Tăng trưởng năm 2013 chậm, nhà mạng lại “than thở” về OTT
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, năm 2013 tốc độ tăng trưởng của viễn thông chậm lại. Một phần trong những bước cản của viễn thông chính là dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet ( OTT).
Các dịch vụ OTT phổ biến ở Việt Nam như Viber, Zalo đang làm “xói mòn doanh thu” của nhà mạng. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Xói mòn doanh thu
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hùng cho hay năm 2013, Viettel cũng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra, doanh thu ước thực hiện được 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 15,2% so năm 2012.
Ông Hùng nhận định, đây là năm thứ ba liên tiếp tốc độ tăng trưởng viễn thông chậm lại, sự tăng trưởng trong năm 2013 của Viettel chậm hơn khoảng 2-3 lần so với những năm trước.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ( VNPT) Trần Mạnh Hùng, doanh thu tập đoàn này đạt 119.000 tỷ đồng, bằng 102,53% so với 2012.
Lợi nhuận trong năm 2013 của VNPT tăng 4.000 tỷ đồng so với năm 2012. Tuy nhiên, trong đó có 1.000 tỷ đồng là do tiết kiệm, 500 tỷ đồng là điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với việc hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong VNPT, 1.500 tỷ đồng lãi từ dịch vụ di động…
Bản thân “gà đẻ trứng vàng” trong tổng doanh thu của VNPT trong năm 2013 là lĩnh vực viễn thông di động cũng gặp rất nhiều khó khăn. VinaPhone có tốc độ tăng trưởng 8% trong khi doanh thu của MobiFone không đáng kể.
Cuộc cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường viễn thông đã “cướp” đi của tập đoàn này 11,3 triệu thuê bao điện thoại. Trong đó, thuê bao cố định là 500.000, thuê bao di động là 10,8 triệu. Tổng số thuê bao điện thoại (phát sinh cước) trên mạng đến cuối năm 2013 đạt 40,4 triệu thuê bao và chỉ bằng 78% so với cuối năm 2012.
Video đang HOT
Trong khi đó, Viettel có tăng trưởng về thuê bao di động, song cũng chỉ đạt được 1,61 triệu thuê bao. Còn điện thoại cố định giảm 273.300 thuê bao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, doanh thu của Viettel tăng trưởng chậm lại chính là bởi sự khó khăn của nền kinh tế, bão hòa của dịch vụ điện thoại di động, suy giảm của điện thoại cố định. Một trong những vật cản lớn chính là sự phát triển của các dịch vụ mới, trong đó có OTT đang làm xói mòn doanh thu của nhà mạng.
Hợp tác?
Trên thực tế, trong năm 2013, câu chuyện giữa OTT và nhà mạng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Điều này khiến Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải ra Chỉ thị, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và OTT phải nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Viễn thông cần nghiên cứu tình hình phát triển công nghệ, dịch vụ mới, đặc biệt là OTT để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ, hợp tác cùng có lợi giữa các doanh nghiệp.
Nhận định về tương lai, lãnh đạo Viettel cho rằng viễn thông đã đến lúc phải phải chuyển từ thoại, nhắn tin sang đến đa dạng các dịch vụ. Năm 2014, Viettel sẽ hướng tới việc dịch vụ thoại, nhắn tin chỉ còn chiếm 40% trong tổng doanh thu. Nhà mạng này sẽ chuyển từ di động sang di động băng rộng, đầu tư vào băng thông rộng cố định cáp quang, chuyển từ dịch vụ thoại sang data…
Trong công bố chiến lược của Viettel, ông Hùng cho biết các “ông lớn” viễn thông bắt buộc phải học một bài học hợp tác làm ăn với hàng nghìn “ông nhỏ” như OTT để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ bởi đó là lối thoát cho nhà mạng.
Tại Ngày Internet Việt Nam hồi đầu tháng 12/2013, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG (sở hữu OTT Zalo) nhận định, thị trường Internet đã đủ lớn để các doanh nghiệp nội dung, dịch vụ và hạ tầng “bắt tay,” thu hút cộng đồng người dùng Internet để từ đó chia sẻ doanh thu.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel thì cho biết, bản thân các nhà mạng cũng đang tìm kiếm những phương thức để có thể chung sống hòa bình với dịch vụ OTT. Việc hợp tác không nhất thiết là phải có những hình thái cụ thể như gói cước OTT chuyên dụng hay cùng hùn vốn quảng cáo cho một ứng dụng nào đó. Và, thực tế thì hai bên vẫn đang gặp gỡ để bàn về hình thức hợp tác mới…
Nhưng, đến bao giờ để một hợp tác được ký kết, đem lại giá trị cho người dùng, lợi ích cho doanh nghiệp thì có lẽ vẫn còn phải đợi…/.
Theo Vietnamplus
"Không cấm, nhưng OTT phải có trách nhiệm!"
Việc nhiều người dùng Viber, WhatsApp bị dội bom tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác thời gian gần đây khiến cho câu hỏi về việc phải quản lý các ứng dụng OTT như thế nào trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một chuyên gia về bảo mật phân tích rằng, do đặc trưng của dịch vụ OTT luôn yêu cầu người dùng phải cung cấp hoặc cho dịch vụ tiếp cận với thông tin cá nhân trong máy, việc số điện thoại của họ trở thành mục tiêu "dội bom" tin nhắn rác cũng là chuyện tất yếu. Bên cạnh tin nhắn rác thì các cuộc gọi quảng cáo thông qua Viber cũng đã bắt đầu xuất hiện, gây nhiều phiền toái cho người dùng.
Mặc dù vậy, đại diện của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố quốc gia VNCERT chia sẻ với VietNamNet rằng phản ánh của người dùng về tin nhắn OTT rác chưa nhiều nên cơ quan này chưa xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đối phó. Tuy nhiên, mỗi một công nghệ, dịch vụ mới ra đời đều kéo theo những nguy cơ mới, những hệ lụy mới mà tin tặc có thể lợi dụng vào những mục đích xấu. Do đó, VNCERT đề nghị người dùng nhận diện những nguy cơ này và phản ánh về cho cơ quan quản lý để sớm có đối sách phù hợp.
Các nhà mạng thì cho rằng, tình trạng tin nhắn SMS rác qua mạng di động truyền thống còn khó triệt hạ vì vướng SIM rác, SIM kích hoạt trước và thuê bao trả trước, thì tin nhắn rác qua OTT càng khó quản lý gấp bội. Chưa có một khung pháp lý nào để quản lý các ứng dụng OTT, kéo theo việc không có chế tài để xử phạt những hành vi dội bom tin rác quảng cáo. Đây chính là một kẽ hở mà cơ quan quản lý rất cần lấp đầy khi xem xét tới câu chuyện OTT.
Không cấm, nhưng phải có trách nhiệm!
Sức nóng của cuộc chiến OTT đã lan đến bàn nghị sự của cơ quan quản lý, thậm chí còn là một trong những trọng tâm công tác của Bộ TT&TT trong năm 2014 như chính khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Sau khi lắng nghe tất cả những than vãn, phản ứng của nhà mạng cũng như tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp OTT và kinh nghiệm quốc tế, Bộ TT&TT đã thẳng thừng loại bỏ phương án "cấm đoán" đối với các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí.
Thay vào đó, Bộ đã lựa chọn một cách tiếp cận mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn và bám theo thị trường hơn, đó là cho phép các ứng dụng OTT tiếp tục hoạt động, miễn sao họ kinh doanh "có trách nhiệm" với nhà mạng và đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dùng.
Câu hỏi đặt ra, là phải hiểu khái niệm "có trách nhiệm" này như thế nào?
Đại diện Viettel chia sẻ rằng, mô hình hợp tác giữa nhà mạng và các doanh nghiệp OTT hiện vẫn đang ở giai đoạn rất sơ khai, tuy nhiên, quan điểm của nhà mạng là cố gắng cởi mở, tìm kiếm mọi cơ hội có thể. Đối với phương án quản lý tối ưu đối với các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí, nhà mạng này kiến nghị Bộ nên quản lý theo những góc độ như bảo vệ người dùng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, ông Dũng cho rằng hiện thông tin về OTT đang bị lạm dụng khi các ứng dụng cứ mạnh ai nấy quảng cáo, không theo bất cứ một lề lối kinh doanh nào và cũng không có ai kiểm chứng. Các ứng dụng nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam rất nhiều nhưng chúng ta lại chưa có quy định về đặt máy chủ, về cấp phép, về thuế suất... do đó, môi trường kinh doanh đang chưa có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước với quốc tế, cũng như giữa doanh nghiệp OTT với nhà cung cấp hạ tầng.
Chính vì vậy, đã có nhà mạng ấm ức kêu rằng doanh nghiệp OTT chỉ coi mình như "đại lý", một kênh bán hàng, khi họ chỉ muốn tiếp tục duy trì miễn phí tin nhắn và nhà mạng chỉ được phép thu phí/ăn chia doanh thu đối với những ứng dụng/nội dung bán được trên tin nhắn.
Vốn quen với vị thế ông lớn, kèo trên nên các nhà mạng hiển nhiên không chấp nhận được hình thái này. Họ cho rằng, hợp tác phải theo kiểu liên kết hữu cơ, hai bên cùng "win". Nếu đơn vị OTT chỉ coi nhà mạng như người thu tiền hộ thì đó không phải là hình thức hợp tác mang lại giá trị, tôn trọng lẫn nhau. "Các dịch vụ OTT hiện đã phát triển quá đa dạng nên nhà mạng không thể cản được. Chỉ mong cơ quan quản lý tạo ra một sân chơi bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi cho người dùng".
Theo kế hoạch, Cục Viễn thông sẽ phải trình được phương án quản lý ứng dụng OTT lên Bộ trong quý I/2014. Từ nay cho tới khi đó, Bộ vẫn khuyến nghị các nhà mạng chủ động nghiên cứu, thử nghiệm mô hình hợp tác cùng doanh nghiệp OTT, thí dụ như tung ra các gói cước liên kết với những dịch vụ OTT ăn khách.
Gói cước OTT - chắc gì không ế?
Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng thành công của gói cước OTT này. Ông Dũng cho rằng trên thực tế, giải pháp này không hấp dẫn như người ta tưởng. "Nếu một gói cước yêu cầu phải đóng từng này tiền chỉ để dùng Viber thì chưa chắc bạn đã đăng ký. Tương tự, nếu bạn đang dùng 5 dịch vụ nhắn tin, gọi điện khác nhau thì sẽ phải đăng ký tới 5 gói cước khác nhau, chắc chắn là tốn nhiều tiền và phiền toái hơn hẳn so với chỉ đăng ký một gói Max", đại diện Viettel phân tích. Bản thân nhà mạng của quân đội cũng đang triển khai gói cước BlackBerry nhưng số lượng thuê bao rất ít, chỉ khoảng hơn chục nghìn người sử dụng.
"Nhà mạng phục vụ khách hàng nhưng cũng cần cân đối các lợi ích. Anh bày ra cả trăm gói cước mà người dùng chỉ chọn 1,2 gói thì hiệu quả ở đâu?", ông Dũng nêu vấn đề. Rõ ràng, trong câu chuyện OTT, tất cả các bên đều vẫn đang tìm kiếm cách thức kinh doanh tối ưu nhất. Gói cước OTT, theo ông Dũng, không phải là một phát kiến quá đặc biệt, cũng không đem lại lợi ích nào quá đặc biệt cho người dùng. Bản chất của chúng vẫn là nhà mạng cho người dùng một data và data đấy sử dụng dịch vụ OTT mà thôi. Nếu gói cước chỉ có vài nghìn thuê bao thì chẳng giải quyết được gì. Nói cách khác, phương án kinh doanh nào cũng phải đi vào thực chất.
Rõ ràng, với rất nhiều vấn đề được đặt ra về quản lý, về nguy cơ tiềm ẩn, về mô hình hợp tác, câu chuyện OTT và nhà mạng chắc chắn sẽ còn khiến báo giới tốn nhiều giấy mực trong năm 2014.
Theo Vietnamnet
Đại gia viễn thông than thở chuyện làm ăn Mặc dù đều đạt doanh thu và lợi nhuận vượt 100% kế hoạch, nhưng lãnh đạo các nhà mạng lớn cho rằng, kinh doanh viễn thông đang ngày càng khó. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc tăng trưởng thuê bao và tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại. 2013 có thể được coi là năm Tập đoàn Bưu chính...