Tạo “lá chắn” miễn dịch từ mỗi gia đình
Mô hình bệnh tật ngày càng thay đổi, các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, diễn biến khó lường.
Việc tiêm vaccine phòng bệnh nhằm tạo miễn dịch, ứng phó hiệu quả với bệnh tật được nhiều gia đình ở Hải Dương ngày càng quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh và cháu nội cùng đi tiêm vaccine phòng bệnh
Nhiều thế hệ cùng tiêm phòng
Bà Nguyễn Thị Kim Anh (56 tuổi, ở phường Nam Đồng, TP Hải Dương) vừa đưa cháu nội 7 tháng tuổi đi tiêm vaccine phòng bệnh theo lịch tại một cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Sau khi cháu nội tiêm xong, bà cũng tiêm một mũi vaccine phòng cúm. “Từ bé tới giờ tôi mới tiêm một mũi phòng lao khi còn nhỏ. Sức khoẻ tôi hiện bình thường nhưng không thể nói trước điều gì vì bây giờ các loại bệnh tật diễn biến phức tạp. Không chỉ tôi mà cả gia đình gồm: chồng, con trai, con dâu tôi cũng đều đã tiêm vaccine phòng một số loại bệnh thường gặp”, bà Anh nói.
2 năm nay, bình quân mỗi tháng Trung tâm Tiêm chủng vaccine và tư vấn dinh dưỡng Đức Minh (cơ sở 1) ở TP Hải Dương tư vấn, tiêm khoảng 5.000 mũi vaccine phòng các loại bệnh cho cả trẻ em và người lớn. Trong đó, khoảng 15-20% số mũi tiêm cho người lớn, tăng 10-15% so với những năm trước. Bác sĩ Trần Thị Thuần, phụ trách trung tâm cho biết không ít người đưa tất cả các thành viên trong gia đình đi tiêm.
Nhiều người trẻ ở Hải Dương cũng quan tâm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân. Chị Đỗ Lan Hương (sinh năm 2005, ở thị trấn Gia Lộc) vừa đi tiêm vaccine dự phòng HPV phòng ung thư như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật và hầu họng. “Qua các phương tiện truyền thông, em thấy ngày càng nhiều người mắc các bệnh này nên nghĩ bản thân cần đi tiêm vaccine ngay. Nhiều người bạn của em cũng đi tiêm vaccine dự phòng HPV, các bệnh sởi, viêm gan B”, chị Hương cho biết.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có hàng nghìn người bị chó tấn công, hàng chục trường hợp tử vong vì bệnh dại. Ý thức được điều này, rất nhiều người ở Hải Dương đã đi tiêm vaccine phòng dại. 1 tháng qua, chỉ tính riêng 3 cơ sở tiêm chủng dịch vụ thuộc Phòng Khám và tư vấn điều trị dự phòng Hải Dương đã có hơn 150 người đến tiêm vaccine phòng bệnh dại, trong đó một số nhà gồm cả vợ, chồng và con cùng tiêm.
Khảo sát tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Bình Giang và TP Hải Dương cho thấy ngày càng có nhiều người quan tâm tiêm vaccine phòng bệnh. Đa số người trẻ tiêm vaccine phòng các bệnh ung thư cổ tử cung, viêm gan B, sởi, quai bị, rubella… Trong khi đó, người cao tuổi tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu.
Tốt cho gia đình và cộng đồng
Video đang HOT
Hải Dương hiện có khoảng 40 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, nguồn vaccine dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Trong ảnh: Nhân viên Phòng Khám tư vấn và điều trị dự phòng Hải Dương số 1 (137 đường Thanh Niên, TP Hải Dương) tư vấn giá dịch vụ tiêm vaccine cho một nam thanh niên
Tư tưởng chỉ trẻ em mới phải tiêm vaccine phòng bệnh đã bị loại bỏ trong cộng đồng khi mô hình bệnh tật thường xuyên thay đổi. Các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện dày hơn, bất thường, không tuân theo quy luật như trước kia khiến nhiều người trưởng thành ở Hải Dương đã chủ động tìm đến các cơ sở tiêm chủng.
Thực tế đã chứng minh việc tiêm vaccine sẽ tạo ra miễn dịch rất tốt, tạo “lá chắn” giúp bảo vệ sức khoẻ cho mỗi người, gia đình và cả cộng đồng. Vaccine phòng Covid-19 ra đời là một ví dụ điển hình. Khi chưa có vaccine, tỷ lệ người tử vong do mắc Covid-19 rất cao. Sau khi có vaccine, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân giảm xuống mức thấp. Vaccine phòng Covid-19 “phủ sóng” khắp cả nước đã tạo miễn dịch cho cả cộng đồng.
Lật lại quá khứ, đậu mùa từng là căn bệnh rất dễ lây lan, gây ra tình trạng tăng sinh tế bào, viêm nhiễm da nghiêm trọng với hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Nhờ có vaccine, căn bệnh này chính thức tuyên bố bị loại trừ vào năm 1980. Theo WHO, nỗ lực gia tăng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trong cộng đồng đã giúp giảm 72% số ca tử vong liên quan đến bệnh sởi gây ra trên toàn cầu trong giai đoạn 2000-2018. Năm 2000, nhờ có vaccine mà Việt Nam đã chính thức thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và kiểm soát bệnh sởi…
Vaccine đã mang đến cho sức khỏe cộng đồng những tác động tích cực, trở thành một trong những công cụ phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Người dân đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng thường diễn biến nhẹ hơn nhiều so với người không tiêm, khả năng bệnh trở nặng thấp, ít biến chứng và khỏi nhanh hơn. “Mấy năm trước mỗi năm tôi bị 2-3 lần cúm, nhiều lần nằm một chỗ đến cả tuần. 2 năm nay, tôi mới chỉ bị 1 lần cúm nhưng triệu chứng rất nhẹ. Đó là nhờ tôi đã tiêm vaccine phòng cúm”, chị Nguyễn Thanh Lụa ở huyện Bình Giang chia sẻ.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết những trẻ đã tiêm vaccine phòng thuỷ đậu khi mắc bệnh thường chỉ sốt nhẹ, ít tổn thương da, nhanh khỏi và không biến chứng. Ngược lại, trẻ chưa tiêm vaccine thì lâu khỏi hơn, bị tổn thương da nhiều hơn.
Ở Hải Dương, ngoài các cơ sở y tế công lập còn có khoảng 40 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, lượng vaccine phong phú. Giá của hầu hết các loại vaccine phù hợp với túi tiền của người dân. Nhiều vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi là có thể phòng bệnh lâu dài, hiệu quả.
Gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm
Tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang gia tăng trên cả nước. Không chỉ các bệnh truyền nhiễm chưa có vaccine phòng bệnh, mà những bệnh đã có vaccine phòng bệnh cũng ghi nhận số ca mắc cao.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung
Đồng Nai vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm nay. Đó là một nữ sinh 15 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).
Ca tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Hoài cho biết, qua điều tra dịch tễ về trường hợp tử vong cho thấy, ngày 5-4, bệnh nhân sốt cao, được người nhà cho uống thuốc và điều trị tại nhà. Vài ngày sau đó, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh và được yêu cầu nhập viện theo dõi. Đến ngày 10-4, bệnh nhân bất tỉnh và được lọc máu, chăm sóc đặc biệt. Đến sáng 15-4, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng N7, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.
Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với Trạm Y tế thị trấn Vĩnh An điều tra dịch tễ khu vực xung quanh nhà bệnh nhân, diệt lăng quăng, phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân địa phương phòng bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi theo quy định.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện lưu hành cả 4 tuýp virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Bệnh hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi người dân có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời, thường lần mắc sau sẽ nặng hơn lần mắc trước.
"Chúng tôi đề nghị Trạm Y tế thị trấn Vĩnh An và các trạm y tế khác trong huyện khi phát hiện có người dân sốt cao thì báo ngay cho Trung tâm Y tế huyện. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND thị trấn Vĩnh An huy động người dân tại khu phố 6 thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp, lau chùi, súc rửa các vật dụng chứa nước và ngủ mùng, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh khác" - bác sĩ Hoài nói.
Còn với dịch bệnh tay chân miệng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho hay, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10 ngàn ca mắc bệnh, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các tỉnh phía Nam chiếm đến 74,1%.
Tại Đồng Nai, trong tuần vừa qua đã ghi nhận 93 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 121% so với tuần trước đó và tăng 2 lần so với tuần cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc bệnh tăng tại 7/11 huyện, thành phố, nhiều nhất là Biên Hòa, Nhơn Trạch. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 510 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay đến nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ rất cao.
Tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng
Cách đây 6 năm, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra đợt dịch bệnh sởi khá nguy hiểm khiến nhiều người mắc. Năm nay, tuy chưa ghi nhận ca mắc bệnh sởi nào trên phạm vi toàn tỉnh nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Nguyên nhân là do thời gian qua, nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia bị đứt quãng, khiến tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine chưa đạt yêu cầu đề ra. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 130 ca mắc bệnh sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tiến sĩ Hoàng Minh Đức, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, địa phương nào có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng, triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh đã có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như: sởi, ho gà, bạch hầu.
"Quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau một thời gian gián đoạn vaccine, nay Bộ Y tế đã có đủ vaccine cấp cho các địa phương. Các địa phương cần tập trung tiêm bù, tiêm vét đầy đủ cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trong năm 2023, do nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn nên có đến 9/12 chỉ tiêu về tiêm chủng các loại vaccine không đạt. Dự báo trong năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành y tế Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024. Trong đó đặt ra mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế tử vong, tập trung vào các dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương và có tỷ lệ mắc cao như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại, đậu mùa khỉ.
Đồng thời, sẽ nỗ lực để giảm tỷ lệ mắc các bệnh đã có vaccine như: sởi, bạch hầu, ho gà; giữ vững kết quả khống chế bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; tăng cường tiêm chủng đầy đủ đạt>95%. Duy trì các đội đáp ứng nhanh, đội chống dịch cơ động, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất để đáp ứng dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh cho thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn thể người dân là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện mục tiêu giảm số ca mắc và ca tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm.
"Vì sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng, chúng tôi kêu gọi người dân tích cực tham gia vào các hoạt động tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết.
Phụ huynh nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời" - Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung khuyến cáo.
Nguồn cung vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng dồi dào
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, viện đã cung ứng 2 đợt vaccine bao gồm 9 loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các địa phương trên toàn quốc đến hết tháng 4-2024.
Ngoài ra, đầu tháng 4 vừa qua, đơn vị cung ứng đã tiếp nhận 1 triệu liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1), dự kiến tuần cuối tháng sẽ có giấy xuất xưởng. Số lượng 1,8 triệu liều vaccine còn lại sẽ tiếp tục về Việt Nam trong 2 tháng tới đây, đáp ứng nhu cầu sử dụng của năm 2024, bao gồm cả số vaccine bị thiếu từ tháng 11 năm ngoái.
Trên cả nước hiện có hơn 14 ngàn điểm tiêm chủng, bao gồm các điểm tiêm tại trạm y tế và các điểm tiêm chủng ngoài trạm. Tại Đồng Nai, công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức vào các ngày đầu tháng tại các trạm y tế. Ngoài ra, có một số bệnh viện triển khai tiêm chủng mở rộng cho người dân. Qua đó giúp người dân dễ dàng đi tiêm chủng.
Mặt khác, người dân cũng có thể lựa chọn tiêm chủng dịch vụ (trả tiền) tại một số điểm tiêm dịch vụ của tư nhân và Nhà nước như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Tiêm chủng VNVC...
Ngăn chặn dịch sởi bùng phát Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nhiều dịch bệnh như sởi, rubella, ho gà, thủy đậu diễn biến rất phức tạp. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần, do đó cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vaccine phòng...