Táo đỏ: Thực phẩm bổ dưỡng hay chiêu thổi phồng từ quảng cáo?
Trong Đông y, táo đỏ được xếp vào nhóm thuốc không có độc, có thể sử dụng lâu dài.
Gần đây, táo đỏ đã trở thành một ‘cơn sốt’ trong cộng đồng nhờ được quảng bá như một thực phẩm bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Táo đỏ có nguồn gốc từ các nước Nam Á, đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc. Theo tài liệu cổ, táo đỏ được sử dụng như một loại thực phẩm và vị thuốc quý trong Đông y từ hàng ngàn năm trước. Ngoài Trung Quốc, táo đỏ cũng rất phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Loại cây này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, giúp nó trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực và y học.
(Ảnh minh họa)
Những năm gần đây, táo đỏ đã thu hút sự chú ý nhờ quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Theo số liệu từ các sàn thương mại điện tử, lượng tiêu thụ táo đỏ tại Việt Nam tăng 30% trong năm qua. Các sản phẩm táo đỏ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thường được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ niềm tin vào chất lượng và uy tín của các thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở phố Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ:”Dạo này tôi mất ngủ nhiều, con gái mua táo đỏ về nấu nước uống. Thấy uống vào cũng dễ chịu hơn. Không biết có đúng là nhờ táo đỏ không, nhưng cứ thấy hợp là dùng thôi”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám và tư vấn dinh dưỡng VIAM, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, táo đỏ có thể hỗ trợ giấc ngủ nhờ chứa chất saponin, giúp an thần. Tuy nhiên, bác sĩ Thu cảnh báo: “đây là một vị thuốc trong Đông y, không phải thực phẩm thông thường, nên không thể sử dụng bừa bãi và không phải ai cũng phù hợp để dùng”.
Video đang HOT
Táo đỏ cũng thu hút giới trẻ nhờ những lời quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Chị Phạm Diệu Linh ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Quảng cáo ăn táo đỏ đẹp da, tốt cho sức khỏe. Em cũng mua thử. Ăn thì ngon, ngọt dịu, nhưng thật ra em cũng không biết có tốt thật không”. Bác sĩ Thu giải thích thêm: “Táo đỏ có hai dạng chính: táo tươi và táo sấy khô. Táo tươi giữ được nhiều vitamin hơn, đặc biệt là vitamin C. Táo sấy khô tiện lợi nhưng hàm lượng đường cao hơn. Người tiêu dùng nên ăn 1 quả táo tươi hoặc 2-3 quả táo khô mỗi ngày để đảm bảo dinh dưỡng mà không gây hại cho sức khỏe”.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và nguồn gốc của táo đỏ. Anh Phan Huy Quân, ở đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội, nói: “Tôi hay mua táo đỏ trên mạng, thấy tiện. Nhưng giá chênh nhau nhiều lắm, nên cũng không chắc mình có mua được hàng tốt không”? Liên quan đến mối lo này, bác sĩ Thu nhấn mạnh: người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý khi mua táo đỏ không rõ nguồn gốc. Một số sản phẩm có thể bị tẩm hóa chất để bảo quản, gây hại cho sức khỏe. Đồng thời, hàm lượng đường cao trong táo sấy khô cũng là rủi ro cho những người có bệnh lý về đường huyết.
Bác sĩ Thu cũng cảnh báo: táo đỏ có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật. Do đó, người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung táo đỏ vào chế độ ăn.
Bên cạnh đó, những dấu hiệu như kích ứng dạ dày, đầy hơi, hay cảm giác nóng trong người sau khi ăn táo đỏ quá mức cũng là lời cảnh báo cần điều chỉnh lượng tiêu thụ.
Táo đỏ là một thực phẩm bổ dưỡng nếu sử dụng đúng cách và liều lượng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hay mua táo đỏ không rõ nguồn gốc có thể tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Trước khi chạy theo trào lưu, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh: “Táo đỏ được coi là vị thuốc, nên không thể sử dụng bừa bãi”.
Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc chính mình
Táo đỏ từ lâu đã được xem là một loại 'thần dược' với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,...Tuy nhiên, một số đối tượng cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Người bị tiểu đường có nên ăn táo đỏ
Táo đỏ, mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, lại chứa một lượng đường đáng kể. Điều này có thể dẫn đến sự tăng đột biến về lượng đường trong máu, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường, những người vốn đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và ổn định lượng đường trong máu, những người bị tiểu đường nên thận trọng khi tiêu thụ táo đỏ. Tốt nhất là nên hạn chế hoặc thậm chí tránh ăn táo đỏ hoàn toàn. Nếu vẫn muốn thưởng thức táo đỏ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được lượng táo đỏ an toàn có thể tiêu thụ mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Táo đỏ không tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Getty Images
Người bị đầy bụng, khó tiêu
Táo đỏ có tính nóng, có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là khi tiêu thụ quá mức. Điều này có thể làm tăng nhiệt trong cơ thể, dẫn đến cảm giác bứt rứt, khó chịu, và đặc biệt là gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là táo bón.
Đối với những người có hệ tiêu hóa yếu hoặc nhạy cảm, việc tiêu thụ quá nhiều táo đỏ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có hoặc gây ra các triệu chứng khó chịu mới. Do đó, những người này nên thận trọng và hạn chế ăn táo đỏ, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Người bị cảm lạnh, sốt
Táo đỏ được biết đến với tính ấm vốn có. Điều này có nghĩa là khi tiêu thụ, táo đỏ có khả năng làm tăng nhiệt trong cơ thể, giúp làm ấm tỳ vị và tăng cường lưu thông khí huyết. Tuy nhiên, chính đặc tính này cũng khiến táo đỏ không phải là lựa chọn lý tưởng cho những người đang bị cảm lạnh hoặc sốt.
Khi cơ thể đang phải đối phó với tình trạng nhiễm trùng, việc tăng nhiệt độ cơ thể thêm nữa có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, trong giai đoạn cảm lạnh hoặc sốt, nên hạn chế hoặc tránh sử dụng táo đỏ để không gây thêm áp lực cho cơ thể. Thay vào đó, hãy ưu tiên các loại thực phẩm có tính mát, giúp giải nhiệt và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Người bị sốt hoặc cảm lạnh không nên ăn táo đỏ. Ảnh: Adobe Stock
Phụ nữ mang thai
Một số thành phần trong táo đỏ có thể tương tác với thuốc hoặc gây ra các phản ứng không mong muốn ở một số người. Ví dụ, táo đỏ có tính ấm, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây nóng trong, táo bón, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thai kỳ khi hệ tiêu hóa của mẹ bầu thường nhạy cảm hơn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng táo đỏ có thể làm giảm huyết áp, do đó, những phụ nữ có huyết áp thấp cần thận trọng khi sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả mẹ và bé, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa táo đỏ vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Người đang dùng thuốc
Táo đỏ, dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cũng có khả năng tương tác với một số loại thuốc nhất định. Sự tương tác này có thể dẫn đến hai hệ quả chính: giảm tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị trở nên kém hiệu quả, hoặc ngược lại, tăng tác dụng của thuốc, dẫn đến nguy cơ quá liều và các tác dụng phụ không mong muốn.
Do đó, nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc kê đơn hay không kê đơn, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung táo đỏ vào chế độ ăn uống của mình.
Công dụng của táo đỏ khô đối với sức khỏe Táo đỏ khô được biết đến là loại thực phẩm rất tốt, dưới đây là những công dụng của táo đỏ khô đối với sức khỏe. Không những tốt cho sức khỏe mà táo đỏ khô còn là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Dưới đây là những công dụng của táo đỏ khô đối với sức khỏe....