Tìm thấy virus corona trong sữa mẹ ở Nhật: Thực hư ra sao?
Sau thông tin sữa của một bà mẹ Nhật Bản dương tính với virus corona chủng mới, các bà mẹ ở nước này lo lắng không yên. Tuy nhiên bác sĩ đã trấn an họ về nguy cơ bệnh lây qua đường cho con bú.
Một bà mẹ cho con bú ở Tokyo, Nhật Bản hôm 2-8 – Ảnh: KYODO
“Cho con bú có an toàn trong đại dịch COVID-19?”. Câu hỏi được Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đặt ra ngày 11-8, sau khi truyền thông Nhật, hồi tháng 7, tường thuật về việc sữa của một bà mẹ trẻ tại tỉnh Wakayama dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.
Người phụ nữ này nhập viện sau khi mắc COVID-19 hồi tháng 4. Bệnh nhân đã được xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đối với sữa để biết liệu có thể tiếp tục cho con bú hay không, và kết quả cho ra là dương tính. Lúc đó, người phụ nữ này bị viêm tuyến sữa và bị sốt.
Video đang HOT
Tuy nhiên, 2 ngày sau, một xét nghiệm với sữa của bà mẹ này lại cho kết quả âm tính. Nhà chức trách Wakayama cho rằng có hai khả năng dẫn tới kết quả đối lập như vậy.
Thứ nhất, virus có thể đã rò rỉ trong lúc cho con bú do người phụ nữ bị viêm tuyến sữa. Để củng cố giả thuyết này, sữa của một bà mẹ khác – cũng bị mắc COVID-19 nhưng không bị viêm tuyến sữa – được đi xét nghiệm, kết quả âm tính.
Thứ hai, có thể sữa của người phụ nữ trên đã bị nhiễm virus trong quá trình được lấy đi xét nghiệm.
Theo Hãng tin Kyodo, hiện các tổ chức y tế có cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuần trước nói rằng nguy cơ mắc COVID-19 do bú sữa mẹ là không đáng kể và hiện chưa được chứng minh.
Hồi tháng 6, WHO khuyên các bà mẹ tiếp tục cho con bú vì sữa mẹ chứa nhiều dinh dưỡng và kháng thể, đồng thời kêu gọi họ thực hiện các biện pháp đề phòng COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 6, Hội sản khoa và phụ khoa Nhật Bản đưa ra một thông báo có nội dung: “Do có nhiều báo cáo cho thấy virus corona chủng mới được phát hiện trong sữa mẹ, chúng tôi tin rằng con của các bà mẹ bị nhiễm virus nên chỉ được cho uống sữa công thức ít nhất 1 tháng sau sinh”.
Họ cũng khuyên cần tách mẹ và con trẻ cho đến khi cả hai đều có kết quả âm tính. Với nhiều lời khuyên khác nhau như vậy, một số bà mẹ đã trở nên bối rối và lo lắng về nguy cơ virus lây cho con khi cho bú sữa mẹ.
“Cuối cùng tôi thật sự không biết nên làm gì” – một bà mẹ 38 tuổi ở Tokyo, hiện có một bé gái 10 tháng tuổi, chia sẻ. Bà cho biết: “Con gái tôi không thích uống sữa bột. Tôi vẫn muốn tiếp tục cho bé bú đến khi có bằng chứng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa virus corona chủng mới và sữa mẹ”.
Yuka Wada, một bác sĩ tại Trung tâm sức khỏe và phát triển trẻ em quốc gia ở Nhật Bản, đã kêu gọi các bà mẹ bình tĩnh và theo bà, hiện không có bằng chứng cho thấy lây SARS-CoV-2 qua đường cho con bú.
“Xét nghiệm PCR cuối cùng chỉ là một xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của virus, không nói lên được dịch bệnh lây như thế nào. Xin hiểu rằng bạn không gặp ‘mối nguy hiểm lơ lửng’ nếu sữa của bạn có kết quả xét nghiệm dương tính” – bà giải thích.
Sữa mẹ vẫn an toàn sau phẫu thuật gây mê?
Các hướng dẫn mới được công bố trên chuyên san Association of Anaesthetists cho thấy người mẹ vẫn có thể cho con bú sữa ngay khi tỉnh táo sau ca phẫu thuật có gây mê.
Người mẹ vẫn có thể cho con bú sữa ngay khi tỉnh táo sau ca phẫu thuật có gây mê - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
"Các hướng dẫn trên nêu rằng không cần phải vứt bỏ sữa mẹ vì sợ nhiễm bẩn sau khi người mẹ được gây mê cho ca mổ. Bằng chứng cho thấy thuốc gây mê và nhóm thuốc giảm đau không chứa opioid đi vào sữa mẹ chỉ với một lượng rất nhỏ. Đối với hầu hết mọi loại thuốc này, không có bằng chứng về tác dụng phụ đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ", bác sĩ Mike Kinsella của Ủy ban An toàn thuộc Hiệp hội Gây mê Anh cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói thêm những loại thuốc giảm đau chứa opioid hoặc thuốc benzodiazepin (thuốc có tác dụng làm giảm đau, gây ngủ) nên được sử dụng thận trọng, vì có thể gây các tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh.
Theo các chuyên gia, phụ nữ đang cho con bú nên hạn chế dùng thuốc chứa opioid.
WHO khuyến cáo mẹ mắc Covid-19 tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ WHO mới đây khuyến cáo, những người mẹ nhiễm virus Sars CoV-2 gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19 cần tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai? Dù hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng về con đường lây truyền này, song trên thế giới đã có những trường hợp...