếp, thời lượng khác nhau tùy từng khối.
Trẻ mầm non trên 25 tháng tuổi được đi học nhưng không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường.
Với trường tiểu học, HS các khối học trực tiếp. Trong đó, khối 1, 2 học 100% thời lượng. Các khối còn lại học 50% trực tiếp, còn lại trực tuyến.
Cấp trung học, gồm cả giáo dục thường xuyên, học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần. Các khối 6, 9, 12 có thể bố trí thêm thời gian học trực tiếp nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống hoạt động tối đa 50% số lượng học viên.
Các trường ở địa bàn cấp độ 3 dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến, truyền hình.
Bậc mầm non, trẻ 4-6 tuổi được đi học, không ăn sáng, không tổ chức hoạt động lễ hội.
Cấp tiểu học, HS khối 1, 2 đi học trực tiếp với thời lượng không quá 50%, các khối còn lại học online.
Cấp trung học, học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. HS các khối 6, 9, 12 học không quá 18 tiết/tuần, không dạy hai buổi.
Trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống hoạt động tối đa 25% số lượng học viên.
Trường học ở địa bàn cấp độ 4, các cấp học trực tuyến và giao bài cho HS tự học.
Sở GD&ĐT TP.HCM
TP.HCM: Trường đại học ở vùng dịch cấp độ 1, 2 được học trực tiếp Theo kế hoạch của UBND TP. HCM, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch của thành phố. Ảnh minh họa Trong đó, trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 hoạt động đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm các quy định...