‘Tôi không nhớ nổi mình đã quay cóp bao nhiêu lần’
Con thi nhưng cả nhà vào cuộc, bố mẹ cũng hí hoáy chép lời giải Toán, tiếng Anh rồi bật tường, vượt mương để ném lời giải vào phòng thi.
Hình ảnh trong clip gian lận trong phòng thi tại Bắc Giang.
Sau hàng loạt clip và những hình ảnh phản ánh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) được đăng tải, các báo nhận được hàng trăm lá thư bày tỏ sự bức xúc, thất vọng vì sự gian dối của chính những người coi thi, sự gian dối của chính những giáo viên – những người luôn tự hào gắn bó với “nghiệp trồng người”. Bên cạnh những quan điểm thể hiện sự bất ngờ, hay “sốc” trước những hình ảnh gian lận có tính hệ thống ấy, thì cũng có nhiều độc giả lại cho rằng “đó là chuyện quá đỗi bình thường”, vấn đề là ở những hội đồng thi khác không đặt máy quay, còn nếu có thì cũng sẽ phát hiện ra tiêu cực. Xin gửi tới bạn đọc chia sẻ của độc giả Bùi Kim Hà về vấn đề này.
Những vụ gian lận trong thi cử trong quá khứ khiến dư luận “sôi sục” không ít. Mỗi lần như vậy tất cả lại nói về đổi mới giáo dục, hay chí ít là một thay đổi nào đó để làm trong sạch môi trường giáo dục, ấy vậy mà rồi “đâu vẫn đóng đấy”. Mở đầu là năm 2006, những bằng chứng về việc giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A nhận tiền “bồi dưỡng” thi cử của học sinh, hay năm 2007 hai thanh tra Bộ GD & ĐT phát hiện cán bộ hội đồng nhà trường đang photo lời giải tại phòng y tế của trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh… Những chuyện như vậy đã lý giải vì sao hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các trường rất cao, có người bảo đó là chạy theo bệnh thành tích, cũng có người bảo học xong rồi thì cho tốt nghiệp chứ giữ lại làm gì (?).
Con thi nhưng cả nhà vào cuộc, bố mẹ cũng hí hoáy chép lời giải Toán, tiếng Anh rồi bật tường, vượt mương để ném lời giải vào phòng thi. Xã tôi hồi đó, có phải ai cũng giỏi tiếng Anh đâu, chúng tôi “một chữ bẻ đôi không biết”. Một người làm, đặt dưới lời giải là hàng chục tờ giấy than (giấy để sao chép – PV). Phao ném loạn xạ, người coi thi bỏ ra ngoài hoặc cố tình làm ngơ để dưới học sinh chép, quay ngược xuôi hỏi nhau. Thậm chí có nhiều bạn chép sai, chữ viết vội chẳng đọc nổi chữ gì… nhưng cứ chép cái đã, vì không chép thì cũng ngồi vậy, có biết gì đâu mà làm. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy thật xót xa!
Trong suốt hơn chục năm học, tôi không nhớ mình mang phao, mang tài liệu hay quay cóp bạn bao nhiêu lần nữa. Lên cấp 3, chuyện mở tài liệu xảy ra như cơm bữa, nhất là đối với những môn phải học thuộc lòng như Văn, Sử, Địa. Buồn nhất là tôi và nhiều bạn khác phải mở tài liệu ngay khi kiểm tra 15 phút với những môn như Giáo dục công dân. Vì thế, khi xem những clip gian lận thi cử tốt nghiệp ở Bắc Giang (những hình ảnh thí sinh hý hoáy mở tài liệu), tôi không thấy bất ngờ hay sốc vì đó là chuyện bình thường. Chỉ có điều, việc nhà trường tổ chức giải đề thi, rồi photo cho học sinh thì… đúng là khó có thể chấp nhận được.
Tất nhiên, thời chúng tôi học ở quê không hề có nhiều máy móc hiện đại như bây giờ, để photo cũng phải đi xa vài cây số, chưa kể đến “công nghệ làm phao”, làm “ruột mèo” thì càng không có. Tôi còn nhớ khi tôi học đại học, người bạn của tôi còn chuẩn bị phao, đánh dấu, sắp xếp và ghi nhớ các câu thứ tự theo trình tự túi quần, áo để thuận tiện lấy nhanh nhất. Nhưng giờ, nhiều thủ thuật, chiêu thức quay cóp hiện đại, tinh vi hơn rất nhiều, khiến nhiều giáo viên phải bó tay. Hết “ruột mèo” cho túi quần, túi áo hay dùng điện thoại… thậm chí là chép ra đùi thì khó đỡ được.
Một vấn đề dễ dàng nhận ra là nếu học sinh bị điểm kém, trường không đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao thì sẽ bị “tuyên dương”, bị nhắc nhở, khiển trách… Vậy, để có thành tích cao thì đương nhiên họ phải ra sức làm cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần đạt 100%. Và tất nhiên, từ trên xuống dưới sẽ buông lỏng cho học sinh quay cóp, gian lận. Có một chuyên gia nhận định rằng do chương trình giảng dạy quá nặng, dẫn đến học sinh có nhiều sức ép, có nên giảm tải đề thi không. Tôi không đồng ý, nếu giảm nữa thì chất lượng giáo dục sẽ đi đến đâu, về đâu?
Tôi nghĩ, để hạn chế tiêu cực trong thi cử, điều quan trọng ở người thầy, người quản lý giáo dục phải nghiêm, không buông lỏng thì làm sao học sinh dám quay cóp? Họ vẫn nhiễm “bệnh thành tích”, nó mang tính cố hữu. Thay đổi trước tiên chính là ở ý thức của người học, cái tâm của người thầy, cái tài của người lãnh đạo.
Video đang HOT
Theo Giáo Dục
Học trò phản ứng 'trái khoáy' với clip tiêu cực ở Bắc Giang
Trong khi người lớn rất đồng tình với sự việc công bố clip gian lận trong phòng thi thì một số bạn trẻ lại "ném đá", họ cho rằng "đã được cho quay bài lại còn đăng lên mạng".
Đề Văn và sự phản ứng kỳ lạ về thói dối trá
Đề thi tốt nghiệp phần tự luận môn Ngữ văn năm nay được được đánh giá là mở, thú vị. Cụ thể, đề thi yêu cầu thí sinh cho biết ý kiến của mình về vấn đề "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội".
Tuy nhiên, chỉ khi kết thúc môn thi cuối cùng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo họp tổng kết kỳ rằng "nghiêm túc, đúng quy chế" thì ngay lập tức một sự gian dối bị phơi bày. Đó là cảnh giám thị ném phao thi, thí sinh sử dụng tài liệu, quay cóp tại hội đồng trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Không chỉ quay cóp trong môn Hóa, thí sinh tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô được giám thị làm ngơ cho sử dụng tài liệu trong tất cả các môn khác. (Hình ảnh thí sinh dùng tài liệu trong môn Toán).
Dư luận sốc, bất bình với những người có chức năng liên quan. Bên cạnh đó là cuộc tranh cãi về mục đích của hai người trực tiếp giúp clip đến với các đơn vị truyền thông, sau đó là công khai trên toàn bộ các loại hình báo chí.
Riêng về người thực hiện clip này, cậu học trò tên S. thì hầu hết nhận được sự cảm thông của cộng đồng. Bởi họ không đồng tình với sự dối trá, bởi với những khẩu hiệu cải cách giáo dục, chống tiêu cực trong thi cử... đang ngày được người dân mong muốn trở thành hành động rõ ràng, hiệu quả. Và sự việc xuất hiện tràn lan hình ảnh gian lận sẽ bộc lộ rõ những tiêu cực còn tồn động trong hệ thống giáo dục nước nhà.
Thế nhưng, một số bộ phận trong giới trẻ lại có cách phản ứng khiến người lớn sẽ không khỏi lo lắng. Với những tin tức đưa về vụ việc, đặc biệt là về cậu học trò ghi clip. Các bạn này cho rằng: được thầy cô hỗ trợ chép bài thì phải giấu đi, sao phải vạch ra, để rồi tất cả sẽ bị trượt.
Những ngày vừa qua, sẽ không khó để thấy hàng loạt những câu như: "Người ta quên học thôi, có sao đâu mà đăng lên mạng sỉ nhục người ta", "sướng còn không biết hưởng, tự nhiên hại mình hại cả người".
Trên các diễn đàn, trang mạng có không ít những câu đồng tình với việc gian lận trong thi cử.
Thậm chí, có bạn trẻ còn hùng hổ dọa "xử", đòi lập hội truy lùng thí sinh đã quay clip, vì cho rằng cậu học trò này "ngu", được cho quay bài rồi còn tung lên mạng kéo theo cả phòng thi bị liên lụy.
Với những người lên án vụ việc, có thành viên còn khẳng định: "Ai đi thi mà chẳng dùng tài liệu, các anh chị nhớ lại coi thời mình đi thi tốt nghiệp có dùng phao không? Trước khi nói người khác hãy xem lại mình".
Và có lẽ, những thầy cô trong hội đồng thi của trường THPT Dân lập Đồi Ngô sẽ bất ngờ hơn khi giữa búa rìu dư luận vẫn có những sự đồng tình về hành vi của mình, như ý kiến của một học trò: "Dù sao cũng cảm ơn các thầy cô, họ vì yêu quý học sinh nên mới cho quay bài".
Theo luồng ý kiến này, dường như đề Văn về thói dối trá đã trôi đi từ phương trời nào chứ không phải vừa diễn ra gần đây và chính các bạn là những người làm bài luận về nó.
Áp lực học hành tác động tới sự trung thực?
Trong sự việc này, có hai vấn đề mà các bạn tuổi teen nói đến nhiều nhất, đó là thí sinh quay clip là "tội đồ" hay "anh hùng".
Về việc "anh hùng" hay "tội đồ", ngay cả các vị lãnh đạo trong ngành giáo dục, các đại biểu quốc hội cũng cho rằng, cậu học trò quay clip công nhiều hơn tội. Như ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: "Xét cho cùng, thí sinh S. có công hơn có tội vì S. đã tiếp tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo về một kỳ thi quốc gia nữa thất bại".
Thế nhưng, trong các cuộc chiến trên cộng đồng mạng, điều này đang ngược lại, có không ít lý lẽ bảo vệ S. và khẳng định không nên gian lận trong thi cử, nhưng nó khá yếu ớt so với số đông, mà những ví dụ như trên là một minh chứng.
Vậy điều gì đã tác động đến sự đồng tình này? Chính bản thân những phản hồi trên mạng cũng đã khẳng định điều này, đó là áp lực học hành, thi cử. Kiến thức quá nhiều, học nhiều môn, thi những khối mình không ôn để thi đại học....
"Chúng mình phải học quá nhiều, thi thì tới 6 môn, nhiều môn học thuộc, làm sao mà có thể nhớ được hết kiến thức để tự tin làm bài. Cho nên quay cóp là đúng rồi" - một em học sinh khẳng định như vậy, và ý kiến này nhận được rất nhiều dấu "like" (thích) của các bạn trẻ.
Trong thư gửi về tòa soạn, một độc giả trẻ cũng rất bức xúc về nguyên nhân của việc sai phạm: "Ném phao thi cho học sinh là sai, nhưng thử hỏi, các học sinh năm trước vì đâu mà đỗ? 12 năm đi học, không được chữ nào trong đầu mà phải nhờ đến phao thi, xin hỏi mọi người, trong lúc căng thẳng như vậy thì ai còn nhớ đến những kiến thức? Đến phiếu dự thi còn quên huống chi là bài đã học từ rất lâu".
Có lẽ vì vậy mà trong cuộc khảo sát của chúng tôi về việc nên làm gì để giảm tối thiểu gian lận trong thi cử, trong tổng số 5.116 bình chọn (tính đến ngày 13/6), có tới 3.507 người đồng ý với phương án bỏ kỳ thi tốt nghiệp (chiếm 71%), 818 người ủng hộ ý kiến lắp camera tại các phòng thi (theo đề xuất của một số bậc tri thức) - chiếm 15%, 565 phiếu lựa chọn giải pháp giảm tải chương trình học và một số môn thi tốt nghiệp - 11%.
Bảng khảo sát về giải pháp tiêu cực trong giáo dục
Tuy nhiên, sâu xa của vấn đề này không phải ở chỗ có bỏ thi tốt nghiệp hay không, bởi nếu thay vì xét tuyển thì với sự học hành quá tải, bệnh thành tích nặng như hiện nay thì những tiêu cực trong giáo dục vẫn sẽ khó được khắc phục.
Như lời của Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh trong bài viết Tôi thất vọng về cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên nhân của tiêu cực trong giáo dục là do "lòng tham của con người". Và theo ông "để khắc phục điều này, thì đó là công việc của giáo dục. Mọi người dân, đặc biệt là những người làm giáo dục, phải thấm nhuần triết lý giáo dục. Đó là: trước tiên hãy dạy người ta làm người, sau đó dạy người ta làm nghề".
Diễn biến mới về vụ tiêu cực trong thi tốt nghiệp ở Bắc Giang
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã nhờ cơ quan công an vào cuộc, vì dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng đã nhận thấy có lỗi của hội đồng thi vi phạm quy chế thi và lỗi của từng cá nhân trong hội đồng thi. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa - người đăng tải và chuyển clip cho các đơn vị truyền thông cho biết còn những clip gian lận ở các hội đồng khác chứ không riêng ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Anh N.D.N, người gửi clip cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết sẽ tiếp tục tố cáo 37 sai phạm của trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Một trường Cao đẳng và một doanh nghiệp ở Bắc Ninh sẵn sàng nhận em S. - thí sinh quay clip vào học và tạo điều kiện làm việc. Dự kiến, ngày 18/6 sẽ có kết luận về vụ tiêu cực
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet
Thanh tra giáo dục sinh ra để làm gì? Bộ GD-ĐT vừa ra văn bản xem xét, xử lý những sai phạm thi cử tại trường Đồi Ngô. Điều lạ lùng là ngành giáo dục với bộ phận thanh tra kềnh càng lại không thể tự làm một việc cỏn con trong phạm vi phòng thi là: xác minh thí sinh quay phim vi phạm quy chế. Tất cả trách nhiệm đùn...