Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Thay đổi theo hướng nào?
Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, môn thi thứ 4 của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 sẽ được công bố trong tháng 3/2022. Nhiều ý kiến băn khoăn về số môn thi cũng như về phương án nào cho kỳ thi rất áp lực này những năm tới.
Ảnh minh họa.
Mong giảm áp lực
Năm học 2020-2021, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội có những thay đổi quan trọng về thời lượng đối với bốn môn thi để phù hợp với việc phòng dịch. Cụ thể, thay vì bài thi 120 phút dành cho môn Toán, Ngữ văn đã chuyển thành 90 phút và đề thi 45 phút của môn Ngoại ngữ, Lịch sử thay vì 60 phút như dự kiến trước đó. Không bỏ môn thi thứ 4 nhưng việc giảm thời lượng từng môn thi và thi dồn từ 4 buổi (1 buổi học quy chế, 3 buổi thi) xuống còn 2 buổi đã khiến các nguy cơ lây nhiễm giảm đi, bớt áp lực hơn so với kéo dài ngày thi.
Tới năm học này, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn tiếp tục căng thẳng nên có những ý kiến khác nhau xung quanh kỳ thi quan trọng này. Phần nhiều trong số đó là các phụ huynh, học sinh (HS) và cả nhà trường mong muốn giảm bớt môn thi thứ 4 do việc học online kéo dài khiến thầy và trò đều “đuối”, ngày trở lại trường nhiều nơi cũng quay cuồng “on-off” do cả thầy và trò luân phiên trở thành F0. Rồi quy định chỉ học trực tiếp 1 buổi khiến cho nhiều trường, nhiều lớp mới đảm bảo học đúng theo phân phối chương trình năm học. Đa số các thầy cô đều thừa nhận chưa có nhiều thời gian ôn tập hay bổ túc, phụ đạo cho những HS bị hổng kiến thức khi học online mà chủ yếu vừa dạy bài mới, vừa dành thời gian để ôn tập cho cả lớp các kiến thức trước đó nên khá vất vả.
Với HS lớp 9 năm nay có đến 5 học kỳ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp. Các em được tới trường từ sau Tết Nguyên đán song thời gian cũng không dư dả nên việc ôn tập, củng cố kiến thức song song với việc dạy bài mới.
Video đang HOT
Chia sẻ của một hiệu trưởng trường THCS ở quận Đống Đa thì để “chạy” hết chương trình không khó vì HS không đến trường nhưng vẫn học trực tuyến, đảm bảo tiến độ nhưng chất lượng chung không thể bằng dạy học trực tiếp. Trong đó có những nhóm HS gặp khó khăn cần được kèm cặp trực tiếp song thời gian học trên lớp cũng rất hạn chế, chưa kể dịch bệnh nên thầy nghỉ, trò nghỉ… ảnh hưởng không nhỏ đến không khí lớp học, tiến độ học tập và đặc biệt là chất lượng học tập. Vì thế, mong muốn của cả thầy và trò là giảm môn thi thứ 4 hoặc công bố sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất bởi nếu chẳng may thầy cô, HS trở thành F0, F1 thì nhà trường cũng có kế hoạch linh hoạt.
Chương trình mới đòi hỏi cách thi cử mới
Về phía các nhà trường, ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho HS lớp 9 là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDĐT quận Tây Hồ Trần Thị Hương, toàn quận có hơn 2.000 HS lớp 9. Công tác hỗ trợ HS luôn được đặt lên hàng đầu, bảo đảm 100% HS có đủ thiết bị học trực tuyến và khi học trực tiếp, các trường cũng sắp xếp thời khóa biểu ưu tiên với khối lớp này, thầy cô cũng được ưu tiên để không một tiết nào bị trống vì thiếu giáo viên, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh các trường rất khó khăn về nhân sự. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các trường đều chú trọng dạy học đồng đều các môn học còn lại, giúp các em tự tin với bất kỳ môn thi nào khi có thông báo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc thi 4 môn của Hà Nội trong bối cảnh này có phù hợp? Nhất là từ năm học tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ bắt đầu triển khai từ lớp 10 với đặc thù là các nhà trường sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của HS, giảm số môn học bắt buộc. Điều này sẽ không còn phù hợp với việc yêu cầu HS học cùng lúc nhiều môn vì lên THPT có những môn các em không chọn.
Ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 22 với những thay đổi rất tiến bộ và nhân văn, hướng tới việc đánh giá HS chính xác hơn so với các quy định xếp loại trước đây. Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá toàn diện thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện mà Thông tư 22 hướng đến.
“Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn chú trọng Toán, Văn, nhân đôi hệ số các môn này thì các em HS có thể sẽ chỉ học đều ở lớp 6, 7, bắt đầu học lệch dần từ lớp 8 và lớp 9 sẽ tập trung vào các môn thi tuyển” – ông Bình nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm, ông Bình cho rằng hiện nay một số tỉnh không nhân hệ số môn Toán, Văn khi tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là phù hợp, hướng đến giáo dục toàn diện. Còn những địa phương hiện nay thi vào 10 vẫn chỉ có các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc nhân đôi hệ số môn Toán, Văn sẽ phải thay đổi.
Hà Nội nên thay đổi việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới để phù hợp với chương trình GDPT mới. Bởi chương trình GDPT 2018 với những điểm khác biệt cơ bản so với chương trình hiện hành là chuyển từ dạy học tiếp cận trang bị kiến thức sang định hướng dạy học phát triển năng lực đòi hỏi phải có những thay đổi một cách hệ thống trong việc đánh giá học sinh, thay đổi các kỳ thi… (Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)
Hàng loạt địa phương công bố thi vào lớp 10 chỉ có 3 môn
Nhiều địa phương công bố các môn thi vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023 với 3 môn thi, trong đó chủ yếu là: Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Tại Hải Phòng, thí sinh thi vào lớp 10 THPT công lập Hải Phòng sẽ dự thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại Ngữ (Tiếng Anh, Nga, Nhật, Hàn, Pháp, Trung Quốc). Bài thi Toán và Ngữ Văn vào lớp 10 THPT công lập kéo dài 120 phút, điểm hệ số 2. Bài thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm trong 45 phút, tính điểm hệ số 1.
Học sinh Hà Nội trở lại trường sau thời gian dài không đến trường học trực tiếp. Ảnh: TTXVN
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hưng Yên thông báo, thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hưng Yên làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, bài thi tổng hợp. Bài thi tổng hợp gồm 3 môn tổng hợp trong một bài thi (tiếng Anh, môn Khoa học tự nhiên - Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học, môn Khoa học xã hội - Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục công dân).
Sở GD&ĐT quyết định chọn ngẫu nhiên một môn trong số các môn Khoa học tự nhiên và một môn trong số các môn Khoa học xã hội, thông báo cho thí sinh sớm nhất 45 ngày trước khi kết thúc năm học. Thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Hưng Yên làm 4 bài thi, trong đó 3 bài thi chung cùng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và một bài thi môn chuyên.
Theo thông báo của Sở GD&ĐT Ninh Bình, thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT bằng thi 3 bài thi Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp (gồm tiếng Anh và 2 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Giám đốc sở GD&ĐT chọn và công bố tổ hợp các môn thi bài thi tổ hợp chậm nhất vào ngày 15/4.
Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển vào trường THPT chuyên Lương Văn Tụy dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi đại trà và một bài thi chuyên.
Tỉnh Nam Định cho học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập bằng 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Riêng các trường chuyên sẽ thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn chuyên.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Cần Thơ thực hiện 3 bài thi. Trong đó, bài thi môn Toán (thời gian làm bài 120 phút), Ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút) và Ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) (thời gian làm bài 60 phút). Thí sinh dự thi được đăng ký tối đa 5 nguyện vọng.
Tại Bình Dương, thí sinh thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để xét tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, thi vào ngày 1 và 2/6. Những em thi tuyển vào trường THPT chuyên Hùng Vương phải thi thêm môn chuyên vào các ngày 3 và 4/6.
Tại thời điểm xét tuyển, giám đốc sở GD&ĐT quy định về điều kiện xét trúng tuyển đối với những học sinh không thể tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022- 2023 do chịu ảnh hưởng từ yếu tố khách quan, như bệnh nặng phải nhập viện, do dịch bệnh, thiên tai.
Sở GD&ĐT Kon Tum thông báo, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT công lập sẽ theo hai hình thức: xét tuyển kết hợp thi tuyển. Thí sinh thi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh vào ngày 13 và 14/6.
Tại Vĩnh Long, tùy điều kiện thực tế, Sở GD&ĐT thực hiện phương án tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển. Học sinh bắt buộc thi 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.
Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh, học sinh hồi hộp chờ phương án tuyển sinh lớp 10 sẽ được công bố sắp tới. Trong đó nhiều đề xuất về việc Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 bởi những tác động tiêu cực cho việc trở lại trường học trực tiếp của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh trong hai năm qua.
Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, Ngoại ngữ: Đề vừa sức, thí sinh hài lòng Rời khỏi điểm thi sau 2 môn thi đầu tiên, đa phần thí sinh đều nhận xét đề thi vừa sức, thí sinh làm bài ổn nên tâm trạng nhẹ nhàng. Đón con và nghe con nói về đề thi, bài thi, các phụ huynh cũng rất phấn khởi. 11 giờ, các phụ huynh bắt đầu có mặt tại khu vực cổng điểm...