Thầy cô sáng tạo khi dạy online
Cô Trương Thu, giáo viên Lịch sử ở Hà Nội, tổ chức buổi học online với những câu hỏi như chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Rung chuông vàng.
Từ ngày 4/2, khi Hà Nội mới cho học sinh nghỉ một tuần phòng Covid-19, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức dạy online. Song song với ghi hình bài giảng đăng lên kênh Youtube, trường còn tổ chức các buổi livestream trên Facebook và thầy cô chủ động dạy qua các ứng dụng như Zoom để ôn luyện và cung cấp kiến thức cho học sinh.
Ở các buổi livestream, bài giảng môn Lịch sử lớp 12 của cô Trương Thu luôn thu hút nhiều người theo dõi. Do phát trên Facebook của trường, không chỉ học sinh lớp 12 mà cả các em lớp dưới hay phụ huynh cũng có thể cùng xem và tương tác.
Cô Trương Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong bài giảng “Đất nước hiểm nghèo sau Cách Mạng Tháng Tám 1945″. Ảnh cắt từ video bài giảng.
Cô Thu cho hay từ ngày chuyển sang dạy trực tuyến thay vì trực tiếp, cô phải thay đổi phong cách giảng dạy rất nhiều, đưa vào nhiều hình thức mới để gây hứng thú cho học sinh. “Khi dạy online, đa số lựa chọn cách thuyết trình vì dễ làm nhất nhưng nó khá nhàm chán. Nếu giáo viên nào cũng giảng theo hình thức đó, học sinh rất mệt mỏi. Vì vậy, tôi quyết định phải làm mọi cách để học sinh được tương tác, thể hiện khả năng hiểu biết và sự cạnh tranh”, cô Thu nói.
Bài giảng online đầu tiên trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch là ôn lại kiến thức cũ, cô Thu đưa vào trò chơi tương tự phần Vượt chướng ngại vật của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Học sinh được chọn ô hàng ngang gợi ý, cô đọc câu hỏi, các em trả lời tương tác bằng cách bình luận trực tiếp dưới video. Mỗi từ hàng ngang được lật mở, cô Thu lại giảng phần nội dung kiến thức xoay quanh đó. Tất cả liên quan đến chướng ngại vật cuối cùng, cũng là chủ đề của bài học.
Ở một lần khác, cô cho học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua các trò chơi tương tự chương trình Ai là triệu phú hay Rung chuông vàng. Bạn nào có nhiều câu trả lời đúng, nhanh và chính xác sẽ được nhận phần quà.
Theo cô Thu, vì có tính cạnh tranh, học sinh rất hào hứng thể hiện kiến thức của mình, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Không chỉ khi livestream, cả khi dạy qua Zoom, cô cũng áp dụng các trò chơi vào bài giảng.
Ngoài đưa vào bài giảng các trò chơi giải trí, cô Thu còn chú trọng việc sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu, đồ họa, video, cả âm nhạc và phim ảnh. “Không có bảng, khó sử dụng ngôn ngữ cơ thể để nhấn nhá, cũng không đến từng bàn chỉ bảo các con được nên giáo viên phải phát huy hết khả năng sử dụng công nghệ thông tin, đồ họa để cho ra bài giảng hấp dẫn và đổi mới nhất”, cô giáo 45 tuổi nói.
Cũng theo giáo viên này, môn Sử khiến nhiều học sinh sợ hãi vì phải ghi nhớ nhiều. Nếu thiết kế bài giảng thành các slide toàn chữ, ghi rất nhiều đầu mục, học sinh sẽ khó khăn trong việc ghi nhớ, tóm tắt. Vì vậy, cô thường biến nội dung trong sách thành sơ đồ tư duy (mindmap) theo chủ đề để học sinh có thể chia nhánh, phát triển ý. Khi mindmap hiện trên màn hình, các em cũng có thể chụp lại để xem bất cứ khi nào, ngay cả khi không có mạng.
Ngoài ra, cô thường tóm tắt các sự kiện lịch sử thành timeline. Với nội dung phải học trong nhiều ngày, học sinh chỉ cần nhìn vào một trang “timeline” là khái quát và nhớ được một cách logic.
Không chỉ sáng tạo trong cách dạy, môn Sử còn được thầy cô đổi mới trong cách ra đề kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ phòng dịch. Đầu tháng 3, bên cạnh việc dạy trực tuyến, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) ra đề kiểm tra 15 phút yêu cầu học sinh thể hiện sự hiểu biết về một nhân vật lịch sử Việt Nam bằng hình thức tự chọn. Thầy gợi ý các em có thể thiết kế sơ đồ tư duy, vẽ tranh, làm video không quá 3 phút.
Tổ Sử lập một Fanpage Vietnamese Heroes để học sinh ba khối 10, 11, 12 “nộp” bài tập, đồng thời giới thiệu sản phẩm cho bạn bè cả trường cùng xem. Từ đầu tháng 4, thầy cô khi chấm bài đã bất ngờ khi nhận được nhiều bài làm hay, vượt xa sự mong đợi.
Có học sinh thiết kế trang Facebook cho vị tướng Trần Hưng Đạo với đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, tước hiệu được sắc phong và những chiến thắng lẫy lừng dưới sự lãnh đạo của ông. Một nữ sinh lớp 11 thì chọn hình ảnh Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thiết kế thành trang báo “Những anh hùng Việt Nam” với thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và công lao của ông. Một em khác lại chọn nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để làm bìa một cuốn tạp chí; có em lại thể hiện kể chuyện cuộc đời của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm bằng một bài hát rap.
“Dường như các em đã dùng hết sự năng động, sáng tạo của mình ở từng sản phẩm. Tìm hiểu về nhân vật lịch sử luôn mang đến những hứng thú cho học sinh, thay vì những diễn biến, con số, địa danh khô khan”, thầy Du nói.
Video đang HOT
Tiểu sử vị tướng Trần Hưng Đạo được học sinh thiết kế như một trang cá nhân trên Facebook. Ảnh: Vietnamese Heroes.
Từ kết quả bài kiểm tra mang tính tình thế này, thầy Du cho rằng Lịch sử không phải là môn học nhàm chán, học sinh cũng không chán sử mà thầy cô cần thay đổi cách truyền tải. “Hiện các em có thể dễ dàng tìm bất cứ tiểu sử, diễn biến cuộc chiến, hình ảnh, tư liệu phong phú về giai đoạn lịch sử trên mạng. Thầy cô nên khơi gợi, cho các em những khoảng sáng tạo, chắc chắn sẽ đem lại hứng thú và hiệu quả nhất định”, thầy nói.
Tại trường THPT Nguyễn Du, từ giữa tháng 2, hơn 100 giáo viên bắt đầu dạy E-learning thông qua phần mềm 789, gửi bài qua Zalo, Facebook. Ngoài ra, các tổ bộ môn còn tổ chức quay các bài giảng mới, rèn kỹ năng làm bài thi đưa lên Facebook để học sinh 12 tự học.
Với chuyên môn Hóa học, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cũng tham gia ôn tập, luyện giải đề minh họa cho học sinh. “Một phần do dịch bệnh, nhà trường cũng hạn chế để thầy cô lên trường, chỉ trực ban giám hiệu nên tôi tranh thủ làm video ôn bài cho các em luôn”, thầy Phú chia sẻ.
Đúc kết từ nhiều năm đi dạy, thầy Phú làm video bài giảng về các dạng cân bằng phản ứng hoá học cơ bản mà học sinh thường gặp và đặt tên là “phương pháp cân bằng HTP”. Video dài 17 phút đăng trên trang cá nhân của thầy thu hút hơn 5.000 lượt xem và hàng trăm chia sẻ. Đa số hứng thú vì nội dung hài hước, dễ nhớ.
Ngoài bài học, các bài giảng của thầy hiệu trưởng cũng lồng ghép những lưu ý trong quá trình ôn tập thi THPT quốc gia, nhắc nhở về giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch. “Thông điệp mà tôi muốn gửi tới các em là Ban giám hiệu và thầy cô trong trường luôn ở bên các em, dù trong bất cứ khó khăn nào. Tất cả phải cố gắng để vượt qua đại dịch”, thầy Phú chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (trường THPT Nguyễn Du, TP HCM) trong một bài ôn Hoá học cho học sinh khối 12 của trường hồi đầu tháng 4. Ảnh: THPT Nguyễn Du.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.
Mạnh Tùng – Dương Tâm
Thi THPT quốc gia: Ráo riết học ôn trực tuyến
Dù nghỉ học tránh dịch COVID-19 nhưng các trường vẫn triển khai dạy học trực tuyến để bổ sung kiến thức cho các em. Đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, việc ôn tập cho học sinh (HS) lớp 12 trở nên khẩn trương hơn.
Học trực tuyến là phương pháp được nhiều trường sử dụng trong mùa dịch COVID-19
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa THPT quốc gia. Đề thi phù hợp với việc tinh giản chương trình do HS phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh.
Thời khóa biểu rõ ràng
Nghỉ hơn hai tháng phòng COVID-19, Lê Anh Hào, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 không dám sao nhãng việc học vì phải chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
"Dù học ở nhà nhưng em có một thời gian biểu rõ ràng. 9 giờ sáng mỗi ngày em sẽ làm bài tập các thầy cô giao, đọc thêm sách và nghiên cứu đề cương. 2 giờ chiều thứ Hai, Tư, Sáu em sẽ học môn toán với giáo viên đến 4 giờ. Sau đó đến 18 giờ em sẽ học tiếp môn tiếng Anh đến 20 giờ" - Hào nói.
Hào cho biết phương pháp này khó có thể bằng việc học trực tiếp với thầy cô. Thế nhưng việc học trực tuyến đã phần nào giúp em nắm kiến thức, trao đổi với thầy cô, bạn bè dù chỉ qua màn hình.
Học sinh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC
"Hiện em cũng khá lo lắng vì dù học online nhưng lượng kiến thức khó có thể bằng với việc em đến trường. Em đã xem qua đề minh họa của bộ. Với đề thi môn toán em có thể làm được khoảng 90% trong thời gian ngắn nhưng liệu đề thi thật có như vậy không. Em chỉ sợ bộ sẽ ra những nội dung kiến thức mà tụi em chưa được ôn tập kỹ".
"Em mong đề thi sắp tới có thể giảm bớt một số kiến thức không cần thiết. Và Bộ cũng nên tổ chức một số kỳ thi thử để đánh giá năng lực của học sinh" - Hào bày tỏ.
Tương tự, thời gian này Ngọc Hân, lớp 12 Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6 cũng chuyển sang hình thức học online với các môn thi THPT quốc gia.
Trường cũng đã chia ra thời khóa biểu cho các tổ hợp. Nếu bạn nào đăng ký tổ hợp KHTN thì thời gian học những môn này sẽ nhiều hơn các môn khác và ngược lại.
"Em học đều các môn nhưng vẫn thích nhất môn văn vì cách dạy ấn tượng của cô. Ngoài việc học trực tuyến với cô, tụi em còn xem những bài giảng cô đã ghi hình đăng trên YouTube để bổ sung thêm kiến thức. Đặc biệt cô thường xuyên ra đề yêu cầu chúng em làm. Những bạn nào làm tốt sẽ nhận được phần thưởng là một cuốn sách hay một móc khóa. Chính điều đó đã khuyến khích chúng em học nhiều hơn" - Hân nói.
Hân chia sẻ thêm, dường như lo lắng cho kỳ thi sắp tới nên hiện tại các bạn đều tham gia học rất đông đủ. Thế nhưng việc học vẫn gặp khó khăn như mạng yếu, khó có sự tương tác cao. "Do đó, em mong sao dịch COVID sớm được đẩy lùi để chúng em sớm được trở lại trường" - Hân nói thêm.
Khẩn trương lên kế hoạch ôn tập
Bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1 cho hay ngay sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo, trường đã triển khai kế hoạch cho các tổ. Hiện các tổ đang căn cứ vào đề thi để soạn đề cũng như tổ chức các chuyên đề ôn tập phù hợp với tình hình.
Cùng với nhà trường, các thầy cô lại có cách làm riêng để HS đạt được kết quả cao nhất.
Cô Ái Linh, giáo viên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang dạy học trực tuyến. Ảnh: NVCC
Khi có đề minh họa, thầy Bùi Xuân Long, giáo viên Trường THPT Ten Lơ Man đã bắt tay vào nghiên cứu và soạn những bộ đề tương tự.
"Đối với các em theo tổ hợp KHXH tôi tập trung đến 35 câu đầu tiên, còn những em theo ban tự nhiên, tôi cố gắng đến câu 45. Bởi với HS trường tôi, khả năng các em có thể làm được đến câu 50 là rất hiếm".
"Do tình hình dịch, các em không thể đến trường nên tôi tăng cường dạy online. Tôi soạn file word để chia sẻ với các em, còn file powerpoint tôi sẽ trình chiếu qua zoom. Hiện tôi đã mua bản quyền zoom để thời gian dạy lâu hơn, có nhiều tính năng giúp việc dạy hiệu quả hơn. Tuy nhiên việc học muốn có kết quả phụ thuộc vào sự tự giác của HS. Lớp tôi dạy là lớp chọn có đến 50 em nhưng chỉ có 30 em tương tác thôi" - thầy Long bày tỏ.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 tiến hành phân tích, lên ma trận đề thi để xem nội dung thi tập trung những phần nào.
Bên cạnh việc dạy trực tuyến cho HS, sắp tới thầy sẽ thực hiện những chuyên đề phù hợp với nội dung Bộ đã giảm tại cũng như nội dung đề đã công bố để các em nắm thêm.
"Ban đầu mới triển khai học trực tuyến, các em còn lơ là. Mặt khác, mạng yếu cũng là một rào cản khiến việc học chưa hiệu quả. Để khắc phục, ngoài việc tương tác trực tiếp, tôi còn tự quay các video gửi qua các group để các em tự nghiên cứu. Đến thời điểm này, các em đã chăm chú học hơn. Nhiều em sợ hổng kiến thức không đáp ứng được kỳ thi đã chủ động nhắn tin hỏi tôi về chuyện bài vở".
"Nếu dịch kéo dài, kỳ thi vẫn sẽ diễn ra, tôi mong Sở cũng như Bộ sẽ cung cấp một hệ thống phần mềm thống nhất dạy trực tuyến cho giáo viên. Bởi hiện nay các thầy cô đang mạnh ai nấy làm. Hơn nưa, tôi cũng mong ban ra đề sẽ cho một đề thi phù hợp với tình hình thực tế để các em không quá áp lực. Bởi đây là một năm học đầy khó khăn với thầy trò vì không thể đến trường" - thầy Thịnh nói.
Để khuyến khích HS đến với những giờ dạy trực tuyến, cô Ái Linh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6, lại có bí quyết riêng.
Cô Linh thừa nhận nếu em nào siêng sẽ tự giác học, còn em nào không thích thì rất khó. Do đó để các em thích thú với việc học, cô thường đầu tư vào bài giảng và thường có những phần thưởng nếu HS làm bài tốt.
"Với đề thi minh họa của bộ, tôi thấy nhẹ nhàng hơn so với các năm khác. Nhưng không vì thế mà tôi chủ quan khi ôn tập cho các em. Với đề thi, tôi có thể khoanh vùng hệ thống tác phẩm ôn tập, đặc biệt bộ đưa ra chương trình tinh giản nên hệ thống các tác phẩm trở nên nhẹ nhàng hơn. Do đó, tôi cũng có thể dễ dàng xoáy vào các nội dung trọng tâm. Hiện nay tôi vừa dạy chương trình mới vừa ra đề để các em làm quen. Bởi chỉ qua các bài viết tôi mới có thể đánh giá được khả năng của từng em để điều chỉnh" - cô Linh nói.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức cho rằng để học hiệu quả, học sinh cần chủ động đọc trước kiến thức trọng SGK, tài liệu tham khảo để có thể tăng sự tương tác với GV. Bên cạnh đó, các em cần tham khảo các đề thi, các dạng câu hỏi, tăng cường trao đổi và hỏi thêm gv ngoài giờ học.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8-8
Chiều 13-3, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học như sau:
- Kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020.
- Thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020.
NGUYỄN QUYÊN
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ dạy học online Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm phối hợp hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho các địa phương, trường học thực hiện dạy học online, dạy học qua truyền...