Tìm nguyên nhân và điều trị bệnh “lạ”: quá chậm
Đoàn đến, đoàn về bệnh “lạ” vẫn tăng. (Ảnh minh họa)
Trong hai ngày 7 và 8-4, khi trên 70 chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đang tìm nguyên nhân gây ra hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở xã Ba Điền, tiếp tục có hai người mắc bệnh này tử vong.
Điều đáng lo là người mắc bệnh này có tâm lý không muốn đến cơ sở y tế để điều trị, và cho rằng nếu đi điều trị thì bác sĩ không được truyền nước vì như vậy sẽ mau… chết.
Bệnh nhân sợ đi viện
Lý giải điều này, ông Lê Huy – chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi, cho rằng tất cả bệnh nhân khi nhập viện bị bệnh nặng không ăn uống được, nên phải truyền dịch để duy trì sức khỏe. “Bà con không rõ nên nói thế” – ông Huy cho biết.
Video đang HOT
Chuẩn bị lấy máu của trẻ làng Rêu, xã Ba Điền để xét nghiệm – Ảnh: Phúc Long
Cũng theo ông Huy, kể từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn xã Ba Điền có 98 ca mắc bệnh “lạ”, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh này là 190 ca, trong đó chín người chết (năm 2011 có một người chết). Tất cả các trường hợp tử vong đều được các cơ sở bệnh viện điều trị, thậm chí có người điều trị tốn cả trăm triệu đồng. Đặt vấn đề vì sao có không ít trường hợp tử vong tại nhà, ông Huy cho rằng trường hợp tử vong tại nhà riêng là bệnh quá nặng, các bệnh viện đã “bó tay”. Trong khi đó, tập tục của đồng bào Hrê nơi đây là trước khi chết, họ muốn người nhà mình nằm tại nhà.
Khẩn trương hỗ trợ gạo, thiết bị y tế UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ VN tỉnh khẩn trương trợ cấp 60 tấn gạo trắng cho người dân năm xã gồm Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh, Ba Tô có người mắc bệnh “lạ” từ 1,3 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của trung ương và doanh nghiệp. Mỗi nhân khẩu sẽ được cấp 15kg gạo trong thời gian sáu tháng. Đồng thời UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng trực tiếp đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hỗ trợ khẩn một máy siêu lọc máu để trang bị cho khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Ông Huy cho biết thêm trên 70 chuyên gia y tế đầu ngành của Bộ Y tế đang trực tiếp khảo sát, tìm căn nguyên gây bệnh ở xã Ba Điền. Cái mới nhất của Bộ Y tế lần này là khảo sát và lấy mẫu tóc, máu, nước uống, lương thực, thực phẩm của 100% hộ gia đình ở xã Ba Điền, cả gia đình có bệnh và không mắc bệnh. Ngoài ra, còn khảo sát cả xã láng giềng của xã Ba Điền chưa xảy ra trường hợp nào để so sánh, tìm nguyên nhân gây bệnh này. Đợt này, Bộ Y tế còn phun thuốc trừ các loại côn trùng, bọ chét và phát chăn, màn miễn phí cho 395 hộ gia đình ở xã Ba Điền…
Vẫn mãi loay hoay
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ thị nhiệm vụ hàng đầu là giảm tử vong. Nhưng sau chuyến đi của bộ trưởng, đã có thêm 2 bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở xã Ba Điền tử vong, nâng tổng số tử vong do căn bệnh từng được coi là không khó chữa này lên 21 người trong một năm qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 9-5, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết tại khu vực xuất hiện bệnh viêm dày sừng da bàn tay bàn chân, nhóm nghiên cứu phát hiện người dân có tập quán ăn gạo ủ, một số gia đình có bệnh nhân ăn gạo mốc khi được khảo sát. Loại trừ dần các căn nguyên, nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng cao là bệnh nhân mắc bệnh nhiễm độc từ môi trường hoặc thực phẩm. Nhưng môi trường là yếu tố gì, thực phẩm cụ thể là loại thức ăn gì… thì đến nay vẫn chưa tìm ra!
Để hỗ trợ cho Quảng Ngãi chống bệnh “lạ”, cách đây ba ngày Bộ Y tế đã có thông báo cung cấp cho Quảng Ngãi một xe cứu thương, một dây chuyền lọc máu và một máy xét nghiệm sinh hóa. Tuy nhiên, thông báo này cũng cho biết đang có hai bệnh nhân bệnh “lạ” vẫn đang ở cộng đồng, sẽ được chuyển ngay đến Bệnh viện C Đà Nẵng hoặc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Bộ Y tế cũng “phân công” cho UBND tỉnh Quảng Ngãi một việc kỳ lạ trong lúc chống dịch như cứu hỏa là vận động, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức xã hội, kinh tế tại địa phương hỗ trợ vitamine, khoáng chất và tăng cường dinh dưỡng cho đồng bào. Cả một ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện, hàng ngàn công ty dược chả lẽ không có vitamine, khoáng chất trong lúc cần chống dịch?
Bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi đã được phát hiện ngày 19-4-2011. Hơn một năm trôi qua, nhưng những công tác nghiên cứu, điều trị chỉ được tăng cường vào hai đợt, lần 1 vào giữa năm 2011 bằng đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu TƯ, và khoảng 20 ngày nay là sự tích cực của Bộ Y tế. Nhưng tình trạng số mắc bệnh, số tử vong vẫn tăng, đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của Bộ Y tế vì gần như “bỏ quên” bệnh “lạ” trong gần một năm qua. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc vì sao chưa mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia quốc tế khác, đại diện Bộ Y tế mới đây cho rằng không ai hiểu tình hình ở địa phương bằng chính người địa phương, nghiên cứu viên địa phương.
Theo P.LONG – V.HÙNG – L.ANH (Tuổi trẻ)
Bộ Y tế nhận định nguyên nhân gây "bệnh lạ"
Ngày 7/5, Bộ Y tế đã có báo cáo về các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (hay được gọi là "bệnh lạ") tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Theo nhận định ban đầu của Bộ Y tế thì nhiều khả năng các trường hợp mắc bệnh do bị nhiễm độc, có thể do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thực phẩm bị nhiễm độc.
Qua khảo sát ban đầu, các chuyên gia khẳng định, đây là một thể bệnh không có yếu tố chứng tỏ nhiễm trùng (từ virus, vi khuẩn, Rickettsia) do không có trường hợp nào sốt khi khởi phát bệnh. Bệnh có tái phát và không tiến triển cấp tính.
Ngoài ra, 100% bệnh nhân có men gan tăng, các xét nghiệm huyết học cho thấy tình trạng dinh dưỡng kém. Với các trường hợp bệnh, không có sự khác biệt rõ rệt về tuổi, giới ở nhóm người nhiễm bệnh, không có bằng chứng lây từ người sang người.
Nhận định ban đầu của Bộ Y tế cho thấy nguyên nhân gây bệnh lạ có thể do thực phẩm nhiễm độc
Để khống chế tối đa trường hợp tử vong, phác đồ điều trị mới hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân của Bộ Y tế đã được thực hiện trong đó chú trọng đến hồi sức, chống độc tổ chức phun thuốc diệt côn trùng, mò, vẹt, tiệt trùng, tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở các xã thuộc địa bàn huyện Ba Tơ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh việc cấp gạo trắng cho các hộ gia đình, đồng thời thu đổi gạo ủ, gạo mốc vận động người dân đi bệnh viện điều trị ngay khi có các biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.
Trước đó, vào ngày 4/5, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ mới điều trị bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) ở Quảng Ngãi. Theo đó, các ca bệnh được chẩn đoán sống trong vùng dịch tễ, có các biểu hiện lâm sàng tổn thương cơ bản gồm: mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân. Có đau rát tại thương tổn, xét nghiệm có thể men gan tăng.
Bộ Y tế cũng lưu ý các đối tượng dễ có nguy cơ tiến triển nặng gồm trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu máu.
Việc điều trị các ca bệnh ở mức độ nhẹ được chỉ định tại bệnh viện huyện hoặc các đơn vị chuyên khoa da liễu bằng các biện pháp điều trị tại chỗ tổn thương da. Với mức độ nặng và biến chứng phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương. Khi cần phải hội chẩn với các chuyên khoa có liên quan.
Về diễn biến mới nhất của căn bệnh này tại Quảng Ngãi: Vào ngày hôm qua (7/5), bà Phạm Thị Ngớt (SN 1952), ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã tử vong tại Bệnh viện huyện Ba Tơ do mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (thường gọi là bệnh lạ).
Cái chết của bà Ngớt khiến dân làng càng thêm hoang mang, lo sợ. Con đường duy nhất từ UBND xã Ba Điền về các làng Rêu, Gò Nghênh bị người dân dùng hàng rào tre chặn lại, không cho "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tính đến thời điểm này, riêng tại xã Ba Điền có 171 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, trong đó có 20 trường hợp tử vong.
Theo N.Anh (Vietnamnet)
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế điều trị "bệnh lạ" ở Quảng Ngãi Ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký văn bản ban hành Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hướng dẫn lần này rất chi tiết trong chẩn đoán và điều trị. Phân biệt với các bệnh da khác Theo Bộ Y tế, khi trực tiếp tham gia khảo...