Tôi thấy dạy thêm, học thêm không giảm mà giá tiền thì ngày càng tăng
Ngay cả buổi tối, ngày nghỉ, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh tất bật của học sinh hoặc phụ huynh chở con đi đến nhà thầy cô giáo để học thêm.
Câu chuyện dạy thêm, học thêm ở các trường phổ thông đã được đề cập, phản ánh khá nhiều trong những năm qua nhưng đến nay đó vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Việc học thêm sôi động ở khu vực đô thị – nơi mà phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt hơn các khu vực còn lại.
Cứ ngỡ chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng với những gì đang diễn ra, e rằng những lớp dạy chương trình mới sẽ có nhiều học sinh học thêm vì có nhiều môn học mới, kiến thức mới và cũng là lý do để giáo viên mở lớp dạy thêm.
Giá học thêm theo tháng luôn được một số giáo viên đẩy lên cao theo từng năm, dù đời sống của phần lớn phụ huynh học sinh mấy năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dù lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức hơn 3 năm qua vẫn đứng yên, chưa được điều chỉnh.
Học sinh này học thêm, kéo theo học sinh khác học thêm và phần lớn học sinh ở khu vực thành thị đã xem chuyện học thêm là một điều tất yếu.
Vì thế, không chỉ là buổi sáng, buổi chiều mà ngay cả buổi tối, ngày nghỉ, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tất bật của học sinh hoặc phụ huynh chở con em đi trên đường đến nhà thầy cô giáo để học thêm.
Gánh nặng học thêm đè lên vai các phụ huynh nghèo (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Học thêm tràn lan ở các cấp học
Hiện nay, chuyện dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra đối với một số môn thi ở cuối cấp mà việc dạy thêm, học thêm được kéo dài từ khi học sinh chưa vào lớp 1 cho đến học sinh lớp 12. Học sinh học thêm xuyên suốt từ ngày này sang ngày khác, từ buổi sáng, buổi chiều, thậm chí là cả buổi tối, ngày lễ.
Nghĩa là nếu học sinh không học chính khóa ở trường là các em sẽ đến với các lớp học thêm. Đối với học sinh tiểu học thì học thêm môn Toán, Tiếng Việt với giáo viên chủ nhiệm; học thêm Tiếng Anh với giáo viên chính khóa hoặc các trung tâm ngoại ngữ.
Học sinh trung học cơ sở thì học thêm môn Toán, môn Văn, tiếng Anh, môn Khoa học tự nhiên với mật độ dày đặc, kín các buổi trong tuần bởi mỗi môn học thường được giáo viên dạy 3 buổi nên chỉ cần học thêm 3 môn là đã có những ngày học sinh phải học thêm đến 2 ca.
Học sinh trung học phổ thông thì học thêm triền miên ở trường, ở nhà thầy cô đối với những môn thi tốt nghiệp và những môn sẽ xét tuyển đại học ngay từ khi mới bước vào đầu cấp.
Vì thế, vòng xoáy dạy thêm, học thêm như một ma trận liên hoàn khiến cho nhiều học sinh quay như chong chóng và tất nhiên mỗi tháng phụ huynh phải chi ra từ 1-2 triệu đồng cho con mình học thêm.
Điều đáng nói nhất là học sinh này học thêm, sẽ kéo theo học sinh khác cũng đi học thêm vì một số trung tâm gia sư, và một số thầy cô giáo dùng chiêu chi “hoa hồng” cho những học sinh “giới thiệu” được bạn mới đến học thêm.
Video đang HOT
Vậy nên, một số em đã tận dụng cơ hội này kéo thêm bạn bè trong lớp, hoặc lớp khác đi học thêm để vừa thêm bạn và lại có thêm tiền.
Học sinh đi học thêm bây giờ chủ yếu là học với giáo viên dạy trên lớp vì có nhiều cái “lợi” về điểm số. Gần như tất cả các bài kiểm tra đã được giáo viên bật mí trước hoặc giải trước những dạng tương tự.
Khi học trên lớp, nếu không may không thuộc bài, không làm được bài thì cô cũng “chiếu cố”, ít bị la rầy. Cũng chính vì thế, học sinh có điểm số ngày càng cao và thêm nhiều danh hiệu học tập ở các trường phổ thông.
Chỉ khổ những thầy cô không dạy thêm cho học trò nên nhiều khi chất lượng giảng dạy luôn bị thấp hơn đồng nghiệp của mình dạy thêm. Nhiều khi một số thầy cô không dạy thêm còn bị “vạ lây” vì bị đồng nghiệp gán ghép cho “tội” biết học sinh học thêm với giáo viên khác nên gây khó dễ, cho điểm thấp…Vì thế, nội bộ nhiều tổ chuyên môn cũng thêm nhiều chuyện phiền toái từ chuyện dạy thêm, học thêm.
Ám ảnh dạy thêm, học thêm
Mặc dù cấp tiểu học hiện nay cấm dạy thêm cho học trò, nhưng tình trạng giáo viên chủ nhiệm dạy thêm cho học trò chính khóa, thậm chí nhận nuôi, đưa đón học trò vẫn được phản ánh nhiều.
Sáng, phụ huynh đưa con đến nhà giáo viên chủ nhiệm học thêm, trưa giáo viên lo ăn uống, chiều đưa đến trường học chính khóa, chiều tối phụ huynh đón con tại trường. Hoặc, sáng phụ huynh đưa con đến trường học chính khóa, trưa giáo viên đưa học sinh về nhà lo ăn uống, nghỉ ngơi, chiều học thêm và chiều tối phụ huynh đón con tại nhà giáo viên.
Vòng tròn khép kín được giáo viên chủ nhiệm thực hiện trơn tru, thuần thục từ năm này qua năm khác, nhiều phụ huynh cũng yên tâm vì gửi cho cô “trọn gói” như vậy thì khi kiểm tra yên tâm về điểm số. Tất nhiên, danh hiệu học tập thì nằm trong tầm tay của thầy cô chủ nhiệm vì họ dạy gần hết các môn học.
Một số môn còn lại, trừ môn tiếng Anh ra thì các môn còn lại là môn đánh giá (hoàn thành và hoàn thành tốt) nên giáo viên chủ nhiệm thường “phối hợp” với giáo viên chuyên để những em nằm trong dự kiến của giáo viên chủ nhiệm được “hoàn thành tốt” nhằm đủ điều kiện xét danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập”.
Với cấp trung học cơ sở, những môn học được xem là môn chính như: Toán, Anh, Văn và một số môn Khoa học tự nhiên thường có nhiều học sinh học thêm. Chỉ trừ một số giáo viên không dạy thêm ra, những giáo viên mà mở lớp dạy thêm thì họ có đủ lý do để học sinh phải học thêm với mình.
Đối với học sinh trung học phổ thông thì gần như không có lý do gì để không học thêm vì các em sẽ phải thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học nên phần lớn các trường trung học phổ thông đều mở lớp dạy thêm tại trường nhằm chuẩn bị cho học trò đạt được điểm thi cao nhất có thể.
Ngoài việc học thêm tại trường, một số thầy cô còn mở thêm lớp để dạy ở nhà nhằm luyện đề thi cho học trò. Vì thế, học sinh ở khu vực thị thành và những học sinh cuối cấp ở tất cả các khu vực bây giờ đi học chính (chính khóa) là phụ, còn học phụ (học thêm) mới là chính và đây cũng là khoản tiền lớn nhất mà phụ huynh phải chi cho con em mình trong mỗi năm học.
Bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu bởi có phần xuất phát từ cả nhu cầu giáo viên, phụ huynh và học sinh nhưng nếu đó là trên tinh thần tự nguyện, không ràng buộc.
Còn việc nhà trường tổ chức dạy thêm, giáo viên mở lớp dạy thêm tràn lan và dùng các “chiêu thức” để lôi kéo học trò học thêm lại là gánh nặng cho nhiều phụ huynh và gây áp lực cho học sinh.
Tiền học phí các trường công lập mỗi tháng chỉ vài chục ngàn đồng đến một vài trăm đồng, thậm chí tiểu học không thu học phí, cấp trung học cơ sở năm nay nhiều tỉnh cũng không thu học phí nhưng tiền học thêm thì mỗi tháng tốn vài triệu đồng thật đáng lo ngại.
Nhưng, có rất nhiều lý do tế nhị mà phụ huynh nhiều khi phải miễn cưỡng cho con học thêm, nhất là học sinh cuối cấp.
Đổi mới kiểm tra, thi cử, đổi mới chương trình, sách giáo khoa liên tục nhưng không giảm được gánh nặng học thêm cho học trò mà ngày càng nhiều hơn, vất vả hơn.
Hàng chục năm qua, ngành Giáo dục vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ để tiến tới chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở các cấp học phổ thông.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguyên tố Hóa học mỗi lớp đọc một kiểu: Giáo viên, học sinh có bị loạn?
Việc thay đổi cách đọc tên các nguyên tố Hóa học trong SGK môn Khoa học tự nhiên của lớp 7 và môn Hóa học lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang nhận ý kiến trái chiều.
Tiết học Hóa như tiết học tiếng Anh
Theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2020-2021, chương trình được thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, từ năm 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện toàn bộ ở các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12.
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 7 mới.
Theo lộ trình này, năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 7 học môn Khoa học tự nhiên, học sinh lớp 10 học môn Hóa học theo chương trình SGK mới. Một trong những điểm mới đáng chú ý là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất... được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.
So sánh bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học giữa chương trình cũ và chương trình mới, một số nguyên tố như Nitơ (N) sẽ đọc là Nitrogen; Đồng (Cu) đọc là Copper; Canxi (Ca) đọc là Calxium; Oxy (O) là Oxygen; Flo (F) là Fluorine; Nhôm (Al) là Aluminlum... Thay đổi này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Con trai chị Vũ Kim Chi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay lên lớp 7. Lần đầu tiếp cận với môn Khoa học tự nhiên trong đó có phân môn Hóa học, con trai chị tỏ ra khá thích thú với môn học. Ủng hộ việc thay cách đọc các nguyên tố hóa học, chị Chi cho hay, hiện nay học sinh được học và sử dụng tiếng Anh rộng rãi hơn trước nên việc thay đổi cách đọc tên này sẽ không làm khó học sinh.
Tuy nhiên, vốn thuộc thế hệ học theo SGK cũ, nên khi kèm con học ở nhà chị Chi cho biết: "Tôi mất thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận kiến thức mới để hướng dẫn cho con".
Cách đọc các nguyên tố hóa học của SGK môn Hóa học lớp 8 theo chương trình cũ.
Với học sinh lần đầu tiếp cận với chương trình mới, thì cách đọc nguyên tố hóa học này sẽ không có gì đáng bàn. Song với học sinh năm nay học lớp 10, vốn quen với cách đọc cũ ở lớp 8, lớp 9 thì việc thay đổi này khiến các em lúng túng.
Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 10 của Hà Nội cho hay, có khá nhiều nguyên tố có cách đọc khác quá nhiều so với các tên nguyên tố em đã được học ở bậc THCS. Chẳng hạn như: Natri (Na) thì đọc thành Sodium; Kali (K) thành Potassium; Photpho (P) giờ thành Phosphorus...
Theo Châu, em đang quen với cách đọc cũ giờ đột ngột thay đổi sang cách đọc mới khiến em nhầm liên tục và rất khó nhớ. Các bạn trong lớp Châu cũng rơi vào tình trạng tương tự. "Tiết học môn Hóa học của chúng em cứ giờ như tiết học môn Tiếng Anh. Nhiều bạn đọc nhầm, phát âm không đúng khiến cả lớp náo loạn, cười đùa", Châu nói.
Khó khăn cho giáo viên nhưng thuận lợi cho học sinh
Không chỉ có học sinh, nhiều giáo viên cũng bối rối khi không phát âm chuẩn tên các nguyên tố hóa học theo chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.
Tại Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội), môn Khoa học tự nhiên lớp 7 đã được dạy và học tới tuần thứ 5 và học sinh bắt đầu tiếp cận với các nguyên tố hóa học theo các đọc mới.
Vốn là giáo viên nhiều tuổi lại không giỏi ngoại ngữ nên cô Lê Thị Hương, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THCS Ba Đình cho hay, cách gọi mới gây khó khăn cho bản thân cô. "Tầm tuổi này để phát âm tiếng Anh với tôi là rất khó".
Để bắt kịp chương trình mới, cô Hương tự mày mò, học cách đọc mới qua mạng, qua đồng nghiệp, thậm chí qua học sinh giỏi tiếng Anh trong lớp.
Cô Hương cho biết: "Ở lớp tôi dạy, tôi sẽ mời học sinh giỏi tiếng Anh, phát âm chuẩn đọc tên các nguyên tố hóa học giữa lớp cho các bạn khác đọc theo, rồi cô và trò cùng nhau chỉnh sửa".
Với các lớp 8, lớp 9, cô Hương cũng chủ động dạy song song cả 2 cách đọc để các em được tiếp cận và dần thay đổi cách đọc, dễ dàng bắt kịp khi lên lớp 10. Dù chủ động nghiên cứu, thay đổi cách dạy học theo chương trình mới, song cô Hương bày tỏ mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng hơn nữa.
Cách đọc các nguyên tố hóa học theo SGK môn Hóa học lớp 10 mới có nhiều thay đổi.
Cô Hoàng Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nhật Tân cũng cho rằng, cách đọc mới sẽ gây khó khăn cho những giáo viên nhiều tuổi, không giỏi ngoại ngữ.
Hiện tại, giáo viên của Tổ bộ môn Khoa học tự nhiên đều ít tuổi nên cô Nga cho biết, giáo viên tiếp cận với cách đọc mới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các thầy cô cũng mất khá nhiều thời gian để tự học. Hằng tuần, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học mới.
Trong kế hoạch dạy học môn học của năm nay, giáo viên bộ môn đã chủ động đưa cách gọi nguyên tố hóa học theo chương trình mới vào các giờ học phân môn Hóa học cho học sinh lớp 8, lớp 9.
"Cách đọc trong SGK mới là cách để học sinh hội nhập với thế giới. Hiện nay nhiều học sinh học hết bậc THPT có dự định du học, các đọc mới sẽ tạo thuận lợi cho các em. Bước đầu sẽ khó khăn cho giáo viên nhưng sẽ là thuận lợi cho học sinh", cô Nga cho hay.
Tuy nhiên, cũng như cô Hương và hầu hết giáo viên, cô Nga bày tỏ mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ càng hơn bởi hiện nay dù giáo viên cơ bản đã được tập huấn triển khai chương trình mới nhưng thực tế khi đi vào giảng dạy, bản thân giáo viên vẫn chủ yếu là tự học, tự hướng dẫn và tự tập huấn cho nhau.
Chủ động lồng ghép giáo dục quốc phòng an ninh trong giảng dạy Các nhà trường cần linh hoạt trong việc dạy học lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh, đảm bảo phù hợp, thiết thực với từng đối tượng, lứa tuổi. Ảnh minh họa Trong văn bản dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học...