Thương em “vũ nữ chân dài”
Chúng tôi đặt cho mấy con khô nhái cái tên khá mỹ miều “ vũ nữ chân dài” bởi cái dáng gầy khẳng khiu nhưng lại khiến cho dân nhậu luôn “tê tái tâm hồn”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi, An Giang, mỗi khi mưa xuống, nước trên ruộng xâm xấp thì y như rằng quê tôi có khá nhiều đặc sản từ ếch, nhái đến cua, cá, ốc… Hồi đó, với tụi nhỏ chúng tôi, mùa mưa cũng là thời điểm để đi soi nhái, bắt ếch rồi tha hồ thưởng thức những món ăn dân dã.
Con nhái cơm quê tôi không to, chỉ bằng cẳng cái, sống thành từng đàn trên ruộng hay dưới chân núi. Tuy nhỏ nhưng thịt chúng rất ngọt, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào lá cách, xào sả, bằm nhuyễn xúc bánh đa hay nấu cháo… Những đêm trời mưa lâm râm, chúng tôi chỉ cần xách cây vợt ra ruộng một lát là có ngay nồi cháo nhái “ngon lành cành đào” vừa chống đói vừa giải cảm hiệu quả. Có những hôm bắt nhiều quá, chúng tôi ăn không xuể, đành rộng đàn nhái trong lọp, chờ sáng hôm sau đi cắm câu hoặc cho mấy con gà mái dầu thưởng thức.
Nhưng cái thời xưa đó đã qua rồi. Ngày nay, quê tôi không còn những nồi cháo nhái thơm nồng mỗi khi mưa xuống mà thay vào đó là cái cái cảnh nhộn nhịp sản xuất khô nhái được chúng tôi ví von đó là những em “vũ nữ chân dài”. Cái tên “vũ nữ chân dài” gần như quen thuộc với thực khách gần xa mỗi khi có dịp ghé qua vùng Bảy Núi. Thực ra, cái món khô nhái được du nhập từ Campuchia và nở rộ ở quê tôi khi mà các “thượng đế” đã chán ngán cảnh thịt cá ê hề, chỉ muốn chìm đắm trong cơn say với những thứ dân dã, mộc mạc. Và dĩ nhiên, những em khô nhái “vũ nữ chân dài” được lên ngôi.
Video đang HOT
Cái món khô “vũ nữ chân dài” thấy đơn giản nhưng thực ra không dễ làm chút nào. Muốn khô ngon, phải chọn những con nhái còn tươi sống. Nhái sau khi cắt bỏ đầu, lột da, moi hết ruột, được đem đi rửa sạch trước khi ướp chúng với tiêu, ớt, muối… để thấm từ 1-2 giờ. Khó nhất là công đoạn lột da vì da nhái rất trơn nên người làm phải nhúng tay qua cát trước khi bóc bỏ lớp da trơn bóng. Vì vậy, để cho nhái không bị dính cát, người làm phải hết sức khéo léo. Công đoạn phơi cũng rất công phu, người làm phải xếp cẩn thận từng em “vũ nữ chân dài” sao cho chúng thẳng đều tăm tắp trên những miếng vạt tre có phủ lớp lưới. Sau khi phơi từ 5-7 tiếng thì “vũ nữ chân dài” đã thành phẩm, được đóng gói, gửi ra chợ.
Nhiều thực khách yêu khô nhái vì có thể để lâu mà không sợ hư và đặc biệt cái món này cũng không “đỏng đảnh” trong khâu chế biến. Chỉ cần nhúng nhẹ mấy em vào trong chảo dầu đang sôi vài phút là có ngay món lai rai thơm lừng, giòn rụm. Món này chỉ cần ăn kèm với rau răm, chấm cùng tương ớt thì ngon hết sảy. Có lẽ vì vậy mà dân xứ tôi truyền tai nhau mỗi khi du khách có dịp ghé sang: “Thương em vũ nữ chân dài; lai rai một miếng để hoài xuyến xao”.
"Vũ nữ chân dài" khô nhái: Đặc sản độc đáo của An Giang
Về miền Tây, nhất là An Giang, nhớ gọi mấy cô "vũ nữ chân dài" khô nhái để lai rai cùng bạn bè bên bàn nhậu.
Người miền Tây dễ tính, sống gần gũi với thiên nhiên nên dường như mọi đặc sản của họ đều gắn liền với ruộng đồng, sông nước. Chẳng cần phải là cao lương mĩ vị gì xa xôi, món ăn ở đây xuất phát từ những thức quà quen thuộc và mộc mạc như cá đồng, rau dại... Và trong đó, không thể không kể đến một cái tên nghe mỹ miều nhưng lại rất quen thuộc, "vũ nữ chân dài".
Nếu không biết mà lên google tra với cụm từ "vũ nữ chân dài", nhiều người sẽ bất ngờ vì kết quả cho ra lại không thấy hình ảnh của cô gái nào mà thay vào đó là những "nàng" nhái đang "khoe thân". Thực chất, đây là cách gọi mĩ miều của món khô nhái, mồi nhấm cực kì bắt vị được người dân nơi đây ưa chuộng.
Khô nhái có nguồn gốc từ nước láng giềng Campuchia, sau khi du nhập về nước ta thì có thay đổi ít nhiều để phù hợp với khẩu vị địa phương. Bà con miền Tây sáng tạo lắm, họ nhìn thấy món ăn mà liên tưởng được đến cái nào đẹp cái nào độc là gọi tên ngay. Chính hình dáng đặc biệt của nhái khi phơi khô kèm theo hương vị thơm ngon, đưa đẩy vị giác nên mới gọi là "vũ nữ chân dài" cho sang.
Nhái thường được săn ở đồng ruộng vào ban đêm, đặc biệt vào mùa mưa, mật độ dân số của chúng lại càng đông hơn. Sau khi cắt bỏ đầu, lột da và rửa sạch thịt nhái được ướp cùng các gia vị như muối, tiêu, ớt cho thật ngấm. Tiếp đến, nhái sẽ được "tắm nắng" để vừa ngấm đều hương vị, thịt vừa săn lại tạo nên một món khô mới lạ. Thường thì nhái sẽ phơi qua hai lần nắng mới đủ độ ngon.
Những chú nhái được xếp đều đặn, nằm chễm chệ trên giàn phơi làm bất kì ai cũng phải mong ngóng. Cách chế biến đơn giản nhất là chiên giòn ăn cùng nước mắm me, chẳng cần cầu kì mà lại tạo nên thứ mồi "bén" để lai rai rất đã miệng. Khô nhái giòn rụm, vừa cay nồng vừa bùi bùi làm thực khách cứ như được chìm đắm trong mọi cung bậc hương vị. Để rồi cái chua ngọt của nước mắm me chốt hạ làm thỏa mãn biết bao vị giác.
Quả không sai dùng những mĩ từ để gọi tên cho khô nhái. Bởi món ăn luôn biết cách làm người ta thấy đã miệng với thú vui nhâm nhi, lai rai như thế. Đối với dân nhậu thì khỏi phải bàn về độ tốn mồi rồi, nhưng món ăn này vẫn tỏa sáng trong mâm cơm gia đình. Chỉ cần bới một tô cơm trắng nóng rồi thưởng thức món quà dân dã này cũng đủ tạo nên một bữa ăn ngon miệng.
Vì có thể bảo quản lâu được nên bạn có thể tìm mua đặc sản này để thử khám phá hương vị. Ngon nhất thì chắc chắn phải đến các tỉnh miền Tây, đặc biệt là vùng An Giang, Đồng Tháp với giá tầm 300.000 đồng/ kg.
Thưởng thức món ngon độc đáo từ thốt nốt Ai đã từng đến An Giang, ắt hẳn sẽ không quên được hình ảnh của những hàng thốt nốt vươn mình trên những cánh đồng lúa mênh mông. Thốt nốt không chỉ là loại cây biểu trưng cho vẻ đẹp của vùng Bảy núi mà còn là món ngon trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Thốt nốt là loài...