Thực hư việc thử nghiệm vắc xin lao để phòng Covid-19 ở Việt Nam
Chuyên gia cảnh báo người dân có thể gặp tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vắc xin này.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương vừa cho hay Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã giao bệnh viện kết hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đề xuất triển khai đánh giá vai trò của vắc xin lao BCG trong phòng, chống Covid-19.
800 nhân viên y tế dự kiến được thử nghiệm
Điều này xuất phát từ thực tế dựa trên các bệnh nhân đã mắc, các nghiên cứu quan sát (chưa phải thử nghiệm lâm sàng) cho thấy những nước có chính sách sử dụng vắc xin phòng chống lao BCG phổ cập ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo PGS Nhung, với chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương có thảo luận, đề xuất Bộ Y tế hai hướng nghiên cứu.
Thứ nhất, Việt Nam tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phối hợp với Pháp và Campuchia đánh giá BCG có tác dụng phòng bệnh Covid-19 cho người có nguy cơ cao là cán bộ y tế hay không.
“Với cách thức tính mẫu, dự kiến Việt Nam có thể thu nhận 800 mẫu, Campuchia thu nhận 400 mẫu, tại Paris là 1.000 mẫu. Hôm nay, chúng tôi đã báo cáo chính thức với Bộ Y tế về ý tưởng có thể cộng tác thử nghiệm lâm sàng quốc tế”, PGS Nhung cho hay.
Ở hướng thứ hai, PGS Nhung cho rằng có thể làm ngay, không tốn kém là nghiên cứu khảo sát trên 268 ca mắc tại Việt Nam.
“Dựa trên những người này, chúng ta thử khảo sát xem mối liên quan giữa BCG với người mắc Covid-19, đồng thời, khảo sát cả những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 nhưng lại không nhiễm SARS-CoV-2. Mối liên quan ấy được thể hiện xem người mắc bệnh nặng hay nhẹ và trường hợp nặng có phải do không tiêm BCG không. Đây là một trong những khảo sát tôi nghĩ có thể làm nhanh cho kết quả ban đầu trước khi chúng ta làm thử nghiệm lâm sàng lớn hơn”, PGS Nhung cho biết thêm.
Video đang HOT
Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đề xuất triển khai đánh giá vai trò của vắc xin lao BCG trong phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Cần chờ kết quả nghiên cứu
Ông Nhung cho biết trên thế giới hiện có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Hà Lan và Australia, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao nhất – những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Hiện nay, các nghiên cứu này đã thu nhận các đối tượng tham gia. Pháp dự kiến thu nhận khoảng 1.000 thầy thuốc tuyến đầu và một số đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi.
Trong quá trình liên hệ, các giáo sư của Pháp đã đề nghị Việt Nam cùng cộng tác để có một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm đa quốc gia, đánh giá thực hư việc BCG trong phòng chống Covid-19.
Đánh giá này dựa trên giả thiết BCG có thể tác động đến một sức đề kháng miễn dịch bẩm sinh, không phải là đặc hiệu chống cúm hay Covid-19, với giả thiết vắc xin BCG có thể làm điều hòa hệ thống miễn dịch để cơ thể phản ứng với Covid-19 một cách vừa phải, đủ để bảo vệ chứ không phản ứng quá mức dẫn đến tình trạng nặng, bệnh diễn biến phức tạp.
“Hiện nay, chúng ta chưa hiểu nhiều về cách cơ thể phản ứng với Covid-19, có thể xảy ra hiện tượng bão Cytokine (là chất trung gian tế bào khi sản sinh ra tiêu diệt tác nhân xâm nhập vào cơ thể), tức nếu tế bào này sản sinh vừa phải thì sẽ tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh, nhưng nhiều quá sẽ tiêu diệt cả tế bào lành khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Điều này có thể giải thích cho trường hợp bệnh nhân 91 là phi công người Anh khỏe mạnh nhưng diễn biến bệnh rất nặng, có thể do bão Cytokine”, PGS Nhung chia sẻ.
Nghiên cứu hợp tác đa trung tâm đa quốc gia dự kiến sẽ theo dõi trong 9 tháng từ khi bắt đầu tiêm BCG và đánh giá sau 3, 6 và 9 tháng. Trong thời gian đó nhân viên y tế làm việc như thường quy.
“Vắc xin BCG là miễn dịch phòng chống lao và ở trẻ em, nó chủ yếu phòng bệnh lao lan tràn, nặng như lao màng não, lao toàn thể, BCG không có khả năng ngăn chặn nhiễm lao. Đối với Covid-19, chúng ta chưa thể nói lên điều gì là tốt hơn hay xấu hơn khi ứng dụngBCG.
Hiện nay, chưa có bất kỳ chỉ định nào về tiêm BCG để phòng Covid-19 trên thế giới. Chúng tôi đã cảnh báo có tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vắc xin này. Tôi cho rằng, người dân đừng quá nôn nóng mà cần chờ các nhà khoa học thêm một thời gian nữa khi kết quả nghiên cứu đã được làm sáng tỏ”, PGS Nhung khuyến cáo.
Hà Quyên
Khuyến cáo không sử dụng vắc xin lao phòng bệnh Covid-19
Sau khi có thông tin về việc tiêm phòng lao giảm nguy cơ nhiễm Covid-19, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã thông tin về chỉ định, tác dụng của vắc xin này.
Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh - Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, vắc xin phòng lao (BCG) được sử dụng trong chương trình từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ.
Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.
Vắc xin BCG có hiệu quả phòng các thể lao màng phổi và lao màng não. Vắc xin BCG có hiệu quả phòng mắc lao phổi, nhưng hiệu quả yếu hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao thì vắc xin không có hiệu quả.
Do vậy, để đạt hiệu quả cao, tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh cần được tiêm một liều vắc xin duy nhất ngay sau sinh. Nếu không thể tiêm ngay sau sinh, cần tiêm chủng trong thời gian sớm nhất với liều lượng tiêm trong da 0,05 ml cho trẻ dưới 1 tuổi.
Vắc xin BCG có thể tiêm cùng lúc với các vắc xin khác cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng, bao gồm cả vắc xin viêm gan B.
Có phải tiêm nhắc lại vắc xin BCG?
Chưa có chỉ định tiêm nhắc vắc xin BCG cho những trường hợp đã tiêm vắc xin này, ngay cả nếu trẻ không có sẹo sau tiêm.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm nhắc lại vắc xin BCG hiện không được khuyến khích.
Các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cho thấy việc tiêm nhắc vắc xin BCG có rất ít hoặc không có tác dụng đối với phòng chống bệnh lao, bệnh phong. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc xin không được khuyến khích.
Cần lưu ý, vắc xin phòng lao chống chỉ định đối với: phụ nữ có thai, trường hợp AIDS, trẻ có mẹ nhiễm HIV không tuân thủ liệu trình điều trị, xạ trị, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng.
Tại Việt Nam, với người lớn, chỉ khuyến cáo sử dụng vắc xin BCG cho người lớn làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi khuẩn lao.
Vắc xin BCG có phòng nhiễm SARS-CoV-2?
Hiện nay, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội đề cập đến việc dùng vắc xin BCG phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Để tránh các thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, ngày 12.4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo chính thức về việc chưa có các bằng chứng chính xác về việc vắc xin phòng lao có thể giúp phòng bệnh Covid-19.
WHO khuyến cáo không sử dụng vắc xin BCG cho phòng nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến cần tiếp tục triển khai vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao, trẻ sơ sinh thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn này từ môi trường xung quanh. Vắc xin BCG không có hiệu quả nếu trẻ đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả cho con, các chuyên gia y tế khuyên các gia đình cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Giải thích về vết sẹo sau tiêm BCG, các chuyên gia tiêm chủng mở rộng cho hay, sau khi tiêm BCG, trẻ sẽ có phản ứng. Theo dõi trẻ khoảng 3 - 4 tuần, ở vị trí tiêm có thể xuất hiện vết sưng nhỏ loét, 10 - 15 ngày sau sẽ rò dịch vài tuần rồi kín miệng, làm vảy. Khi vảy rụng sẽ để lại một sẹo nhỏ tồn tại trong nhiều năm. Đây là phản ứng của cơ thể trong quá trình tạo ra miễn dịch phòng bệnh.
Liên Châu
Tìm mối liên quan giữa vaccine BCG trong phòng, chống bệnh Covid-19 Việt Nam sẽ nghiên cứu để tìm mối liên quan giữa vaccine BCG trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước nào có chương trình tiêm đại trà vaccine BCG ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân chết vì đại dịch Covid-19 hơn. Trước những kết quả...