Thầy cô dày công bù đắp thiếu hụt kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số
Để bù đắp những thiếu hụt, khó khăn của học trò dân tộc thiểu số, nhà trường không chỉ dày công dạy kiến thức, mà còn tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng cho các em.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương ( Nghệ An) hỗ trợ nhau trong học tập.
Bài học từ bước đầu bỡ ngỡ
Dù không có nhiều thời gian chuẩn bị cho năm học mới, nhưng đến nay hơn 300 học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã quen với giờ giấc học tập, sinh hoạt tập thể.
Theo cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn nhất là các em người Thái, Mông mới vào lớp 6, thuộc diện bán trú. Lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, chưa quen sử dụng các trang bị hiện đại, kỹ năng Tiếng Việt chưa thành thạo, ngại giao tiếp.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) năm nay được ở trong khu nhà bán trú mới khang trang, sạch đẹp
Trước thực tế đó, nhà trường đã giao giáo viên phụ trách từng lớp lồng ghép các hoạt động giáo dục nội quy, kỹ năng cho học sinh. Đồng thời, dành thời gian dạy các em những điều cơ bản, nhỏ nhất. Từ cách vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, giặt quần áo, chào hỏi, giao tiếp và ý thức sinh hoạt tập thể….
Năm nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền được nhận cơ sở vật chất mới bao gồm trường lớp và khu nhà ở bán trú kiên cố, khang trang cho học sinh. Vì vậy, các em không còn phải chịu cảnh ở và sinh hoạt trong những gian nhà lợp tạm bằng tranh tre.
“Chúng tôi cũng dành thời gian để hướng dẫn các em sử dụng phòng ở mới, nhà vệ sinh, khu vực tắm giặt. Nhắc nhở học sinh bán trú ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản đồ dùng sinh hoạt cá nhân, tập thể. Dù có những bỡ ngỡ, mới lạ, nhưng học sinh của trường nhìn chung rất ngoan, biết vâng lời thầy cô, và tiếp thu nhanh những thay đổi trong môi trường bán trú mới”, cô Nhung cho hay.
Video đang HOT
Học sinh tập thói quen sử dụng, bảo quản thiết bị và giữ gìn vệ sinh chung khi ở bán trú tại trường.
Theo cô Nguyễn Thị Nhung, học sinh DTTS còn nhiều thiệt thòi so với các bạn vùng thuận lợi. Trước hết do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà cùng ông bà. Có em lại mồ côi hoặc có người thân dính vào ma túy. Vì vậy, nhà trường càng phải quan tâm, hỗ trợ, động viên các em. Mỗi dịp đầu năm học, giáo viên đều đến từng bản, vào tận nhà tặng sách vở, đồ dùng học tập, khích lệ tinh thần học sinh. Mặt khác vận động phụ huynh cho con đi học đầy đủ.
Khi các em đã vào học ở trường, công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh trong suốt 4 năm THCS được tăng cường. Mỗi tháng, nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính… Tổ chức các cuộc thi vẽ, thi kể chuyện, giới thiệu sách… để phát triển năng khiếu, tăng kỹ năng tiếng Việt, giao tiếp cho học sinh.
Hình thành phương pháp học tập mới
Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong (Quế Phong, Nghệ An) vừa được bàn giao lại cơ sở vật chất sau thời gian trưng dụng làm khu cách ly.
Trước đó, do địa phương này có ổ dịch, thực hiện chỉ thị 15, 16 nên học sinh chưa thể đến trường trở lại, mà học trực tuyến. Riêng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện lại càng vất vả do học sinh nằm rải rác ở 13 xã.
Tuy nhiên, qua thống kê của nhà trường, tỷ lệ học sinh tham gia liên tục các buổi học đều đạt trên 90%. Theo cô Nguyễn Thị Ngân, Phó hiệu trưởng nhà trường, đây là tỷ lệ đáng mừng và bất ngờ với ngôi trường huyện biên giới. Đặc biệt, trong tuần đầu tiên, khối 6 lại có tỷ lệ tham gia học đông đủ nhất.
Xồng Bá Dần và Xồng Y Thành học trực tuyến ở lán tạm tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.
Có được kết quả này, là sự nỗ lực, cố gắng gấp hàng chục lần của giáo viên. Mỗi thầy cô đã tìm mọi cách liên lạc với học sinh ở từng bản làng vùng sâu, vùng xa. Gửi sách giáo khoa, tặng vở mới để động viện học sinh trở lại trường, không nản chí vì dịch bệnh. Trong khi chỉ có 50% giáo viên nhà trường ở Quế Phong, số còn lại đang mắc kẹt ở các vùng dịch khác, chưa thể tập trung tại trường.
Cô Nguyễn Thị Ngân chia sẻ thêm, chính học sinh, phụ huynh cũng rất quyết tâm theo học. Như trường hợp em Xồng Bá Dần, Xồng Y Thành ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ được bố mẹ dựng lán cho ở trên núi để hứng sóng. Hay em em Hà Thị Ngọc ở bản Na Sành (xã Tiền Phong) và Na Tình (xã Nậm Giải) được bố mẹ chở đến nhà anh em để có sóng học trực tuyến.
Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong cũng khẳng định, với những kiến thức nâng cao, mở rộng hơn, ngay khi trường học hoạt động bình thường, nhà trường sẽ bù đắp cho các em. Cùng với đó, hoạt động giáo dục kỹ năng cũng sẽ được triển khai. Kể cả dạy 2 – 3 ca/ngày hay trực 24/24 tại trường, thì giáo viên cũng không quản ngại.
Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong (Nghệ An) tặng quà động viên học sinh đầu năm học mới.
Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An cũng đang thực hiện phương án giảng dạy từ xa do học sinh từ các huyện miền núi chưa thể tập trung về TP Vinh. Khó khăn nhất là học sinh dân tộc thiểu số đang ở nhà tại Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương… có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về sóng điện thoại, mạng Internet.
Trước khai giảng, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm liên lạc, lập nhóm, và hướng dẫn cách học trực tuyến qua ứng dụng zoom, Gg meet… Theo lãnh đạo nhà trường, hoạt động dạy học trực tuyến đã từng được nhà trường triển khai trong năm 2020, vào thời điểm việc dạy học bị gián đoạn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các em đã được rèn kỹ năng tự học, tự lập ở trường. Nên khi ở nhà, trong bản, dù khó khăn, thiếu thốn, các em vẫn sắp xếp thời gian, tìm nơi có sóng, có mạng để học bài.
Khó khăn nhất là học sinh lớp 10, chưa có thời gian làm quen với trường mới, thầy cô, bạn bè. Nhưng giáo viên đã tìm cách liên lạc, hướng dẫn, trao đổi với từng em một. Nhờ vậy đến nay, các bạn đã được gặp và khá quen mặt nhau trên lớp học trực tuyến. Với cách làm đó, đến nay tỷ lệ học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến duy trì 80 – 90%. Đây cũng là kỹ năng quan trọng, có ý nghĩa với học sinh kể cả khi các trường trở lại hoạt động bình thường.
Nhiều trường học bán trú ở Tương Dương cơ sở hạ tầng thiếu thốn
Cơ sở hạ tầng thiếu thốn trầm trọng đã làm "khó" cho các trường trong việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho học sinh.
Tương Dương là huyện miền núi cao, có diện tích rộng nhất nước, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt... Chính vì vậy, hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc manh mún trong việc quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc tiểu học.
Hiện Tương Dương có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính đều từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20km.
Điểm chính của Trường Tiểu học Mai Sơn. Ảnh: ĐT
Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Ngoại ngữ, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Với quy mô trường lớp của cấp tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí đủ giáo viên dạy 2 môn này ở tất cả các điểm trường trong điều kiện hiện nay là không thể thực hiện.
Trước thực tế đó, nhiều trường đã phải tổ chức gom học sinh vào các điểm chính để triển khai bán trú. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường đang triển khai mô hình bán trú bậc tiểu học gồm Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền và Yên Thắng. Tuy nhiên, các trường này lại đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, nhất là nhà ở bán trú cho học sinh.
Các giáo viên ở Trường Tiểu học Hữu Khuông phải đi xin giường từ các trường khác về gia cố lại cho các em học sinh sử dụng. Ảnh: ĐT
Trường Tiểu học Mai Sơn, năm học 2021 - 2022 có 280 học sinh. Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ mú. Bà con sống rải rác ở trên những triền đồi hay dọc theo những con suối, nhiều bản cách điểm trường chính đến 12 km. Các bản như Phá Kháo, Piêng Coọc các em phải đi bộ mất 2 giờ đồng hồ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng quy mô trường lớp manh mún, năm học này nhà trường đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc tiểu học cho các em học sinh lớp 3 đến lớp 5. Do cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là nơi ăn ở cho học sinh, trường đã phải trưng dụng nhà kho để hàng hóa của một gia đình ở gần khu vực trường, rồi cải tạo làm chỗ ở cho các em ở điểm lẻ về.
Thầy Đào Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho hay, nhà trường đóng trên địa bàn xã biên giới nên cơ sở hạ tầng thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là chỗ ăn, ở của học sinh bán trú. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường phải huy động giáo viên cùng phụ huynh học sinh tổ chức tu sửa và làm sạp bằng tre, nứa, gỗ cho học sinh nằm.
"Nhìn chỗ ăn, ở của các học sinh đôi lúc chúng tôi không thể kìm được lòng mình. Thương vậy, nhưng chúng tôi không thể làm cách nào khác. Chỉ biết lấy tình cảm để bù đắp sự thiếu thốn về vật chất cho các em", thầy Hải nói.
Chỗ ngủ của các em học sinh bán trú được mượn từ nhà kho người dân. Ảnh: ĐT
Không chỉ thiếu chỗ ở của học sinh, theo kế hoạch thì nhà trường đang thiếu 3 phòng học văn hóa, 1 phòng học Tin, 1 phòng học Tiếng Anh. Ngoài ra, các vật dụng để phục vụ cho việc ăn, ở bán trú như giường tầng, khay đựng cơm, bàn ăn, ghế ngồi...cũng chưa đủ.
Không chỉ có Trường Tiểu học Mai Sơn, mà đây còn là thực trạng chung của nhiều trường học tại Tương Dương. Tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, không có chỗ ở bán trú cho học sinh, nhà trường đã phải trưng dụng lại những phòng học cũ để làm chỗ ngủ cho các em.
Thầy Lê Tuyên Huấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho hay, hiện nhà trường đang triển khai 2 điểm bán trú, một điểm bán trú tại bản Sàn và một điểm tại điểm chính ở Pủng Bón. Để có chỗ cho học sinh ở, nhà trường đã trưng dụng các phòng học cũ.
"Ở điểm trường chính ở chúng tôi phải huy động giáo viên và phụ huynh học sinh tháo dỡ và di chuyển 7 phòng học bằng gỗ ở bản Con Phen sang dựng ở điểm trường chính, còn ở bản Sàn thì thuận lợi hơn vì có sẵn 5 phòng học cũ, chúng tôi cho tu sửa thêm một số hạng mục để làm chỗ ở cho học sinh. Giường nằm của các học sinh thì nhiều chủng loại, tầng có, sạp bằng gỗ có, bằng tre nứa cũng có", thầy Huấn nói và cho hay, giường tầng được các giáo viên xin ở các trường về rồi hàn gia cố lại, sạp thì huy động phụ huynh đóng góp vật liệu, giáo viên và phụ huynh cùng góp công để làm. Hiện hệ thống bể tích nước và nhà vệ sinh là vấn đề nan giải nhất. Tuy đã rất nỗ lực nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho học sinh.
Lãnh đạo huyện Tương Dương động viên các giáo viên ở Trường Tiểu học Mai Sơn. Ảnh: ĐT
So với các trường vùng trên thuộc huyện Tương Dương như Mai Sơn, Hữu Khuông, thì trường Nhôn Mai có may mắn hơn khi đã có phòng ở kiên cố cho học sinh ở bán trú. Tuy vậy, giường nằm cho học sinh chưa có, nên nhà trường đã phải đi xin giường cũ của các trường về gia cố lại cho học sinh. Hiện tại đã có gần một nửa học sinh đang phải nằm trên sạp được làm bằng tre, nứa, gỗ do giáo viên và phụ huynh góp công làm.
Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, khó thực hiện việc dạy Ngoại ngữ, Tin học, nên phải gom học sinh vào các điểm chính để triển khai bán trú. Nhìn chung các trường đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, trang thiết bị dạy và học môn Tin học... Những nỗ lực của giáo viên cũng như học sinh ở các trường và chính quyền địa phương cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện bổ sung cơ sở vật chất, cơ chế hỗ trợ kịp thời để góp phần thay đổi, phát triển giáo dục vùng cao. Hơn nữa sẽ giảm bớt sự thiệt thòi mà giáo viên, học sinh đang còn gặp phải để giúp giáo viên thêm yêu nghề, học sinh thêm yêu trường yêu lớp./.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh từ những việc làm thiết thực Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội luôn được các nhà trường tại Vĩnh Phúc đẩy mạnh, góp phần hình thành, phát huy phẩm chất tốt đẹp của học sinh. Một hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Ngô Gia Tự. Từ những v iệc làm nhỏ Liên Đội trường...