Thí sinh được tham gia phát hiện tiêu cực
Chiều 22/1, Hội nghị công tác thi và tuyển sinh năm 2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã đánh giá lại việc thực hiện các kỳ thi của năm trước và thảo luận nhiều điểm dự kiến đổi mới của Bộ GD-ĐT.
Siết lại kỷ cương, tăng cường xử lý sai phạm là những điểm mới dự kiến có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Sự việc sai phạm nghiêm trọng để xảy ra tình trạng giải bài, ném bài, quay cóp tại điểm thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã được ông Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, nhắc lại khi nhìn nhận những hạn chế của kỳ thi năm trước.
Theo ông Khôi, kết quả chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT năm 2012 cho thấy điểm thi tăng đột biến so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm. Nhiều bài thi chấm sai, chấm không đúng đáp án. Một số lượng đáng kể bài thi có điểm khác biệt so với điểm chấm thẩm định, nhiều bài thi có mức điểm công bố cao hơn so với chấm thẩm định từ 1-2 điểm, cá biệt cao hơn 3 điểm và cao hơn so với đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở nhiều hội đồng thi trong 16 tỉnh sai lệch nhiều so với thực chất.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng được Bộ GD-ĐT thừa nhận xảy ra tình trạng một số đơn vị thu tiền của học sinh để mời giáo viên tập huấn, luyện thi tại địa phương hoặc đưa đội tuyển về Hà Nội tập huấn gây bức xúc cho dư luận.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 được nhận định vẫn còn những sai sót trong coi thi, chấm thi. Tuy nhiên vấn đề bất cập nhất là việc một số trường “vượt rào” trong xác định chỉ tiêu, không chuẩn bị đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường. Một số trường không đạt cả về tiêu chí giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng. Có những trường xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm kiên quyết “nói không” với tiêu cực thi cử và sai phạm trong các khâu của tuyển sinh ĐH-CĐ.
Một trong những giải pháp mạnh là không cấm thí sinh mang thiết bị điện tử có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Cùng với đó là việc mở rộng diện hậu kiểm, chấm thẩm định và công bố công khai kết quả này để dư luận cùng giám sát. Bộ GD-ĐT cũng công bố sẽ tăng cường xử lý sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo ở bậc ĐH-CĐ theo hướng quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu cơ sở đào tạo.
Video đang HOT
Dự kiến năm 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục giao chủ động cho các trường ĐH-CĐ trong công tác xét tuyển với nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt kéo dài ít nhất 20 ngày. Ngoài 10 trường khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng, các trường ĐH-CĐ còn lại duy trì hình thức tuyển sinh theo “ba chung”.
Năm 2013 sẽ bổ sung quy định tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại ba khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm 2013 sẽ ngừng hẳn tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ trái quy định, giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông, giảm chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH theo lộ trình 20%/năm, chấm dứt đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH vào năm 2017.
Theo V. Hà (Tuổi Trẻ)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Coi thi chưa nghiêm túc'
Ngoài nhận định như trên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển còn cho rằng nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn.
- Ông đánh giá thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi?
- Cơ bản là nghiêm túc. Tất cả các khâu được chuẩn bị chu đáo. Năm nay, Bộ GD-ĐT phân cấp cho địa phương nhiều hơn nên các tỉnh có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, khâu coi thi vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn.
Mấy năm trở lại đây, thi cử đã được siết chặt hơn, không còn hiện tượng trèo tường ném đề ra, ném bài vào như trước. Tất nhiên, vẫn chưa làm tốt việc không cho thí sinh sử dụng phao, trao đổi trong phòng thi. Những tiêu cực này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. "Hai không" vẫn có tác dụng chứ không phải không, chúng tôi mong các địa phương làm nghiêm từng bước một. Vụ tiêu cực tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô là "rất cá biệt".
Hình ảnh giám thị để mặc thí sinh quay cóp tại hội đồng trường THPT Dân lập Đồi Ngô. (ảnh cắt ra từ clip).
- Vậy, bao giờ mới có kỳ thi thực sự nghiêm túc, thưa ông?
- Câu hỏi này rất khó trả lời. Có phải chỉ mình mình làm được đâu. Nói gì thì nói, cũng phải công nhận là có sức ép về tỉ lệ tốt nghiệp. Giải quyết sức ép thì chỉ có cách là phải dạy tốt, học tốt.
- Có một thực tế là lãnh đạo địa phương "giao tỉ lệ tốt nghiệp" cho giám đốc Sở GD-ĐT, ông nghĩ sao về việc này?
- Việc địa phương muốn có tỉ lệ tốt nghiệp cao là điều không trách được. Chỉ trách là yêu cầu đó không tính đến thực tế chất lượng đào tạo. Theo tôi, địa phương không nên gây áp lực cho nhà trường. Chỉ vì trước mắt muốn có tỉ lệ tốt nghiệp cao mà phải giả dối thì chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ đi xuống.
Còn một điều tôi muốn nói, đó là sự nương tay của giáo viên đối với học sinh.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5 - TP.HCM) xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
- Bộ GD-ĐT có chịu áp lực về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không? Tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm nay lên đến 98,97%. Ông thấy thế nào với con số này?
- Không. Chúng tôi không chịu áp lực nào cả. Nói thật, tỉ lệ cao nhưng tôi không hẳn vui vì kỳ thi chưa thực sự nghiêm túc, cho dù chất lượng học sinh có tốt hơn.
- Với tỉ lệ cao như vậy, liệu có nên tồn tại một kỳ thi mà ai thi cũng đỗ?
- Tâm lý của học sinh là không thi không học, nếu không thi chất lượng sẽ ra sao?
- Bộ có hướng đổi mới thi cử trong những năm tới?
- Chưa cụ thể nhưng tôi có thể nói việc đánh giá, thi cử sẽ được đổi mới theo 3 hướng. Thứ nhất, nâng cao năng lực đánh giá học sinh trong quá trình dạy học, đồng thời đa dạng các hình thức đánh giá.
Thứ hai, kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học với đánh giá tổng kết cuối năm, cuối cấp. Việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, đặc biệt là bỏ thi tốt nghiệp THCS lẽ ra phải được bù lại bằng việc đánh giá trong quá trình dạy thì mình làm chưa tốt, chưa bù được việc bỏ một kỳ thi.
Thứ ba, sẽ đánh giá trên diện rộng, trong toàn quốc để thấy được mặt bằng chất lượng đào tạo. Qua đó, sẽ đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách phù hợp. Khi có chương trình và sách giáo khoa mới, bộ sẽ triển khai việc thay đổi đánh giá và lúc ấy, kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều.
Có lọt người lọt tội trong vụ Đồi Ngô? Trong kết luận thanh tra vụ tiêu cực thi cử ở hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Sở GD-ĐT Bắc Giang chỉ cho rằng lãnh đạo hội đồng coi thi buông lỏng công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát kỳ thi, không phát hiện tiêu cực. Thế nhưng, trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật do có hiện tượng làm lộ đề, đưa đề ra khỏi khu vực thi và gian lận thi cử có tổ chức. Trước đó, trong công văn ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định qua xem xét ban đầu cho thấy trong quá trình tổ chức thi, một số cán bộ nhà trường và hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng quy chế, để thí sinh quay cóp, nhìn bài của nhau và có dấu hiệu giải bài từ ngoài đưa vào. Liên quan đến vụ này, mới đây, ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Phòng Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa Tư tưởng Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết do các clip được cung cấp nhỏ giọt nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, vụ việc chưa có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật, chỉ do một số giáo viên làm với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, cách trả lời của ông Bảy khiến nhiều người không đồng ý. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa phân tích người sắp xếp vụ việc trước khi thi ở hội đồng này là hiệu trưởng, hiệu phó Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Không có việc giáo viên và nhân viên tự ý làm khi chưa có sự phân công của lãnh đạo trường. Trong khi 6 giáo viên vi phạm bị kiến nghị sa thải thì hiệu trưởng, hiệu phó của trường lại chỉ bị kiến nghị "không công nhận chức vụ quản lý" là quá vô lý. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ở hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô rõ ràng là có tổ chức đưa bài giải từ ngoài vào cho thí sinh, điều này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn làm lộ bí mật đề thi, vốn được coi là bí mật quốc gia. Vì vậy, phải xử thật nghiêm người đứng ra tổ chức gian lận chứ không chỉ xử giáo viên. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ sẽ xem xét kết luận của thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang và nếu cần thiết sẽ có ý kiến với Sở GD-ĐT cũng như UBND tỉnh Bắc Giang.
Theo Người Lao động
Bệnh "thích tôn vinh" Dư luận cả nước đang xôn xao trước vụ gian lận trong việc tổ chức kì thi tốt nghiệp phổ thông vừa diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tại hội đồng thi này, giám thị cố ý phớt lờ để cho các thí sinh tự do, thoải mái quay cóp. Tệ hơn, giám...