Thói quen khiến bạn dễ mắc trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh làm suy nhược thể chất và tinh thần, làm mất đi năng lượng, sự tập trung và niềm vui của mỗi người. Những người mắc bệnh trầm cảm không tìm thấy bất kỳ niềm đam mê nào đối với công việc, thậm chí là mất đi niềm tin vào cuộc sống. Dưới đây là một số thói quen dẫn đến trầm cảm mà bạn cần tránh:
Ảnh: Lifespan
Lười tập thể dục
Tập thể dục có ảnh hưởng rất lớn đối với thể chất và tinh thần của bạn. Khi ở trong nhà cả ngày và không tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào dễ khiến cho bạn trở nên lười biếng hoặc ăn quá nhiều. Lười biếng và tăng cân có khả năng là dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Do đó, bạn nên dành 40 phút mỗi ngày để tập thể dục. Khi tập thể dục, não sẽ sản sinh ra một lượng serotonin và dopamine, những chất thúc đẩy cảm xúc tốt cho trí não khiến bạn sẽ cảm thấy sảng khoái và năng động hơn.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh trầm cảm. Những thực phẩm có chứa chất béo Omega-3 được gọi là “thực phẩm não” vì nó là chất dinh dưỡng cần thiết số 1 cho giúp trí não khỏe mạnh. Nếu thiếu đi Omega-3, não dễ tổn thương, và trầm cảm chính là dấu hiệu đầu tiên. Cơ thể của chúng ta không thể tự sản xuất ra Omega-3, do đó chúng ta cần nhận được đủ lượng Omege-3 trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bạn nên ăn nhiều cá và hải sản, chúng là nguồn cung cấp Omega-3 tốt nhất giúp bạn chống lại bệnh trầm cảm.
Ngủ ít
Các chuyên gia y tế khuyến cáo bạn nên ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm. Nếu bạn ngủ đủ giấc thì tinh thần sẽ luôn được thoải mái và tỉnh táo. Khi thiếu ngủ, bạn sẽ rất dễ bị kích động và đôi khi còn mắc chứng hoang tưởng, một yếu tố gây bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, việc ngủ ít sẽ khiến bạn mệt mỏi, làm việc thiếu hiệu quả, bạn sẽ rất dễ “stress”.
Cô lập bản thân
Khi chán nản, bạn thường hay tách bản thân mình ra khỏi bạn bè và gia đình. Thói quen “tự kỷ” này tạo cơ hội cho trầm cảm “tấn công” bạn nhanh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, những người thích giao tiếp với mọi người xung quanh ít có nguy cơ bị trầm cảm nhất. Những mối quan hệ với bạn bè, người thân trong gia đình thúc đẩy sự trao đổi chất trong não được tốt hơn, từ đó làm giảm mức độ căng thẳng một cách tối đa. Nếu không có những mối quan hệ với mọi người xung quanh, khả năng trí tuệ của bạn sẽ bị phá vỡ và bạn không thể đối phó với những áp lực khác nhau trong cuộc sống.
Suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm. Nếu bạn không ngừng suy nghĩ về các mối đe dọa, những lời từ chối, sự mất mát hay thất bại thì chắc chắn bạn sẽ bị trầm cảm. Có nhiều việc xảy ra xung quanh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, vì vậy không cần phải “bám víu” những suy nghĩ của bạn vào chúng. Suy nghĩ về những chuyện bạn không thể thay đổi được không chỉ dẫn tới bệnh trầm cảm, mà còn có thể sẽ khiến bạn “phát điên” lên. Điều quan trọng là bạn phải luôn cố gắng nghĩ về những điều tích cực hơn, thay vì mãi “gặm nhấm” những chuyện đã qua.
Theo VNE