Thái Nguyên: Hoàn thiện mạng lưới, đa dạng hóa loại hình trường lớp
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã có sự đầu tư thiết thực, hiệu quả cho công tác hoàn thiện mạng lưới, đa dạng hóa loại hình trường lớp.
Niềm vui của các em học sinh trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên
Để thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của địa phương, Chương trình Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020 đã tập trung chú trọng vào đầu tư cho cơ sở giáo dục, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
“Nhiều nội dung quan trọng đã được chương trình quan tâm đầu tư, như: Khắc phục tình trạng quá tải về trường, lớp, học sinh, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học; Xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia ; Nâng cấp, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú…” – ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi.
Năm 2020, toàn tỉnh có 683 cơ sở giáo dục (242 trường cấp mầm non, 441 trường cấp phổ thông), tăng hơn 11 trường so với năm 2015; cùng với 9 trung tâm GDNN – GDTX; 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Trong đó, đáng chú ý, hệ thống các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, chất lượng cao là 28 trường. Sự ra đời của một số trường học mô hình hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tạo nên luồng gió mới tích cực cho giáo dục.
Khuôn viên sạch đẹp của trường Tiểu học Đội Cấn (TP Thái Nguyên)
Đây là sự bổ sung cần thiết, đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng quá tải về trường, lớp, học sinh, nhất là với cấp mầm non, tiểu học.
Video đang HOT
Cũng trong những năm gần đây, đã có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương được mở rộng, nâng cấp; 10 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các địa phương khó khăn đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất.
Đặc biệt, trường THPT Chuyên của tỉnh Thái Nguyên được xây dựng mới với hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất tiện nghi hiện đại, tạo nền tảng điều kiện quan trọng để tiếp tục phát triển lĩnh vực giáo dục chuyên sâu, mũi nhọn, chất lượng cao.
Với những sự đầu tư thiết thực, Thái Nguyên đã đạt nhiều chuyển biến tích cực trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, bền vững. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được duy trì và nâng cao; 178/178 xã/phường/thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 trở lên. Kết thúc năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 572/683 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,75% (tăng 8,45% so với năm học 2015 – 2016).
Trường TH & THCS 915 Gia Sàng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại
Một trong những cơ sở giáo dục đón nhận nhiều sự quan tâm đầu tư thiết thực là trường Tiểu học Đội Cấn (TP Thái Nguyên) – ngôi trường nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, một trong những phường trung tâm đông dân cư và dân số trẻ, lượng học sinh đông nhất của thành phố.
Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 47 lớp, nhưng chỉ có 34 phòng học, trong đó 2 phòng phải cải tạo từ kho. Thiếu phòng, nhà trường phải chia ca dạy học 2 buổi, thậm chí môn Mỹ thuật phải thuê Nhà văn hóa tổ, học theo hình thức 01 buổi/lớp/tháng. Muốn tổ chức hoạt động chung, nhà tường phải tính toán sắp xếp vô cùng khó khăn.
Năm học mới 2020 – 2021, nhà trường được nhận thêm cơ sở mới từ trường THCS Nguyễn Du để lại. Có thêm 20 phòng học, số lớp tăng từ 43 lên 47, số học sinh tăng từ hơn 1.800 lên hơn 2.000 em, quy mô mở rộng nhưng nhà trường vẫn đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục một cách thuận lợi.
“Số học sinh bình quân trong một lớp học giảm xuống, giáo viên có điều kiện sát sao với các em hơn, chất lượng dạy học được nâng lên. Nhà trường được chủ động, thuận tiện hơn trong việc bố trí sắp xếp cho giáo viên cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh” – cô giáo Nguyễn Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Phụ trách nhà trường chia sẻ.
Nhìn sự tất bật nhưng ánh mắt luôn tràn đầy niềm vui và năng lượng của cô Nguyễn Thị Yến, lại càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của những thầy cô giáo, những ngôi trường đang rộng mở đón nhận và chăm sóc, giáo dục các học trò thân yêu.
Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người là bấy nhiêu năm cô Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I (Di Linh, Lâm Đồng), trăn trở tìm ra giải pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Với cô, mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn sẽ tạo được "hạt giống" tốt.
Cô Bùi Thị Nguyệt (bìa trái), Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I, tâm huyết với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Hiểu được những khó khăn trong công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã nghiên cứu "Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hoa nhập". Đề tài nghiên cứu này của cô đã được áp dụng vào thực tiễn từ 2 năm nay và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2020, đề tài được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh.
Tại sao cần cho trẻ khuyết tật hòa nhập?
Theo cô Nguyệt, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung trẻ em khuyết tật với trẻ em bình thường trong cơ sở giáo dục tại nơi trẻ sinh sống . Giáo dục hòa nhập cần dựa trên quan điểm tích cực. Mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Cộng đồng xã hội cần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động và hòa nhập xã hội, tạo ý chí vươn lên trong khả năng của mỗi em.
Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm áp lực nhiều về công việc nên sự quan tâm sâu sát chưa nhiều. Một số nơi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giáo dục trẻ hòa nhập còn nhiều thiếu thốn.
Gia đình học sinh thường mặc cảm không muốn cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc với người ngoài... Vì vậy, số lượng trẻ em khuyết tật không được ra lớp hoặc chỉ đến lớp một thời gian ngắn sau đó bỏ giữa chừng còn rất nhiều, nhất là trẻ khuyết tật ở nông thôn.
Cô Nguyệt chỉ ra rằng: "Việc huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong đợi. Đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Năng lực của môt sô cán bộ quản lý còn hạn chế trong các khâu điều hành. Gia đình học sinh chưa phối hợp tốt. Vậy nên, tôi quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ngay tại trường của mình".
Từ tháng 10/2018, khi về làm Hiệu trưởng Trường TH Tân Châu I, cô Nguyệt có nhiều thuận lợi hơn để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập. Các giải pháp của cô đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, năm học 2018 - 2019, trường có 8/570 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,4% (cuối năm có 2 em hoàn thành chương trình bậc Tiểu học). Năm học 2019 - 2020 có 6/553 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,1%, gồm nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, trí tuệ chậm phát triển, khuyết tật về ngôn ngữ...
Cô Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I, tâm huyết với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Nỗ lực "gieo mầm trên đất khó"
Để có được những phương pháp giảng dạy hiệu quả và tìm kiếm giải pháp cho công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã không ngừng học hỏi khắp nơi. Cô tham gia nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh về trẻ khuyết tật, kể cả các chương trình tập huấn của chuyên gia nước ngoài về công tác giáo dục hòa nhập. Càng đi nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh thiệt thòi thì cô lại quyết tâm giúp đỡ các em khuyết tật như người nông dân "gieo mầm" trên đất khó.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, cô Bùi Thị Nguyệt đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện gồm: công tác quản lý của Hiệu trưởng; Tổ khối chuyên môn; giáo viên chủ nhiệm; Công tác phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường; Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và cộng đồng.
Trong đó, giáo viên chủ nhiệm được xác định là nhân tố đóng vai trò quyết định. Vì vậy cô đã cho ứng dụng "Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hoa nhập" ra ngoài thực tế. Theo đó, mỗi lớp được phân bố không quá 2 học sinh khuyết tật, và chọn giáo viên có kinh nghiệm để dạy các lớp này.
Cô Nguyệt cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với các em vì vậy họ phải là người hiểu rõ nhu cầu và năng lực của từng trẻ khuyết tật để xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp, tổ chức các mối quan hệ giữa học sinh bình thường với học sinh khuyết tật. Từ đó xây dựng chương trình học phù hợp cho từng em"
Cô Phan Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm của lớp 4A3,Trường TH Tân Châu I chia sẻ: "Tôi đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy từ cô hiệu trưởng hướng dẫn. Ví dụ như giáo viên phải đặt câu hỏi dễ để khuyến khích em trả lời. Qua mỗi lần trả lời sẽ giúp các em mạnh dạn hơn. Đặc biệt là phải hiểu cảm xúc của từng em. Nhờ vậy mà thời gian qua, nhiều em đã có những chuyển biến rõ rệt và tiến bộ nhiều về mọi mặt, đặc biệt là những kỹ năng hòa nhập cộng đồng".
Bằng trái tim yêu thương của người mẹ và kiên nhẫn của người cô giáo, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở địa phương của cô Nguyệt đang từng ngày được quan tâm. Phụ huynh cũng đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập. Quan trọng hơn, nhiều trẻ em khuyết tật đã vượt qua mặc cảm và khó khăn của tật nguyền mà mạnh mẽ vươn lên với ý thức "tàn nhưng không phế".
Sử dụng sách giáo khoa lớp 1 tại "ngôi trường đặc biệt" Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (Trung tâm), sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã được sử dụng theo cách riêng để giảng dạy cho các em. Xây dựng chương trình riêng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là cơ sở giáo dục duy nhất trên địa bàn tỉnh sử dụng SGK...