Thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học: Dứt khoát không ‘nợ chuẩn’ với giáo viên tuyển mới
Xung quanh việc thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chuẩn đã được luật Giáo dục 2019 quy định, do vậy không thể làm trái luật khi cho tuyển giáo viên dưới chuẩn hoặc ‘nợ chuẩn’.
Hầu hết các quận ở TP.HCM đều thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học – NGUYỄN LOAN
Cả nước thiếu giáo viên tiếng Anh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thiếu giáo viên (GV) dạy tiếng Anh là thực trạng nặng nề ở tất cả các cấp học. Đặc biệt, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, điểm mới nhất ở cấp tiểu học là tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc (áp dụng từ lớp 3) thay vì tự chọn như hiện nay. Về số lượng, theo ước tính của Bộ, cả nước đang còn thiếu hơn 5.000 GV tiếng Anh. Đó là chưa kể đội ngũ hiện có vẫn còn một số lượng không nhỏ (khoảng hơn 30%) chưa đủ năng lực theo yêu cầu đặt ra với chương trình mới.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để dạy học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần, Hà Nội cần khoảng 1.500 GV tiếng Anh tiểu học. Hiện toàn TP có 800 GV đang dạy ở các trường, như vậy cần tuyển mới khoảng 700 GV.
Ông Tiến cho rằng vấn đề nguồn tuyển không quá đáng lo ngại vì Hà Nội có nhiều cơ sở đào tạo GV tiếng Anh như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và 2, Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ, Trường ĐH Thủ đô… đều có đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh. Vấn đề là phải có cơ chế, định mức để tuyển dụng. Hiện nay, định mức để dạy học 2 buổi/ngày tất cả các môn ở tiểu học mới là 1,5 GV/lớp. Trong khi đó, theo ông Tiến, để đảm bảo dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày với các môn học mới, công tác chủ nhiệm… thì phải cần ít nhất 1,8 GV/lớp mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Trên bình diện cả nước, đại diện Ban quản lý Đề án ngoại ngữ 2020 cũng thừa nhận một thực tế là việc tuyển dụng được GV vừa có trình độ tiếng Anh vừa có chuyên môn sư phạm tiểu học là điều khá khó khăn vì dạy học tiểu học vất vả, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thu nhập không cao; trong khi với trình độ ngoại ngữ như vậy, họ có nhiều cơ hội việc làm khác hấp dẫn hơn. Việc dạy và học ngoại ngữ còn gặp một số khó khăn và bất cập. Nhiều sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT không có chuyên viên môn tiếng Anh nên còn thụ động với công tác chuyên môn. Các địa phương gặp khó khăn trong tuyển dụng GV do không có chỉ tiêu hoặc có nhưng không tuyển được người do mức lương theo quy định chưa thu hút được GV có chuyên môn giỏi, được đào tạo đúng chuyên ngành tham gia đăng ký tuyển dụng.
Bộ cũng nhìn nhận việc thiếu GV sẽ gây khó khăn rất lớn khi triển khai môn tiếng Anh bắt buộc ở lớp 3 từ năm học 2022 – 2023.
Bắt buộc phải có đủ giáo viên
Trước đó, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã có các văn bản yêu cầu địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần dành cho HS lớp 3 từ năm học 2022 – 2023. Trong đó nêu rõ các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới GV, trong đó chú trọng đến GV các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn tiếng Anh, tin học.
Việc yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên tiểu học phải là cử nhân, tốt nghiệp ĐH sư phạm là quy định đã được luật hóa bởi luật Giáo dục 2019. Do vậy, Bộ hay các địa phương cũng không thể cho phép tuyển dụng giáo viên chưa đạt chuẩn vì như vậy là làm trái luật
Video đang HOT
Ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT)
Ông Thái Văn Tài cho biết hiện nay môn ngoại ngữ, tin học là môn học tự chọn nên việc tuyển dụng GV hoặc thời lượng học tập ra sao tùy theo điều kiện của từng nhà trường, địa phương. Nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định ngoại ngữ là môn học bắt buộc nên đây là cơ sở pháp lý cao nhất để các địa phương phải bố trí chỉ tiêu tuyển dụng GV dạy đủ tối thiểu 4 tiết/tuần cho học sinh, bắt đầu từ lớp 3.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục để có phương án giao bổ sung kịp thời trên tinh thần ở đâu có học sinh, có trường lớp, ở đó phải có đủ GV để dạy học. Theo đó, ông Tài cho rằng các địa phương đã có đủ căn cứ pháp lý và kịp thời tiến hành tổ chức tuyển dụng GV theo đúng thẩm quyền, đáp ứng được nhu cầu GV để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Không thể làm trái luật
Ngày 28.12, trao đổi với PV Thanh Niên , ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc yêu cầu về chuẩn trình độ GV tiểu học phải là cử nhân, tốt nghiệp ĐH sư phạm là quy định đã được luật hóa bởi luật Giáo dục 2019. Do vậy, Bộ hay các địa phương cũng không thể cho phép tuyển dụng GV chưa đạt chuẩn vì như vậy là làm trái luật. Hơn nữa, việc quy định chuẩn GV như vậy là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục. Với môn tiếng Anh, lâu nay dư luận vẫn phàn nàn về kết quả môn tiếng Anh chưa đáp ứng được mong đợi thì không có cách nào khác là chúng ta phải có đội ngũ GV đáp ứng được yêu cầu.
Chính vì vậy, theo ông Bình, tất cả các địa phương khi tuyển mới GV dù dạy môn nào cũng phải tốt nghiệp ĐH đúng chuyên môn, dứt khoát không có chuyện “nợ chuẩn” vì sau này rất khó giải quyết. Với đội ngũ GV hiện đang giảng dạy mà chưa đạt chuẩn, sẽ phải thực hiện nâng chuẩn theo lộ trình 10 năm theo Nghị định 71 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn của GV.
Ông Bình cũng cho biết Bộ chưa nhận được bất cứ văn bản nào của các địa phương phản ánh về việc không có nguồn tuyển GV tiếng Anh tiểu học. Ông Bình cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành từ năm 2018, lộ trình thực hiện việc dạy học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 cũng đã rất rõ ràng. Căn cứ vào đó, các địa phương phải rà soát số lượng GV hiện có và nhu cầu tuyển mới là bao nhiêu. Trên cơ sở đó “đặt hàng” với cơ sở đào tạo.
Đề nghị cho tuyển sinh viên ngành ngôn ngữ ngoài sư phạm
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường tiểu học có thể hợp đồng thuê GV ở các trung tâm Anh ngữ đạt chuẩn có GV bản ngữ để tăng cường dạy kỹ năng nghe nói cho học sinh hoặc thuê GV đã được tuyển dụng ở các trường công lập khác.
Trước đó, với tình hình khó tuyển dụng GV tiếng Anh cho bậc tiểu học, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn trong việc tuyển dụng GV tiếng Anh bậc tiểu học tương tự quy định tuyển dụng đối với GV THCS, THPT.
“Nguồn đào tạo GV cho các trường hiện nay chủ yếu là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhưng trường này hiện đào tạo nhân lực cho nhiều tỉnh lân cận nên số lượng sinh viên ra trường không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Bộ GD-ĐT chưa cho phép các trường tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các trường ngoài sư phạm, dù họ có đủ năng lực về khả năng giảng dạy ngoại ngữ nhưng không có nghiệp vụ sư phạm. Hiện Bộ đang xây dựng thông tư về việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tốt nghiệp từ các ngành đào tạo về tiếng Anh ngoài sư phạm. Điều này có thể giúp các trường có nguồn tuyển dồi dào hơn, việc tuyển dụng vì thế có thể có hướng giải quyết được tình trạng khan hiếm GV như hiện nay”, ông Hiếu chia sẻ.
Nguyễn Loan
Dạy học bắt buộc tiếng Anh tiểu học: Loay hoay tìm nguồn tuyển
Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học (áp dụng từ lớp 3). Để triển khai hiệu quả, các địa phương, nhà trường phải có đủ đội ngũ GV.
Trong bối cảnh biên chế và nguồn tuyển GV tiếng Anh còn khó khăn, "khan hiếm", đây là vấn đề không dễ dàng.
Đội ngũ GV Tiếng Anh tiểu học đang thiếu nguồn tuyển ở nhiều địa phương - Giờ học tiếng Anh của GV và HS Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: Đức Trí
HS ở điểm trường thiệt nhất
Cô Nguyễn Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Trường có 1 GV tiếng Anh đảm nhiệm giảng dạy cho hơn 200 HS từ lớp 3 - 5 tại điểm trường chính.
Do thiếu GV nên chưa thể triển khai dạy học tiếng Anh tại 3 điểm trường lẻ. Những HS này sẽ tiếp cận môn Tiếng Anh chậm hơn 1 năm khi trường dồn HS khối 3 - 5 về điểm trường chính. Điều đó đồng nghĩa HS các điểm lẻ sẽ "thiệt" hơn khi vừa phải làm quen với tiếng Anh, vừa bám đuổi cho kịp chương trình các bạn cùng khối lớp được học tiếng Anh từ năm trước.
Theo dự tính của cô Nguyễn Hương Giang, khi tiếng Anh trở thành môn bắt buộc từ năm học 2022 - 2023, và để hơn 300 HS khối 3, 4, 5 tại tất cả các điểm trường được học 4 tiết/tuần, nhà trường cần thêm ít nhất 1 GV tiếng Anh mới bảo đảm hết khối lượng chương trình giảng dạy.
Tại Trường Tiểu học Trung Lý 1, xã Trung Lý (Mường Lát - Thanh Hóa), vấn đề dạy học môn Tiếng Anh cũng không mấy khả quan do thiếu GV. Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng thông tin: Trường có 1 GV tiếng Anh mà phải đảm đương việc dạy học cho 6 điểm trường. Những năm học trước, ban giám hiệu buộc phải cắt giảm số tiết học của HS để GV đủ thời gian di chuyển dạy học.
Cùng đó, nhà trường áp dụng dạy học tiếng Anh luân phiên (1 - 2 tuần học một lần, học theo năm ở các điểm trường) chứ không thể triển khai dạy học liền mạch. Hiện vẫn còn 3 điểm trường lẻ vì điều kiện đi lại quá xa, nhà trường không thể bố trí GV tới dạy. "Việc dạy học tiếng Anh gần như chỉ mang tính thực hiện cho đủ và "xóa mù chữ" tạm thời... chứ chưa thể dáp ứng về số lượng và chất lượng" - thầy Tùng nói.
Dạy học cầm chừng
Từ năm học 2022 - 2023, Tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học - HS Trường PTDTBTTH
Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: Đức Trí
Tại Trường PTDTBTTH số 1 xã Sán Chải (Si Ma Cai - Lào Cai), thầy Phạm Văn Tiếp - Hiệu trưởng chia sẻ: Toàn trường có 5 điểm lẻ với hơn 200 HS khối 3, 4, 5 nhưng chỉ có duy nhất 1 GV tiếng Anh đảm đương dạy học. Những năm học qua, việc học tiếng Anh của HS 3 khối chỉ triển khai được ở mức cầm chừng mỗi lớp/2 tiết/tuần. Để dạy học tiếng Anh là môn bắt buộc, nhà trường phải có ít nhất 2 GV mới có thể triển khai được việc dạy học đủ khối lượng chương trình.
Tình trạng thiếu GV tiếng Anh cấp tiểu học ở các địa phương vẫn chưa được giải quyết bởi trong bối cảnh tinh giản biên chế. Các trường có thể ký hợp đồng GV dạy môn Tiếng Anh nhưng lại không được cấp kinh phí, không có cơ chế cho phép huy động các khoản thu hỗ trợ ngân sách. Việc phát triển đội ngũ và quy mô lớp học, số HS được học tiếng Anh ở cấp tiểu học khi tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.
Giải pháp nào cho "nguồn" tuyển?
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn, quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ GV, tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức cho HS học tiếng Anh với thời lượng từ 2 đến trên 4 tiết/tuần.
Tuy nhiên, việc dạy và học ngoại ngữ cấp tiểu học còn nhiều bất cập. Trong đó, tình trạng khó về nguồn tuyển dụng do không có chỉ tiêu hoặc có nhưng không tuyển được. Nguyên nhân bởi mức lương theo quy định chưa thu hút GV có chuyên môn giỏi, được đào tạo đúng chuyên ngành tham gia đăng ký tuyển dụng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Một số nơi, HS có nguyện vọng được học tiếng Anh nhưng thiếu cơ chế quy định về xã hội hóa dẫn đến HS không được học theo nhu cầu... Việc thiếu GV tiếng Anh sẽ gây khó khăn lớn khi môn học này trở thành bắt buộc ở lớp 3 từ năm học 2022 - 2023.
Hiệu trưởng Nguyễn Hương Giang khẳng định: Với kinh phí 3 - 5 triệu đồng/tháng để tuyển GV tiếng Anh hợp đồng là việc không thể, chưa kể nguồn tuyển hiện nay tại các địa phương không dôi dư. Lương thấp mà GV lên công tác vùng cao phải đối diện nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, cùng đó vẫn phải đảm nhiệm công việc, tinh thần, trách nhiệm như GV trong biên chế, có đủ hình thức đãi ngộ, lương thưởng...
Thầy Phạm Văn Tiếp - Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH số 1 xã Sán Chải (Si Ma Cai - Lào Cai) bày tỏ: Việc tuyển đủ GV tiếng Anh đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018 phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế, ngân sách của địa phương. Hiện nguồn tuyển GV tiếng Anh tại huyện Si Ma Cai không nhiều. Để ký hợp đồng với GV phải đảm bảo ở mức 8 triệu/tháng. Kinh phí thấp hơn khó để "kéo" GV tiếng Anh theo nghề dạy học.
Nhiều GV tiếng Anh mới ra trường có thể tìm được công việc với thu nhập bằng hoặc cao hơn nghề giáo mà không đòi hỏi sự cống hiến, tận tâm như nghề giáo. Việc cử GV biên chế đi học văn bằng 2 tiếng Anh cũng không khả thi bởi theo học chuyên ngành tiếng Anh đòi hỏi có năng khiếu, nguyện vọng, đam mê...
Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho hay: Dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 đối với giáo dục Lào Cai sẽ khó khăn trong vấn đề thiếu GV.
Để "tháo gỡ" vấn đề nan giải này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai đề nghị: Bộ GD&ĐT có chỉ đạo về đào tạo văn bằng 2 cho đội ngũ GV tiểu học để có đủ trình độ, đáp ứng được nhu cầu dạy học ngoại ngữ. Cùng đó, cần có cơ chế khuyến khích học nghiệp vụ sư phạm cho những người có trình độ ngoại ngữ để tuyển dụng làm GV.
Về phía ngành GD-ĐT, Lào Cai đã tính đến phương án nếu không đủ GV ngoại ngữ sẽ triển khai việc dạy ngoại ngữ theo hình thức trực tuyến. Như vậy, một GV có thể dạy cho HS của nhiều trường trong trên cùng một địa bàn và một thời điểm. Tuy nhiên hình thức dạy học trực tuyến sẽ không đạt hiệu quả, chất lượng như mong muốn.
Do vậy, ngành GD-ĐT vẫn phải chủ động trong vấn đề đào tạo bồi dưỡng để có đủ đội ngũ GV ngoại ngữ từ năm học 2022 - 2023.
Thanh Hóa thuộc nhóm đầu cả nước về thiếu giáo viên Theo đánh giá, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước. Trong đó, giáo viên Mầm non thiếu trên 4.000 người. Chiều 22/12, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác GD&ĐT. Theo...