TP.HCM đưa dân ca vào tiết học chính khóa
Ngày 11.12, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai tổ chức giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường tiểu học bằng việc đưa bài hát dân ca vào tiết học chính khóa từ năm học này.
Một lớp học nhạc chính khóa tích hợp đồng dao, dân ca ở Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 – Ảnh: Hoàng Quyên
Cụ thể là trong tiết học “học bài hát tự chọn” đưa một bài hát dân ca mang tính địa phương, vùng miền theo phân phối chương trình âm nhạc của lớp 4 và lớp 5.
Ngoài tiết học này, các trường sẽ tự chọn các biện pháp đưa giáo dục âm nhạc dân tộc phù hợp tùy tình hình đặc điểm mỗi đơn vị.
Hiện tại có một số trường tiểu học tổ chức CLB đàn tranh, CLB hát quan họ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống giờ sinh hoạt dưới cờ, tập thể dục theo nhạc điệu dân ca,… như Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Chính Nghĩa, Trần Quốc Toản, Minh Đạo (quận 5); Phan Đình Phùng (quận 3); Trần Hưng Đạo, Chương Dương (Q.1),…
Theo TNO
Lanh lảnh tiếng đàn tranh trong trường tiểu học
Có những góc trường tiểu học, thầy và trò hằng tuần gặp nhau, tấu lên những khúc đàn trong trẻo, da diết từ chiếc đàn tranh truyền thống.
Như Ý (học sinh lớp 1, Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM) hứng thú với đàn tranh
Khi "nghệ sĩ nhí" tấu đàn
Bước vào sân Trường tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM), một âm thanh lanh lảnh, trong veo của tiếng đàn tranh vang lên, cuốn người nghe vào một góc sân sau của trường, nơi một nhóm học sinh đang học đàn mỗi chiều thứ 5.
Những em học sinh chỉ mới 8-9 tuổi, gác cây đàn trên chân, ngón tay lướt đi trên dây đàn, mắt nhắm nghiền chìm sâu vào điệu nhạc. Tiếng đàn khi tươi vui, trong trẻo, lúc lại lắng đọng, man mác lòng người.
Sinh hoạt dưới hình thức CLB, nhóm học sinh khoảng 40-50 em lớp 3 và lớp 4 Trường tiểu học Phan Đình Phùng đã được học đàn tranh khoảng 2 năm nay dưới sự dìu dắt của NSƯT Phạm Thúy Hoan, cũng là Chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương.
Video đang HOT
NSƯT Thúy Hoan kể: thời gian đầu, trường chỉ có 15 chiếc đàn tranh, trong khi số em muốn học lại có hơn 20 em. "Lúc đó tôi phải vẽ trên giấy dây đàn tượng trưng. Sau đó cho các em luân phiên nhau sử dụng đàn thật và đàn bằng giấy".
Lớp học đàn tranh của học sinh lớp 3 và 4 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP.HCM
Chia sẻ về lựa chọn giảng dạy cho học sinh biết sử dụng đàn tranh trong trường học, NSƯT Thúy Hoan bộc bạch: "Việc đưa đàn tranh nói riêng, âm nhạc dân tộc vào trường học nói chung là cách tôi muốn khơi gợi sự yêu thích của các em cũng như nuôi dưỡng đam mê của học sinh với môn này".
Em Thiên Kim, học sinh lớp 4, tỏ ra hứng thú với việc học đàn tranh. Thiên Kim còn được bạn bè ngưỡng mộ vì đánh đàn khá mượt mà.
"Ban đầu khi học đàn, em thấy rất khó và đau tay. Sau này quen rồi thì thấy đánh đàn không khó mấy, âm thanh của đàn tranh lại dễ chịu, em rất thích", Thiên Kim chia sẻ.
Cũng như Trường tiểu học Phan Đình Phùng, một góc lớp học Trường tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM) mỗi chiều thứ 5, thứ 6 sôi nổi với tiếng đàn, tiếng trống, tiếng gõ nhịp song lang của đám học trò nhỏ.
Cô bé Phương Kỳ, học sinh lớp 1, đến với buổi học trong sự háo hức, thích thú. Được cô giáo đánh giá nắm khá nhanh kiến thức, chỉ mới học hơn 1 tháng, nhưng Phương Kỳ đã nắm được hệ thống ngũ cung hò, xự, sang, xê, cống (tương ứng với sol, đô, la, rê, mi) để đánh đàn.
Cô bé Phương Kỳ, học sinh lớp 1, vừa gẩy đàn, vừa đọc hệ thống ngũ cung
Miệng đọc hệ thống ngũ cung, cô bé Phương Kỳ khẽ chạm ngón tay nhỏ nhắn lên những dây đàn và lắng nghe âm thanh phát ra.
Trong khi đó, những em nhỏ khác, người đánh trống, người gõ song lang để hòa cùng âm thanh tiếng đàn tranh.
Không dễ đưa âm nhạc dân tộc đến học sinh
Cùng với hoạt động CLB đàn tranh, hiện một số trường tiểu học tại TP.HCM cũng đưa âm nhạc dân tộc vào trường học dưới nhiều hình thức từ mời nghệ sĩ biểu diễn trước sân trường, tích hợp trong tiết học âm nhạc, trưng bày nhạc cụ truyền thống, hát quan họ, tập thể dục trên nền nhạc dân tộc,... như các trường tiểu học Trần Quốc Toản, Minh Đạo, Chính Nghĩa, Trần Hưng Đạo,...
Những trường có thể đưa đàn tranh dạy trong trường, tạo sự hứng thú cho học sinh lại không nhiều như Trường tiểu học Chương Dương, Phan Đình Phùng, Trần Bình Trọng.
Từ năm 2012, UBND TP.HCM đã chỉ đạo triển khai đề án "Tìm hiểu và thực hành âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học tại TP.HCM" và năm học 2013, Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa khuyến khích các trường thực hiện đề án này.
Thế nhưng, để đưa âm nhạc dân tộc vào trường học hiện nay thực sự là bài toán khó.
Cô Thu Thủy, giáo viên đã về hưu, nhưng vẫn cố gắng đến lớp dạy học sinh đánh đàn theo lời mời của nhà trường
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chương Dương, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là con người - người giáo viên am hiểu về âm nhạc dân tộc, để dạy các em, kế đó mới là kinh phí.
Trường này may mắn có cô giáo dạy nhạc là cô Hồ Thị Thu Thủy, cũng là người học trò ngày trước về đàn tranh của giáo sư Trần Văn Khê.
"Vì không có người dạy nên dù cô Thủy đã về hưu được 2 tháng, nhà trường vẫn mời cô ở lại trường dạy tiếp vì cô nghỉ, lại không có người dạy", ông Nghĩa kể.
Theo cô Thủy, vì muốn học sinh được tiếp cận với âm nhạc dân tộc, cô dành nhiều thời gian tìm hiểu cách giảng dạy đơn giản nhất nhưng vẫn khơi gợi hứng thú đến cho các em học sinh tiểu học. "Đối với người lớn thì dễ giảng giải hơn, nhưng với các em nhỏ, các em phải được vừa học, vừa chơi thì các em mới thích thú với âm nhạc dân tộc được", cô Thủy giải thích.
Những dụng cụ âm nhạc tại trường này là do phụ huynh từng là nghệ sĩ, mang đến tặng.
Hay như Trường tiểu học Trần Quốc Toản, mặc dù rất muốn tổ chức dạy âm nhạc dân tộc dạng CLB hay tiết học ngoại khóa nhưng không thể làm được vì không có nguồn giáo viên, chưa kể kinh phí để "níu chân" giáo viên. Vì thế, nhà trường chỉ có thể giới thiệu đến học sinh các dụng cụ âm nhạc dân tộc thông qua trưng bày.
Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, đặc biệt là trường tiểu học phải có sự tổ chức bài bản từ phương pháp dạy, giáo trình, người dạy, kinh phí,...
Giáo sư Trần Văn Khê tiếc nuối cho nền âm nhạc dân tộc hết sức phong phú, giàu bản sắc, được nhiều người nước ngoài đến để tìm hiểu nhưng không được nhiều bạn trẻ trong nước biết đến
"Giảng dạy âm nhạc dân tộc trong trường không hề dễ. Tôi có thể nói rằng, chỉ riêng người dạy, để tìm được giáo viên dạy âm nhạc dân tộc bây giờ là không tìm được", giáo sư Khê nói.
"Về cơ bản khi giảng dạy âm nhạc dân tộc trong nhà trường, phải trả lời được hai câu hỏi: Âm nhạc dân tộc Việt Nam có những gì? Âm nhạc dân tộc Việt Nam hay chỗ nào? Trả lời được hai câu hỏi này nghĩa là đã mang được âm nhạc dân tộc đến với các em", giáo sư Khê nhấn mạnh.
Theo giáo sư Khê, trước xu hướng "sính ngoại" các loại nhạc Tây, Hàn,... của người trẻ, trong khi câu hò, lời ru lại tắt trên môi người phụ nữ thì việc bảo tồn âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ phải có sự góp sức của Chính phủ, của giới truyền thông và toàn xã hội. Nếu không, giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ.
Ngộ nghĩnh học sinh lớp 1 học đàn tranh
Mỗi em được kê chân cao trên ghế để đánh đàn
Những ngón tay lướt nhẹ nhàng trên dây đàn
Tò mò với âm thanh phát ra từ mỗi cung đàn
Tập trung thực hành hệ thống ngũ cung bằng cách vừa đọc, vừa đệm đàn
Theo TNO
Đưa nghi lễ Cấp sắc vào di sản quốc gia Bộ VH-TT&DL vừa quyết đưa Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao tỉnh Tuyên Quang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với đàn ông người Dao, chỉ khi được cấp sắc mới được coi là trưởng thành và có thể tham dự các công việc của cộng đồng, làng bản. Nghi lễ...