Thuốc nội ế vì hoa hồng thấp!
Mặc dù Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” nhưng thực tế trên thị trường, thuốc nội vẫn bị thuốc ngoại lấn lướt.
Tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-8 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho thấy những năm qua, thuốc nội vẫn lép vế trên thị trường so với thuốc ngoại vì thiếu sự nhiệt tình của doanh nghiệp (DN), bệnh viện (BV), người dân, đặc biệt là các bác sĩ.
Lép vế trên sân nhà
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, trong năm 2009, tổng giá trị thuốc ngoại nhập của BV công lập chiếm 61,8%, trong khi thuốc nội là 38,2%. Tuy nhiên, riêng các BV tuyến Trung ương, thuốc ngoại chiếm ưu thế với khoảng 88%, thuốc nội chỉ trên dưới 12%.
Riêng BV tuyến huyện, thuốc nội có phần khá hơn: Năm 2010, số tiền mua thuốc ngoại tại các BV tuyến huyện là 38,5%, thuốc nội chiếm phần còn lại.
Mặc dù cho biết Việt Nam đã sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: “Thuốc nội vẫn lép vế trên sân nhà vì người dân chuộng thuốc ngoại”.
Tuy nhiên, thực tế số liệu thuốc tại BV tuyến Trung ương và tuyến huyện cho thấy bệnh nhân không được lựa chọn thuốc cho mình mà do bác sĩ quyết định. Theo ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Nam – Thụy Điển (Quảng Ninh), tại BV này, thuốc ngoại chiếm 55,2%, còn lại là thuốc nội.
Ông Tiệp cho biết thuốc nội dù được sử dụng nhiều nhưng đa số là loại thông thường như kháng sinh đường uống, thuốc bổ đường uống, dịch truyền… Vì vậy, số tiền chi cho thuốc nội chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng trong năm 2011, trong khi đó, số tiền chi cho thuốc ngoại cao gấp 2,5 lần.
Tư vấn sản phẩm thuốc nội tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”
Video đang HOT
Nhiều loại không thua kém thuốc ngoại
Nhiều ý kiến cho rằng để thuốc nội đến được với người bệnh thì bác sĩ kê đơn có vai trò rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic (thuốc phiên bản, có nguồn gốc hóa học với các thuốc đã hết thời gian được bảo hộ độc quyền), tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị.
“Hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn đang hết sức khó khăn. Nếu kê đơn thuốc generic, đặc biệt là kê đơn thuốc sản xuất trong nước, chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều người thay vì chỉ cho một người với cùng một lượng kinh phí như nhau” – bà Tiến nhấn mạnh.
Để chứng minh thuốc nội không kém thuốc ngoại về chất lượng, nhiều DN dược đã đưa ra những bằng chứng về kết quả đánh giá tương đương sinh học là những sản phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp và kháng sinh. Đơn cử như Glucofine 850 mg, Glucofine 500 mg, Zinmax – Domesco 500 mg, Amlodipin 5 mg và Vosfarel MR… (của Domesco Đồng Tháp), tính an toàn và hiệu quả không thua gì thuốc cùng loại của Ấn Độ hay Hàn Quốc.
Thuốc trị viêm gan siêu vi B, C mãn tính Pegnano của Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TPHCM) cũng được đánh giá không thua gì thuốc của Thụy Sĩ hay Đức, trong khi giá chỉ bằng 1/3.
Phụ thuộc vào bác sĩ
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thuốc nội đang “lột xác” nhưng do tâm lý sính ngoại và tình trạng kê đơn bất hợp lý nên vẫn đang gặp khó khăn. Tại TPHCM, thuốc sản xuất trong nước chiếm 60% -70% ở BV đa khoa, trong khi ở các BV chuyên khoa chỉ khoảng 5% – 10%.
“Với nhiều mặt hàng, yếu tố giá thành rẻ có thể thu hút người tiêu dùng nhưng thuốc là mặt hàng đặc biệt nên không phải cứ rẻ là lấy được lòng tin của người dân. Vì vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa thuốc nội với bác sĩ vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc họ rất nhiều” – bà Lan khẳng định.
Ông Cao Minh Quang cho rằng ngoài tâm lý sính ngoại, còn do các công ty dược nước ngoài tìm cách chi “hoa hồng” cho bác sĩ nên thuốc nội bị “ra rìa”.
Cung cấp sản phẩm tốt nhất Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc kêu gọi người Việt dùng thuốc Việt đã diễn ra nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới bắt đầu.
Công nghiệp dược là ngành có lãi, thậm chí siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu và gia công thuốc thì khó lòng phát triển được, thậm chí tự giết mình. “DN có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất và chứng minh được tác dụng tốt để người dân yên tâm sử dụng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Thuốc nội không thua kém thuốc ngoại
Hiện nay, trên thị trường thuốc tây khá đa dạng thuốc ngoại, nội. Vậy chất lượng giữa thuốc ngoại và nội có như nhau không?
Hiểu về thuốc tây
Trước hết, thuốc tây là thuốc gì? Từ thời Pháp thuộc, tất cả các thuốc được nhập từ nước Pháp hay từ các nước phương tây đều được người dân gọi là "thuốc tây". Nhưng có một điều làm cho tình hình hiện nay khác với thời Pháp đô hộ là thời đó, tất cả thuốc tây đều phải nhập từ nước ngoài, còn hiện nay "thuốc tây" bao hàm cả thuốc do chính các công ty, xí nghiệp dược phẩm ta sản xuất mà ta gọi là "thuốc nội".
Ngoại trừ một số thuốc đi từ dược liệu có sẵn trong nước và được bào chế theo phương pháp cổ truyền, phần rất lớn các thuốc sản xuất ở các xí nghiệp dược phẩm của ta hiện nay đều là thuốc tây đích thực. Bởi vì, các dược sĩ điều hành xí nghiệp dược phẩm đều được đào tạo, học chủ yếu về thuốc tây; nguyên liệu dùng làm ra thuốc đều được nhập từ nước ngoài và được kiểm tra đầu vào rất kỹ, các thiết bị máy móc dùng bào chế thuốc cũng thườngphải nhập và đạt mức độ hiện đại; thao tác, quy trình sản xuất thuốc hiện nay đều đạt các quy tắc "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP - Good Manufacturing practice) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.
Chất lượng thuốc ngoại, thuốc nội
Quá trình sản xuất thuốc nội và ngoại nếu được sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP là không khác nhau. GMP được định nghĩa là hệ thống những quy định hay hướng dẫn mà nhà sản xuất dược phẩm tuân thủ để cho ra các sản phẩm luôn luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký và bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người sử dụng.
Thuốc điều trị bệnh rất đa dạng trên thị trường
Vì vậy, kể cả thuốc nội hay thuốc ngoại nếu được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP đều có quá trình sản xuất giống nhau cho một loại sản phẩm. Quá trình sản xuất là giống nhau bởi vì GMP bắt buộc được áp dụng cho mọi hoạt động trong quá trình sản xuất thuốc từ đầu vào như: nhận xử lý nguyên liệu/bao bì, pha chế, bảo quản bán thành phẩm, ra thành phẩm, đóng gói và bảo quản thành phẩm; đến đầu ra như: phân phối, đặc biệt nếu có sai sót sẽ thu hồi sản phẩm, bảo quản sản phẩm trả lại, biệt trữ.
Vì sao thuốc ngoại lại có giá cao?
Nhiều người thuốc ngoại đắt hơn, thậm chí gấp 5 lần, 10 lần so với thuốc nội tương đương thì có nghĩa là thuốc ngoại tốt hơn. Điều này không phải hoàn toàn sai. Bởi vì, có những thuốc còn quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp mà hãng sản xuất đã tiêu tốn quá nhiều cho việc nghiên cứu tìm ra thuốc ấy. Hay đặc biệt, hãng sản xuất do áp dụng quy trình bào chế tiên tiến hơn, có dạng bào chế thích hợp hơn tác động đến khả năng tiếp thu, chuyển hóa của người bệnh làm cho thuốc có tác dụng nhanh hơn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không vì giá đắt hơn mà chất lượng thuốc tốt hơn, đặc biệt là so sánh giữa thuốc ngoại nhập và thuốc sản xuất trong nước. Nhiều thuốc ngoại chịu phí tổn rất cao cho phần quảng cáo, tiếp thị và một số thuốc chịu thuế nhập khẩu. Do đó, giá thuốc ngoại cao hơn thuốc nội rất nhiều, chẳng hoàn toàn vì lý do chất lượng.
Thuốc nội đã khác xưa
Đúng là có một thời kỳ, thuốc nội do do điều kiện sản xuất không được đầu tư thỏa đáng nên hoặc chất lượng thuốc không đảm bảo; hoặc mẫu mã thuốc không bắt mắt. Các chi tiết tưởng chừng vặt vãnh như thuốc ống uống (ampoule buvable) sản xuất trong nước trước đây mà không cung cấp lưỡi cưa ống thuốc kèm theo, nút chai lọ thuốc mở ra rất khó và đóng lại thì không chặt, nhãn thuốc in chữ lèm nhèm... đã gây ấn tượng xấu cho người dùng thuốc. Ấn tượng xấu ấy kéo dài cho đến bây giờ. Nhưng trong tình hình hiện nay thì như thế nào? Ngoại trừ một số thuốc đặc trị mà điều kiện sản xuất trong nước chưa cho phép sản xuất, thuốc đang sản xuất (đa số nằm trong danh mục thuốc thiết yếu hay thuốc generic) của các công ty xí nghiệp dược phẩm trong nước không thua kém với thuốc ngoại tương đương. Với những thông tin vừa nêu trong bài này, có lẽ người tiêu dùng chúng ta cũng cần cân nhắc lại việc chọn mua thuốc nội và ngoại...
Theo SK&ĐS
Choáng với giá thuốc Nhiều loại thuốc đồng loạt tăng giá từ 7 - 10%, trong đó có những loại đặc trị đắt tiền. Nỗi lo gánh nặng viện phí chưa dứt thì người bệnh đối diện giá thuốc phi mã. Ảnh: Ngọc Dung Mua một hộp thuốc Glucophage XR trị tiểu đường tại một hiệu thuốc gần nhà, bà Nguyễn Hải Vân (65 tuổi, ngụ phố...