Thuốc chống động kinh có thể dùng cho phụ nữ có thai
Theo đánh giá gần đây của Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Vương quốc Anh (MHRA), so với các thuốc chống động kinh khác, lamotrigine (lamictal) và levetiracetam (keppra) an toàn hơn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai.
Khi khởi đầu điều trị và tái khám hàng năm, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần nên thảo luận với các bệnh nhân nữ về những rủi ro của việc dùng thuốc chống động kinh trong thai kì. Trong trường hợp có ý định mang thai, người bệnh cần được tư vấn ngay về phương pháp điều trị động kinh phù hợp.
Từ các nghiên cứu với sự tham gia của hơn 12.000 phụ nữ có thai, đơn trị liệu với lamotrigine, kết quả cho thấy liều duy trì của thuốc không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tương tự, các nghiên cứu tiến hành trên 1.800 trường hợp mang thai có sử dụng levetiracetam cũng không ghi nhận gia tăng nguy cơ. Mặc dù dữ liệu còn hạn chế nhưng cả hai thuốc đều không làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở trẻ.
Video đang HOT
Phụ nữ mang thai cần sử dụng loại thuốc chống động kinh an toàn nhất.
Trong khi đó, do các rủi ro khi dùng trong thai kỳ, thuốc chống động kinh valproate chỉ nên được kê đơn khi đã có kế hoạch tránh thai phù hợp. Đồng thời, việc sử dụng các thuốc chống động kinh khác như carbamazepine, phenobarbital, phenytoin, topiramate đều cho thấy tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Ông Paul Chrisp, Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị – Viện Y tế và Chất lượng điều trị Vương quốc Anh (NICE) cho biết, các đối tượng liên quan cần phải được cập nhật về thông tin này sớm nhất có thể. Một số hướng dẫn điều trị có khuyến cáo các thuốc này của NICE bao gồm động kinh, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm ở người trưởng thành, sức khỏe tâm thần trước và sau sinh cũng đang được rà soát lại để phản ánh khuyến nghị quan trọng này.
Cẩn trọng với nguy cơ phình động mạch chủ khi dùng fluoroquinolon
Mới đây, một nghiên cứu lớn tại Mỹ đã khẳng định lại mối liên hệ giữa nhóm kháng sinh fluoroquinolone (FQ) với nguy cơ gây phình động mạch chủ và gợi ý cần cập nhật thêm vào các cảnh báo an toàn hiện thời của thuốc.
Fluoroquinolon là một kháng sinh lâu đời và được sử dụng rộng rãi với nhiều chỉ định. Tuy nhiên, đi kèm với tác dụng chưa bệnh là các tác dụng phụ cần lưu tâm như nguy cơ gây đứt gân, động kinh, chóng mặt...; và một tác dụng nghiêm trọng trong số đó là gây phình động mạch, có thể dẫn tới các tai biến do nứt, vỡ động mạch.
BS. Melina Kibbe và cộng sự, Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trong giai đoạn 2005-2017 dựa trên đơn kê kháng sinh của các bệnh nhân từ 18-64 tuổi. Nhóm nghiên cứu ghi nhận được tổng cộng 47 triệu đơn thuốc kháng sinh trong đó 19% (9 triệu đơn) có chứa kháng sinh FQ.
Phình động mạch chủ - tác dụng phụ của fluoroquinolon.
Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy tần suất có chẩn đoán phình động mạch chủ mới trong 90 ngày của nhóm FQ là cao hơn so với các nhóm kháng sinh khác (7.5 so với 4.6 ca/1000 đơn kê).
Ngoài ra, phân tích dựa trên yếu tố nhân khẩu học (tuổi, giới) và tình trạng bệnh cho thấy FQ làm tăng 20% tần suất phình động mạch, chủ yếu là: Phình động mạch chủ bụng, phình động mạch vùng chậu và các động mạch ở ổ bụng khác.
Các đối tượng này cũng có nhiều nguy cơ phải thực hiện can thiệp động mạch hơn. Kết quả này nhất quán với tất cả các bệnh nhân từ 35 tuổi trở lên, bất kể giới tính hay tình trạng bệnh khác.
BS Melina cho biết, cơ quan quản lý dược phẩm-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cần bổ sung thêm các cảnh báo lên vỏ các thuốc kháng sinh fluoroquinolone. Cụ thể là không chỉ giới hạn cảnh báo với các bệnh nhân có nguy cơ phình động mạch chủ (khuyến cáo từ tháng 12/2018) mà nên mở rộng ra mọi đối tượng bệnh nhân trên 35 tuổi.
Kiểm soát cơn động kinh Động kinh (dân gian còn gọi là kinh phong, kinh giật) là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lặp đi lặp lại. Việc chẩn đoán...