Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo hệ 9+
Những năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo hệ 9 cộng (định hướng vừa học nghề, vừa học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở), mang lại hiệu quả tích cực.
Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố kiến nghị các bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian tới tạo điều kiện cho các trường nghề hơn nữa, qua đó thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia, nâng cao hiệu quả của chương trình.
Học sinh học thực hành tại Trường Cao đẳng Viễn Đông – trường được rất nhiều học sinh đăng ký theo học hệ 9 cộng.
Nhiều ưu điểm
Cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề điện công nghiệp và dân dụng của Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, anh Trần Đức Phấn (sinh năm 1999, ở quận 6) phấn khởi chia sẻ: “Năm 2017, tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên em ở nhà phụ giúp việc gia đình. Sau gần một năm ở nhà, nhận ra mình phải có nghề mới có thể lập nghiệp ổn định, em quyết định đăng ký vào trường nghề để vừa học nghề, vừa học văn hóa. Em sẽ tiếp tục học liên thông lên cao đẳng để củng cố thêm tay nghề”.
Còn Nguyễn Khánh Ly (sinh năm 2005, ở quận Bình Tân), học sinh lớp 10 Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em đã thi đỗ vào một trường trung học phổ thông công lập. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chương trình đào tạo hệ 9 cộng, em và gia đình thấy phù hợp hơn, nên đã chuyển hướng”.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thông tin, khi theo học chương trình đào tạo hệ 9 cộng, các học sinh chỉ mất thêm từ 2,5 đến 3,5 năm để học nghề và 7 môn văn hóa (toán, văn, lý, hoá, sinh, sử, địa) là vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có trong tay một nghề trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, đồng thời có thể học liên thông lên bậc cao hơn. Ngoài ra, học sinh còn được nhà nước tài trợ chi phí học nghề theo quy định.
Một ưu điểm khác của chương trình đào tạo hệ 9 cộng, đó là tỷ lệ tốt nghiệp rất cao. Riêng năm học 2020-2021, toàn bộ 500 học sinh Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng theo học chương trình đào tạo hệ 9 cộng đều tốt nghiệp; Trường Cao đẳng Nghề thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 95%…
Video đang HOT
Đặc biệt, 3 năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho thị trường 130.000-142.000 nhân lực/năm; tỷ lệ các học sinh khi ra trường có việc làm đúng nghề được đào tạo lên tới 80-85%.
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn”
Dù chương trình đào tạo hệ 9 cộng tại thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế cũng cho thấy vẫn còn một số “điểm nghẽn”.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải, bất cập lớn nhất hiện nay là, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành các quy định liên quan đến khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III-2020, như quy định tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Văn Minh cho biết, tới đây, Bộ sẽ hoàn thiện và ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp liên thông lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước, trong đó có các cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ quan điểm của đồng nghiệp Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đăng Lý cũng kiến nghị nên sớm trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình hệ 9 cộng nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, đó là: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức dạy văn hóa tương đương trình độ trung học phổ thông theo khối lượng chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
“Ngoài ra, Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng, triển khai trong năm 2021 này được chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên sức hút lớn với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Điều này sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh, qua đó góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nói.
Đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS: Cần xây dựng chương trình phù hợp
Đề xuất đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh và phụ huynh.
Các ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt mô hình này cần thiết phải có chương trình đào tạo phù hợp với năng lực cũng như lứa tuổi của học sinh.
Học sinh trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành tại xưởng động cơ.
Mô hình 9 cộng rút ngắn thời gian học tập
Mô hình 9 cộng đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo phương thức đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Cụ thể, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học trung cấp nghề (2 năm), song song với chương trình văn hóa trung học phổ thông 4 môn hoặc 7 môn. Tốt nghiệp trung cấp, học sinh tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng (từ 1 - 2 năm). Như vậy, người học liên thông theo mô hình này sẽ hoàn thành chương trình cao đẳng trong khoảng từ 3 - 4 năm.
Mô hình này hiện được nhiều trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai, thu hút nhiều học sinh theo học. Thực hiện thí điểm từ năm 2015, số học sinh theo học mô hình 9 cộng tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên khá nhiều. Năm 2015, trường tuyển hơn 650 chỉ tiêu, đến năm 2019 là hơn 2.000 chỉ tiêu. Năm 2020, trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh 7.500 học sinh ở 50 ngành đào tạo, có khoảng 3.400 chỉ tiêu dành cho học sinh hệ 9 cộng.
"Do không phù hợp với môi trường học tập mới, những năm đầu thí điểm, có đến 30% học sinh nghỉ học sau năm đầu nhập học. Trường đã đưa ra các giải pháp học tập phù hợp với đối tượng học sinh trung học cơ sở. Ngoài các môn học cơ bản, trường bổ sung vào chương trình đào tạo các môn kỹ năng mềm; chương trình được xây dựng linh hoạt hơn, giáo viên tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi học sinh... Qua đó, kết quả học tập được nâng dần từng năm, số học sinh bỏ học cũng giảm dần, đến nay tỷ lệ học sinh nghỉ học còn khoảng 7%" - Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tại trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình 9 cộng cũng đã được triển khai từ nhiều năm nay. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mô hình này giúp học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở rút ngắn thời gian học cao đẳng, tiết kiệm chi phí học tập. Sau thời gian 3,5 đến 4 năm, các em có thể hoàn thành chương trình cao đẳng và tham gia thị trường lao động. Nếu có nhu cầu, các em cũng có thể dễ liên thông các bậc học cao hơn. Chương trình đào tạo được nhà trường cập nhật thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Trong số đó có 244 trường cao đẳng và 437 trường trung cấp có tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.
Chia sẻ về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được các ngành, các trường trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện. Cùng với đó, chất lượng nhân lực sau đào tạo, giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội, kiến thức và kỹ năng nghề của người học ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, nhu cầu của doanh nghiệp... Từ đó, nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp cũng dần thay đổi. Dù vậy, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông tại nhiều quận, huyện cũng chưa được như mong muốn.
Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp
Học sinh trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành tại xưởng hệ thống điều hòa không khí.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Hiện đề án thí điểm đang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh và phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này sẽ góp phần thu hút được người học, giúp các trường cao đẳng chủ động xây dựng một kế hoạch đào tạo tốt hơn.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với mô hình 9 cộng như hiện nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở phải tốt nghiệp trung cấp rồi thi liên thông lên cao đẳng. Như vậy, quá trình này cũng làm gián đoạn việc học của học sinh, kéo dài thời gian hơn. Việc thực hiện mô hình đào tạo cao đẳng không cần qua trung cấp sẽ rất có lợi cho người học và cho cả các trường. Nhà trường cũng chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo xuyên suốt hơn, phù hợp với học sinh trung học cơ sở.
Theo Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, khi triển khai thí điểm mô hình này, vấn đề quan trọng nhất là nhà trường phải xây dựng chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy phù hợp. Đặc biệt, dù chuẩn đầu vào của các hệ đào tạo có khác nhau nhưng chuẩn đầu ra của học sinh học tốt nghiệp cao đẳng phải ngang bằng nhau.
Ngoài chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy mô hình này cần được chú trọng. Ngoài chuyên môn vững, giáo viên cần có phương pháp giảng dạy để học sinh dễ hiểu, thích thú hơn; cần có kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh, bởi ở lứa tuổi này có rất nhiều chuyển biến về tâm lý cần sự động viên chia sẻ.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ thực tế mô hình đào tạo 9 cộng cao đẳng trường đang thực hiện cho thấy, việc đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hoàn toàn có thể thực hiện tốt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có một khung đào tạo chung về chương trình văn hóa trung học phổ thông, chương trình đào tạo nghề cho hệ này. Trên cơ sở đó, các trường nghề xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với năng lực học sinh. Bên cạnh đó, cùng với chuẩn đầu ra về chuyên môn, kỹ năng nghề, học sinh cần được đào tạo và đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, cũng còn có những ý kiến băn khoăn về năng lực học tập của các em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, liệu có đáp ứng được chương trình học cao đẳng hay không. Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á cho rằng, thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh khong đu suc vao lop 10 cong lap nen chon huong hoc trung cấp nghe và liên thông cao đẳng. Như vậy, nếu bo qua chương trình trung cap mà len thang cao đẳng, nhiều em đuối sức không theo kịp, sẽ rất áp lực.
Thạc sĩ Lê Hồng Việt nêu quan điểm, neu thực hiện đào tạo cao đẳng cho học sinh sau trung học cơ sở, cần xây dựng chương trình đào tạo, giao an va lo trinh phù hợp, để học sinh có thể học tốt, đam bao chất lượng đầu ra. Thực tế, dù có bằng cao đẳng nhưng không có kỹ năng nghề tốt vẫn đồng nghĩa với việc thất nghiệp.
Trao học bổng cho học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số và con em Bộ đội Biên phòng Ngày 6/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" tổ chức buổi lễ trao học bổng năm học 2020 - 2021 cho học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số và con em Bộ đội Biên phòng đang học tập trên địa bàn. Bà...