Thế giới ghi nhận 140,7 triệu ca mắc, trên 3 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 17/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 140.767.012 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 3.015.695 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 119.511.619 người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2021. Ảnh:THX/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 580.021 ca tử vong trong tổng số 32.310.695 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 175.973 ca tử vong trong số 14.607.283 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 369.024 ca tử vong trong số 13.834.342 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 265 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 256 người và Bosnia-Herzegovina với 237 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 47,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 857.100 ca tử vong trong hơn 26,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 589.700 ca tử vong trong hơn 32,6 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 294.000 ca tử vong trong hơn 20,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 121.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 117.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận 234.692 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Ấn Độ ở mức trên 200.000 ca/ngày và là mức tăng kỷ lục thứ 8 trong 9 ngày qua.
Video đang HOT
Bang Maharashtra và thủ đô New Delhi đang chứng kiến số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ trước đến nay, lần lượt là 63.729 và 19.486 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhà chức trách Ấn Độ đã hạn chế hoạt động đi lại của hơn 50% dân số, với việc 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang của nước này, trong đó có Maharashtra và Delhi, áp đặt các biện pháp hạn chế bằng hình thức giới nghiêm ban đêm hoặc giới nghiêm cuối tuần và những hạn chế khác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chiều 17/4, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 759 trường hợp mới mắc COVID-19 trong 24 giờ qua – đây là con số thống kê theo ngày cao nhất ở thành phố này kể từ cuối tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh Nhật Bản đang oằn mình ứng phó đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19. Một số tỉnh của Nhật Bản đã xác nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua, trong đó tỉnh Hyogo ở miền Tây Nhật Bản có 541 trường hợp, tỉnh Okinawa ở miền Nam có 167 trường hợp và tỉnh Tokushima ở miền Tây ghi nhận 44 trường hợp. Với 1.161 ca mắc mới, tỉnh Osaka đã có ngày thứ 5 liên tiếp chứng kiến số ca mắc mới vượt mốc 1.000 trường hợp. Trong khi đó, tỉnh Kanagawa, gần thủ đô Tokyo, cũng ghi nhận 247 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 – mức cao nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào tháng 3 vừa qua.
Đầu tuần này, chính quyền thủ đô Tokyo đã siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch. Các biện pháp tăng cường này sẽ được áp dụng đến hết ngày 11/5 tới, trong đó yêu cầu các nhà hàng và quán bar ở những khu vực đông dân cư đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện lớn có trên 5.000 người tham gia. Các quy định tương tự cũng được áp dụng tại tỉnh Kyoto, Okinawa, Osaka, Hyogo và Miyagi.
Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 291 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong số này có 290 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục phức tạp với tổng cộng 5.771 ca lây nhiễm (2.416 người đã bình phục) khi thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao bước sang ngày phong tỏa thứ ba.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 16/4 cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại hai khu vực trên và mở rộng ra một số tỉnh khác tại Campuchia. Ông Hun Sen khẳng định nếu không có sự hợp tác của người dân, mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 sẽ khó có thể thực hiện. Người đứng đầu chính phủ tuyên bố những người dân đã bỏ về quê tại các tỉnh trong dịp Tết Chol Chhnam Thmey cổ truyền sẽ không được phép quay trở lại thủ đô trong thời gian phong tỏa (từ ngày 15-28/4).
Người dân đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan cũng phát hiện thêm 1.547 bệnh nhân COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 40.585 người. Trong số các trường hợp mới phát hiện, có tới 1.544 ca lây nhiễm nội địa. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 2 trường hợp tử vong (đều là nam giới ở độ tuổi 38 và 51), nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 99 người. Tính đến hết ngày 16/4, Thái Lan đã triển khai tiêm phòng tổng cộng 605.259 liều vaccine ngừa COVID-19.
Chiều 17/4, Bộ Y tế Lào xác nhận nước này đã có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 58 người, trong đó có 1 ca nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là ca nhiễm thứ 3 liên quan tới hành vi nhập cảnh bất hợp pháp trong vòng 1 tuần qua tại Lào. Đến thời điểm hiện tại, Lào vẫn chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng gia tăng tại Lào trong những ngày qua, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng của Lào là Thái Lan và Campuchia đang có đợt bùng phát nghiêm trọng.
Tương tự, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận 11.101 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 926.052 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện là 15.810 người, sau khi có thêm 72 bệnh nhân không qua khỏi đại dịch.
Tại châu Âu, giới chức y tế Bulgaria cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 15.100 người, sau khi có thêm 121 trường hợp mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới cũng tăng thêm 2.126 trường hợp, lên 384.887 trường hợp.
Theo số liệu thống kê của trường Đại học Oxford, Bulgaria là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU) – khoảng 3,91%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này cũng thấp nhất trong EU, chỉ đạt tỷ lệ 8,93 trên 100 dân.
Ấn Độ, Pháp nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương
Ngày 13/4, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, thảo luận tất cả các khía cạnh của quan hệ chiến lược song phương cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu.
Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar. Anh: Reuters
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, tại cuộc hội đàm, nội dung trao đổi đáng chú ý nhất giữa hai ngoại trưởng là cách thức tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có cơ chế ba bên với Australia để giải quyết các thách thức đang nổi lên trong lĩnh vực hàng hải và không gian. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, phía Pháp đã quyết định tham gia Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI). Hai bên cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cuộc thảo luận về hiệp định thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Pháp Le Drian đang có chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày để thúc đẩy hợp tác song phương trong một loạt lĩnh vực quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Le Drian dự kiến có cuộc gặp với Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar và tham dự Đối thoại Raisina.
Ấn Độ và Pháp đang thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Pháp tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực song phương và đa phương, gồm cả tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ nhóm "Bộ tứ" trong thời gian vừa qua.
Lý do Ấn Độ phản đối chiến hạm Mỹ di chuyển qua lãnh hải New Delhi đã kháng nghị Washington về việc tàu Hải quân Mỹ rẽ sóng qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Ấn Độ khi chưa được sự cho phép. Chiến hạm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong cuộc tập trận chung tại biển Bắc Arab năm 2020. Ảnh: AP Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho...