Tìm hiểu về các loại u vùng ‘núi đôi’
Theo Giáo sư – bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, ngay cả trường hợp bị ung thư, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, khả năng khỏi bệnh vẫn chiếm hơn 90%.
Khi nói đến u vú, nhiều người vẫn hay lầm tưởng “u” là ung thư, và đã ung thư thì sẽ chết. Tuy nhiên, có u lành, u ác. Bạn không nên hốt hoảng khi phát hiện mình bị u vú. Dưới đây là những dạng u vú phổ biến.
Bướu sợi tuyến vú (u sợi tuyến vú)
Đây là dạng u thường xuất hiện ở các thiếu nữ tuổi 18-20, tuy nhiên phụ nữ 30 tuổi cũng có thể bị.
Dấu hiệu nhận biết: khi sờ vào vú sẽ cảm nhận có khối u tròn, kích thước như hạt đậu phộng, có trường hợp lớn bằng hạt mít. Sờ hạt này thấy di động, thường ở một bên. Đôi khi có cảm giác ê ê khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Đây là một dạng u lành tính, đi khám hoặc siêu âm rất dễ phát hiện. Thông thường, bác sĩ sẽ mổ để lấy khối u ra hoặc để theo dõi.
Nang vú
Bệnh thường xuất hiện ở nữ giới từ tuổi 40.
Dấu hiệu nhận biết: Khi sờ vào vú thấy một khối u tròn và cứng chạy dưới ngón tay khám. Có thể có cảm giác căng đau ở vú.
Sau khi khám và siêu âm phát hiện bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chích và hút dịch, nang vú sẽ xẹp. Đây là một dạng u lành tính.
Thể dịch chảy ra ở đầu núm vú
Tình trạng này xảy ra do:
- Ống sữa bị giãn, viêm.
- Hoặc có bướu nhỏ lành tính trong ống sữa. Tình trạng này hiếm khi là ung thư. Vì vậy, người bệnh cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa để xác định đúng bệnh.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Viêm vú – áp xe vú
Thường xuất hiện ở những phụ nữ sinh con đầu lòng và cho con bú trong hai tuần đầu. Khi mới sinh, đầu vú có lớp da non nhưng bé bú liên tục khiến núm vú dễ bị nhiễm trùng, bầu sữa sẽ cương, nóng và đau nhức. Lâu dài dễ gây nên tình trạng áp xe vú. Đây là một xáo trộn lành tính.
Lao vú
Bệnh thường gây đau, nhức ở vú dù không hề nóng, sốt. Có thể bị xì mủ ở nhiều nơi trên da vú. Bệnh sẽ được trị dứt bằng thuốc kháng sinh vì đây là một dạng u lành tính.
Sợi bọc vú (thay đổi bọc vú hay xơ nang)
Đây là một dạng xáo trộn lành tính thường gặp ở phụ nữ và chỉ được chẩn đoán bằng siêu âm. Bệnh có nhiều mức độ, có khi không thấy triệu chứng, có khi gây đau nhức. Vì vậy, người bị bệnh này nên có sự theo dõi của bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Dị ứng núm vú
Ở các thiếu nữ, núm vú và quầng vú có thể bị ngứa và cương nước. Nguyên nhân thường được xác định do bị dị ứng với áo ngực.
Vì vậy, chỉ cần thay đổi áo lót và vệ sinh bầu vú, rửa núm vú sạch sẽ. Đây chỉ là một dạng dị ứng mà người bệnh có thể tự khắc phục được. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa với một ít thuốc kháng sinh và thuốc chống dị ứng.
Xáo trộn nội tiết ở bé gái
Ở các bé 10-12 tuổi hoặc nhỏ hơn, một bên ngực thường u lên ở vùng giữa vú, cảm giác hơi đau. Các bà mẹ thường lo sợ, hiểu lầm bé dậy thì sớm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lo lắng vì đây chỉ là một dạng xáo trộn nội tiết ở tuổi mới lớn.
Vì vậy, cần đi khám để được bác sĩ theo dõi, có thể uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nữ hóa tuyến vú
Ở nam giới có loại xáo trộn nội tiết gọi là nữ hóa tuyến vú: một bên vú phát triển dần dần lớn lên như ngực phụ nữ.
Đây là một dạng u lành tính. Bệnh nhân có thể được mổ hoặc điều trị nội tiết.
Nang sữa do tắc ống sữa
Thường có ở những phụ nữ đang cho con bú nhưng bị tắc sữa. Người bệnh có cảm giác hơi đau và ê ở vú.
Dấu hiệu nhận biết: khối u sờ vào có dạng tròn nhưng mật độ nhão. Đây là dạng u lành tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh theo dõi và tiếp tục cho con bú. Một thời gian sau, nếu nang bọc sữa không hết, bác sĩ có thể chỉ định mổ để lấy trọn khối u.
Bướu diệp thể (U diệp thể)
Đây là một dạng bệnh hiếm nhưng có khi gặp ở cả người trẻ và lớn tuổi.
Bệnh có hai thể. Nếu thể lành có thể mổ lấy trọn và bảo tồn vú. Ngược lại, nếu là ác tính thì đây là bệnh ung thư dạng đặc biệt.
Ung thư vú
Theo Tổ chức Ung thư quốc tế, mỗi năm có khoảng 1,1 triệu phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú, chiếm 10% các bệnh ung thư và chiếm 23% các bệnh ung thư của phụ nữ.
Triệu chứng sớm của ung thư vú rất mập mờ. Do đó, khi sờ vú thấy một cục u nhỏ, thường không gây đau cần phải đi khám ngay. Bệnh thường xuất hiện ở những phụ nữ trên 30 tuổi.
Tự khám và kiểm tra vú định kỳ giúp ngừa bệnh
Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú như phụ nữ bắt đầu có kinh trước 12 tuổi, sinh con sau 35 tuổi và không cho con bú, mãn kinh sau 55 tuổi, hoặc dùng nhiều liệu pháp thay thế sau mãn kinh một thời gian dài, phụ nữ không sinh con, uống rượu, hút thuốc, ăn nhiều thịt, chất béo, cơ địa béo phì, người trong gia đình bị ung thư vú (mẹ, chị em ruột..)…
Hiện nay, do chưa có vaccin phòng ngừa ung thư vú nên bản thân mỗi phụ nữ cần quan tâm phát hiện ung thư vú sớm bằng cách: tự khám tuyến vú của mình, đến bác sĩ khám và chụp nhũ ảnh định kỳ tùy theo độ tuổi từ 1 đến 3 năm/lần (20 – 35 tuổi), từ 36 tuổi trở lên mỗi năm khám 1 lần. Bên cạnh đó, cần áp dụng lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn nhiều rau quả, trái cây, hạn chế chất béo… sẽ giúp giảm hơn 40% nguy cơ bị ung thư vú.
Theo PNVN
Bắt mạch hiện tượng đau hai bên vú
Tôi năm nay 25 tuổi, sức khỏe vẫn bình thường nhưng thời gian gần đây thấy rất đau hai bên vú.
Tôi không uống thuốc tránh thai, cũng chưa từng qua sinh nở. Tôi rất lo bị ung thư vú. Tôi nên khám ở đâu và vào thời điểm nào là hợp lý? - Hoàng Thị Thảo (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trả lời:
Đau vú là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ trẻ, nhất là ở phụ nữ còn kinh nguyệt và ít xảy ra hơn ở phụ nữ đã có tuổi, ngoại trừ những người đang dùng nội tiết tố thay thế. Những đau đớn có thể xuất hiện ở một vú hoặc cả hai. Nó có thể đến và đi mỗi tháng, hoặc nó có thể kéo dài vài tuần, hoặc thậm chí cả tháng.
Những nguyên nhân đau vú thường gặp: do sự dao động về hormone trong các tình huống như kinh nguyệt, thai nghén, ở người trẻ tuổi dậy thì (cả con trai và con gái), thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, gần đến tuổi mãn kinh.
Những nguyên nhân khác bao gồm: bệnh xơ nang vú, viêm vú (ống dẫn sữa bị tắc và nhiễm khuẩn, gây đỏ tấy ngoài da, thường gặp ở phụ nữ cho con bú).
Một số thuốc cũng có thể gây ra đau vú như thuốc trợ tim, thuốc hạ huyết áp... Bệnh ngoài da do virus mụn rộp phát triển ở vú cũng gây đau nhiều nếu như có ban đỏ và mụn nước.
Ung thư vú chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là các bệnh lành tính. Triệu chứng của ung thư vú thường bắt đầu từ những cục u, hầu hết đều không gây đau đớn gì, hoặc chỉ đau nhè nhẹ.
Để phòng bệnh, bạn nên chú ý:
- Mang áo nâng vú hợp với kích cỡ, nhất là với người có vòng 1 từ 80 trở lên.
- Cần biết cách tự khám vú để cảm nhận được những thay đổi dù nhỏ, nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm từ 3 - 5 ngày sau hành kinh khi vú ít đau nhất.
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi có các dấu hiệu và triệu chứng sau: tiết dịch ở đầu vú, nhất là khi có máu, mủ; đau ở vú kéo dài liên tục và không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, phối hợp với các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, nhũ ảnh, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết, sẽ dễ dàng chẩn đoán được tính chất lành, ác của các cục u.
Theo Người đẹp Việt Nam